Tiếp kiến chung 15/03: Ki-tô hữu là một tông đồ khiêm nhường, không phải là người tìm kiếm địa vị

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 15/3/2023, Đức Thánh Cha nói rằng mọi Ki-tô hữu đều có ơn gọi là tông đồ. Trong Giáo hội co sự đa dạng về thừa tác vụ nhưng hiệp nhất về sứ mạng. Mọi Ki-tô hữu đều có phẩm giá chung và bình đẳng trong ơn gọi tông đồ. Ki-tô hữu là tông đồ phục vụ chứ không phải là người tìm kiếm địa vị.

Bài giáo lý về chủ đề “Là Tông đồ trong một Giáo hội tông truyền” là bài giáo lý thứ 7 trong loạt bài về chủ đề “Lòng say mê loan báo Tin Mừng. Lòng nhiệt thành tông đồ”.

Trong bài giáo lý này, Đức Thánh Cha suy tư về ý nghĩa của việc “là tông đồ” trong một “Giáo hội tông truyền”. Công đồng Vatican II dạy rằng ơn gọi Ki-tô hữu cũng là ơn gọi là tông đồ. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta lãnh nhận ơn gọi và sứ vụ, nghĩa là Chúa gọi chúng ta ở với Người và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng. Do đó, các tông đồ không chỉ là Mười Hai môn đệ được Chúa Giê-su tuyển chọn, mà là tất cả những người đã chịu phép rửa, những người tạo thành Dân thánh trung thành của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chứng từ của các Ki-tô hữu đầu tiên cũng soi sáng hoạt động tông đồ của chúng ta trong Giáo hội ngày nay. Kinh nghiệm của họ cho chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa là Đấng chọn chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để truyền giáo – điều mà đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta – và món quà được ban nhưng không này phải được chúng ta đáp lại cách tự do. Sứ vụ tông đồ là chung cho tất cả những người đã được rửa tội, và mỗi người thi hành nó một cách tích cực và sáng tạo, tùy theo các hồng ân và đoàn sủng đã lãnh nhận.

Trong sự đa dạng của các thừa tác vụ và đặc sủng trong Nhiệm thể Chúa Ki-tô, tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều được kêu gọi và sai đi để phát triển hoạt động tông đồ của Giáo hội. Đức Thánh Cha lưu ý rằng các linh mục, tu sĩ và giáo dân có những nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng chung một ơn gọi truyền giáo, kể cả những người giữ những chức vụ cao nhất trong Giáo hội. Giáo hội được kêu gọi để phục vụ. Đức Thánh Cha mong muốn rằng việc công nhận phẩm giá chung và sự bình đẳng của chúng ta truyền cảm hứng cho chúng ta ngày càng hiệp nhất và hợp tác hơn nữa trong việc loan báo, bằng lời nói và gương sáng, Tin Mừng cứu độ.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta hãy tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng đam mê rao giảng Tin Mừng, không chỉ về việc loan báo Tin Mừng nhưng là về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng; và, tại trường học của Công đồng Vatican II, chúng ta hãy cố gắng hiểu rõ hơn là “các tông đồ” ngày nay có nghĩa là gì. Từ ngữ “tông đồ” gợi nhớ đến nhóm Mười Hai môn đệ được Chúa Giê-su tuyển chọn. Đôi khi chúng ta gọi một số vị thánh, hay cách chung hơn, các Giám mục, là “tông đồ”. Nhưng chúng ta có ý thức rằng việc là tông đồ liên quan đến mọi Ki-tô hữu không? Chúng ta có ý thức rằng nó cũng liên quan đến mỗi người chúng ta không? Thật vậy, chúng ta được mời gọi là tông đồ trong một Giáo hội tông truyền như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Vậy là tông đồ nghĩa là gì? Nó có nghĩa là được sai đi thi hành một sứ vụ. Sự kiện Chúa Ki-tô Phục Sinh sai các tông đồ đi vào thế giới, và truyền cho các ông quyền năng mà chính Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha và ban cho các ông Thần Khí của Người chính là sự kiện mẫu mực và nền tảng. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Gio-an: “Chúa Giê-su lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi và bảo các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20,21-22).

Ơn gọi tông đồ

Một khía cạnh cơ bản khác của việc là tông đồ là ơn gọi, tức là lời kêu gọi. Điều này đã xảy ra ngay từ đầu, khi Chúa Giê-su “gọi những kẻ Người muốn và họ đến cùng Người” (Mc 3,13). Người lập các ông thành một nhóm, ban cho họ tước hiệu “tông đồ”, để họ ở với Người và để sai họ đi truyền giáo (xem Mc 3,14; Mt 10,1-42). Trong các thư của mình, Thánh Phao-lô tự giới thiệu như sau: “Phao-lô, được gọi làm tông đồ”, nghĩa là được sai đi (1 Cr 1,1) và thêm nữa: “Phao-lô, tôi tớ Chúa Giê-su Ki-tô, tông đồ được kêu gọi, được tuyển chọn để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1 ,1). Và ngài nhấn mạnh rằng ngài là “tông đồ không phải do loài người, cũng không nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Gal 1,1); Thiên Chúa đã gọi Người từ trong lòng mẹ để loan báo Tin Mừng giữa muôn dân (x. Gl 1,15-16).

Kinh nghiệm của Nhóm Mười hai Tông đồ và chứng từ của Thánh Phao-lô cũng thách đố chúng ta ngày nay. Những điều này mời gọi chúng ta xác minh thái độ, lựa chọn, quyết định của chúng ta dựa trên những điểm nền tảng này: mọi sự tùy thuộc vào lời mời gọi nhưng không của Thiên Chúa; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những công việc phục vụ mà đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta hoặc không tương ứng với mong đợi của chúng ta; lời mời gọi nhận được như một món quà được ban cách nhưng không phải được đáp lại cách nhưng không.

“Ơn gọi Ki-tô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”

 Đức Thánh Cha nói tiếp: Công đồng nói: “Ơn gọi Ki-tô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ” (Decr. Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đó là một ơn gọi chung, “cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Ki-tô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia” (LG, 32).

Đó là một ơn gọi liên quan đến cả những người đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức thánh và những người thánh hiến, cũng như mỗi tín hữu giáo dân, nam hay nữ; là một lời mời gọi tất cả. Kho tàng mà bạn đã lãnh nhận nhờ ơn gọi Ki-tô hữu của mình, bạn buộc phải cho đi: đó là tính năng động của ơn gọi, đó là tính năng động của cuộc sống. Và đó là một tiếng gọi giúp chúng ta có thể thi hành nhiệm vụ tông đồ của mình một cách tích cực và sáng tạo, trong một Giáo hội trong đó “có sự đa dạng về thừa tác vụ nhưng hiệp nhất về sứ mạng. Các tông đồ và những người kế vị các ngài đã nhận từ Đức Kitô nhiệm vụ giảng dạy, cai quản và thánh hóa nhân danh Người và với quyền bính của Người. Nhưng các giáo dân cũng vậy, là những người dự phần vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, trong sứ vụ của toàn dân Thiên Chúa, họ có nhiệm vụ riêng trong Giáo hội và trong thế giới” (AA, 2).

Ơn gọi Ki-tô hữu không phải là sự thăng chức

Trong bối cảnh này, Công đồng hiểu thế nào về sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm? Đó có phải là một sự thích ứng đơn thuần về chiến lược cho các tình huống mới đang xảy ra? Không phải; có điều gì đó hơn thế nữa, điều vượt trên những tình huống ngẫu nhiên của thời điểm và đối với chúng ta, nó cũng vẫn có giá trị riêng của nó. Giáo hội là như thế, được thành lập và có đặc tính tông truyền.

Trong bối cảnh của sự thống nhất trong sứ vụ truyền giáo, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được làm nảy sinh các loại đặc quyền trong thân thể giáo hội; ở đây không có sự đề bạt, và khi bạn quan niệm đời sống Ki-tô hữu là sự thăng chức, trong đó người cấp trên chỉ huy những người khác bởi vì anh ta đã có thể leo lên chức cao, thì đây không phải là Ki-tô giáo. Đây là ngoại giáo thuần túy. Ơn gọi Ki-tô hữu không phải là sự thăng chức để đi lên, không! Nó là một điều khác.

Sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha lưu ý: Có một điều quan trọng bởi vì, mặc dù “theo ý Đức Ki-tô, một số người được đặt ở những vị trí quan trọng hơn, làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Ki-tô” (LG, 32). Ai có phẩm giá cao hơn trong Giáo hội: có phải là giám mục, hay linh mục? Không… tất cả chúng ta đều là Ki-tô hữu phục vụ người khác. Ai quan trọng hơn trong Giáo Hội: nữ tu hay người bình thường, người đã rửa tội hay chưa rửa tội, trẻ em, giám mục…? Mọi người đều bình đẳng, chúng ta đều bình đẳng và khi một trong hai bên cho rằng mình quan trọng hơn những người khác và hếch mũi lên, thì người này đã sai. Đó không phải là ơn gọi của Chúa Giê-su. Ơn gọi mà Chúa Giê-su ban, cho mọi người, cũng như cho những người có vẻ ở địa vị cao hơn, đó là phục vụ, phục vụ người khác, khiêm nhường tự hạ. Nếu bạn thấy một người có ơn gọi cao hơn trong Giáo hội và bạn thấy người đó vô ích, bạn sẽ nói: “Thật tội nghiệp”; hãy cầu nguyện cho người này vì người này chưa hiểu ơn gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn gọi của Thiên Chúa là thờ phượng Chúa Cha, yêu thương cộng đoàn và phục vụ. Đây là tông đồ, đây là chứng tá của các tông đồ.

Lắng nghe, tự hạ mình, phục vụ 

Vấn đề bình đẳng về phẩm giá đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại về nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ của chúng ta, những khía cạnh mang tính quyết định đối với việc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, chúng ta có ý thức rằng những lời nói của mình có thể làm tổn hại đến phẩm giá của người khác, do đó hủy hoại các mối quan hệ trong Giáo hội không? Trong khi chúng ta cố gắng đối thoại với thế giới, chúng ta có biết cách đối thoại với nhau như những tín hữu không? Hay trong giáo xứ người này chống đối người kia, người này nói xấu người kia để leo cao hơn? Chúng ta có biết cách lắng nghe để hiểu lý do của đối phương hay chúng ta áp đặt bản thân, thậm chí có thể bằng những lời nói nhẹ nhàng? Lắng nghe, tự hạ mình, phục vụ người khác: đây là phục vụ, đây là Kitô hữu, đây là tông đồ.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng ngại tự hỏi mình những câu hỏi này. Chúng có thể giúp chúng ta minh xác cách chúng ta sống ơn gọi của bí tích rửa tội, cách chúng ta là tông đồ trong một Giáo hội tông truyền, một Giáo hội phục vụ tha nhân. Cảm ơn anh chị em.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Hồng Thủy – Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print