Philippines tổ chức Đại hội Thánh Thể trực tuyến; ĐTC Phanxicô bày tỏ hy vọng trong ngày Quốc tế Giới trẻ Liên Hợp Quốc; Nữ tu quỳ gối nổi tiếng của Myanmar dấn thân giúp đỡ bệnh nhân Covid-19; Nỗ lực liên tôn hướng tới thúc đẩy hòa bình ở Nam Sudan là những thông tin đáng chú ý.
Philippines tổ chức Đại hội Thánh Thể trực tuyến khi không đến được Budapest
Các Đức Giám mục Philippines đã quyết định tổ chức Đại hội Thánh Thể trực tuyến toàn quốc để hiệp thông với Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hungary vào tháng 9.
Ban đầu, các Đức Giám mục dự kiến cử phái đoàn 500 tín hữu đến Đại hội ở Hungary từ ngày 5/9 đến ngày 12/9. Đây cũng được coi như để kỷ niệm 500 năm đón nhận đức tin của Giáo hội Philippines. Kế hoạch đã phải hủy bỏ vì dịch bệnh Covid-19 đang lây lan.
Theo CNA, Đại hội Thánh Thể trực tuyến sẽ được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Trụ Cột, hay còn gọi là nhà thờ Santa Cruz ở Manila vào ngày 11/9. Nhà thờ này là Đền thờ Bí tích Thánh Thể của Tổng Giáo phận Manila. Thông tin chi tiết hơn về Đại hội Thánh Thể Philippines sẽ được công bố trong thời gian tới.
Năm 2016, Philippines là quốc gia tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại thành phố Cebu. Ước tính có khoảng 1 triệu người tham dự Thánh lễ bế mạc năm đó. Đức Tổng Giám mục Jose Palma của Cebu dự kiến sẽ tham dự Đại hội Thánh Thể ở Budapest. Vì theo truyền thống, vị Giám mục của nước đăng cai tổ chức Đại hội trước đó sẽ cử hành một Thánh lễ trong tuần diễn ra sự kiện.
ĐTC Phanxicô bày tỏ hy vọng trong ngày Quốc tế Giới trẻ Liên Hợp Quốc
Thứ Năm, ngày 12/8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đăng trên Twitter bày tỏ hy vọng nơi những người trẻ tuổi nhân ngày Quốc tế Giới trẻ Liêp Hợp Quốc (LHQ), Vatican News đưa tin.
ĐTC Phanxicô có niềm tin rất lớn vào những người trẻ tuổi, những người mà theo ngài, với tinh thần trẻ trung có thể mang lại một thế giới công bằng và bình đẳng hơn, đặc biệt cho những người nghèo khổ thiếu thốn.
Ngài viết: “Với sự giúp đỡ của những người trẻ tuổi và tinh thần đổi mới của họ, chúng ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực, về một thế giới nơi bánh mì, nước, thuốc men và công việc luôn dồi dào và tiếp cận tới những người cần nhất trước tiên”.
Từ năm 2000, ngày Quốc tế Giới trẻ LHQ được tổ chức hàng năm vào ngày 12/8. Chủ đề của năm 2021 là “Chuyển đổi Hệ thống Thực Phẩm: Thanh niên Sáng tạo vì Sức khỏe Con người và Hành tinh”.
Trong thông điệp nhân ngày Quốc tế Giới trẻ LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng “những người trẻ đang ở tiền tuyến của cuộc đấu tranh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
Nữ tu quỳ gối nổi tiếng của Myanmar dấn thân giúp đỡ bệnh nhân Covid-19
Đối với sơ Ann Rose Nu Tawng, vai trò của sơ trong thời kỳ đại dịch không khác nhiều so với trong thời kỳ bất ổn chính trị.
Vào tháng 2, giữa tình hình bất ổn chính trị, một hình ảnh đã gây ấn tượng trên toàn thế giới. Sơ Nu Tawng quỳ gối trước các sĩ quan cảnh sát ở Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin, để cố gắng bảo vệ những người biểu tình không vũ trang trẻ tuổi đang tìm nơi ẩn náu.
Kể từ đó, sơ đã chuyển trọng tâm sang việc giúp đỡ các bệnh nhân ốm yếu từ những ngôi làng bị dịch bệnh hoành hành mà các nhân viên y tế không thể tiếp cận. Mặc bộ đồ bảo hộ, sơ Nu Tawng quyết tâm hỗ trợ tinh thần và chăm sóc y tế cho các bệnh nhân.
Sơ Ann Rose Nu Tawng khi trả lời UCA News, đã quả quyết: “Tôi không sợ chết ngay cả khi tôi có thể bị nhiễm vi-rút Covid-19”. Từ sáng sớm đến tối muộn, người dân có triệu chứng Covid-19 đổ xô đến ngôi làng để được xét nghiệm và điều trị. Điện thoại của sơ đổ chuông liên hồi cả ngày.
Khó khăn duy nhất của sơ là phải mặc đồ bảo hộ hàng giờ liên tục. Nhưng sơ nói rằng mình không mệt mỏi và đây là nhiệm vụ sơ phải làm. Sơ Nu Tawng là một trong rất nhiều người đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Myanmar và hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn.
Nam Sudan: Nỗ lực liên tôn hướng tới thúc đẩy hòa bình
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngừng bạo lực giữa các cộng đồng ở khu vực Tambura của Nam Sudan, Đức Giám mục Edward Hiiboro Kussala của giáo phận Tombura-Yambio đã phản ánh về sáng kiến của các nhà lãnh đạo tôn giáo vì hòa bình.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, nhiều người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong các cuộc xung đột, mùa màng bị phá hủy gây nguy cơ khủng hoảng lương thực. Hơn 30.000 người phải di dời và hàng trăm gia đình phải cắm trại trong khuôn viên các nhà thờ.
Theo Vatican News, là một phần nỗ lực thỏa thuận hòa bình, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã lên đường gặp gỡ người dân và các nhà lãnh đạo ở Tambura để cố gắng chấm dứt bạo lực. Đức Giám mục Kussala đã giải thích sáng kiến này nhằm “mang đến một thông điệp về tình yêu và sự hòa giải, chạm đến trái tim” của người dân.
Trước những thách thức mà quốc gia Đông Phi phải đối mặt, Đức cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của một chính quyền mạnh mẽ, có tổ chức. Về phía Giáo hội, Đức cha cũng nhấn mạnh sự cần thiết của nguồn lực hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Đọc thêm: “Giấc mơ ngàn năm” của giáo dân mong có nhà thờ trở thành sự thật
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: