Thế giới trong ngày 18-6-2021

Tổng thống Joe Biden (bên phải) bắt tay người người đồng cấp Vladimir Putin (bên trái). Ảnh: Vatican News

Hội đồng các Giáo hội Kitô thế giới chia sẻ hy vọng về cuộc gặp giữa tổng thống Biden và Putin

Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) bày tỏ nguyện vọng rằng cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Nga có thể mang lại hy vọng cho thế giới sau đại dịch.

Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16/6, tại Genève giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận về những vấn đề mà 350 Giáo hội thành viên của WCC đặc biệt quan tâm.

Những vấn đề bao gồm tác động kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bóng ma dai dẳng và vẫn đang gia tăng của một cuộc xung đột hạt nhân thảm khốc, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác kiểm soát vũ khí suy giảm và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Trong một lá thư gửi đến hai nhà lãnh đạo, Tổng Thư ký của WCC Ioan Sauca viết: “Với tư cách là lãnh đạo hai quốc gia có lịch sử cụ thể và vai trò trong các vấn đề thế giới, hai vị có trách nhiệm đặc biệt trong việc giảm căng thẳng và đạt được mối quan hệ ổn định”.

Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới cũng cầu nguyện cho hai tổng thống tìm thấy con đường cho hoà bình và công lý. Hội nghị thượng đỉnh tại Geneva kéo dài chưa đầy bốn giờ, bao gồm hai vòng đàm phán.

Mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã xấu đi trong nhiều năm, đặc biệt là với việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, sự can thiệp của họ vào Syria năm 2015 và việc Moscow phủ nhận cáo buộc của Mỹ về can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 đưa Donald Trump vào Nhà Trắng. (Theo Vatican News)

Các Giám mục Mỹ bỏ phiếu ủng hộ thúc đẩy hai án phong thánh
Hình ảnh cha Joseph Lafleur. Ảnh: Andrepont Printing

Ngày 17/6, các Giám mục Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ việc thúc đẩy hai vụ án phong thánh của cha Joseph Verbis Lafleur – tuyên úy quân đội Thế chiến II và thầy Marinus (Leonard) LaRue – một thủy quân lục chiến trở thành tu sĩ dòng Biển Đức.

Trong cuộc bỏ phiếu tại đại hội đồng mùa xuân của Hội đồng Giám mục Mỹ, cả hai vụ án được cho là có cơ hội 99% tán thành.

Cha Lafluer là người gốc Louisiana, Mỹ. Cha là một tuyên úy quân đội và là tù nhân chiến tranh, người đã hy sinh mạng sống để giúp những người thoát khỏi tàu chiến Nhật Bản. Trước khi qua đời, cha đã sống hai năm rưỡi trong điều kiện đói khát ở một trại tại Phillipines.

Chính tại đây, nhờ sự rộng lượng và lòng bác ái của cha đã khiến khoảng 200 người đàn ông cải đạo theo Công giáo. Theo cháu trai của cha Lafluer, 82 tù nhân sống sót trở về đều kể những câu chuyện về cha, về những hy sinh và lòng dũng cảm trong hoàn cảnh khó khăn. Đức Giám mục Douglas Deshotel đã mở án phong thánh cho cha Lafleur vào ngày 5/9/2020.

Còn thầy Marinus Leonard LaRue là thuyền trưởng của Thủy quân lục chiến thương gia Mỹ, người đã thực hiện chiến dịch giải cứu dũng cảm trong chiến tranh Triều Tiên. Thầy đã dùng con tàu chở hàng hóa, vũ khí để cứu khoảng 14,005 người tị nạn.

Sau này, thầy đã quyết định theo ơn gọi tu trì và gia nhập dòng Biển Đức và sống một cuộc sống khiêm nhường và phục vụ. Thầy Marinus qua đời ngày 14/10/2001. Đức Giám mục Arthur Serratelli đã ban hành sắc lệnh mở án phong thánh cho thầy Marinus vào 25/3/2020. (Theo CNA)

Đức Tổng Giám mục Abuja kêu gọi ngừng trấn áp tiếng nói của giới trẻ Nigeria về công lý và dân chủ
Ảnh: Agenzia Fides

Đức cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng Giám mục Giáo phận Abuja, trong bài giảng vào Chúa nhật, ngày 13/6 kêu gọi: “Đừng kìm nén người trẻ tuổi với những yêu cầu hợp lý của họ”. Trong đó, Đức cha nhắc đến việc chính phủ liên bang chống lại tiếng nói của giới trẻ vì họ phản đối những quản lý yếu kém và tình trạng mất an ninh ở quốc gia Tây Phi này.

Những người trẻ tuổi ở Nigeria đã đánh dấu Ngày Dân Chủ của nước này (12/6) bằng các cuộc biểu tình trên đường phố. Các nhân viên cảnh sát đã bắn hơi cay và bắt giữ một số thanh niên tham gia biểu tình.

Đức Tổng Giám mục Kaigama nói: “Xua đuổi người trẻ không phải là một giải pháp, nhưng hãy đáp ứng những yêu cầu hợp lý của họ một cách tích cực và sáng tạo”. Đức Cha Kaigama bày tỏ hy vọng rằng người Nigeria sẽ có thể “vượt qua hận thù, khuôn mẫu, lợi ích cá nhân, xu hướng cố chấp và chia bè kéo cánh”.

Sau đó, Đức Tổng Giám mục của Abuja nhắc lại rằng dầu mỏ tuy là nguồn thu nhập chính của đất nước nhưng lại là nguồn gốc của xung đột, bất công. Khi nhu cầu sử dụng dầu không còn cao trong tương lai, chăn nuôi và trồng trọt sẽ là nguồn thay thế, Đức Tổng Giám mục Kaigama nhận xét.

Để thúc đẩy chăn nuôi và trồng trọt, Giáo hội Công giáo Nigeria kêu gọi chấm dứt đối kháng “không cần thiết” giữa người chăn nuôi và nông dân trồng trọt. Đức cha mời gọi những thanh niên thất nghiệp ở Nigeria “tiếp tục ước mơ một cách tích cực và nuôi dưỡng nó bằng những công việc dù là nhỏ nhặt nhưng sẽ đem lại phẩm giá từ sức lao động của đôi tay mình”. (Theo Agenzia Fides)

Giáo phận Colombia lên án vụ đánh bom tại căn cứ quân sự
Ảnh: CNS/ Vatican Media

Giáo phận Cúcuta đã lên án cuộc tấn công hôm 16/6 chống lại Lữ đoàn 30 của Quân đội Quốc gia và cảnh báo lòng thù hận sẽ tạo ra một cuộc tấn công bạo lực.

Ngày 16/6, một chiếc xe đã phát nổ tại căn cứ quân sự ở Cúcuta khiến 36 người bị thương. Đức Giám mục José Libardo Garcés Monsalve của Giáo phận Malaga-Soata, kiêm Giám quản tông tòa Cúcuta nói rằng: Giáo phận Cúcuta “kiên quyết bác bỏ mọi hành động bạo lực”.

“Chúng tôi gửi gắm sự chân thành và sâu sắc nhất trong tình liên đới với gia đình và các nạn nhân vụ tấn công. Chúng tôi xin trao họ trong tay Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse”, Đức cha nói.

Đức cha Garcés kêu gọi những kẻ chủ mưu vụ tấn công không cuốn theo cơn lốc bạo lực bị khuấy động bởi thù hận. Tất cả có thể tìm ra lối thoát thông qua đối thoại, sự tha thứ và hòa giải.

Đức cha cũng cầu nguyện xin Chúa giữ gìn Colombia trong trái tim Chúa Giêsu, nơi con người học được cách yêu thương và tha thứ. Ngài cũng mời gọi những người thiện chí cầu nguyện kiên trì và sốt sắng hơn bao giờ hết.

Các vụ đánh bom xe từng xảy ra trong các cuộc xung đột ở Colombia. Vào tháng 1/2019, một vụ đánh bom ô tô tại một học viện cảnh sát ở Bogota đã cướp đi sinh mạng 21 người. (Theo CNA)

Các Giám mục lên tiếng về vấn đề phá thai trước cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Châu Âu
Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: Jlogan/ Wikimedia

Một ủy ban gồm các Giám mục Châu Âu đã phản hồi báo cáo về vấn đề phá thai dự kiến sẽ được Nghị viện Châu Âu đưa ra tranh luận và biểu quyết vào tuần tới.

Các Đức cha rất lo ngại về một số lập luận đưa ra trong Báo cáo Matić, trong đó tìm kiếm sự công nhận “quyền phá thai” và định nghĩa lại hành động lương tâm không cho phép đồng nghĩa với “từ chối chăm sóc y tế”.

Theo bản tuyên cáo lập trường công bố ngày 17/6 của Ban Thư ký Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE), việc xếp loại phá thai thành một “dịch vụ y tế thiết yếu” là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.

Các Đức cha viết rằng: “Với tư cách là Giáo hội, chúng tôi tin rằng sự sống của con người, ngay từ khi chưa sinh ra, đã có phẩm giá riêng và có quyền được bảo vệ độc lập. Theo quan điểm của Giáo hội, phá thai không phải phương pháp kế hoạch hóa gia đình, cũng không phải là việc chăm sóc sức khỏe thông thường”.

COMECE bao gồm các Đức Giám mục được ủy quyền bởi HĐGM của 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu. Các ngài nhấn mạnh sức khỏe con người là mối quan tâm cốt lõi của Giáo hội Công giáo.

Ủy ban đánh giá cao mối quan tâm cơ bản của dự thảo nghị quyết là bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ, nhưng lấy làm tiếc về quan điểm một chiều của Báo cáo Matić về phá thai.

Các Giám mục nói: “Chăm sóc phụ nữ gặp đau khổ hoặc mâu thuẫn vì mang thai là một phần trọng tâm trong chức vụ của Giáo hội, đồng thời là nghĩa vụ của xã hội chúng ta”. (Theo CNA)

Khánh Ly