Trong bài giáo lý chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 03/4/2024, Đức Thánh Cha nhận xét rằng công bình là nhân đức xã hội tuyệt hảo, vì nó là nền tảng cho sự chung sống hòa bình trong xã hội. Nó bao gồm việc điều chỉnh các mối quan hệ một cách công bằng – với Thiên Chúa và giữa con người với nhau – trả lại cho mỗi người phần của họ. Ngài cầu xin ánh sáng của Chúa Ki-tô phục sinh hướng dẫn các tín hữu trên các nẻo đường công lý và hòa bình.
Đức Thánh Cha nói rằng người chính trực là người ngay thẳng, giản dị và lương thiện; biết luật pháp và tôn trọng chúng; giữ lời đã hứa. Trong lời nói, người chính trực không sử dụng những sự thật nửa vời hoặc những sự lừa dối tinh tế.
Để sống nhân đức này, cần phải theo dõi và kiểm điểm bản thân, trung thành trong việc nhỏ cũng như trong việc lớn và biết ơn. Đây là đức tính giúp chống tham nhũng, vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay nặng lãi. Đức Thánh Cha nhắc rằng việc giáo dục ý thức công bằng và phát huy văn hóa sống theo pháp luật là điều cần thiết.
Châm ngôn (Cn 21,3.7.21):
Thực thi điều công minh chính trực
thì đẹp lòng ĐỨC CHÚA hơn là dâng hy lễ
Bạo hành của kẻ ác sẽ cuốn phăng kẻ ác,
vì chúng không chịu thực thi công bằng.
Người theo đuổi công chính và nhân nghĩa,
sẽ được sống lâu và vinh dự.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Không có công bình thì không có hòa bình
Anh chị em thân mến, chúc mừng Phục Sinh, chào anh chị em!
Chúng ta đang đi đến nhân đức luân lý thứ hai: sự công bình. Đó là đức tính xã hội tuyệt hảo. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghĩa nó như sau: “Nhân đức luân lý cốt ở một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận” (số 1807). Đây là sự công bình. Thông thường, khi đề cập đến công bình, chúng ta cũng trích dẫn một câu khẩu hiệu nói về đức tính này: “unicuique suum – trả lại cho mỗi người thứ của họ”. Đây là nhân đức về luật lệ, tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với nhau một cách công bằng.
Nó được thể hiện một cách ẩn dụ bằng cái cân, bởi vì nó nhằm mục đích “cân bằng các vấn đề” giữa con người, đặc biệt là khi các vấn đề này có nguy cơ bị bóp méo bởi sự mất cân bằng nào đó. Mục đích của công bình là trong một xã hội, mọi người đều được đối xử theo phẩm giá của mình. Nhưng các bậc thầy cổ xưa đã dạy rằng để đạt được điều này, cũng cần có những cách hành xử các nhân đức khác, chẳng hạn như lòng nhân từ, sự tôn trọng, lòng biết ơn, sự hòa nhã, sự trung thực: những đức tính góp phần vào sự chung sống tốt đẹp giữa con người với nhau. Công bình là nhân đức cho sự chung sống tốt đẹp giữa con người.
Tất cả chúng ta đều hiểu công bình là nền tảng cho sự chung sống hòa bình trong xã hội như thế nào: một thế giới không có luật pháp sẽ là một thế giới trong đó chúng ta không thể sống được; nó sẽ giống như một khu rừng rậm. Không có công bình thì không có hòa bình. Thực tế, nếu công bình không được tôn trọng thì xung đột sẽ nảy sinh. Không có công bình, luật kẻ mạnh thắng lướt kẻ yếu sẽ được thiết lập, và điều này không công bằng.
Những đặc tính của người chính trực
Nhưng công bình là một nhân đức được thể hiện cả trong những vấn đề lớn lao cũng như những việc nhỏ bé: nó không chỉ liên quan đến các phòng xử án mà còn liên quan đến đạo đức đặc trưng cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó thiết lập những mối quan hệ chân thành với người khác: nó thực hiện giới luật của Tin Mừng, theo đó câu nói của người Ki-tô hữu phải là: “Có thì nói có, không thì nói không; còn điều gì khác đều do ma quỉ mà ra” (Mt 5,37). Sự thật nửa vời, lời nói xảo quyệt nhắm lừa dối người khác, sự kín đáo che giấu ý định thực sự không phải là thái độ phù hợp với công bình. Người công bình là người ngay thẳng, giản dị và thẳng thắn, không mang mặt nạ, thể hiện đúng con người thật của mình và nói sự thật. Trên môi miệng người này thường xuất hiện từ “cám ơn”: họ biết rằng, dù chúng ta có cố gắng rộng lượng bao nhiêu đi nữa, chúng ta vẫn mắc nợ người khác. Nếu chúng ta yêu thương cũng bởi vì chúng ta đã được yêu thương trước.
Không thể có điều tốt thực sự cho chính mình nếu không có điều tốt cho mọi người
Chúng ta tìm thấy trong truyền thống vô số mô tả về người công chính có thể được tìm thấy. Chúng ta hãy xem xét một số điểm. Người công chính coi trọng và tôn trọng luật pháp, biết rằng luật pháp là rào chắn bảo vệ những người không có khả năng tự vệ trước sự kiêu ngạo chuyên chế của kẻ quyền lực. Người công chính không chỉ chăm lo lợi ích của cá nhân nhưng còn mong muốn lợi ích cho toàn xã hội. Vì vậy, người này không nhượng bộ trước cám dỗ chỉ nghĩ đến bản thân mình và lo liệu cho công việc của riêng mình, dù chúng có hợp pháp đến đâu, như thể chúng là điều duy nhất tồn tại trên thế giới. Nhân đức công bình nói rõ – và nhấn mạnh yêu cầu – rằng không thể có điều tốt thực sự cho chính mình nếu không có điều tốt cho mọi người.
Vì vậy, người công chính sẽ để ý đến hành vi của mình để không gây tổn hại cho người khác: nếu phạm sai lầm, họ xin lỗi. Trong một số trường hợp, thậm chí họ còn hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cộng đồng. Họ mong muốn một xã hội có trật tự, nơi con người mang lại vinh quang cho chức vụ của họ chứ không phải nghề nghiệp mang lại danh dự cho con người. Họ chê ghét các đề nghị và không mua bán các lợi lộc. Họ yêu quý trách nhiệm và là gương mẫu trong việc sống và đề cao pháp luật. Thực ra, đây là con đường của công lý, là liều thuốc giải độc cho nạn tham nhũng: việc giáo dục con người, đặc biệt là giới trẻ, về nền văn hóa thực thi luật pháp thật quan trọng biết bao! Đó là con đường ngăn chặn bệnh ung thư tham nhũng và tiêu diệt tình trạng tội phạm khi loại bỏ nền móng của nó.
Hơn nữa, người công chính tránh xa những hành vi có hại như vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay nặng lãi, nhạo báng và không trung thực. Người công chính giữ lời hứa, hoàn trả những gì mình đã mượn, công nhận mức lương công bằng cho tất cả người lao động, cẩn thận không đưa ra những lời phán xét người khác một cách cẩu thả và bảo vệ danh thơm tiếng tốt của người khác.
Những người ước mơ tình huynh đệ đại đồng
Không ai trong chúng ta biết trên đời này có nhiều người công chính hay không, hay hiếm có như các viên ngọc quý giá. Chắc chắn, họ là những người nhận được ân sủng và phúc lành cho bản thân họ và thế giới nơi họ đang sống. Họ không phải là kẻ thua cuộc so với những người “xảo quyệt và tinh ranh”, bởi vì, như Kinh Thánh đã nói, “ai tìm kiếm công lý và nhân nghĩa sẽ được sống lâu và vinh dự” (Châm ngôn 21,21). Người công chính không phải là những nhà luân lý có nhiệm vụ của người kiểm duyệt, mà là những người ngay thẳng “khao khát công bình” (Mt 5.6), những người ước mơ có lòng mong ước tình huynh đệ đại đồng. Và tất cả chúng ta đều rất cần giấc mơ này, đặc biệt là ngày nay. Chúng ta cần những người công chính và điều này mang lại cho chúng ta hạnh phúc
Cầu nguyện cho nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Gaza
Vào cuối buổi tiếp kiếnchung, Đức Thánh Cha đã tưởng nhớ 7 nhân viên cứu trợ của tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen đã chết vì cuộc tấn công của một máy bay không người lái của Ít-ra-en, và ngài lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.
Đức Thánh Cha nói với cung giọng đau buồn: “Thật không may, tin buồn vẫn tiếp tục đến từ Trung Đông… Tôi lặp lại lời yêu cầu kiên quyết của mình về việc ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza”.
Bảy tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen, đã bị giết cách đây hai ngày khi đang phân phát thực phẩm cho thường dân. Một máy bay không người lái đã bắn ba phát vào đoàn xe mà họ đang đi. Trong số họ, 2 người Palestine có hai quốc tịch (Hoa Kỳ và Canada) và năm công dân Úc, Anh và Ba Lan, đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh bị bắn. Họ đang di chuyển trên một lộ trình đã được thỏa thuận trước với quân đội Ít-ra-en, nhưng tất cả họ đều chết chỉ cách nhau vài phút. Sự việc này đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.
Đức Thánh Cha rất đau lòng và thương tiếc các nạn nhân này. Ngài nói: “Tôi bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với những tình nguyện viên thiệt mạng khi phân phát lương thực viện trợ ở Gaza. Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình họ…”.
Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại yêu cầu cho phép người dân vốn đang kiệt sức và đau khổ ở Gaza được phép tiếp cận viện trợ nhân đạo; đồng thời yêu cầu, như đã làm trong nhiều tháng nay, rằng các con tin Ít-ra-en bị bắt cóc trong vụ tấn công tàn bạo vào ngày 7/10 và vẫn còn nằm trong tay Hamas “được thả ngay lập tức”. Đức Thánh Cha cũng cầu xin tránh “bất kỳ nỗ lực vô trách nhiệm nào nhằm mở rộng xung đột trong khu vực” và hãy hành động “để cuộc chiến này và các cuộc chiến tranh khác tiếp tục mang đến chết chóc và đau khổ cho nhiều nơi trên thế giới có thể chấm dứt càng sớm càng tốt”.
Cầu nguyện cho những người lính tử trận trong các cuộc chiến
Đức Thánh Cha không quên Ucraina đang bị chiến tranh giày xéo. Cầm một tràng hạt Mân Côi và một cuốn Tân Ước của một quân nhân 23 tuổi người Ucraina đã tử trận trong cuộc chiến với Nga, được một nữ tu người Argentina đã tham gia cứu trợ cho Ucraina trao cho ngài, Đức Thánh Cha nói: “Alexandro đã đọc Tân Ước và các Thánh Vịnh và đã gạch dưới Thánh Vịnh 129 trong sách Thánh Vịnh: Lạy Chúa, từ vực sâu con kêu lên Chúa. Xin Chúa lắng nghe tiếng của con”.
Ngài mời gọi các tín hữu thinh lặng, nghĩ đến người lính trẻ này và nhiều người khác giống như cậu đã chết trong cuộc chiến điên cuồng này. Ngài nói: “Chiến tranh luôn tàn phá, chúng ta nghĩ đến họ và cầu nguyện”.
Nguồn: Vatican News
TIN LIÊN QUAN: