Bản tin thế giới trong ngày 23-6-2021 có những nội dung đáng chú ý sau: Hai nhà thờ cổ tại Canada đồng loạt bốc cháy; Đối thoại liên tôn Công giáo và Phật giáo tại Thái Lan; Giáo hội Nhật Bản cảnh giác với Covid-19 khi Olympic đến gần; Cầu nguyện cho việc soạn thảo văn kiện về Bí tích Thánh Thể và kỳ họp thường niên của tổ chức ROACO.
Hai nhà thờ cổ tại Canada đồng loạt bốc cháy
Ngọn lửa bốc lên tại nhà thờ Thánh Tâm trên vùng đất bộ lạc Penticton Indian Band được phát hiện vào rạng sáng ngày 21/6. Một nhà thờ khác cũng bị lửa thiêu rụi trên vùng đất bộ lạc Osoyoos Indian Band. Ảnh: Aileen Macasaet Maningas / Facebook
Nhà thờ Thánh Tâm và nhà thờ Thánh Gregory đã bị thiêu rụi bởi một ngọn lửa khả nghi trong cùng một thời điểm.
Cảnh sát liên bang đang điều tra vụ hỏa hoạn đáng ngờ khi hai nhà thờ Công giáo xây dựng từ khoảng năm 1910 tại khu vực cộng đồng người bản địa miền tây Canada bốc cháy cùng lúc, từ 1 giờ đến 3 giờ sáng ngày 21/6 (giờ địa phương).
Trung sĩ Jason Bayda cho biết, Cảnh sát Hoàng gia Canada đang điều tra hai vụ hỏa hoạn. Theo ông, hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguyên nhân gây xảy ra vụ cháy, tuy nhiên cảnh sát thận trọng với những sự kiện gần đây ở Kamloops.
Vài tuần trước khi xảy ra hỏa hoạn, có 215 mộ trẻ em vô danh được phát hiện tại thành phố Kamloops, nơi từng có trường nội trú được thành lập cách đây một thế kỷ nhằm đồng hóa dân tộc bản địa Canada. Sự việc này đã gây sốc cho người dân Canada.
Lực lượng cứu hỏa tại Oliver, tỉnh British Columbia cho biết đã phát hiện chất lỏng bắt cháy tại hiện trường. Những đống gạch vụn cháy đen âm ỉ là tất cả những gì còn lại của cả hai ngôi nhà thờ. (Theo UCAnews)
Đối thoại liên tôn Công giáo và Phật giáo tại Thái Lan
Đức Tổng Giám mục Anthony Weradet Chaiseri của Tổng Giáo phận Thare và Nonseng ở đông bắc Thái Lan trả lời Agenzia Fides: “Việc tiếp tục đối thoại trong đời sống giữa Công Giáo và Phật giáo tại Thái Lan là rất quan trọng”.
Đối thoại liên tôn giữa Công giáo và Phật giáo là phần không thể thiếu trong kế hoạch mục vụ của của Giáo hội Công giáo Thái Lan, đó là hòa mình vào quốc gia và môi trường văn hóa, tôn giáo ảnh hưởng phần lớn bởi Phật giáo.
Đức Tổng Giám mục Chaiseri đã gặp Trụ trì của Tu viện Phật giáo Forest Monastery ở Kesetsrikhun, huyện Nong Phai, Thái Lan. Đức cha nói rằng: “Giáo hội Công giáo muốn thúc đẩy và tăng cường quan hệ với các vị đại diện cộng đồng Phật giáo địa phương”. Ngài tin tưởng sự cộng tác mạnh mẽ giữa hai tôn giáo sẽ giúp cho lợi ích chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Sư thầy Suthammo cho biết cộng đồng Phật giáo muốn thực hiện một số dự án hỗ trợ người gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 với sự cộng tác của các cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng khác.
Truyền giáo tại Thái Lan bắt đầu cách đây 350 năm. Thái Lan là quốc gia Phật giáo lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Trong số 69,5 triệu dân, gần 95% là Phật tử. Người Công giáo Thái Lan chiếm dưới 1% dân số. (Theo Agenzia Fides)
Giáo hội Nhật Bản luôn cảnh giác với Covid-19 khi Thế vận hội Olympic đến gần
Tổng Giáo phận Tokyo sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong khi chính phủ đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 9 thành phố trước thềm Thế vận hội Olympic và Paralympic sắp tới.
Thế vận hội Olympic từng bị trì hoãn sẽ diễn ra vào ngày 23/7 và Paralympic bắt đầu vào ngày 24/8. Nhật Bản chỉ cho phép khoảng 10,000 khán giả trong nước tham dự sự kiện thể thao này và tuân theo các quy định nghiêm ngặt về sức khỏe.
Các ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại Nhật Bản đã giảm trong những ngày gần đây. Bên cạnh chính phủ, hàng nghìn công ty Nhật Bản đang phân phối vắc-xin với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 13 triệu người.
Ngày 21/6, Đức Tổng Giám mục Isao Kikuchi của Tổng Giáo phận Tokyo cho biết người Công giáo vẫn sẽ cảnh giác với dịch bệnh, các biện pháp kiểm soát sẽ được thực hiện tại các khu vực thuộc Tổng giáo phận Tokyo, vì dự kiến đây là nơi sẽ có nhiều khách đến tham quan trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Theo hướng dẫn, chỉ một số lượng người hạn chế được phép đến nhà thờ và họ phải giữ khoảng cách tối thiểu 1m. Các nhà thờ phải đảm bảo thông thoáng, khuyến khích người dân ra về ngay sau khi kết thúc Thánh lễ, người già yếu tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà và giáo dân chỉ đi tham dự lễ tại giáo xứ của mình. Các biện pháp đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn được yêu cầu thực hiện không có ngoại lệ. (Theo UCAnews)
Chủ tịch HĐGM Mỹ mời gọi người Công giáo Mỹ cầu nguyện cho việc soạn thảo văn kiện về Bí tích Thánh Thể
Chủ tịch HĐGM Mỹ, Đức Tổng Giám mục của Los Angeles – José H. Gomez, kêu gọi các Ki-tô hữu trên cả nước cầu nguyện cho ngài và các Đức Giám mục trong quá trình soạn thảo về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể trong đời sống Giáo hội.
Trong đại hội đồng mùa xuân diễn ra trực tuyến từ 16/6 – 18/6, các Đức Giám mục đã chấp thuận việc soạn thảo văn kiện này sau một tranh luận kéo dài hôm 17/6.
Trong những tháng tới, khi ủy ban bắt đầu soạn thảo, các Giám mục sẽ tiếp tục cầu nguyện và phân định qua hàng loạt các cuộc họp bàn khu vực. Bản thảo sẽ được đưa ra bàn luận vào kỳ họp mùa thu.
Đức cha nhấn mạnh: “Bí tích Thánh Thể là trung tâm của Giáo hội và đời sống của người Ki-tô hữu” và mong muốn của các Đức cha là nâng cao nhận thức của giáo dân về mầu nhiệm đức tin vĩ đại này.
Những đề xuất trong đề cương soạn thảo văn kiện được đưa ra trong bối cảnh niềm tin của người Công giáo vào sự hiện hiện của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể đang giảm sút, cũng như việc không tham dự Thánh lễ thường xuyên khiến tín hữu ít coi trọng Bí tích Thánh Thể hơn trong cuộc sống.
Đức Giám mục Kevin C. Rhoades, Chủ tịch Ủy ban giáo lý, cũng cho biết văn kiện này không nhằm mục đích đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia về việc rước lễ, nhưng để sử dụng như giáo lý giảng dạy cho người Công giáo về ý nghĩa thiêng liêng của việc rước lễ. (Theo CNS)
Tổ chức ROACO hướng tầm nhìn về Thánh Địa trong kỳ họp toàn thể
Các tổ chức bác ái trợ giúp Giáo hội Công giáo Đông phương (ROACO) bắt đầu cuộc họp toàn thể lần thứ 94 từ chiều ngày 21/6 tại Roma. Các phiên họp tập trung vào Thánh Địa, Ethiopia, Armenia và Georgia.
Cuộc họp thường niên sẽ kéo dài cho đến thứ Năm, ngày 24/6. Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương và cũng là chủ tịch của ROACO, đã chủ tế Thánh lễ khai mạc và dâng lời cầu nguyện cho các ân nhân.
Phiên họp sáng thứ Ba, ngày 22/6 được dành riêng cho tình hình tại Thánh Địa cũng như công việc của ROACO để hỗ trợ người dân trong khu vực.
Đức Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem, Pierbattista Pizzaballa, cùng với cha Francesco Patton của dòng Phanxicô tại Thánh Địa và Phó Hiệu trưởng Đại học Bethlehem, thầy Peter Bray sẽ trình bày về vấn đề này, trong đó có thông báo về cuộc quyên góp Pro Terra Sancta năm 2020.
Đến buổi chiều, phiên họp chuyển sang tình hình ở Ethiopia do Sứ thần Tòa thánh, Đức Tổng Giám mục Antoine Camilleri trình bày. Vùng Tigay của Ethiopia đã chứng kiến những cuộc xung đột thảm khốc, hàng chục nghìn trẻ em suy dinh dưỡng và hàng trăm nghìn người đối mặt với nạn đói.
Buổi họp cũng tập trung vào hai nước Armenia và Georgia, thông qua tham luận của Đức Tổng Giám mục José Avelino Bettencourt, Sứ thần Tòa thánh tại cả hai quốc gia này. Vào ngày 23/6, trọng tâm của buổi họp chuyển sang Trung Đông, đặc biệt tập trung vào Syria và Iraq. (Theo Vatican News)
Khánh Ly
TIN LIÊN QUAN: