Thịt và máu Chúa Giê-su – Chúa nhật XX Thường niên – Năm B

Thỉnh thoảng tôi được mời dự tiệc với đủ mọi lý do, hình thức và quy mô khác nhau. Có nhiều lý do để mở tiệc như cưới hỏi, sinh nhật, tân gia… hay đơn giản là một cuộc gặp gỡ giữa những người bạn. Hình thức của bữa tiệc cũng rất phong phú như tiệc đứng, tiệc trong nhà, hay ngoài trời… Quy mô của các bữa tiệc cũng tuỳ thuộc vào tầm mức quan trọng của biến cố và thành phần khách mời. Nhìn chung thì tuỳ vào ý nghĩa của bữa tiệc và tầm quan trọng của khách mời mà người ta chuẩn bị kỹ lưỡng hay sơ sài cho nó. Nói cách khác, ý nghĩa của biến cố và khách mời càng đặc biệt thì gia chủ càng dành nhiều tâm huyết và thời gian để chuẩn bị cho bữa tiệc.

Bài đọc thứ nhất, trích từ sách Châm Ngôn, cũng nói đến việc chuẩn bị bữa tiệc. Theo đó, gia chủ đã “xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà mời người tới dự” (Cn 9, 1-3). Gia chủ ở chính là sự khôn ngoan. Theo Kinh thánh, Sự Khôn Ngoan ám chỉ đến Chúa Giê-su, sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan nói rõ với chúng ta điều này: “Ðức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa, biết những việc Chúa làm, hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ” (Kn 9, 9). Như thế, việc chuẩn bị bữa tiệc và lời mời gọi: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan” (cc 5-6) của Đức Khôn Ngoan trong bài đọc I là hình bóng của một sự chuẩn bị vĩ đại hơn trong thời Tân Ước, được loan báo trong bài Tin Mừng.

Trong bài Tin mừng, Chúa Giê-su đã nói đến một bữa tiệc vô cùng đặc biệt, trong đó, gia chủ không chỉ “giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc” nhưng còn thiết đãi thực khách bằng chính thịt và máu của ông. Quả vậy, trong bài Tin mừng vừa nghe, Chúa Giê-su lặp đi lặp lại lời mời gọi ăn thịt và uống máu Ngài. Cũng giống như những người Do thái ngày xưa, hẳn là chúng ta cũng sốc nghi nghe tuyên bố này. Và cũng giống như họ, hẳn chúng ta cũng thắc mắc “làm sao ông ấy cho chúng ta ăn thịt và uống máu ông được?” (Ga 6, 52). Đó thực sự là điều vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, thậm chí còn là điều gây vấp phạm cho nhiều người. Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta xác tín cách chắc chắn vào lời tuyên bố của Chúa Giê-su: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 50).

Lời quả quyết của Chúa Giê-su hôm nay giúp chúng xác tin hơn nữa vào sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự không chỉ là một dịp tưởng niệm biến cố Chúa Giê-su hiến mình thành lương thực trường sinh nhưng còn là một cuộc hiện tại hoá hy tế của Ngài trên thập giá. Nói cách khác, mỗi Thánh lễ là một lời mời gọi của Chúa Giê-su và là một sự xác tín của chúng ta vào tuyên bố của Ngài. Mỗi khi chúng ta rước mình và máu thánh Người qua tấm bánh nhỏ bé là chúng ta đang nhận lấy lương thực trường sinh, lương thực đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả này và hãy đến với bữa tiệc cao cả mà Chúa luôn dọn sẵn cho chúng ta. Đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta hãy mau mắn chạy đến với Ngài trong bí tích Thánh Thể để Ngài thêm sức, bổ dưỡng cho chúng ta trên con đường trần thế nhiều chông gai và tiến đến cuộc sống trường sinh vinh hiển với Ngài.

Lm. Phê-rô Trần Quang Diệu

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org