Truyền thống rửa tội trẻ em tại Vatican trong Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa; Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân Kazakhstan; Đức Hồng Y kêu gọi hòa bình và tha thứ ở Ethiopia; Dòng Thừa sai Bác ái tại Ấn Độ tiếp tục được nhận việc trợ quốc tế là những nội dung đáng chú ý.
Truyền thống rửa tội trẻ em tại Vatican trong Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
16 em bé được lãnh nhận Bí tích Rửa tội tại nhà nguyện Sistine ở Vatican trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây là một truyền thống tồn tại 40 năm do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập.
Sáng ngày 9/1, ĐTC Phanxicô đã cử hành Bí tích Rửa tội cho 16 trẻ sơ sinh là con của nhân viên Tòa Thánh và Giáo triều Roma. Trong 40 năm qua, đã có hàng trăm trẻ em đã bước vào đời sống của một Kitô hữu tại một nơi mà sự thánh khiết và vẻ đẹp của cung cảnh nhà nguyện Sistine hòa làm một.
Truyền thống này đã được ĐTC Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày 11/1/1981. Ban đầu, việc cử hành Bí tích Rửa tội được diễn ra tại Nhà nguyện Pauline của Điện Tông Tòa. Kể từ năm 1983, nghi thức này được cử hành tại Nhà nguyện Sistine gần đó.
Ban đầu, lễ rửa tội chỉ dành cho con của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ. Sau này, con cái của nhân viên tại Tòa Thánh và Giáo triều Roma cũng được lãnh nhận Bí tích Rửa tội tại Nhà nguyện Sistine.
Đọc thêm: Truyền thống rửa tội cho trẻ sơ sinh trong Nhà nguyện Sistine
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân Kazakhstan
Sau buổi Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã hướng sự quan tâm đến các nạn nhân của cuộc biểu tình ở Kazkhstan. Ngài bày tỏ sự đau buồn khi nghe tin nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản ứng lại việc tăng giá nhiên liệu ở Kazakhstan.
Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình họ”. ĐTC Phanxicô cũng bày tỏ hy vọng rằng sự hài hòa xã hội có thể được phục hồi thông qua đối thoại và công lý.
ĐTC kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng việc trao phó tất cả người dân Kazakhstan trong tay Đức Maria – Nữ Vương Hòa Bình.
Các cuộc biểu tình nổ ra từ việc giá nhiên liệu gia tăng và phản ánh sự bất bình ngày càng gia tăng của người dân đối với chính phủ và cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, người được cho là vẫn còn có ảnh hưởng đáng kể. Theo thông tin của Bộ Nội vụ nước này, hơn 50 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ và hơn 4.000 người bị giam giữ.
Đức Hồng Y kêu gọi hòa bình và tha thứ ở Ethiopia
Khi Ethiopia tiếp tục đối mặt với chiến tranh dẫn đến khủng hoảng nhân đạo, Đức Hồng Y Berhaneyesus Souraphiel, Chủ tịch HĐGM Ethiopia, kêu gọi người dân nước này tránh xa hiềm khích và thù hận, thứ đang cản trở hòa bình của đất nước.
Trong thông điệp Giáng Sinh mà Giáo hội Đông Phương cử hành ngày 7/1, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo Ethiopia kêu gọi các tín hữu tránh xa sự dữ và cầu xin Thiên Chúa ban “món quà của sự tha thứ và hòa bình” thông qua lời cầu nguyện.
Để vượt qua sự kiêu ngạo và thù hận, Đức Hồng Y của Ethiopia nhấn mạnh rằng cần có sự khiêm tốn, dịu dàng và kiên nhẫn. Chỉ bằng cách này, người dân Ethiopia mới có thể thực sự yêu thương nhau.
HĐGM Ethiopia gần đây đã thông báo sẽ quyên góp 2 triệu USD với sự hỗ trợ từ các công sự của Giáo hội, các tổ chức Công giáo địa phương và các tín hữu. Số tiền này dùng để hỗ trợ những người đang chịu đựng hậu quả của chiến tranh. Theo Vatican News, hơn 2 triệu người đã phải di dời để tránh các cuộc nội chiến và nạn đói trong khu vực.
Dòng Thừa sai Bác ái tại Ấn Độ tiếp tục được nhận việc trợ quốc tế
Dòng Thừa sai Bác ái ở Ấn Độ đã được phép tiếp tục nhận viện trợ nước ngoài, sau khi bất ngờ nhận phán quyết không đủ điều kiện nhận các khoản đóng góp hồi cuối năm 2021.
Vatican News đưa tin ngày 08/01, chính phủ Ấn Độ đã khôi phục giấy phép Đạo luật Quy định Đóng góp Nước ngoài (FCRA), cho phép dòng Thừa sai Bác ái tiếp tục nhận hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài.
Vào ngày Giáng Sinh, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ra phán quyết rằng Hội dòng không đủ điều kiện nhận các khoản đóng góp từ nước ngoài, nhưng không đưa ra lời giải thích lý do đầy đủ. Thông tin mới nhất này như một sự giải tỏa lo lắng kéo dài trong những ngày qua.
Những vấn đề pháp lý này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị, xã hội và tôn giáo, cũng như các vấn đề với chủ nghĩa cực đoan chống Kitô giáo ở nhiều khu vực.
Theo CNA, các khoản đóng góp nước ngoài cho các sơ dòng Thừa sai Bác ái lên tới hơn 13 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021. Cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng giáo phận Calcutta, gọi quyết định ban đầu là một món quà “tàn nhẫn” đối với những người nghèo nhất trong xã hội. Cha cho biết có 22.000 người phụ thuộc trực tiếp vào các khoản việc trợ được các sơ Dòng Thừa sai Bác ái trên khắp Ấn Độ cung cấp.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: