Ảnh: CNA
Truyền chức linh mục tại Tây Ban Nha sau 11 năm; Dự luật hợp pháp hóa trợ tử ở Scotland; Vụ bắt cóc bao gồm 1 linh mục tại Mali; Sự ủng hộ các Giám mục Mỹ với lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô cho Li-băng và Tình hình căng thẳng leo thang tại Myanmar là những thông tin chính đáng chú ý.
Truyền chức linh mục tại Giáo phận Tây Ban Nha sau 11 năm không có ơn gọi
Ngày 20/6 vừa qua tại Giáo phận Segovia ở Tây Ban Nha, Đức Giám mục César Franco đã truyền chức linh mục cho tiến chức Álvaro Marín Molinera sau gần 11 năm không có linh mục mới.
Gia đình, bạn bè và đông đảo các linh mục, phó tế trong Giáo phận đã đến tham dự Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa.
Theo tờ El Adelantado de Segovia, vị tân linh mục đã chọn khẩu hiệu: “Tôi có thể làm mọi điều trong Đấng củng cố tôi” làm phương châm của mình. Tân linh mục Marín (27 tuổi) được truyền chức Phó tế vào tháng 10 năm 2020.
Trong bài giảng, Đức cha Franco chia sẻ rằng: “Chức tư tế cho tiến chức uy quyền để đối đầu sự dữ. Nhưng để làm được điều này, tiến chức cần phải noi gương Mầu nhiệm Thập Giá trong đời mình”.
Vị linh mục mới được thụ phong đã dẫn lời Thánh John Vianney: “Tôi đã phủ phục mình với ý thức về thân phận hư vô và sống mãi với tư cách là một linh mục”.
Đã gần 11 năm kể từ lần thụ phong linh mục cuối tại Giáo phận vào ngày 4/7/2010. Đức cha Franco cũng đã truyền chức linh mục cho một thầy dòng Claretian vào ngày 5/6/2010. (Theo CNA)
Dự luật hợp pháp hóa trợ tử ở Scotland thu hút nhiều chỉ trích
Một dự luật mới nhằm hợp pháp hóa việc trợ tử ở Scotland đã bị chỉ trích vì tác động của nó đến cuộc sống người tàn tật.
Nội dung của dự luật dự kiến sẽ được thảo luận vào cuối năm nay. Giám đốc Văn phòng Nghị viện Công giáo của Hội đồng Giám mục Scotland Anthony Horan nói rằng tất cả mọi người dù có đức tin hay không đều phản đối việc hỗ trợ tự tử vì những tác động tiêu cực của nó.
“Việc hợp pháp hóa trợ tử gây ra áp lực to lớn với những người dễ tổn thương phải sớm kết thúc cuộc sống của họ, vì sợ trở thành gánh nặng cho người khác về tài chính, tình cảm hoặc bổn phận chăm sóc. Và điều này hủy hoại nỗ lực ngăn chặn việc tự tử”, ông nói.
Phần lớn các bác sĩ chăm sóc cho các bệnh nhân cuối đời phản đối dự luật này. Một thành viên của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ trích dự luật trợ tử. Người khuyết tật cần được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc tốt như nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe hơn là cái chết.
Vấn đề trợ tử được Quốc hội Scotland đưa ra tranh luận lần cuối vào năm 2015 khi nó bị bác bỏ với 82 phiếu thuận và 36 phiếu chống. (Theo CNA)
Vụ bắt cóc tại Mali: có một linh mục trong số 5 con tin
Trong số 5 người bị bắt cóc hôm 21/6 tại quốc gia tây phi Mali có một linh mục Công giáo. Theo ACI Africa, cha Léon Douyon phục vụ tại Giáo phận Mopti cùng 4 người khác bị các tay súng bắt cóc khi đang trên đường đến dự tang lễ của một linh mục khác.
Một nguồn tin của Agenzia Fides cho hay, 5 người bị bắt cóc bao gồm: cha Léon Douyon – linh mục chính xứ của Ségué, Thimothé Somboro – trưởng làng Ségué, Pascal Somboro – phó thị trưởng cùng hai người thuộc cộng đoàn Emmanuel Somboro và Boutié Tolofoudié. Nguồn tin hy vọng các cuộc đàm phán được tiến hành để giải phóng con tin.
Mali là một quốc gia tây phi có dân số 19,66 triệu người, chủ yếu là người Hồi giáo. Quốc gia này đã trải qua nhiều cuộc xung đột, giao tranh khiến hàng nghìn người chết và hàng trăm người phải tị nạn.
Việc các nhóm vũ trang khác nhau bắt cóc nhằm mục đích tống tiền hoặc gây áp lực chính trị không còn xa lạ tại Mali.
Sơ Cecilia Narváez Argoti, một nữ tu người Colombia thuộc Dòng Phanxicô của Đức Mẹ Vô Nhiễm, đã bị bắt cóc trong một cuộc truyền giáo ở Karangasso, miền nam Mali, vào tối ngày 7/2/2017. Hiện Sơ vẫn được cho là nằm trong tay của những kẻ bắt cóc.
Hội đồng Giám mục Mali bày tỏ sự lo lắng về các sự kiện diễn ra ở đất nước, sau khi chính phủ mới được thành lập hồi tháng trước. Sau cuộc đảo chính ngày 24/5, tòa án hiến pháp Mali bổ nhiệm Đại tá Assimi Goïta làm tổng thống chuyển tiếp của Mali. (Theo CNA, Agenzia Fides)
Các Giám mục Mỹ ủng hộ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Li-băng
Các Đức Giám mục Mỹ cùng lên tiếng với ĐTC Phanxicô trong việc kêu gọi cầu nguyện và hỗ trợ cho người dân Li-băng, khi quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.
ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ cộng đoàn tín hữu Li-băng vào ngày 1/7 sắp tới trong ngày cầu nguyện và suy tư đặc biệt tại Vatican. Cuộc gặp gỡ nhằm tìm kiếm giải pháp cho “tình hình đáng lo ngại trong nước và cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình và ổn định”.
Trước sự kiện hôm 1/7 tới, các Đức Giám mục Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với người dân Li-băng và lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng. Các Đức cha cũng kêu gọi người Công giáo Mỹ hỗ trợ cho các cơ quan cứu trợ Công giáo như Caritas Li-băng, Hiệp hội Phúc lợi Công giáo Cận Đông…
Li-băng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khi bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới và cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. (Theo Vatican News)
Đụng độ leo thang tại Myanmar bất chấp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mặc dù ĐTC Phanxicô đã kêu họi chấm dứt bạo lực và theo đuổi đối thoại hướng tới hòa bình, tình trạng bạo lực tại Myanmar vẫn không suy giảm.
Một cuộc đụng độ hôm 22/6 giữa quân đội và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) ở Madalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.
Hôm 20/6, ĐTC Phanxicô đã tái kêu gọi hòa bình ở đất nước bị tàn phá bởi xung đột, vốn đang sa lầy vào tình trạng hỗn loạn chính trị và giao tranh khiến hàng nghìn người phải di dời trong cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Đức Hồng Y Charles Bo của Tổng giáo phận Yangon đã kêu gọi người dân kiên định trong niềm tin và hy vọng, đồng thời cầu nguyện cho hòa bình và công lý tại Myanmar.
Đã có hơn 175,000 người phải di dời tại các bang Kachin, Karen, Chin, Kayah và Shan là những khu vực chủ yếu là người Ki-tô giáo. Các nhà thờ tại Myanmar cũng bị pháo kích khiến những người tị nạn trong các nhà thờ phải tháo chạy vào rừng. (Theo UCAnews)
Khánh Ly
TIN LIÊN QUAN: