Tiếp kiến chung: Tuổi già có thể là thời gian của sức sống thiêng liêng

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30/3/2022, tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, Đức Thánh Cha giải thích cách thế mà ông Simeon và bà Anna là gương mẫu cho tuổi già. Lý do sống của họ là chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm Dân của Người và họ đã trung thành chờ đợi Đấng Cứu Thế trong cầu nguyện và phục vụ. Cuối đời, cả hai đều biết nhận ra nơi Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, nguồn bình an và an ủi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ông Simeon và bà Anna được kêu gọi đưa ra chứng tá cá nhân về đức tin và sự tin tưởng vào việc Thiên Chúa hoàn thành các lời hứa của Người, và do đó xây dựng cầu nối giữa các thế hệ. Họ dạy chúng ta rằng lòng trung thành chờ đợi Thiên Chúa sẽ tinh luyện các giác quan của tâm hồn và khiến chúng ta nhạy cảm hơn để nhận ra các dấu hiệu của Thiên Chúa. Đây là những gì chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần trong bài thánh ca cổ Veni Creator Spiritus.

Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng xã hội của chúng ta rất cần những người lớn tuổi có khả năng nhận biết và chào đón sự hiện diện của Chúa Kitô cũng như các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trong một xã hội đề cao khoái cảm của các giác quan thể xác và nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh cửu có thể dễ dàng trở nên tê liệt với các giá trị tinh thần thiết yếu của đức tin và sự khôn ngoan, thì sẽ có nguy cơ vô cảm trước người đau khổ và yếu đuối mong manh, và do đó, bỏ rơi những người lớn tuổi, những người đang mất dần sức mạnh tuổi trẻ của họ. Vì vậy, đối thoại giữa các thế hệ là rất quan trọng để người cao tuổi truyền trí tuệ của mình cho lớp trẻ, lớp trẻ lắng nghe người già, phát huy tinh thần huynh đệ và “hòa đồng xã hội”.

Cuộc sống và chứng tá của những người cao tuổi có thể đảm bảo nền tảng tinh thần này và dạy chúng ta tầm quan trọng hàng đầu của việc nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và việc Người triển khai kế hoạch cứu độ của Người từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Trung thành chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong loạt bài giáo lý về chủ đề tuổi già, hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào bức tranh dịu dàng được thực hiện bởi thánh sử Luca. Thánh sử mô tả hai nhân vật cao tuổi, ông cụ Simeon và bà cụ Anna. Lý do sống của họ, trước khi rời khỏi thế giới này, là chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm. Họ chờ đợi Thiên Chúa đến thăm viếng họ, nghĩa là Chúa Giêsu. Được Chúa Thánh Thần báo trước, ông Simeon biết rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Bà Anna đến đền thờ mỗi ngày và hết lòng thờ phượng Thiên Chúa. Cả hai người đều nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hài nhi Giêsu, Đấng lấp đầy sự chờ đợi bấy lâu của họ bằng niềm an ủi và trấn an họ khi họ từ biệt cuộc đời.

Chúng ta có thể học được gì từ hai nhân vật cao tuổi tràn đầy sức sống thiêng liêng này?

Sự trung thành chờ đợi Chúa giúp các giác quan trở nên nhậy bén

Đầu tiên, chúng ta biết rằng sự trung thành của việc chờ đợi sẽ làm cho các giác quan trở nên sắc bén. Ngoài ra, như chúng ta biết, Chúa Thánh Thần thực hiện chính điều này: soi sáng các giác quan. Trong bài thánh ca cổ, Veni Creator Spiritus – Lạy Thần Khí sáng tạo xin hãy đến – mà chúng ta vẫn tiếp tục cầu khẩn Chúa Thánh Thần cho đến ngày nay, chúng ta hát: “Accende lumen sensibus”, “Xin soi sáng các giác quan”. Chúa Thánh Linh có khả năng làm điều này: mài giũa các giác quan của linh hồn, bất chấp giới hạn và vết thương của các giác quan của cơ thể.

Tuổi già làm giảm khả năng cảm nhận của cơ thể, bằng cách này hay cách khác; người thì mắt mờ hơn, người thì tai nặng hơn… Tuy nhiên, một tuổi già trôi qua trong sự chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm sẽ không bỏ lỡ bước đi của Người; ngược lại, sẽ càng sẵn sàng để nắm bắt nó, sẽ nhạy cảm hơn để đón tiếp Chúa khi Người đi qua. Chúng ta hãy nhớ rằng thái độ của Kitô hữu là chú ý đến những lần Chúa viếng thăm, bởi vì Người đi qua, trong cuộc sống của chúng ta, với sự linh hứng, với lời mời gọi trở nên tốt hơn. Và thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ Thiên Chúa khi Người đi qua… Tôi sợ mình không nhận ra Người và để Người đi vụt qua.” Và chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị các giác quan để hiểu khi Chúa sắp viếng thăm chúng ta, như Người đã thực hiện với ông Simeon và bà Anna.

Một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động

Đức Thánh Cha nói tiếp: Ngày nay chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết: chúng ta cần một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động và có khả năng nhận biết các dấu chỉ của Thiên Chúa, hay đúng hơn là Dấu chỉ của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu. Một dấu chỉ thách đố chúng ta: Chúa Giêsu luôn là một thách đố đối với chúng ta bởi vì Người là “một dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34) – nhưng làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Bởi vì khủng hoảng không luôn khiến chúng ta sầu buồn: gặp khủng hoảng khi phụng thờ Thiên Chúa mang lại cho chúng ta sự bình an và niềm hân hoan. 

Sự tê liệt của các giác quan thiêng liêng – đây là điều tồi tệ – trong sự phấn khích và choáng váng của các giác quan của cơ thể, là một hội chứng phổ biến trong một xã hội nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh cửu, và đặc điểm nguy hiểm nhất của nó nằm ở chỗ hầu như người ta không nhận thức được điều này. Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đang bị mất cảm giác. Các giác quan bị tê liệt, không hiểu điều gì xảy ra; các giác quan nội tâm, các giác quan của Chúa Thánh Thần để hiểu sự hiện diện của Thiên Chúa hay sự hiện diện của sự ác. Khi các giác quan bị tê liệt thì không phân biệt được.

Tâm hồn mất cảm giác 

Khi bạn mất xúc giác hoặc vị giác, bạn nhận ra ngay lập tức. Nhưng khi bạn mất cảm giác của tâm hồn, bạn có thể không nhận ra điều đó trong một thời gian dài, bạn sống mà không nhận ra mình đã mất cảm giác của tâm hồn. Nó không chỉ đơn giản là việc nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo. Sự vô cảm của các giác quan thiêng liêng liên quan đến lòng trắc ẩn và thương xót, sự xấu hổ và hối hận, lòng trung thành và sự tận tâm, sự dịu dàng và danh dự, trách nhiệm đối với bản thân và người khác. Các giác quan tâm linh bị tê liệt làm lẫn lộn mọi thứ và người ta không cảm nhận được, về mặt tâm linh, những thứ như vậy. Có thể nói, tuổi già trở thành nạn nhân đầu tiên của việc mất khả năng cảm nhận này. Trong một xã hội chủ yếu sử dụng khả năng cảm thụ để hưởng thụ, chắc chắn người ta ít quan tâm đến những người yếu đuối, và sự cạnh tranh của những kẻ hùng mạnh chiếm ưu thế. Và như thế chúng ta đánh mất sự nhạy cảm. Chắc chắn, sự hùng biện về sự hòa nhập là công thức nghi lễ của mọi diễn văn đúng đắn về mặt chính trị. Nhưng nó vẫn không đem lại sự điều chỉnh thực sự đối với các thực hành của cuộc sống chung bình thường: một nền văn hóa của sự dịu dàng xã hội đang cố gắng để phát triển. Tinh thần tình huynh đệ của con người – điều tôi cảm thấy cần phải khởi động lại một cách mạnh mẽ – giống như một tấm áo bị bỏ đi, được ngưỡng mộ, nhưng… trong một viện bảo tàng.

Đúng thực là, trong cuộc sống thực, chúng ta có thể quan sát thấy, với lòng biết ơn cảm động, nhiều người trẻ có khả năng tôn vinh tình huynh đệ này một cách trọn vẹn nhất. Nhưng vấn đề chính là ở đây: có một khoảng cách, một khoảng cách đáng xấu hổ, giữa chứng tá đầy nhựa sống về sự dịu dàng xã hội này và lối sống xu thời đòi hỏi tuổi trẻ phải thể hiện mình theo một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách này?

Chấp nhận là nhân chứng

Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận xét: Từ câu chuyện của ông Simeon và bà Anna, cũng như những câu chuyện khác trong Kinh Thánh về tuổi già nhạy cảm với Chúa Thánh Thần, có một dấu hiệu ẩn dấu đáng được đưa lên hàng đầu. Cách cụ thể, mặc khải khơi dậy sự nhạy cảm của ông Simeon và bà Anna bao gồm điều gì? Nó bao gồm việc nhận ra nơi đứa trẻ họ không sinh ra và lần đầu tiên nhìn thấy dấu hiệu chắc chắn về sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ chấp nhận không là nhân vật chính, nhưng chỉ là nhân chứng

Chỉ tuổi già thiêng liêng mới có thể đưa ra chứng tá này, khiêm tốn và chói lọi, làm cho nó trở nên đáng tin và gương mẫu cho tất cả mọi người. Tuổi già đã hun đúc nên sự nhạy cảm của tâm hồn, dập tắt mọi đố kỵ giữa các thế hệ, mọi oán hận, mọi phản kháng về một cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa trong thế hệ mai sau, điều xảy ra khi họ qua đời. Sự nhạy cảm thiêng liêng của tuổi già có khả năng đánh bại sự cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ, theo cách đáng tin cậy và dứt khoát. Điều không thể đối với con người, nhưng có thể đối với Thiên Chúa. Và chúng ta cần điều này rất nhiều ngày nay!

Vào cuối buổi tiếp kiến, một lần nữa Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi ngừng chiến ở Ucraina khi chào các trẻ em được đón tiếp bởi Tổ chức “Giúp các em sống”, bởi Hiệp hội “Puer” và bởi Đại sứ quán Ucraina cạnh Tòa thánh.

Đức Thánh Cha nói: “Với lời chào này dành cho trẻ em, chúng ta cũng trở lại suy nghĩ về sự quái dị này của chiến tranh và chúng ta canh tân lời cầu nguyện của mình để ngăn chặn sự tàn ác man rợ này là chiến tranh.”

“Trong chặng cuối cùng của hành trình Mùa Chay chúng ta hãy nhìn lên Thập giá của Chúa Kitô, biểu hiện cao nhất của tình yêu Thiên Chúa, và chúng ta hãy cố gắng luôn gần gũi với những người đau khổ, với những người cô đơn, người yếu thế đang chịu bạo lực và không có người bênh vực họ.”

Hồng Thủy – Vatican News