Đền Đức Mẹ Fatima toàn thế giới cầu nguyện cho nước Nga thay đổi; Đức Hồng Y đặc sứ của ĐTC sẽ tiến sâu hơn vào Ukraine; Giáo hội Hàn Quốc cầu nguyện và quyên góp viện trợ cho Ukraine; Hội thảo chuyên đề về tiến trình công nghị ở Châu Phi là những nội dung đáng chú ý.
Đền Đức Mẹ Fatima toàn thế giới cầu nguyện cho nước Nga thay đổi
Cha Andrzej Draws, cha xứ tại Đền Đức Mẹ Fatima ở miền ở Krisovychi, miền tây Ukraine, đã kêu gọi tất cả các đền Đức Mẹ Fatima trên thế giới dành ngày Chúa nhật, ngày 13/3, để cầu nguyện cho sự biến đổi của nước Nga.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Đức Giám mục theo Nghi lễ Latinh của Ukraine xin Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô dâng Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Trong lần hiện ra tại Fatima năm 1917, Đức Maria đã tiết lộ ba bí mật. Ngoài việc tỏ hiện cho 3 trẻ nhỏ về hỏa ngục, bí mật thứ hai chính là bí mật tiên tri.
Bí mật thứ hai tiết lộ rằng Thế chiến I sẽ kết thúc. Nếu con người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, Thế chiến II sẽ nổ ra dưới triều đại Đức Piô XI.
Để tránh tai họa chiến tranh, Đức Mẹ đề nghị hãy thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên toàn thế giới và dâng nước Nga cho Mẹ. Đây vốn là điều mà ĐTC Gioan Phaolo II đã làm vào tháng 3 năm 1984.
Đức Hồng Y đặc sứ của ĐTC sẽ tiến sâu hơn vào Ukraine
Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Quan Phát Chẩn chuyên lo việc bác ái, cho biết ngài sẽ rời Lviv, miền tây Ukraine, để đi xa hơn về phía đông. Ngài được ĐTC Phanxicô cử đến Ukraine với tư cách là đặc sứ của Đức Giáo hoàng.
Sau khi dừng chân tại Ba Lan, Đức Hồng Y Krajewski đã đến Lviv, một thành phố miền tây Ukraine. Ngài đã giúp chi trả nhiên liệu và hỗ trợ các đội cứu trợ vận chuyển hàng lên xe tải đi khắp đất nước.
Vào sáng thứ Năm, ngày 10/3, vị Hồng y 58 tuổi đã tham dự một buổi lễ cầu nguyện đại kết cho hòa bình tại một nhà thờ chính tòa ở Lviv. Trao đổi với báo giới, ngài cho biết sẽ đi “xa nhất có thể” hướng đề thủ đô Kyiv phía đông Ukraine. Ngài còn khẳng định rằng đức tin có thể dời non lấp bể chứ chưa nói đến một cuộc chiến phi lý.
Trong buổi Kinh Truyền Tin ngày 6/3, ĐTC Phanxicô thông báo rằng ngài sẽ cử Đức Hồng Y Konrad Krajewski và Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đến Ukraine.
Đức Hồng Y Czerny dành 3 ngày tại biên giới Ukraine – Hungary để gặp người tị nạn Ukraine. Ngài đã trở về Roma ngày 11/3.
Giáo hội Hàn Quốc cầu nguyện và quyên góp viện trợ cho Ukraine
Đức Tổng Giám mục Phêrô Chung Soon-Taick, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Seoul và Giám quản Tông Tòa Bình Nhưỡng, đã gửi một bức thư tới Giáo hội Ukraine. Lá thư gửi gắm lòng nhiệt thành khao khát hòa bình và thiện chí hỗ trợ, đoàn kết với người dân đau khổ.
Bức thư do Văn phòng Truyền thông Tổng Giáo phận Seoul gửi tới Fides bày tỏ lo ngại trước tình hình hiện tại ở Ukraine. Đặc biệt, Đức cha Phêrô còn viết rằng ngài rất đau lòng khi chứng kiến những đứa trẻ sợ hãi nơi các ga tàu điện ngầm.
Đức Tổng Giám mục Phêrô Chung kêu gọi toàn thể giáo dân Seoul hưởng ứng theo lời mời gọi của ĐTC Phanxicô bằng cách thúc đẩy các sáng kiến địa phương về ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình, đồng thời giao phó người dân Ukraine cho Đức Trinh Nữ Maria.
Đức Hồng Y Anrê Soo-jung Yeom, Tổng Giám mục Danh dự của Seoul, cũng bày tỏ sự quan tâm của ngài với người dân Ukraine. Ngài cũng cho biết khoản quyên góp 50.000 USD sẽ được chuyển tới Giáo hội Ukraine trong thời gian sớm nhất.
Hội thảo chuyên đề về tiến trình công nghị ở Châu Phi
Hội thảo chuyên đề Thần học về Hiệp hành đã được tổ chức từ ngày 9-11/3 tại Nairobi, Kenya. Hội thảo phản ánh và đề xuất tầm nhìn về tính hiệp hành dựa trên đặc tính và chiều kích của tiến trình đồng nghị từ quan điểm của người châu Phi.
Hội thảo chuyên đề quy tụ người Công giáo châu Phi được tổ chức nhằm phản ánh những mối quan tâm và thách thức của tín hữu châu Phi, trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2023.
Được tổ chức bởi Tổ chức Sáng kiến Cộng đồng Châu Phi (ASI) phối hợp với Hiệp hội các HĐGM Đông Phi (AMECEA), sự kiện kéo dài 3 ngày quy tụ các nhà thần học, chuyên gia và học giả từ khắp nơi đến chia sẻ kinh nghiệm về những đặc tính và thách thức của châu Phi.
Sáng kiến này nằm trong tiến trình kéo dài hai năm mà ĐTC Phanxicô khởi xướng vào tháng 10/2021 với chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: