Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội cần những trái tim như của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, những trái tim biết thu hút tình yêu và đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Ngài mời gọi các tín hữu cầu xin Thánh Têrêsa ơn yêu mến Chúa Giêsu như ngài đã yêu mến Người, dâng cho Chúa những thử thách và đau khổ của chúng ta, như ngài đã làm, để Chúa được mọi người biết đến và yêu mến. Hãy làm những việc nhỏ với trái tim vĩ đại.
Tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng say mê loan báo Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 7/6/2023, Đức Thánh Cha đã trình bày Thánh Têrêsa như là chứng nhân của lòng nhiệt thành tông đồ. Đức Thánh Cha cũng giới thiệu với các tín hữu hòm đựng thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng và của hai vị thân phụ ngài là Thánh Louis Martin và Zélie Guerin, cũng được đặt tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến để các tín hữu chiêm ngắm.
Thánh Têrêsa là một nữ tu Dòng kín Cát Minh; từ đan viện của mình, ngài đã đồng hành cùng một số nhà truyền giáo như là một “người chị/ người em thiêng liêng”, bằng lời cầu nguyện và những lá thư mà ngài gửi cho họ. Theo gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, ngài chuyển cầu cho mọi người, nhất là cho những người ở xa Chúa nhất.
Thánh Têrêsa đã lấy đâu ra sức mạnh truyền giáo và ước muốn lớn lao để chuyển cầu cho người khác? Đức Thánh Cha nói rằng động cơ, cho cả việc truyền giáo và lời cầu nguyện chuyển cầu của ngài, chính là lòng bác ái. Ngài giải thích rằng đây là lý do tại sao Thánh Têrêsa đã trở thành “vị thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo”; bởi vì các nhà truyền giáo không chỉ là những người mở đường, học ngôn ngữ mới, làm việc lành và rao giảng giỏi; nhưng là người dù bất cứ nơi đâu, luôn là chứng nhân và khí cụ của tình yêu Thiên Chúa.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trước mặt chúng ta đây là thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Được chiêm ngắm thánh tích thật là điều tốt khi chúng ta đang suy tư về lòng say mê rao giảng Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ. Vì thế, hôm nay chúng ta hãy để cho chứng từ của Thánh Têrêsa giúp đỡ chúng ta.
“Hoa hồng sẽ được mưa xuống trên mọi người”
Thánh Têrêsa là thánh bổn mạng của hoạt động truyền giáo, nhưng lại chưa bao giờ đi truyền giáo. Chúng ta giải thích điều này thế nào? Ngài là một nữ tu dòng Cát Minh và cuộc đời của ngài được đánh dấu bằng sự nhỏ bé và mong manh: chính ngài cũng tự nhận mình là “một hạt cát bé nhỏ”. Vì sức khỏe yếu, ngài qua đời ở tuổi 24. Nhưng nếu cơ thể ngài ốm yếu, trái tim ngài lại sôi nổi, có tinh thần truyền giáo. Trong “nhật ký” của mình, ngài nói rằng trở thành một nhà truyền giáo là mong ước của ngài và ngài muốn trở thành một nhà truyền giáo không chỉ trong vài năm mà là cả cuộc đời, thực sự là cho đến tận cùng của thế giới. Thánh Têrêsa là “người chị/ người em thiêng liêng” của một số nhà truyền giáo: từ đan viện, ngài đã gửi thư cho họ, cầu nguyện và không ngừng dâng những hy sinh cầu nguyện cho họ. Không hiện diện cách thể lý, nhưng ngài chuyển cầu cho sứ vụ truyền giáo, giống như một động cơ, mặc dù ẩn giấu bên trong, tiếp thêm sức mạnh cho chiếc xe tiến về phía trước. Tuy nhiên, ngài thường không được các nữ tu thấu hiểu: ngài nhận từ các chị em “những ngọn gai nhiều hơn hoa hồng”, nhưng ngài chấp nhận tất cả với tình yêu, với sự kiên nhẫn, dâng hiến, cùng với bệnh tật, cả những định kiến và hiểu lầm. Và ngài đã làm điều đó với niềm vui, vì những nhu cầu của Giáo hội, để như ngài nói, “hoa hồng sẽ được mưa xuống trên mọi người”, đặc biệt trên những người xa Chúa nhất.
“Làm cho Chúa Giêsu được yêu mến”
Bây giờ, tôi tự hỏi, chúng ta có thể tự hỏi, tất cả lòng nhiệt thành này, sức mạnh truyền giáo này và niềm vui cầu thay nguyện giúp xuất phát từ đâu? Hai câu chuyện xảy ra trước khi Thánh Têrêsa vào đan viện giúp chúng ta hiểu điều này. Câu chuyện đầu tiên liên quan đến ngày đã thay đổi cuộc đời ngài, đó là Giáng sinh năm 1886, khi Chúa thực hiện một phép lạ trong tâm hồn ngài. Têrêsa khi đó gần tròn 14 tuổi. Là con gái út nên được mọi người trong nhà cưng chiều. Sau khi tham dự Thánh lễ nửa đêm về, vì rất mệt, cha ngài không muốn xem con gái mở quà, và đã nói: “Thật may đây là năm cuối rồi!”, bởi vì khi đứa con đến 15 tuổi thì không có việc mở quà nữa. Têrêsa, với bản tính rất nhạy cảm và dễ khóc, đã cảm thấy rất buồn; ngài đi lên phòng và khóc. Nhưng rồi ngài vội kìm nén những giọt nước mắt, đi xuống nhà và trong lòng tràn ngập niềm vui, và chính ngài là người đã cổ vũ tinh thần cho cha mình. Chuyện gì đã xảy ra? Vào đêm đó, khi vì tình yêu, Chúa Giêsu đã trở nên yếu, thì tâm hồn thánh nữ đã trở nên mạnh mẽ: chỉ trong giây lát, ngài đã thoát ra khỏi ngục tù của lòng ích kỷ và tủi thân mặc cảm; ngài bắt đầu cảm thấy rằng “lòng bác ái đã đi vào trái tim ngài, và cần quên bản thân mình” (xem Manuscript A, 133-134). Từ đó trở đi, ngài hướng lòng nhiệt thành của mình đến người khác, để họ tìm thấy Thiên Chúa và thay vì tìm kiếm sự an ủi cho chính mình, ngài bắt đầu “an ủi Chúa Giêsu, [để] làm cho các linh hồn yêu mến Người”, bởi vì – như Thánh Têrêsa, Tiến sĩ Hội thánh ghi nhận – “Chúa Giêsu mắc bệnh yêu và […] căn bệnh tình yêu chỉ có thể được chữa lành bằng tình yêu» (Thư gửi Marie Guérin, tháng 7 năm 1890). Từ đó đây là chương trình mỗi ngày của ngài: “làm cho Chúa Giêsu được yêu mến” (Thư gửi Céline, ngày 15 tháng 10 năm 1889), chuyển cầu cho người khác. Ngài viết: “Tôi muốn cứu các linh hồn và quên mình vì họ: Tôi muốn cứu họ ngay cả sau khi tôi chết” (Thư gửi cha Roullan, 19 tháng 3 năm 1897). Ngài đã nhiều lần nói: “Tôi sẽ dành cả thiên đường của tôi để làm điều tốt trên trái đất”.
Chuyển cầu
Đức Thánh Cha kể câu chuyện thứ hai: Theo gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, lòng nhiệt thành này của ngài trước hết hướng đến những người tội lỗi, đến những người “xa cách Chúa”. Điều này được chứng tỏ trong câu chuyện thứ hai. Thánh Têrêsa biết về một tội phạm, Enrico Pranzini, bị kết án tử hình vì những tội ác khủng khiếp: bị kết tội giết hại dã man ba người và bị xử đưa lên máy chém; nhưng anh ta không muốn nhận được sự an ủi của đức tin. Thánh Têrêsa nhớ đến anh ta và làm tất cả những gì có thể: ngài cầu nguyện bằng mọi cách cho anh ta hoán cải, để anh ta, người mà với lòng trắc ẩn huynh đệ, ngài gọi là “Pranzini khốn khổ tội nghiệp”, có một dấu hiệu nhỏ của sự ăn năn và dành chỗ cho lòng thương xót của Chúa. Thánh Têrêsa hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Án tử hình đã diễn ra. Ngày hôm sau, Têrêsa đọc trên báo rằng Pranzini, ngay trước khi đặt đầu lên giá chém, “đột nhiên, bị một nguồn cảm hứng bất ngờ chiếm lấy, anh ta quay lại, ôm lấy cây Thánh giá mà vị linh mục đưa cho anh và hôn lên các vết thương thánh thiêng của Chúa Giêsu ba lần”. Thánh nữ bình luận: “Bấy giờ linh hồn anh ta đi lãnh bản án đầy thương xót của Đấng đã tuyên bố rằng trên Thiên Đàng sẽ vui mừng vì một tội nhân sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hoán cải!” (Bản thảo A, 135).
Được thúc đẩy bởi tình yêu
Và Đức Thánh Cha nhận định: Đây là sức mạnh của sự chuyển cầu được thúc đẩy bởi lòng bác ái, đây là động cơ của việc truyền giáo. Trên thực tế, các nhà truyền giáo mà Thánh Têrêsa là bổn mạng, không chỉ là những người đi thật xa, học ngôn ngữ mới, làm việc lành và giỏi rao giảng; không, nhà truyền giáo là bất cứ ai sống ở nơi mình sống, như khí cụ của tình yêu Thiên Chúa; là người làm mọi sự để, qua chứng tá, lời cầu nguyện, sự chuyển cầu của họ, Chúa Giêsu có thể đi ngang qua. Đây là lòng nhiệt thành tông đồ, điều mà chúng ta cần luôn nhớ rằng, không bao giờ hoạt động bằng cách chiêu dụ tín đồ hay ép buộc, nhưng bằng sự thu hút: một người trở thành Kitô hữu không phải vì bị ai đó ép buộc, nhưng vì được động chạm bởi tình yêu. Với bao phương tiện, phương pháp và cơ cấu mà đôi khi làm xao nhãng điều cốt yếu, Giáo hội cần những trái tim như của Têrêsa, những trái tim lôi kéo chúng ta yêu thương và đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta cầu xin thánh nữ ơn vượt qua sự ích kỷ của chúng ta và có lòng say mê cầu bầu để Chúa Giêsu được biết đến và được yêu mến.
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Hồng Thủy – Vatican News
TIN LIÊN QUAN: