Hình ảnh Đức cố Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya. Ảnh: CNA
Đức Hồng Y của Giáo hội Congo qua đời; Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến đến Scotland trong tháng 11/2021; Các linh mục và nữ tu Sri Lanka tham gia biểu tình phản đối hủy hoại môi trường và Giáo dân Bangladesh tham dự Thánh lễ mùa Covid cách đặc biệt là những thông tin đáng chú ý.
Đức Hồng Y của Giáo hội Congo qua đời
Đức Hồng Y (ĐHY) Fridolin Ambongo Besungum, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận (TGP) Kinshasa, báo tin vị tiền nhiệm của ngài là ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya đã qua đời ngày 11/7 tại Versailles ở Pháp, hưởng thọ 81 tuổi.
ĐHY Ambongo đã đăng tải thông báo trên Twitter, với lời kêu gọi các tín hữu thêm lời cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y Monsengwo, để ngài được an nghỉ trong Chúa.
Theo CNA, Cộng hòa Dân chủ Congo có khoảng 35 triệu người Công giáo và là quốc gia có số tín hữu Công giáo lớn thứ sáu trên thế giới. Đức cố Hồng Y Monsengwo đã coi sóc TGP Kinshasa với hơn 7 triệu tín hữu từ năm 2008 đến khi ngài nghỉ hưu năm 2018 ở tuổi 79.
Từ đầu tháng 7, ĐHY Ambongo đã thông báo tình hình sức khỏe của ĐHY Monsengwo đang xấu đi và trong tình trạng nguy kịch. Ngài đã được đưa đến Pháp điều trị vài ngày trước khi qua đời.
Đôi nét tiểu sử Đức cố Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya
Đức cố Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya sinh ngày 1/10/1939 ở Mongobele, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài được thụ phong linh mục năm 1963 và được tấn phong lên hàng giám mục năm 1980.
ĐHY Monsengwo từng là Giám mục phụ tá của Giáo phận Inongo, Giám mục phụ tá TGP Kisangani, Tổng Giám mục của TGP Kisangani và sau đó là Đức Tổng Giám mục của TGP Kinshasa.
Đức cố Hồng Y Monsengwo là người tiên phong cho tiến trình dân chủ và nỗ lực xây dựng hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài cũng là người có tầm ảnh hưởng và có tiếng nói ở quốc gia này.
Ngài được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI phong làm Hồng Y vào năm 2010. (Đọc thêm tại Veritas)
Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến đến Scotland trong tháng 11/2021
Phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Scotland phát biểu hôm thứ Hai rằng Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô sẽ thăm Scotland trong khoảng thời gian rất ngắn vào tháng 11/2021.
Phần lớn thời gian ĐTC dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021 diễn tại Glasgow, Scotland trong hai ngày đầu tháng 11/2021.
Trong chuyến thăm tới Vatican hồi tháng 5, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, ông John Kerry, đã lưu ý rằng ĐTC Phanxicô “có ý định tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu của LHQ”.
Tháng trước, Vatican đã công bố kế hoạch hợp tác trong một sự kiện quy tụ các nhà khoa học và người đứng đầu các tôn giáo trên thế giới trước thềm COP26. Sự kiện “Đức tin và Khoa học: Hướng tới COP26” sẽ diễn ra ngày 4/10 tại Vatican.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 17/6, Thư ký Quan hệ với các Quốc gia của Tòa Thánh Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, cho biết “rất có khả năng” ĐTC sẽ tham gia cuộc họp tháng 10 với cam kết của ngài về vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo CNA, Vatican hiện chưa có thông báo chính thức nào về việc ĐTC sẽ tới Glasgow vào tháng 11. ĐTC Phanxicô hiện đang hồi phục trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật đại tràng. Người phát ngôn cho biết: “Các Đức Giám mục của Scotland bày tỏ lời cầu nguyện ủng hộ của các ngài đối với ĐTC Phanxicô khi ĐTC hồi phục sau ca phẫu thuật gần đây”.
Các linh mục và nữ tu Sri Lanka tham gia biểu tình phản đối hủy hoại môi trường
Người Công giáo Sri Lanka đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng nhà máy điện ở vùng đầm lầy Muthurajawela. Họ kêu gọi chính phủ Sri Lanka dừng xây dựng nhà máy khí đốt hóa lỏng ở khu vực có vẻ đẹp tự nhiên nổi tiếng của quốc gia này.
Chính phủ muốn lấp một phần đất ngập nước để xây dựng nhà máy cung cấp điện, trung tâm vận tải đa năng và dự án Thành phố Hàng hải, cùng những dự án khác.
Theo UCAnews, ngày 11/7, người dân đã tổ chức cuộc biểu tình ôn hòa từ nhà thờ Thánh Nicholas ở Bopitiya. Các giáo xứ bao gồm các linh mục và nữ tu cũng tham gia cuộc biểu tình.
Cha xứ nhà thờ Thánh Nicholas đã cầu nguyện cho đoàn người biểu tình và kêu gọi chính phủ ngừng phá hủy tài nguyên thiên nhiên dưới danh nghĩa phát triển đất nước. Theo Cha, việc tiến hành các dự án này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt hơn.
Cha giám đốc Truyền thông xã hội Jude Chrishantha Fernando cho biết đầm lầy ngập nước là khu vực giúp kiểm soát lũ lụt tốt nhất ở Tỉnh Miền Tây.
Đầm lầy Muthurajawela cũng nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo với hàng trăm loài động thực vật khác nhau, được xếp vào danh sách ưu tiên ở Sri Lanka. Các nhà bảo vệ môi trường, các chính trị gia đối lập và người dân đã kêu gọi chính phủ ngừng việc bồi lấp và xây dựng các dự án để bảo tồn khu đất ngập nước ven biển lớn nhất cả nước.
Giáo dân Bangladesh tham dự Thánh lễ mùa Covid theo cách đặc biệt
Giáo dân Bangladesh có thể tham dự các giờ kinh nguyện và Thánh lễ Chúa nhật nhờ hệ thống âm thanh công cộng trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.
Gần 3.400 tín hữu của nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi thuộc Giáo phận Khulna có thể tham dự Thánh lễ sáng, cầu nguyện buổi chiều và trong ngày Chúa nhật nhờ vào sáng kiến của giáo xứ.
Theo UCAnews, Thánh lễ và các giờ kinh được cha xứ cử hành bên trong nhà thờ và giáo dân tham dự tại nhà qua hệ thống phát thanh công cộng. Nếu tín hữu muốn rước lễ, cha xứ sẽ ở lại nhà thờ sau Thánh lễ. Thánh lễ được cử hành lúc 6 giờ 30 sáng hàng ngày và giờ kinh Mân Côi lúc 6 giờ chiều.
Cha xứ Bablu Lawrence Sarker chia sẻ: “Vì khu vực chúng tôi theo đạo toàn tòng, nên việc tham dự Thánh lễ và cầu nguyện qua hệ thống phát thanh ở đây rất dễ dàng”. Mỗi tuần, giáo xứ chi trả khoảng 6 USD cho việc sử dụng các thiết bị âm thanh. Bà con giáo dân rất vui mừng về sáng kiến của cha xứ.
Ở Bangladesh, phần lớn người dân theo đạo Hồi. Thông thường, các nhà thờ Hồi giáo sử dụng hệ thống âm thanh công cộng cho toàn bộ các ngôi làng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một giáo xứ Công giáo lắp đặt hệ thống này phục vụ cho Thánh lễ và các buổi cầu nguyện của người Công giáo.
Đức Giám mục James Romen Boiragi của Giáo phận Khulna kiêm Giám đốc truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục Bangladesh, hoan nghênh sáng kiến này nhưng cho rằng hình thức này chỉ có thể thực hiện thời gian ngắn trong khu vực không có các tín đồ tôn giáo khác.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: