Các linh mục Philippines cảnh báo về tình trạng đói nghèo nghiêm trọng; Đại hội y tá thế giới tập trung thống nhất trong sứ mạng và đức tin; Hai nhà lãnh đạo bản địa mới của Canada ưu tiên hòa giải và Kinh Mân Côi của cậu bé Michael Phe Ha ling là những thông tin đáng chú ý.
Các linh mục Philippines cảnh báo về tình trạng đói nghèo nghiêm trọng
Theo UCA News, sau khi chính phủ Philippines tuyên bố thực hiện các đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở các vùng nghèo nhất của đất nước, các linh mục đã đưa ra cảnh báo về thảm họa đói nghèo đe dọa người dân.
Cha Rodel Enverga của Tổng giáo phận Jaro ở tỉnh Iloilo và Cha Christian Fargueras của Tổng giáo phận Cagayan de Oro ở Mindanao cho biết, việc phong tỏa sẽ gây thêm nghèo đói cho các cộng đồng vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Cha Fargueras đã đề cập đến số liệu thống kê rằng tỷ lệ lạm phát lương thực ở mức 6,2% vào tháng 3 và hơn 1/5 số dân Philippines không có đủ lương thực để ăn trong năm 2020, mức cao gấp đôi trước khi đại dịch bùng phát.
Cha cho biết Mindanao vẫn là khu vực nghèo nhất ở Philippines với hàng triệu gia đình có thu nhập dưới 100 USD/quý, trong khi mức cơ bản cần ít nhất 193 USD/quý.
Đại hội y tá thế giới tập trung thống nhất trong sứ mạng và đức tin
Được tổ chức bốn năm một lần, Đại hội Y tá Thế giới sắp tới diễn ra trong một thời điểm quan trọng đối với nhiều y tá Công giáo trên toàn cầu. Họ là những người có kỹ năng chuyên môn, có gia đình, có đức tin nhưng đang phải chịu những thử thách khắc nghiệt của đại dịch Covid-19.
Theo CNA, sự kiện sẽ được tổ chức từ ngày 2/8 đến ngày 4/8 tại đền thánh quốc gia Đức Mẹ Czestochowa ở Doylestown, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Đại hội dành cho các y tá (gồm cả sinh viên), những người tiên phong, đổi mới giáo dục, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Chủ đề của đại hội năm nay là “Hiệp nhất trong Sứ mạng, Hiệp nhất trong Đức tin”. Phát ngôn viên của Hiệp hội Y tá Công giáo Mỹ (NACN-USA), đơn vị tổ chức đại hội năm nay, nhấn mạnh rằng đức tin của một người y tá Công giáo có thể truyền tới mọi khía cạnh trong nghề.
Bà nói, chính tình yêu của Đức Kitô đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các y tá Công giáo có thể đối mặt với tình cảnh đau khổ tràn lan do đại dịch như hiện tại. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng khẳng định vai trò không thể thay thế của các y tá, vì họ là những người gần gũi và có thể lắng nghe bệnh nhân.
Hai nhà lãnh đạo bản địa mới của Canada ưu tiên hòa giải
Theo CNS, hai nhà lãnh đạo bản địa mới của Canada là bà Mary Simon, tân toàn quyền đại diện của Nữ hoàng Anh tại Canada và bà RoseAnne Archibald, lãnh đạo Hội đồng cộng đồng bản địa tại Canada. Cả hai nhà lãnh đạo đều đưa ra vấn đề hòa giải giữa xã hội Canada và cộng đồng bản địa là ưu tiên hàng đầu của họ.
Bà Archibald cho biết, việc phát hiện ra những ngôi mộ trẻ em vô danh là một cú sốc lớn. Bà kêu gọi mọi người dân Canada sát cánh với người bản địa. Trong khi đó, bà Simon nêu quan điểm: “Hòa giải chính là cách sống và cần phải thực hiện mỗi ngày”.
Trước những lo ngại còn tồn tại về vai trò của Giáo hội Công giáo trong các trường dân lập ở Canada, HĐGM Canada đã bày tỏ sự đau buồn về quá khứ, đồng thời cam kết hỗ trợ việc hòa giải với người dân bản địa. Một số Giáo phận trên khắp Canada cũng đã thiết lập quỹ nhằm nỗ lực hàn gắn và hòa giải.
Đọc thêm: Con đường hòa giải với thổ dân bản xứ Canada
Kinh Mân Côi của cậu bé Michael Phe Ha ling
Giữa những mệt mỏi, cậu bé đã nắm được “sợi dây ngọt ngào nối kết với Chúa”. Michael Phe Ha ling là một cậu bé người Công giáo 11 tuổi, cũng như hàng ngàn người Myanmar khác, phải rời bỏ nhà cửa để chạy vào rừng trốn khỏi bạo lực.
Trong nghịch cảnh ấy, cậu đã không do dự, khẩn khoản cầu xin Đức Mẹ bảo vệ mình và ban bình yên cho quê hương. Với chuỗi tràng hạt luôn đeo trên người, cầu bắt đầu đọc Kinh Mân Côi khi cùng gia đình chạy trốn vào rừng.
Giữa những giọt nước mắt và những khuôn mặt đau khổ, Kinh Mân Côi vừa là nơi nương tựa, vừa là hy vọng cho những người dân của Giáo phận Hakha, bang Chin, Myanmar.
Trước những bất ổn chính trị, hàng ngàn người dân Myanmar đã phải tháo chạy, bao gồm cả người già, trẻ em, phụ nữ và những người bệnh tật. Những người tị nạn trong rừng thiếu thốn lương thực, nước uống, thuốc men, quần áo và những tấm bạt che khỏi mùa mưa trong rừng rậm.
Tại bang Chin, một bang miền núi của Myanmar, Giáo hội Công giáo đã và đang nỗ lực để hỗ trợ người tị nạn. Cha Hrang Tin Thang, một linh mục ở thị trấn Surkhua, cùng với sự hỗ trợ của các nữ tu, đã đưa người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em đến lánh tạm tại nhà thờ của giáo xứ.
Cha Paul Thla Kio, một linh mục khác của Giáo phận Hakha cho biết mặc dù dốc hết sức để giúp đỡ, người tị nạn vẫn cần đến viện trợ nhân đạo của các tổ chức lớn. Nhiều người dân tuyệt vọng, họ đã bắt đầu vượt biên, với vài đồ vật bên mình và mang theo tràng chuỗi Mân Côi.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: