Ảnh: Agenzia Fides
Giáo hội Ấn Độ tưởng nhớ các linh mục và tu sĩ qua đời vì Covid-19
Giáo hội Công giáo Ấn độ tưởng nhớ các linh mục và tu sĩ qua đời vì Covid-19 bởi tinh thần hy sinh không ngần ngại để phục vụ bệnh nhân và người đau yếu.
Tính đến ngày 30/5, có 204 linh mục, 212 nữ tu và 3 Giám mục tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ. Cha Suresh Mathew, người chịu trách nhiệm theo dõi tình hình và thiết lập danh sách linh mục và tu sĩ tử vong do Covid-19, giải thích: “Hầu hết các cha và các sơ qua đời đều là ở vùng nông thôn để thực hiện công việc mục vụ nên không được điều trị kịp thời”.
Ấn Độ có khoảng 30.000 linh mục, cả triều lẫn dòng và 103.000 nữ tu. Các tu sĩ thuộc nhiều hội dòng khác nhau. Họ dấn thân phục vụ người nghèo, người bị bỏ rơi, chăm sóc người đau yếu và hấp hối. Nhiều nữ tu đã nhiễm bệnh khi đang phục vụ tại các bệnh viện. Các cha cử hành các Bí tích và giúp đỡ thiêng liêng cho người bệnh, thực hiện các lễ nghi an táng cho người qua đời.
Các linh mục và tu sĩ đã ở bên cạnh những người nghèo khổ, đau yếu trong những lúc khó khăn và thiếu thốn vì dịch bệnh hoành hành. Các ngài là những người đã không lảng tránh hay cô lập bản thân, mà luôn dấn thân phục vụ, làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa, Đấng luôn dõi theo những kẻ bé mọn. (Theo Agenzia Fides)
Chiến dịch bảo vệ sự sống của Ba Lan tuyên bố “Mỗi cuộc đời là một điều kỳ diệu”
Chiến dịch bảo vệ sự sống mới ở Ba Lan được phát động nhằm khẳng định thai nhi không thể bị phá bỏ vì chẩn đoán mắc bệnh trước khi được sinh ra.
Chiến dịch được phát động bởi Foundation Proelio Group và được biết đến với tên gọi “Mỗi cuộc đời là một điều kỳ diệu”. Chiến dịch này chia sẻ những câu chuyện về những đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh. Nhiều trường hợp bác sĩ đã khuyên người mẹ cân nhắc đến việc phá thai.
Chiến dịch được phát động sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Hiến pháp Ba Lan. Trong phán quyết ngày 22/10/2020, Tòa án Hiến pháp ở Warsaw tuyên bố rằng phá thai vì những bất thường của thai nhi là vi hiến.
Chiến dịch giới thiệu hơn 80 câu chuyện khác nhau. Trong đó có câu chuyện về cậu bé Franek đã được chẩn đoán khi siêu âm là có bàn chân khoèo, một bên thận nhỏ và cấu trúc não bất thường. Bác sĩ nhiều lần khuyên phá thai, nhưng hai vợ chồng đã quyết định giữ con lại.
Bố cậu bé kể lại rằng họ đã từ Anh trở về Ba Lan để cầu xin phép nhiệm màu. Tại Wąwolnica, nơi có đền Đức Mẹ với nhiều phép lạ xảy ra, họ đã dâng con trai mình trong tay Đức Mẹ. Và thay vì sợ hãi, họ thấy lòng mình bình yên.
Cậu bé Franek sinh ngày 16/8/2019. Tuy không 100% khỏe mạnh, nhưng như một điều kỳ diệu, tất cả những chẩn đoán trước đó đều không xảy ra.
Những câu chuyện ý nghĩa từ chiến dịch này đã lan tỏa trong cộng đồng. Người sáng lập chiến dịch mong rằng mọi người có thể nhận ra một điều: Ai cũng đều xứng đáng có được sự sống. (Theo CNA)
Caritas nói với các nhà lãnh đạo G7 về chìa khóa phục hồi toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19
Tổng thư ký Caritas Quốc tế cho biết thế giới không thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19 nếu không có những biện pháp giảm nợ cho các nước nghèo.
Khi lãnh đạo các quốc gia giàu có nhất thế giới chuẩn bị cho cuộc họp hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall thuộc nước Anh, Caritas nhấn mạnh chương trình nghị sự của họ sẽ không có khả năng thành công nếu không xóa nợ cho các nước nghèo và cho phép số tiền này đầu tư vào các dự án vắc-xin Covid-19, chăm sóc sức khỏe, phục hồi kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 11/6 – 13/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với người đồng cấp các nước G7 bao gồm: Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý và Vương quốc Anh.
Tổng thư ký Caritas Quốc tế Aloysius John trong một tuyên bố ngày 10/6 nói rằng Covid-19 cho con người thấy rõ những bất công xã hội tràn lan trên thế giới. Nếu muốn xây dựng lại tương lai thì phải loại bỏ được những bất công này”.
“Các nước G7 phải dẫn đầu trong ứng phó với Covid-19 và phục hồi để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bước đầu tiên là đảm bảo các khoản nợ được hủy bỏ, kể cả các chủ nợ tư nhân. Đây là cách nhanh nhất để chuyển tiền đến nơi cần hỗ trợ”, ông nói thêm. Theo ông, ở thời điểm khủng hoảng này đòi hỏi những phản ứng sáng tạo và chưa từng có tiền lệ. Các nước G7 nên khám phá các lựa chọn quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) để hỗ trợ các quốc gia phía Nam bán cầu. (Theo CNS)
Giới trẻ chọn phục vụ như những người truyền giáo tại Châu Phi
Các bạn trẻ thuộc Trung tâm Giáo dục của Hội Truyền Giáo Châu Phi (SMA) tại Cộng hòa Benin, Tây Phi, đã lựa chọn truyền giáo tại Châu Phi.
Hiệp hội Truyền giáo Châu Phi có một trung tâm đào tạo quốc tế dành cho các bạn trẻ đến từ các châu lục trên thế giới. Kết thúc khóa 5 năm đào tạo, cha Filippo Drogo viết: “Cuối hành trình này, những người trẻ tuổi sẽ ra đi với lý tưởng trong tim, thứ thôi thúc họ cống hiến cả cuộc đời mình cho công cuộc truyền giáo ở Châu Phi”.
Cha Drogo nhắn nhủ rằng, ngày nay, vẫn còn đó những người nghèo đói và bị bỏ rơi. Chúng ta cần chú ý đến những nơi mà Chúa Thánh Thần soi sáng để thấu hiểu được cái nghèo đói và khổ đau trong thời đại này.
Giáo hội Benin đã nhận thức được rằng đức tin đến được Châu Phi là nhờ vào các nhà truyền giáo. Rất nhiều linh mục người Benin đã được bồi dưỡng bởi các cha SMA và các nữ tu truyền giáo đến từ Châu Âu. Các ngài không chỉ nâng đỡ về đức tin mà còn giúp xây dựng các cơ sở vật chất như nhà thờ và chủng viện.
Giáo hội Công giáo Benin là một Giáo hội trẻ với 160 năm đức tin. Cha Dorgo chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy một Giáo hội tươi mới quyết đi theo ánh sáng Phúc Âm. Sự năng động của họ là một thứ tài sản quý giá mà tôi cảm nghiệm được trong 5 năm qua. Khi trở về Ý, tôi sẽ truyền lại cho cộng đoàn tín hữu ở Ý và Châu Âu”. (Theo Agenzia Fides)
Khánh Ly
TIN LIÊN QUAN: