Thế giới trong ngày 15-6-2021

Người dân tham dự buổi cầu nguyện bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở London, bang Ontario, Canada ngày 8/6/2021 sau khi 4 người trong một gia đình Hồi giáo bị sát hại. Ảnh: CNS/RT

Giáo hội Canada cam kết hỗ trợ người Hồi giáo sau vụ tấn công một gia đình vì thù ghét tôn giáo

Các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo và các chính trị gia đã lên án vụ tấn công nhằm vào một gia đình Hồi giáo ở thành phố London, bang Ontario, Canada.

Ủy ban thư ký thường trực của Hội đồng Giám mục Canada trong một tuyên bố ngày 10/6 đã kêu gọi chấm dứt bạo lực tôn giáo ở Canada, đặc biệt là sự căm thù đối với người Do Thái và Hồi giáo.

Đức Tổng Giám mục Richard Gagnon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada, cho biết các Giám mục kiên quyết phản đối tất cả các hình thức và biểu hiện của sự thù hận và mạnh mẽ tố cáo hành động bạo lực gần đây ở Canada nhắm vào người Do Thái và Hồi giáo.

Tuyên bố được đưa ra để đáp lại thông báo từ phía cảnh sát thành phố London về vụ lái xe đâm vào 5 thành viên trong một gia đình Hồi giáo hôm 6/6 khi họ đang đi dạo, khiến 4 người chết và 1 cậu bé bị thương nặng. Cảnh sát tin rằng nạn nhân bị tấn công bởi họ theo đạo Hồi.

Đối tượng Nathaniel Veltman (tài xế 20 tuổi) phải đối mặt với bốn tội danh giết người cấp độ 1 và một tội danh cố ý giết người.

Các Giám mục đã tán thành tuyên bố này. Các ngài ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại của những hành động thù ghét đồng thời kêu gọi tín hữu với khối óc và trái tim của người Công giáo lên án nạn bài Do Thái, Hồi giáo và tất cả hình thức bạo lực cực đoan nhắm vào đức tin.

Tuyên bố cũng đưa ra lời hứa cầu nguyện cho những đối thoại không ngừng nghỉ, chân thành, mang tính xây dựng, hòa hợp xã hội và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, người Canada từ mọi nguồn gốc, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa có thể chung sống hòa bình. (Theo CNS)

Tổng Giám mục Hàn Quốc sẵn sàng cho những thử thách lớn của Vatican
Đức cha You Heung-sik, Tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Vatican. Ảnh: CNA

Tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Lazzaro You Heung-sik nói rằng Giáo hội có thể làm nhiều hơn cho các nước nghèo.

Tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Lazzaro You Heung-sik nói rằng Giáo hội Hàn Quốc và toàn thế giới có vai trò và trách nhiệm lớn đặc biệt đối với các quốc gia và cộng đoàn tín hữu khó khăn trên toàn thế giới.

Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được bổ nhiệm, ngài đã cảm ơn Đức Thánh Cha và Tòa Thánh đồng thời kêu gọi hỗ trợ cho Đức Thánh Cha và Giáo hội Công giáo được mở rộng và phát triển. Đức Cha hy vọng có thể thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình.

Đức cha You Heung-sik kế nhiệm Đức Hồng Y người Ý Beniamino Stella, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ vào năm 2013.

Tân Tổng trưởng đã viết một bức thư gửi đến các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân giáo phận Daejeon với lời tạ ơn Chúa và mong mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài. Đức Cha viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng trưởng Tòa Thánh làm phụ tá trực tiếp cho Đức Giáo Hoàng được bổ nhiệm cho một giáo sĩ Hàn Quốc. Đức Thánh Cha cổ võ Giáo hội Công giáo Hàn Quốc thực hiện ơn gọi của mình với tư cách là con cháu của tổ tiên anh dũng khi kỉ niệm 200 năm ngày sinh Thánh Anrê Kim Taegon”. (Theo UCAnews)

Đức Thánh Cha kêu gọi hỗ trợ lương thực cho vùng Tigray của Ethiopia
Khu trại tị nạn cho người Ethiopia tránh khỏi các cuộc chiến ở vùng Tigray. Ảnh: Vatican News

Liên hiệp quốc (LHQ) và các tổ chức cứu trợ ước tính có khoảng 350,000 người ở Tigray đang đối mặt với nạn đói

Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) đã kêu gọi viện trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở Tgray, Ethiopia, Châu Phi.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 13/6, ĐTC đã cầu nguyện cho những người dân đang đau khổ ở quốc gia Châu Phi.

Ngài nói: “Tôi đặc biệt gần gũi với người dân vùng Tigray ở Ethiopia, nơi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khiến những người nghèo nhất phải chịu nạn đói”.

Trong tháng 11/2020, ĐTC Phanxicô cũng đã mời gọi mọi người cầu nguyện và tổ chức đối thoại để đưa ra giải pháp cho xung đột ở Ethiopia.

Theo thống kê của LHQ và các tổ chức cứu trợ, khoảng 350,000 người đang trong nạn đói và 2 triệu người khác có nguy cơ đối mặt với nạn đói.

 Cao ủy LHQ về người tị nạn gần đây cảnh báo sẽ có khoảng 30,000 người cộng với trẻ em suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao. LHQ cũng đã kêu gọi hơn 200 triệu đô la để mở rộng quy mô ứng phó vì hơn 90% trong số 5 triệu dân khu vực Tigray cần viện trợ lương thực khẩn cấp. (Theo UCAnews)

Người Công giáo Sri Lanka cầu nguyện với thánh Antôn cho nạn nhân của khủng bố và dịch bệnh
Một bức tượng kích thước thật của Thánh Antôn Padua trước nhà thờ Thánh Antôn ở Weliweriya. Ảnh: UCA News

Các nhà thờ ở Sri Lanka đã cử hành lễ kính thánh Antôn, một trong những vị thánh được nhiều người yêu mến nhất nước này, mà không có sự tham dự của cộng đoàn.

Nhiều nhà thờ đã tổ chức các buổi Kinh chiều và Thánh lễ mà không có sự tham dự của các tín hữu do đại dịch Covid-19.

Năm nay, lễ kính thánh Antôn được truyền hình trực tiếp qua mạng xã hội và giáo dân tham dự Thánh lễ ngay tại nhà.

Nhà thờ Thánh Antôn ở Kochchikade, Colombo đã cử hành Thánh lễ với sự hiện diện của Đức Hồng Y Malcolm Ranjith và 3 Đức cha Phụ tá của Tổng Giáo phận vào ngày 13/6.

Chính nhà thờ này là một trong ba nơi bị tấn công bởi những kẻ đánh bom liều chết vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh năm 2019. Ít nhất 93 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Đức Hồng Y và các Giám mục đã cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong ngày định mệnh đó.

Các nhà thờ tại Sri Lanka phải cử hành Thánh lễ trực tuyến do đại dịch Covid-19. Sri Lanka đã ghi nhận 223,638 ca nhiễm virus và 2,136 ca tử vong.

Cha Roshan Fernando, chính xứ nhà thờ Thánh Antôn ở Weliweriya, đã chia sẻ trong bài giảng trực tuyến: “Thánh Antôn đã phân phát tất cả của cải của ngài cho người nghèo. Giữa đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi kêu gọi các tín hữu hãy chia sẻ với những người nghèo bất kể tôn giáo nào tại chính nơi sinh sống của mình”. (Theo UCAnews)

Nhà thờ Đức Bà Paris kêu gọi phục chế nội thất
Ảnh ANSA

Tổng giáo phận Paris đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ hàng triệu đô la để khôi phục lại nội thất nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 2019.

Trong một tuyên bố ngày 14/6 cho biết, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Paris Michel Aupetit đang phát động kêu gọi với dự kiến mở lại nhà thờ vào 16/4/2024.

Chính quyền Pháp đang giám sát quá trình phục chế và bảo tồn thánh đường còn phía Tổng Giáo phận đang phụ trách tu sửa nội thất.

Tuyên bố cho biết: “Chương trình cải tiến nội thất hoàn toàn do Tổng Giáo phận chịu trách nhiệm, với mục đích trước mắt là nối lại các hoạt động thờ phượng, xa hơn là để 6 triệu tín hữu, người hành hương và du khách có thể đến nhà thờ mỗi năm”.

Sáng kiến này có kinh phí khoảng 6,1 – 7,3 triệu đô la, với hai dự án mỗi năm thực hiện bởi các nhà tài trợ của Pháp và nước ngoài.

Nhà thờ chính tòa với kiến trúc Gothic nổi tiếng của Pháp được xây dựng từ năm 1163 – 1345, nơi lưu giữ Mão Gai của Chúa. Thánh tích đã được cứu vào đêm hỏa hoạn ngày 15/4/2019.

Hai dự án đầu trình bày cho các nhà tài trợ sẽ là khôi phục lại thánh tích Mão Gai và xây dựng nhà tạm mới. Dự án tương lai sẽ bao gồm chỗ ngồi mới cho ca đoàn, hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng như đàn organ và bàn thờ.

Đức cha Apeutit cho biết việc phục chế nhà thờ Đức Bà là cơ hội đưa ngôi thánh đường bước vào thể kỷ 21, khi vừa giữ được bản sắc riêng theo truyền thống Công giáo vừa cần có những thay đổi phù hợp để khắc ghi nó vào ký ức của ngày hôm nay.

Đức Tổng Giám mục Aupetit sẽ cử hành thánh lễ kỉ niệm ngày Cung hiến nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris ngay bên trong nhà thờ vào ngày 16/6. Vì lý do an ninh, chỉ có 12 người được phép tham dự. (Theo CNA)

Khánh Ly