Thế giới trong ngày 20-8-2021: Chiến dịch quyền người khuyết tật lớn nhất thế giới trước thềm Paralympic Tokyo

Ngươi khuyết tật Hàn Quốc dự Paralympic Tokyo
Đoàn vận động viên của Hàn Quốc đi tham dự Paralympic Tokyo 2020 khai mạc vào ngày 24/8. Ảnh: ANSA

Thế giới trong ngày 20-8-2021 có những thông tin đáng chú ý sau: Chiến dịch quyền người khuyết tật trước thềm Paralympic Tokyo; TGP Washington khởi động kế hoạch bảo vệ môi trường; Lãnh đạo các tôn giáo kêu gọi phong tỏa Sri Lanka vì biến thể Delta; HĐGM Ý lên tiếng trước nỗ lực hợp pháp hóa an tử, trợ tử.

Chiến dịch quyền người khuyết tật lớn nhất thế giới trước thềm Paralympic Tokyo

Chiến dịch “WeThe15” kéo dài 10 năm dự định sẽ thúc đẩy và trao quyền cho 1,2 tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới, chiếm 15% dân số toàn cầu.

Dẫn đầu bởi Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) và Liên minh Người khuyết tật Quốc tế (IDA), chiến dịch WeThe15 đã được phát động vào ngày 19/8, ngay trước thềm Paralympic Tokyo. Con số “15” chính là phần trăm dân số khuyết tật theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Vatican News, định hướng theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Phát triển bền vững và Công ước về Quyền của Người Khuyết tậ, WeThe15 nhằm thay đổi thái độ và tạo ra nhiều cơ hội hơn.

Để đánh dấu ngày khởi động chiến dịch 10 năm, Văn phòng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ được thắp sáng bằng đèn màu tím, màu quốc tế dành cho người khuyết tật. Hơn 125 địa danh mang tính biểu tượng khác trên khắp thế giới cũng được thắp đèn tím.

Buổi phát động còn công chiếu đoạn phim cho chiến dịch dài 90 giây, dự kiến sẽ được chiếu trên các kênh truyền hình ở 60 quốc gia. Mỗi năm trong chiến dịch thập kỷ này sẽ tập trung vào những vấn đề người khuyết tật phải đối mặt, bao gồm cả vấn đề việc làm và giáo dục.

TGP Washington khởi động kế hoạch bảo vệ môi trường theo thông điệp Laudato Si

TGP Washington khởi động kế hoạch bảo vệ môi trường
Đức Tổng Giám mục Wilton D. Gregory của TGP Washington cùng các em học sinh trường Thánh Mary trồng cây nhân kỷ niệm 65 năm thành lập trường. Ảnh: CNS/ Catholic Standard

Từ ngày 16/8, Tổng Giáo phận (TGP) Washington, Mỹ đã khởi động một kế hoạch hành động để khuyến khích người Công giáo ở các giáo xứ, trường học và các cơ sở khác thực hiện thông điệp “Laudato Si” của Đức Thánh Cha Phanxicô về gìn giữ môi trường sống.

Theo CNS, kế hoạch hành động của TGP Washington nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện, bao gồm những biện pháp thiết thực mà mọi người có thể quan tâm và thực hiện.

Văn kiện hướng dẫn thực hiện thông điệp của ĐTC được Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican công bố đã đóng vai trò khuôn khổ cho kế hoạch hành động của TGP Washington.

Trong văn kiện có một số ý tưởng như: sử dụng năng lượng tái tạo sạch, giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ sự sống của con người, sản xuất bền vững, thương mại công bằng, tiêu dùng có đạo đức, áp dụng lối sống giản dị, thiết kế các chương trình giáo dục sinh thái và nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng.

Mỗi ý tưởng sẽ có những hướng dẫn cụ thể để TGP Washington có thể thực hiện kế hoạch hành động: Bắt tay vào Hành trình 7 năm Thúc đẩy Hệ sinh thái Toàn diện.  

Lãnh đạo các tôn giáo kêu gọi phong tỏa Sri Lanka vì biến thể Delta

xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Colombo
Người dân xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Colombo, Sri Lanka.
Ảnh: UCA News/AFP

Các linh mục Công giáo, các nhà sư Phật giáo cùng các chuyên gia y tế đang khẩn thiết kêu gọi chính phỉ Sri Lanka phong tỏa đất nước để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Hiệp hội Y sĩ Sri Lanka cảnh báo các bệnh nhân Covid-19 sẽ không thể đến bệnh viện trong vài tuần tới. Hiện các bệnh viện trên khắp đất nước đang tràn ngập bệnh nhân Covid-19. Hiệp hội cho biết sẽ rất khó để xử lý tình hình xấu vì nhân viên y tế và cơ sở vật chất hạn chế.

Hiệp hội các bác sĩ chuyên khoa cho biết sự lây lan của biến chủng Delta không chỉ có thể kiểm soát bằng tiêm chủng. Các chuyên gia cho biết nếu không nhanh chóng hành động, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Cha Cyril Gamini Fernando, chính xứ giáo xứ Thánh Anne ở Kurana lên tiếng: “Đất nước có thể sẽ trượt xuống vực thẳm nếu không hành động kịp thời”.

Theo UCA News, Sri Lanka đã ghi nhận 373.165 trường hợp mắc Covid-19 với 47.847 người hiện đang được chăm sóc y tế tại các bệnh viện và nhà riêng. Có 12 triệu người dân Sri Lanka đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi đầu và 5 triệu người khác đã được tiêm mũi thứ hai.

HĐGM Ý lên tiếng về nỗ lực hợp pháp hóa an tử, trợ tử

hợp pháp hóa an tử, trợ tử
Ảnh minh họa. Shutterstock

Hai hành vi an tử và trợ tử đều là bất hợp pháp ở Ý. Tuy nhiên, các nhà vận động ở Ý đang nỗ lực hợp pháp hóa an tử và trợ tử thông qua kiến nghị đưa ra cuộc trưng cầu dân ý để loại bỏ một phần của luật.

Hội đồng Giám mục (HĐGM) Ý đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về yêu cầu trên và tuyên bố rằng “không có biểu hiện của lòng trắc ẩn trong việc giúp người nào đó tìm cái chết”.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trực tuyến hồi đầu tuần, các Đức Giám mục cho biết: “Bất kỳ ai trong tình trạng đau khổ cùng cực cần được giúp đỡ để xoa dịu nỗi đau đó, vượt qua đau khổ và tuyệt vọng, chứ không phải từ bỏ cuộc sống của chính họ”.

Trong lá thư năm 2020 của Bộ Giáo lý Đức tin về việc chăm sóc con người trong giai đoạn quan trọng và cuối cùng cuộc đời, tài liệu đã khẳng định hành vi an tử “về bản chất là xấu xa”.

Theo CNA, các nhà vận động cho biết, trong tuần này, họ đã đạt đủ 50.000 chữ ký tối thiểu cần thiết để quốc hội quyết định có tiến hành trưng cầu dân ý hay không. Nếu được tiến hành, cuộc trưng cầu dân ý sẽ mở đường cho dự luật hợp pháp hóa an tử và trợ tử.

Khánh Ly – WTGPHN