Thế giới trong ngày 09-8-2021: Vatican lên tiếng về vấn đề sử dụng vũ khí sát thương tự động

Ngăn chặn Robot giết người
Người dân tham gia biểu tình trong chiến dịch “Ngăn chặn Robot giết người” (hay còn gọi là vũ khí tự động) do chính phủ Đức tổ chức ngày 21/3/2019. Ảnh: UCA News

Vatican lên tiếng về vấn đề sử dụng vũ khí sát thương tự động; Thiếu hụt tài trợ gây khó khăn cho hỗ trợ cứu đói của WFP ở Myanmar; Đức Giám mục Tây Ban Nha kêu gọi hỗ trợ người có ý định tự tử; Thảm họa cháy rừng hoành hành các châu lục là những tin tức đáng chú ý.

Vatican lên tiếng về vấn đề sử dụng vũ khí sát thương tự động

Trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, phái đoàn thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hợp Quốc đã cho rằng, việc sử dụng vũ khí tự động không chỉ có nguy cơ vi phạm các hiệp ước quốc tế, mà còn tác động đến hòa bình và an ninh thế giới.

Phái đoàn của Vatican đề cập đến nguy cơ của máy bay không người lái “kamikaze” và các loại vũ khí tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo AI. Phái đoàn nhấn mạnh, những loại vũ khí này khi sử dụng trong khu vực đô thị có thể dẫn đến rủi ro cao cho dân thường do sai lầm trong xác định mục tiêu.

Theo Tòa Thánh, việc duy trì sự kiểm soát của con người đối với hệ thống các vũ khí tự động là điều cần thiết, bởi năng lực phán đoán của con người còn bao gồm những phán đoán về luân lý và đạo đức.

Vatican cũng hoan nghênh các bên đã đặt trọng tâm vào vai trò của đạo đức và con người. Tòa Thánh hy vọng hành động nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang và gây gia tăng bất bình ổn sẽ là những ưu tiên hàng đầu.

Đọc thêm: Tòa Thánh phản đối sử dụng vũ khí sát thương tự động

Thiếu hụt tài trợ gây khó khăn cho hỗ trợ cứu đói của WFP ở Myanmar

Trẻ em myanmar
Những đứa trẻ trong một gia đình nhận hỗ trợ của WFP ở khu định cư tạm thời thuộc thị trấn Hlaing Thar Yar, Yangon, Myanmar. Ảnh: WFP

Vatican News đưa tin, chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) ngày 6/8 đã đưa ra thông báo rằng họ có thể không đủ nguồn lực cứu đói cho hàng triệu người Myanmar.

Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nạn đói ở Myanmar. Các gia đình gặp khó khăn vì thất nghiệp, giá nhiên liệu tăng, bất ổn chính trị, bạo lực và phải đi tị nạn.

Trong 6 tháng tới, WFP cho biết họ phải đối mặt với sự thiếu hụt hơn 70% nguồn viện trợ. Ước tính số người đối mặt với nạn đói có khả năng tăng gấp đôi lên 6,2 triệu người trong nửa cuối năm.

Giám đốc WFP tại Myanmar Stephen Anderson cho biết, tính đến nay, có tổng 1,25 triệu người Myanmar nhận được hỗ trợ lương thực, tiền mặt từ WFP trên khắp các khu vực thành thị và nông thôn trong năm 2021. Tuy nhiên, ông cho biết, với 86 triệu USD được viện trợ thêm, hoạt động cứu trợ này không chắc được bao lâu.

Các Đức Giám mục Myanmar cũng đã không ngừng kêu gọi mở hành lang nhân đạo hỗ trợ những người nghèo đói. Các giáo xứ sử dụng cơ sở vật chất cho người tị nạn, các nhóm giới trẻ quyên góp và phân phát lương thực cho người nghèo. Các cộng đồng và tổ chức quốc tế cũng đã chung tay viện trợ cho người dân Myanmar.

Ông Anderson bày tỏ lòng cảm kích về những giúp đỡ của cộng đồng. Ông cũng nhấn mạnh rằng hơn bao giờ hết, người dân Myanmar cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người.

Đọc thêm:

Các Giám mục Myanmar kêu gọi mở hành lang nhân đạo và tôn trọng nơi linh thiêng

Quỹ bác ái Hàn Quốc giúp đỡ người tị nạn Myanmar

Đức Giám mục Tây Ban Nha kêu gọi hỗ trợ người có ý định tự tử

Thuốc tự tử
Ảnh minh họa. Shutterstock

Trước thực trạng Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ tự tử cao, Đức Giám mục Juan Carlos Elizalde Espinal của Giáo phận Victoria đã thúc giục những nỗ lực để giải quyết khủng hoảng này.

CNA đưa tin, trong buổi kinh chiều ngày 4/8 để tôn vinh Đức Mẹ Tuyết, Đức Giám mục Elizalde đã nhấn mạnh: “Có rất nhiều người, thanh niên và những người trưởng thành, quyết định chấm dứt cuộc sống mình. Đừng làm điều đó. Cuộc đời này đáng sống. Chúa Kitô là Ánh sáng đối đầu với bóng tối”.

Ngoài những lý do phổ biến khiến mọi người tự kết liễu cuộc đời mình như trầm cảm và nạn bắt nạt, Tây Ban Nha còn hợp pháp hóa an tử và trợ tử vào tháng 12 năm 2020.

Đức cha kêu gọi tất cả mọi người, các tổ chức cộng đồng, công ty, trường học, gia đình và Giáo hội phối hợp với nhau để giúp đỡ những người có ý định tự tử, đồng thời nạn bắt nạn và những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý khác cần được loại bỏ khỏi môi trường sống.

Theo số liệu thống kê chính thức, trung bình mỗi ngày ở Tây Ban Nha có hơn 10 người tự tử, nhiều gấp đôi số người qua đời vì tai nạn giao thông. Tự tử là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất ở Châu Âu.

Đọc thêm: Dự luật hợp pháp hóa trợ tử ở Scotland thu hút nhiều chỉ trích

Thảm họa cháy rừng hoành hành các châu lục

thảm họa cháy rừng
Ảnh: Agenzia Fides

Hy Lạp là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do trận cháy rừng hoành hành ở Balkan, Ý và đông nam Địa Trung Hải. Cháy rừng đã bùng phát ở một số khu rừng cuối cùng còn lại của Hy Lạp trong ngày 7/8. Hàng ngàn người đã phải di tản bằng đường bộ và đường thủy.

Ở những nơi khác, đám cháy cũng đã lan đến sườn núi Parnitha, vườn quốc gia ở phía bắc Athens. Đây là một trong những khu rừng lớn cuối cùng của Hy Lạp.

Đám cháy bốc khói ngùn ngụt nên các nhà chức trách đã phải lập đường dây nóng hỗ trợ người dân gặp vấn đề hô hấp. Các đội cứu hỏa phải vật lộn để dập lửa.

Vatican News cho biết, không chỉ Hy Lạp, một số khu vực khác của Châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, vùng Siberia phía bắc nước Nga cũng trải qua những đợt cháy rừng dữ dội. Một số quan chức cho rằng, những vụ cháy rừng liên quan đến đợt nắng nóng kỷ lục ở Châu Âu.

Còn ở khu vực Châu Mỹ, theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Nghiên cứu Xã hội (CEJIS), diện tích rừng bị đốt cháy lên tới 5.229.872 ha trong 10 năm từ 2010 – 2020. Fides cung cấp thông tin rằng 15 khu vực ở vùng Amazon với tổng diện tích 2.753.083 ha đã bị ảnh hưởng trong thập kỷ này. Nhiều yếu tố đã gây ra những vụ cháy, trong đó có các chính sách của nhà nước để mở rộng đất nông nghiệp.

Khánh Ly – WTGPHN