Bước vào năm mới, không gì thích hợp bằng việc chúng ta phải làm trước tiên là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả mọi người trên thế giới được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời.
Khẩn xin phúc lành của Chúa
Lời Thánh vịnh 133,3 mới đẹp làm sao: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” ( Tv 133, 3 ). Lời Mô-sê ngỏ với A-ha-ron và các con ông như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân: “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (x. Ds 6, 22.27). Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng. Tác giả Thánh vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2).
Ngang qua Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa
Ngày đầu năm, Giáo hội chiêm ngắm thiên chức làm Mẹ Chúa Giê-su của Đức Ma-ri-a. Tín điều đầu tiên về Đức Ma-ri-a mà Giáo hội tuyên bố là Tín điều Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa. Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa không? Vì nếu Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, thì chẳng lẽ Đức Ma-ri-a, Đấng đã hạ sinh Chúa Giê-su lại không phải là Mẹ Thiên Chúa?
Đức Ma-ri-a được minh định là “Mẹ Chúa Giê-su” (x. Mt 2,13.20; Lc 1,31; 2,34; Cv 1,14) và là Mẹ của Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35; Gl 4,4). Ngay cả trước khi Chúa Giê-su sinh ra, bà Ê-li-sa-bét công bố rằng Đức Ma-ri-a là “thân mẫu của Chúa tôi” (Lc 1,43; x. GLHTCG 495). Thật rõ ràng, xuyên suốt cả Tân ước, Đức Ma-ri-a được nhận biết trong tư cách là mẹ của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Theo lời tuyên xưng cổ kính nhất trong Kinh Tin kính các Tông đồ (x. GLHTCG 194), các tín hữu đã tuyên xưng: “Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Ma-ri-a”. Một kinh nguyện cổ xưa có niên đại từ thể kỷ thứ ba “Sub tuum praesidium”, gọi Đức Ma-ri-a cách dứt khoát là “Mẹ Thiên Chúa”.
Thánh I-rê-nê (+202) đã viết: “Đức Trinh nữ Ma-ri-a, … khi vâng phục lời của Người, đã lãnh nhận từ sứ thần Tin Mừng rằng mình sẽ cưu mang Thiên Chúa” (x.thánh I-rê-nê, Chống lạc giáo, 5, 19,1).
Trong Thánh ca Nhập thể đầy thi vị của thánh Ephrem xứ Syria (+373), đã sáng tác như sau: ”Nơi cung lòng Đức Ma-ri-a, một Trẻ thơ đã nên hình nên dạng… Vì nữ tỳ, công trình Đấng Thượng trí đã trở nên Mẹ Thiên Chúa” (Ibid., 312).
Trong khảo luận về sự Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và Chống bè A-ri-ô, thánh A-tha-na-si-ô (+373) đã viết: “Ngôi Lời, Người Con được Chúa Cha sinh ra từ trời cao. Đấng vĩnh cửu chính là Đấng được sinh ra trong thời gian dưới trần thế, bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa” (Ibid,340).
Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a (+110) là người đầu tiên nêu tên Đức Ma-ri-a sau các sách Tin Mừng và viết: “Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã được Đức Ma-ri-a cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức Giê-su cũng được sinh ra bởi Đức Ma-ri-a và bởi Thiên Chúa”.
Thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) khẳng định: “Đức Ki-tô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Ki-tô”. Vì thế, nếu Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, sinh bởi Đức Ma-ri-a, thì chúng ta cũng có thể gọi mà không sợ sai lầm rằng: Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa.
Bằng việc tuyên bố Đức Ma-ri-a là Theotokos của Công đồng Ê-phê-sô, Giáo hội khẳng định Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) số 509 tóm tắt giáo huấn ấy như sau: “Đức Ma-ri-a thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ vì là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, Người Con hằng hữu ấy cũng chính là Thiên Chúa”.
Ngày cầu cho thế giới được hòa bình
Khởi đi từ ngày 01 tháng Giêng năm 1968, Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã thiết lập Ngày Thế Giới Hòa Bình với Lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa. Với đoạn Tin Mừng “Họ đã gặp thấy Ma-ri-a, Giu-se và Hài Nhi… và tám ngày sau được gọi tên là Giê-su” (Lc 2,16-21) đưa chúng ta về với người mẹ vừa mới sinh con là chính Đức Ma-ri-a, Nữ Vương bình an, sinh ra Chúa Giê-su là Thái Tử Hòa Bình. Vì thế, ngày đầu năm, Giáo hội khấn xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa Cha ban cho thế giới được hòa bình nhân ngày sinh nhật của Con Chúa. Món quà cao quý nhất là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Hòa bình điều mà thế giới hôm nay đang khao khát.
Với sự phát triển vượt bậc của thế giới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, vì thế, sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2024, có chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và hòa bình” trong đó, Đức Thánh bày tỏ ước muốn của mình sao cho phương tiện kỹ thuật mới này là con đường hòa bình, phục vụ con người, chứ không cổ võ và truyền bá những tin thất thiệt hoặc sự điên rồ của chiến tranh. “Nếu chúng làm gia tăng sự chênh lệch và xung đột, thì không thể được coi là một tiến bộ thực sự”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha cũng bày tỏ quan tâm về những loại hệ thống vũ khí tự động mới. Ngài giải thích rằng: “Thế giới thực sự không cần những kỹ thuật mới để góp phần phát triển bất chính thị trường và sự buôn bán võ khí, và như vậy thăng tiến cả sự điên rồ của chiến tranh. Làm như thế cả con tim cũng có nguy cơ ngày càng trở nên “nhân tạo”.
Để cầu chúc cho nhau, chúng ta mượn lời sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (x. Ds 6,26).
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su, Nữ Vương Bình An, thế giới đang khát khao hòa bình hơn bao giờ hết. Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế, Mẹ ơi!
Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: