Hàng nghìn người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, đang phải lánh nạn trong các khu rừng. Ảnh: Agenzia Fides
Các Giám mục Myanmar kêu gọi mở hành lang nhân đạo và tôn trọng nơi linh thiêng
Sau cuộc họp tại Yangon, các Giám mục Myanmar đưa ra kêu gọi mở hành lang nhân đạo, tôn trọng nơi linh thiêng, cầu nguyện cho đất nước và hành động vì hòa bình.
Một nguồn tin của hãng Fides xác nhận quân đội Myanmar đã phá hủy các bao gạo, viện trợ lương thực và thuốc men cho người tị nạn.
“Cố ý phá hủy viện trợ nhân đạo cho những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương là tội ác chống lại loài người. Không có từ ngữ nào có thể mô tả những hành động khủng khiếp như vậy”, nguồn tin của Fides tại Giáo hội địa phương cho biết.
Đối mặt với tình trạng khẩn cấp này, các Giám mục Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi chân thành trong một thông điệp được ký bởi 13 Giám mục, với nội dung: “Trong khi đất nước của chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn, lời kêu gọi này khởi đi vì lý do nhân đạo. Chúng tôi không phải chính trị gia mà là những người dẫn dắt đức tin. Và chúng tôi đang đồng hành cùng người dân trên con đường hướng tới những phẩm giá con người”.
Văn bản được gửi cho Fides trình bày theo 4 điểm:
Thứ nhất, các Giám mục quan tâm sâu sắc đến các khó khăn khi tiếp cận với hàng nghìn người tị nạn, những người đang chết đói trong rừng. Các cha khẩn thiết kêu gọi một hành lang nhân đạo cho phép tiếp cận họ dù ở bất cứ đâu.
Thứ hai, các ngài kêu gọi sự tôn trọng đối với các nhà thờ, tu viện, đền chùa, nơi hàng ngàn người không còn nhà cửa chạy đến lánh nạn.
Thứ ba, các Giám mục Myanmar mời gọi các Giáo phận và cộng đoàn tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình của đất nước, cử hành Thánh lễ, suy niệm trong giờ Chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi để dâng đất nước trong tay Đức Mẹ.
Thứ tư, các cha kêu gọi hành động vì nền hòa bình lâu dài. Những xung đột đi qua sẽ để lại nỗi đau cho những người dân vô tội. Phẩm giá con người là bởi Thiên Chúa ban tặng và không có bạo lực nào có thể phủ nhận khát vọng về phẩm giá con người. (Theo Agenzia Fides)
Chương trình nghị sự của phó tổng thống Mỹ Harris đề cập các vấn đề lâu năm mà Giáo hội Công giáo Trung Mỹ quan tâm
Trong chuyến công du đầu tiên đến Mỹ – La tinh trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã đề cập đến những vấn đề Giáo hội Châu Mỹ quan tâm từ lâu, đặc biệt là di cư.
Đức Hồng Y của Guatemala Álvaro Ramazzini nói: “Chúng tôi vẫn cho rằng lý do chính của dòng người di cư qua Mexico đến Mỹ là do nghèo đói”. Ngài là người đã nhìn thấy được những tác động tích cực và tiêu cực của việc di cư. Cha còn nhấn mạnh rằng giải quyết vấn đề tham nhũng là việc cấp thiết. Một hệ thống kinh tế bắt nguồn từ lòng tham sẽ khiến người nghèo không thể làm gì khác ngoài việc di cư.
Kế hoạch của chính quyền ông Biden là rót 4 tỉ đô la vào El Salvador, Honduras và Guatemala để chống đói nghèo, tạo việc làm, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như bạo lực và cải thiện điều kiện sống để người dân không rời đi.
Các Giám mục Mexico cũng bảy tỏ những lo lắng tương tự, nhưng cũng hy vọng vào cách tiếp cận của Mỹ. Các ngài cho rằng chính sách tốt nhất là noi theo gương người Samari nhân hậu, chăm sóc những người yếu thế trong xã hội và tạo cơ hội để họ được làm chủ cuộc đời của mình.
Bà Harris đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì những tuyên bố nhấn mạnh người dân khu vực Trung Mỹ không nên di cư đến Mỹ. Tuy nhiên, Giám mục của Salvador Oswaldo Escobar cho rằng chuyến thăm mang đến hy vọng, mặc dù nhiều người nghi ngờ rằng chuyến thăm này sẽ ngăn chặn dòng người di cư. (Theo CNS)
Lao động trẻ em và lời kêu gọi bảo vệ trẻ dưới ánh sáng của Tin Mừng
Trong ngày thế giới chống bóc lột lao động trẻ em 12/6, Đức Giám mục Mgr. George Desmond Tambala giáo phận Zomba ở Malawi, Châu Phi nhấn mạnh: “Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều trẻ em và thiếu niên buộc phải đi làm để giúp gia đình đang trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều trường hợp nghi vấn các em bị bắt làm nô lệ hoặc tù đày với những tổn thương nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần”.
Mặc dù luật pháp Malawi đã thiết lập quyền cũng như bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, 89% trẻ em và thanh thiếu niên ở các quốc gia Châu Phi bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, bóc lột lao động hoặc không được tiếp cận với giáo dục và các điều kiện sống cơ bản khác.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80,000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 phải làm việc trong các đồn điền thuốc lá với ca làm việc lên đến 12 giờ một ngày.
Giáo hội ở Malawi cùng các tổ chức xã hội đang tham gia công tác ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức của gia đình. Lao động trẻ em là một trong những hình thức bóc lột có hại nhất đối với sự phát triển của trẻ và vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của trẻ em và trẻ vị thành niên. Theo lời của Đức cha Tambala, bảo vệ trẻ em chính là một phần không thể thiếu của sứ điệp Tin Mừng. (Theo Agenzia Fides)
Bồ Đào Nha chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới
Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha sẽ là nơi quy tụ của giới trẻ Công giáo toàn thế giới vào năm 2023.
Đại hội Giới trẻ Thế giới mà Vatican tổ chức 3 năm một lần đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 để có thể diễn ra như dự kiến. Kỳ đại hội lần thứ 36 sẽ được tổ chức tại Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha, cách trung tâm hành hương Fatima 120km.
Theo dự kiến, đại hội sẽ được tổ chức vào tháng 8 năm 2022, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoãn sang cuối tháng 4 đến tháng 8 năm 2023. Thay vì tổ chức trực tuyến, Vatican quyết định chờ và theo dõi tình hình vì đây là sự kiện thu hút hàng triệu người trẻ khắp năm châu, với các kỳ đại hội thành công đã thể hiện được sức mạnh của giới trẻ.
Công tác chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới đang được tiến hành. Bài hát chủ đề: “Ha Pressa no Ar” đã được phát hành ngày 27/1/2020. Logo của đại hội được chọn thông qua một cuộc thi quốc tế với hàng trăm tham dự viên đến từ 30 quốc gia.
Sau khi Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ Chúa Ki-tô Vua vào 22/11/2019 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, Thánh giá đại hội đã được giới trẻ Panama, nơi đăng cai Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2019, trao lại cho giới trẻ Bồ Đào Nha. (Theo UCANnews)
Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ
Ngày 11/6/2021, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Lazzaro You Heung-sik, người Hàn Quốc, cho đến nay là Giám mục giáo phận Daejeon, làm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, thay thế Đức Hồng y Beniamino Stella, vừa được Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức khi gần 80 tuổi.
Đức cha Lazzaro You sinh năm 1951. Ngài chịu chức linh mục cho giáo phận Daejeon và năm 2013 được bổ nhiệm làm giám mục phó của giáo phận. Hai năm sau đó ngài trở thành giám mục chính toà. Ngài là Chủ tịch của Uỷ ban Hoà bình của Hội đồng giám mục Hàn Quốc và đã 4 lần đến thăm Triều Tiên.
Việc bổ nhiệm một Giám mục Á châu làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, sau khi bổ nhiệm Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, người Philippines, làm Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, cho thấy sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với Á châu. (theo Vatican News)
TIN LIÊN QUAN: