Ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden
Các Đức Giám mục từ chối để Tổng thống Mỹ rước lễ; Các Đức Giám mục Ethiopia đau buồn lên tiếng trước cuộc bầu cử; Thông điệp Ngày Tị nạn Thế giới; Kitô hữu trẻ cầu nguyện cho hòa bình ở Giêrusalem và tình hình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Nga là những thông tin chính đáng chú ý.
Các Đức Giám mục tiếp tục từ chối cho Tổng thống Mỹ Joe Biden rước lễ
Hôm 18/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời về một quyết định của các Đức Giám mục Mỹ về việc từ chối để ông và các chính trị gia ủng hộ chính sách phá thai khác rước lễ. Ông nói: “Đó là một vấn đề riêng tư, tôi không nghĩ là điều này sẽ xảy ra”.
HĐGM Mỹ đã tổ chức đại hội đồng thường niên mùa xuân, trong đó các Đức Giám mục đã tranh luận về việc soạn thảo một văn kiện về Bí tích Thánh Thể với một phần phụ về sự xứng đáng để rước lễ.
Trong đề cương đề xuất của văn kiện, Ủy ban giáo lý đã trích dẫn sự cần thiết đặc biệt của các quan chức người Công giáo để duy trì giáo huấn của Giáo hội trong đời sống xã hội.
Joe Biden là Tổng thống theo đạo Công giáo thứ hai của Mỹ. Ông đã ủng hộ cho việc phá thai và có ý định hệ thống hóa trong luật, trong khi chính quyền của ông tìm cách bãi bỏ những quy định này.
Vào năm 2002, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một ghi chú về việc người Công giáo tham gia vào chính trị. Văn kiện nhấn mạnh người Công giáo cần phải tuân theo giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt là về các vấn đề nghiêm trọng như phá thai và an tử.
Hồi tháng 10/2019, trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Joe Biden đã bị từ chối cho rước lễ tại một giáo xứ ở Giáo phận Charleston. Tổng giáo phận Atlanta, Giáo phận Charleston và Giáo phận Charlotte tuyên bố: “Bằng cách ủng hộ việc phá thai, các quan chức phạm vào tội trọng, khiến họ không đủ điều kiện để được rước lễ”. (Theo CNA)
Các Đức Giám mục Ethiopia đau buồn lên tiếng trước cuộc bầu cử
Các Đức Giám mục của Ethiopia đang kêu gọi người dân chấp nhận sự chung sống và hòa hợp giữa các sắc tộc. Các ngài cũng kêu gọi các cơ quan chức năng tiến hành bầu cử “tự do, công bằng, hòa bình và dân chủ”.
Ethiopia sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia ngày 22/6 tới. Cuộc bầu cử diễn ra khi đất nước đứng trước những ngã rẽ bởi các cuộc xung đột sắc tộc. Cuộc bầu cử được hy vọng sẽ mở ra một thiết lập mới để chính phủ và liên bang một lần nữa có thể đoàn kết và tìm ra mục đích chung vì người dân Ethiopia.
Trong thông điệp trước cuộc bầu cử, HĐGM Ethiopia (CBCE) cho biết các ngài hy vọng cuộc bầu cử cũng sẽ mang đến những nhà lãnh đạo tốt và ngay thẳng, những người gần gũi với nguyện vọng của người dân.
Vùng Tigray là ví dụ điển hình nhất về căng thẳng sắc tộc và khu vực đang gia tăng trên khắp Ethiopia, ảnh hưởng đến nền dân chủ đa sắc tộc của quốc gia đông dân thứ hai của Châu Phi và là một trụ cột trong khu vực.
Các Đức Giám mục lên án mọi bạo lực sắc tộc ở Ethiopia. Các ngài nói rằng những xung đột bắt nguồn từ chính trị, sắc tộc, tôn giáo đã khiến nhiều người phải đi tị nạn và cướp đi nhiều sinh mạng của thường dân vô tội. (Theo Vatican News)
Thông điệp Ngày Tị nạn Thế giới
Nhân dịp Ngày Tị nạn Thế giới 20/6, Ủy ban Giám mục về người di cư và lưu hành đã đưa ra một thông điệp: “Đã hơn một năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi những người dễ bị tổn thương như người tị nạn, người di cư, phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch”.
Ủy ban muốn làm rõ tình hình của hàng triệu người tị nạn buộc phải rời bỏ nhà cửa và người thân, do các cuộc xung đột vũ trang, bạo lực và khủng bố mà họ phải chịu ở quốc gia của họ.
Theo thông điệp gửi đến Agenzia Fides, ít nhất 79,5 triệu người trên thế giới đã buộc phải đi di cư, trong đó có 26 triệu người tị nạn và hơn một nửa số đó là người dưới 18 tuổi. “Điều cần thiết là sự chung tay của Giáo hội và xã hội trở thành biểu hiện của cảm thông và cụ thể của niềm vui, lòng mến và tình huynh đệ”.
Cuối cùng thông điệp mời gọi mọi người cầu xin Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Thánh Cha Phanxicô cho những người di cư và tị nạn được tiếp cận với quyền sức khỏe, nhà ở, giáo dục và việc làm. (Theo Agenzia Fides)
Kitô hữu trẻ từ các Giáo hội khác nhau cầu nguyện cho hòa bình ở Giêrusalem
Các bài thánh ca, kinh cầu, bài đọc Phúc Âm, những lời cầu thay nguyện giúp và cuối là lời kinh Lạy Cha được đọc bằng tiếng Syria cổ là những cử chỉ đơn giản của lòng sùng kính thiêng liêng và nài xin của khoảng 170 bạn trẻ từ các trường Thiên Chúa giáo của Giêrusalem.
Những người Kitô hữu trẻ tuổi đã tham gia vào buổi cầu nguyện đại kết do Trung tâm Al-Sabil Palestine về Thần học Giải phóng Đại kết, phối hợp với Văn phòng Giáo dục Kitô giáo thuộc Tòa Thượng phụ La-tinh của Giêrusalem tổ chức.
Buổi cầu nguyện được tổ chức tại nhà thờ Saint Stephen, do các tu sĩ Dòng Đa Minh chủ sự, và có sự tham dự của các linh mục thuộc các cộng đoàn Giáo hội khác nhau hiện diện tại Thành thánh Giêrusalem. Hầu hết các học sinh tham gia đến từ năm trong số các trường Thiên Chúa giáo chính trên khắp Giêrusalem.
Ban tổ chức buổi cầu nguyện này đã chia sẻ sáng kiến này như là đóng góp nhằm thúc đẩy tinh thần hiệp thông giữa những người trẻ thuộc các cộng đoàn khác nhau, mang đến cho họ cơ hội cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình tại Giêrusalem.
Gần đây, các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau chung sống tại thành phố Giêrusalem bị chia rẽ bởi sự trỗi dậy của các cuộc xung đột giáo phái. Cuối buổi, một số Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn tổ chức định kỳ các buổi cầu nguyện nhóm như lần này tại nhà thờ của các thầy Đa Minh trong tương lai. (Theo Agenzia Fides)
Nga đổ lỗi việc gia tăng ca nhiễm Covid-19 là do thiếu tiêm chủng
Chính phủ Nga cho rằng sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 là do người Nga miễn cưỡng tiêm chủng, trong bối cảnh lo ngại về một biến thể Delta mới với báo cáo hơn 9.000 ca nhiễm ở Moscow chủ yếu là của chủng vi-rút mới.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của biến thể vi-rút Corona mới, khi hàng nghìn người Nga đã bị nhiễm biến thể Delta, lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những đột biến này là do người dân chưa tự nguyện tiêm vắc-xin Sputnik V của Nga.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã mở rộng các hạn chế mà ông đã áp dụng trong tháng này, bao gồm cả việc đóng cửa các khu vực cho người hâm mộ giải Vô địch Bóng đá Châu Âu EURO.
Bất chấp những lo ngại này, hầu hết người dân Nga không đứng xếp hàng để được tiêm phòng. Các nhà chức trách cho biết chỉ có 19,7 triệu người được tiêm liều vắc-xin đầu tiên. Với một phần bảy dân số, con số này ít hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây.
Câu hỏi về thời gian bảo vệ của vắc-xin chống lại COVID-19 sẽ trở nên quan trọng khi các quốc gia đánh giá thời điểm hoặc có cần tiêm chủng lại hay không. Phát hiện của Nga sẽ được theo dõi chặt chẽ ở châu Âu và các quốc gia khác.
Nga đã chính thức ghi nhận khoảng 129,000 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong số khoảng 142 triệu người. (Theo Vatican News)
Khánh Ly
TIN LIÊN QUAN: