Trong hai ngày 21-22/10/2024, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên đã tổ chức khóa thường huấn dành riêng cho linh mục đoàn Tổng Giáo phận (TGP) Hà Nội với đề tài “Đức Giê-su là ai trong xã hội đa tôn giáo Việt Nam?”
Thường huấn là một trong ba tiến trình quan trọng của việc đào tạo linh mục. Theo cuốn sách “Đào tạo linh mục, định hướng và chỉ dẫn” của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 203 đã viết: “Việc đào tạo linh mục là một tiến trình đào tạo toàn vẹn, không chỉ ở trong chủng viện, nhưng bao gồm cả ba giai đoạn: Trước chủng viện, tại chủng viện và sau chủng viện.” Việc đào tạo nhằm giúp các ứng viên được biến đổi và ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su – Vị Mục Tử nhân lành. Các giai đoạn đào tạo đều xoay quanh bốn chiều kích: Nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ.
Tham dự kỳ thường huấn có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục (TGM) Giu-se Vũ Văn Thiên, Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Đức cha Lô-ren-sô Chu Văn Minh, quý cha hưu dưỡng và hơn 200 linh mục đang mục vụ trong TGP Hà Nội.
Trong ngày thường huấn đầu tiên (ngày 21/10), sau giờ Kinh trưa lúc 9h45, Đức TGM Giu-se ngỏ lời khai mạc và giới thiệu Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Hai Tính (S.J.) sẽ chia sẻ cùng linh mục đoàn trong kỳ thường huấn năm 2024 này.
Với đề tài Ki-tô học: “Đức Giê-su là ai trong xã hội đa tôn giáo Việt Nam?”, Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã có 6 bài thuyết trình, xoay quanh ba ý tưởng chính. Trước hết, Thần học hội nhập văn hóa muốn nhắm tới một vấn nạn, đó là làm sao giúp các tín hữu hiểu và sống Lời Chúa trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay. Thứ đến, là vai trò của Đức Ki-tô và Giáo hội trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo. Đối diện với những triết thuyết sai lạc và các quan điểm “mập mờ” về đức tin, các Ki-tô hữu cần phải tìm về giá trị đích thực của ơn cứu độ mà Đức Ki-tô đã mạc khải. Sau cùng, là bản chất và phương pháp trong đối thoại liên tôn. Đối thoại là yếu tính của Thiên Chúa, bởi lẽ, trong lịch sử nhân loại, chính Thiên Chúa cũng đã đối thoại với con người để từng bước bày tỏ chương trình cứu độ của Ngài. Đối thoại sẽ không có nếu đôi bên không biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Vì thế, yếu tố quan trọng và cần thiết trong đối thoại liên tôn là sự lắng nghe. Từ đó, Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê cũng đưa ra những gợi ý mục vụ để quý cha có thể áp dụng và thích ứng với bối cảnh hiện nay. Ngài tóm kết ba yếu tố của Ki-tô học thiêng liêng, đó là: siêng năng đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và gắn bó trong đời sống của Giáo Hội.
Xen kẽ giữa những bài chia sẻ, quý cha cũng đưa ra những câu hỏi thắc mắc liên quan tới các vấn đề được trình bày để cùng Cha Phan-xi-cô giải đáp.
Kết thúc bài thuyết trình cuối cùng, Đức TGM Giu-se bế mạc kỳ thường huấn năm 2024. Đồng thời, ngài cũng nhắc nhở đôi điều tới quý Cha trong công việc mục vụ.
Sau đó, quý Cha đã cùng nhau đọc Kinh Chiều và trở về nhiệm sở.
Truyền Thông TGP Hà Nội
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: