Tiếp kiến chung ngày 06/9: Hãy là ngôi nhà thương xót cho tha nhân

Trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô vào sáng thứ Tư, ngày 06/9/2023, chia sẻ về chuyến viếng thăm Mông Cổ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy mở rộng lòng, hãy ngước nhìn lên cao, hướng đến sự thiện, để nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác, trong các nền văn hóa khác và của các dân tộc khác, để có thể cùng nhau đóng góp xây dựng tương lai chung. Ngài mời gọi các tín hữu trở thành ngôi nhà thương xót, nơi mở rộng và đón tiếp những người khốn khổ.

Chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô một số suy tư về chuyến viếng thăm Mông Cổ, nơi ngài gặp thấy một dân tộc có lịch sử phong phú và truyền thống tuyệt vời, Đức Thánh Cha nói rằng tại Mông Cổ, ngài đã khẳng định sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn vẻ bề ngoài mà nhìn sâu vào tâm hồn, qua công việc khiêm tốn của Giáo hội. Sự dấn thân và lòng nhiệt thành tông đồ của các nhà truyền giáo, những người đã mở rộng biên giới của một tổ chức bác ái bằng cách đối thoại, hội nhập văn hóa và tận dụng mọi điều tốt đẹp tìm thấy trong các nền văn hóa, tiếp tục làm chứng cho đức tin và sự hiện diện của một Thiên Chúa gần gũi và nhân hậu.

Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy mở rộng lòng, hãy ngước nhìn lên cao, để nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác, trong các nền văn hóa khác và của các dân tộc khác, để có thể cùng nhau đóng góp xây dựng tương lai chung. Ngài mời gọi các tín hữu trở thành ngôi nhà thương xót, nơi mở rộng và đón tiếp những người khốn khổ.

Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, các tín hữu cùng nghe đoạn sách ngôn sứ Samuel quyển thứ nhất (16,6-7):

Vào lúc ấy, ngôn sứ Samuen thấy Êliáp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây!” Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Samuen: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.”

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm thứ Hai tôi trở về từ Mông Cổ. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người đã đồng hành cùng chuyến viếng thăm của tôi bằng những lời cầu nguyện và xin nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với Chính quyền, những người đã đón tiếp tôi cách trang trọng: đặc biệt là ông Tổng thống Khürelsükh, cũng như cựu Tổng thống Enkhbayar, người đã chính thức mời tôi đến thăm đất nước. Tôi nghĩ lại về Giáo hội địa phương và về người dân Mông Cổ với niềm vui: một dân tộc cao quý và khôn ngoan, dân tộc đã bày tỏ với tôi sự thân ái và yêu mến. Hôm nay tôi muốn đưa anh chị em đến trung tâm của cuộc hành trình này.

Thiên Chúa tìm kiếm tâm hồn đơn sơ

Người ta có thể hỏi: tại sao Đức Thánh Cha lại đi thật xa để đến thăm một đoàn chiên tín hữu ít ỏi? Bởi vì chính ở đó, cách xa ánh đèn sân khấu, chúng ta thường tìm thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn vẻ bề ngoài mà nhìn vào tấm lòng, như chúng ta vừa nghe trong đoạn sách ngôn sứ Samuen (xem 1 Sm 16,7). Chúa không tìm kiếm trung tâm của sân khấu, nhưng tìm kiếm tâm hồn đơn sơ của những ai khao khát và yêu mến Người mà không phô trương, không muốn vượt lên trên người khác. Và tôi đã có đặc ân được gặp gỡ ở Mông Cổ một Giáo hội khiêm tốn và vui tươi, ở trong trái tim của Thiên Chúa, và tôi có thể làm chứng cho anh chị em niềm vui của họ khi được ở trung tâm của Giáo hội trong một vài ngày.

Giáo hội làm chứng cho tình yêu của Chúa Giê-su bằng sự hiền lành

Cộng đoàn đó có một câu chuyện cảm động. Nó nảy sinh, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, từ lòng nhiệt thành tông đồ – điều mà chúng ta đang suy từ vào thời gian này – của một số nhà truyền giáo, những người say mê Tin Mừng, cách đây khoảng ba mươi năm, đã đến đất nước mà họ chưa hề biết. Họ đã học ngôn ngữ và, mặc dù đến từ các quốc gia khác nhau, họ đã mang lại sức sống cho một cộng đồng hiệp nhất và thực sự Công giáo. Quả thực, đây chính là ý nghĩa của từ ngữ “công giáo”, có nghĩa là “phổ quát”. Nhưng ở đây không phải là tính phổ quát được đồng nhất hóa, mà là tính phổ quát hội nhập văn hóa. Đây là tính công giáo: một tính phổ quát nhập thể, đón nhận điều tốt đẹp ở nơi Giáo hội sống và phục vụ những người Giáo hội cùng chung sống. Đây là cách Giáo hội sống: làm chứng cho tình yêu của Chúa Giê-su bằng sự hiền lành, bằng việc sống trước khi nói, hạnh phúc với sự phong phú đích thực của Giáo hội: phục vụ Chúa và anh em.

Trở thành ngôi nhà thương xót

Đây là cách mà Giáo hội non trẻ đó đã được sinh ra: trong tinh thần bác ái, là chứng tá tốt nhất của đức tin. Kết thúc chuyến viếng thăm, tôi vui mừng làm phép và khánh thành “Ngôi nhà Thương Xót”, công trình bác ái đầu tiên được thiết lập ở Mông Cổ như một biểu hiện của tất cả các thành phần của Giáo hội địa phương. Một ngôi nhà vừa là danh hiệu của những Ki-tô hữu đó, nhưng nó cũng mời gọi mỗi người trong các cộng đoàn của chúng ta trở thành ngôi nhà thương xót: một nơi cởi mở và chào đón, nơi mỗi người có thể đi vào, với những nỗi khốn khổ của mình mà không xấu hổ, để gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta dậy và chữa lành.

Đây là chứng tá của Giáo hội Mông Cổ, với các nhà truyền giáo từ nhiều quốc gia khác nhau, những người đồng cảm với người dân, hạnh phúc phục vụ họ và khám phá những vẻ đẹp đã có ở đó. Bởi vì những nhà truyền giáo này không đến đó để chiêu dụ tín đồ, điều không phải là truyền giáo; họ đến đó để sống như người Mông Cổ, nói ngôn ngữ của họ, để tiếp nhận những giá trị của dân tộc đó và rao giảng Tin Mừng theo phong cách Mông Cổ, bằng tiếng Mông Cổ. Họ đã ra đi và “được hội nhập văn hóa”: họ dùng văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đó.

Hướng nhìn lên cao, hướng đến ánh sáng của sự thiện

Tôi cũng đã có thể khám phá điều gì đó về vẻ đẹp này, cũng bằng cách gặp gỡ một số người, lắng nghe những câu chuyện của họ, đánh giá cao việc tìm kiếm tôn giáo của họ. Về vấn đề này, tôi biết ơn cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết hôm Chúa Nhật. Mông Cổ có một truyền thống Phật giáo vĩ đại, với nhiều người sống tôn giáo của mình một cách chân thành và triệt để, trong âm thầm, thông qua lòng vị tha và làm chủ đam mê của chính mình. Hãy nghĩ đến biết bao hạt giống tốt lành ẩn giấu đã làm cho khu vườn thế giới nở hoa, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy tiếng cây đổ! Và đây là điều người ta thích; cả chúng ta cũng thích điều gây ồn ào…

Điều quyết định là có khả năng phân định và nhận ra điều tốt. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ đánh giá cao người khác khi họ phù hợp với ý tưởng của chúng ta. Vì thế, điều quan trọng, như dân tộc Mông Cổ làm, là hướng cái nhìn của chúng ta lên cao, hướng về ánh sáng của sự thiện. Chỉ bằng cách này, bắt đầu từ việc nhìn nhận những điều tốt đẹp, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai chung; chỉ bằng cách coi trọng người khác, chúng ta mới có thể giúp họ tiến bộ.

Chúng ta cần mở rộng trái tim để hiểu biết, để gần gũi với mọi người và mọi nền văn minh

Tôi đã đến trung tâm của châu Á và điều đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Thật tốt khi bắt đầu đối thoại với châu lục vĩ đại này, nắm bắt được các thông điệp của nó, biết được sự khôn ngoan của nó, cách nhìn sự vật, cách đón nhận thời gian và không gian của nó. Thật tốt cho tôi khi được gặp những người Mông Cổ, những người gìn giữ cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người lớn tuổi và sống hòa hợp với môi trường: họ là một dân tộc nhìn ngắm bầu trời và cảm nhận được hơi thở của tạo hóa. Nghĩ đến sự rộng lớn vô biên và thinh lặng của Mông Cổ, chúng ta hãy để cho mình được đánh động bởi nhu cầu mở rộng tầm nhìn của chúng ta; xin hãy mở rộng giới hạn, nhìn rộng ra và nhìn lên cao, nhìn ngắm và đừng trở thành tù nhân của những điều nhỏ nhặt, hãy mở rộng tầm nhìn của chúng ta, để chúng ta có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và có khả năng mở rộng tầm nhìn cũng như mở rộng trái tim của con người. Chúng ta cần lớn lên, cần mở rộng trái tim để hiểu biết, để gần gũi với mọi người và mọi nền văn minh.

Nguồn: Vatican News 

Facebook

Twitter

Email

Print