Tiến sĩ Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, đã kêu gọi Giáo hội dẫn đầu trong việc định hình khuôn khổ đạo đức cho trí tuệ nhân tạo (A.I), trong buổi phát biểu tại Hội nghị Truyền thông Xã hội Công giáo Quốc gia lần thứ 7 của Phi-líp-pin.
Tiến sĩ Ruffini cho biết, “Thế giới kỹ thuật số không phải là một sản phẩm sẵn có. Nó đang thay đổi từng ngày. Chúng ta có thể thay đổi nó. Chúng ta có thể định hình cho nó. Và chúng ta cần các nhà truyền thông Công giáo để làm điều đó, bằng tình yêu và với trí thông minh của con người“.
Trong một bài phát biểu được ghi âm tại Hội nghị Truyền thông Xã hội Công giáo Quốc gia (NCSCC) lần thứ 7 tại thành phố Lipa, phía nam thành phố Manila, vào ngày 05 tháng 8, Bộ trưởng Bộ Truyền thông (Vatican News) đã nhấn mạnh trách nhiệm của Giáo hội trong việc hướng dẫn những tiến bộ công nghệ với luân lý rõ ràng và với các giá trị lấy con người làm trung tâm. Ngài nói: “Vì vậy, câu hỏi cơ bản được đưa ra không phải là về máy móc, nhưng là về con người, về chính chúng ta. Sẽ luôn có những điều mà công nghệ không thể thay thế, như sự tự do, như phép màu gặp gỡ giữa con người với nhau, như sự ngạc nhiên về những điều bất ngờ xảy ra, sự hoán cải, sự triển nở về tính khôn khéo, như về tình yêu nhưng không“.
Sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban Giám mục về Truyền thông Xã hội (ECSC) của Hội đồng Giám mục Công giáo Phi-líp-pin (CBCP), hội nghị nhằm mục đích khám phá những tiến bộ và rủi ro trong việc sử dụng A.I, qua đó cung cấp những hiểu biết sâu sắc về việc tận dụng công nghệ nhằm tác động tích cực trong khi giải quyết các hậu quả tiêu cực đang tiềm ẩn.
Trong lễ khai mạc, Đức Giám mục Marcelino Antonio Maralit – địa phận Boac, Chủ tịch Truyền thông Xã hội CBCP-ECSC, đã nhắc nhở các nhà truyền thông Công giáo về ý nghĩa của A.I đối với Giáo hội và gia đình nhân loại.
Đức Cha Marcelino nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô rằng: “Đây không chỉ là một thực tế văn hóa sẽ được thay đổi nhưng là một kỷ nguyên đang thay đổi. Chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ đối với công nghệ ngày càng phát triển này. Vậy, vì lý do gì làm cho chúng ta phải ngồi đây để đối thoại, lắng nghe và phân định? Bởi vì chúng ta đang ở trong một thời đại đổi thay“.
Hội nghị được diễn ra từ ngày 05 đến ngày 08 tháng Tám và quy tụ hơn 300 nhà truyền thông Công giáo và các chuyên viên truyền thông xã hội từ 86 giáo phận trên toàn quốc Phi-líp-pin.
Tiến sĩ Ruffini đã đưa ra khuôn khổ cuộc thảo luận xung quanh A.I cũng như coi nó không chỉ là một vấn đề công nghệ nhưng còn là một mối quan tâm luân lý và triết học sâu sắc đòi hỏi sự tham gia tích cực của Giáo hội. Ngài chia sẻ thêm rằng: “Chúng ta cần các quy tắc, chúng ta cần đạo đức, chúng ta cần tư duy triết học và thần học, không chỉ dừng lại là công nghệ mà thôi. Chúng ta cần nhìn xa hơn. Chúng ta cần nhận thức và trách nhiệm. Điều này thách thức các nhà chính trị, triết gia, nhà giáo dục và thách thức cả Giáo hội nữa“. Vị quan chức Vatican bày tỏ lo ngại về tiềm năng của A.I có khả năng gia tăng sự bất bình đẳng xã hội và cô lập hiện có nếu nó không được kiểm soát: “Câu hỏi nền tảng được đưa ra đó là: với phương thức nào để công cụ mới này giúp thắt chặt hơn mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các cộng đồng được gắn kết hơn? Hoặc ngược lại, nó sẽ lại làm gia tăng sự cô đơn của những người vốn đã cô đơn, sẽ tước đi tình nồng thắm của mỗi người chúng ta mà chỉ có nơi gặp gỡ trực tiếp mới có thể mang lại?”
Ngài nhấn mạnh vấn đề mang tính quyết định là liệu trí tuệ nhân tạo có thể được phát triển để tăng cường bình đẳng hay không, thay vì thiết lập hệ thống phân cấp mới dựa trên sức mạnh thông tin. Người ta lo ngại rằng A.I có thể dẫn đến các hình thức khai thác và gây bất bình đẳng mới bằng cách tập trung quyền kiểm soát bởi các thuật toán và dữ liệu, việc này thường được trích xuất từ phương diện quyền riêng tư trong cuộc sống của từng cá nhân.
Nguồn: Vatican News – Tác giả Joan April, Roy Lagarde & Mark Saludes – LiCAS News
Biên dịch: Lm. Phê-rô Nguyễn Văn Cao
TIN LIÊN QUAN: