Tài liệu làm việc cho Giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành 2021-2024

TÀI LIỆU LÀM VIỆC
CHO GIAI ĐOẠN CHÂU LỤC

“Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Philipphê 2,5-7)

DẪN NHẬP

1. KINH NGHIỆM TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG

      1.1 “Hoa trái, hạt giống và cỏ dại của hiệp hành”

      1.2 Chung một phẩm giá do bí tích Thánh tẩy mang lại

2. LẮNG NGHE KINH THÁNH

3. HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH TRUYỀN GIÁO

      3.1 Lắng nghe trở nên đón tiếp

            Ưu tiên cho người trẻ, người khuyết tật và bảo vệ sự sống

            Lắng nghe những người cảm thấy bị bỏ rơi và loại trừ

      3.2 Anh chị em cùng thi hành sứ mạng

            Sứ mạng của Hội thánh trong thế giới ngày nay

            Cùng bước đi với tất cả các Kitô hữu

            Bối cảnh văn hóa

            Văn hóa, tôn giáo và đối thoại

      3.3 Hiệp thông, tham gia và đồng trách nhiệm

            Vượt khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị

            Nghĩ nhiều hơn về sự tham gia của phụ nữ

            Các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ

      3.4 Hiệp hành đang thành hình

            Các cơ chế và tổ chức

            Công việc đào tạo

            Linh đạo

      3.5 Đời sống hiệp hành và phụng vụ

            Gốc rễ sâu xa

            Xử lý căng thẳng: đổi mới và hòa giải

            Cử hành theo cung cách hiệp hành

4. CÁC BƯỚC TIẾP THEO

      4.1 Hành trình hoán cải và cải tổ

      4.2 Phương pháp luận cho Giai đoạn Châu lục

            Các giai đoạn chính trong tiến trình cấp Châu lục

DẪN NHẬP

1. Thượng Hội đồng đang tiến triển: chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định điều này sau một năm khai mạc. Trong phần đầu tiên của giai đoạn thỉnh ý, hàng triệu người trên khắp thế giới đã tham gia vào các hoạt động của Thượng Hội đồng: có người tham gia các cuộc gặp gỡ ở địa phương, có người cộng tác trong việc linh hoạt và điều phối các hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau, và có người trợ giúp bằng lời cầu nguyện: “Chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn các nữ tu chiêm niệm đã hiệp ý cầu nguyện cùng dân tộc của mình và vẫn tiếp tục cầu nguyện cho thành quả của Thượng hội đồng về tính Hiệp hành” (HĐGM Peru). Tất cả những người tham gia ấy đều thực sự là nhân vật chính của Thượng Hội đồng!

2. Họ tham gia vì được thúc đẩy bởi mong muốn trả lời câu hỏi cơ bản hướng dẫn toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng: “Việc ‘cùng nhau bước đi’ này đang diễn ra thế nào trên các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện hoàn vũ), cho phép Hội thánh loan báo Tin Mừng đúng theo sứ mạng Hội thánh được ủy thác; và Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để thăng tiến như một Hội thánh hiệp hành?” (Tài liệu chuẩn bị, số 2).

3. Trên tiến trình này, họ đã trải nghiệm niềm vui gặp gỡ nhau như những anh chị em trong Chúa Kitô, chia sẻ những gì âm vang trong tâm hồn họ từ việc lắng nghe Lời và cùng nhau suy ngẫm về tương lai của Hội thánh dựa trên sự thúc đẩy của Tài liệu Chuẩn bị (TLCB). Điều này đã nuôi dưỡng nơi họ mong muốn về một Hội thánh ngày càng hiệp hành: tính hiệp hành đã không còn là một khái niệm trừu tượng đối với họ nhưng mang diện mạo của một trải nghiệm cụ thể; họ đã nếm được hương vị của nó và muốn tiếp tục như vậy. “Qua tiến trình này, chúng tôi đã khám phá ra rằng tính hiệp hành là một cách để trở thành Hội thánh – trên thực tế, đó là cách trở thành Hội thánh. Chúa Thánh Thần đòi hỏi chúng ta phải hiệp hành hơn” (HĐGM Anh và xứ Wales).

4. Kinh nghiệm của họ đã được chuyển thành lời, trong những đóng góp mà các cộng đoàn và các nhóm khác nhau đã gửi đến các Giáo phận. Các giáo phận đúc kết rồi gửi cho Hội đồng Giám mục; rồi các Hội đồng Giám mục, từ lược đồ trong TLCB, lại soạn thảo một bản Tổng hợp và gửi đến Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng.

5. Ở cấp độ toàn cầu, sự tham gia đã vượt quá mọi mong đợi. Tổng cộng, Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng đã nhận được đúc kết của 112 trên 114 Hội đồng Giám mục và của tất cả 15 Hội thánh Công giáo Đông Phương, cùng với những suy tư của 17 trên 23 cơ quan của Giáo triều Rôma, cũng như của các Bề trên Dòng tu (USG/UISG), của các Hội đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ, các hiệp hội và phong trào giáo dân. Ngoài ra, còn hơn một ngàn đóng góp của các cá nhân và các nhóm cũng như những ý kiến thu thập được qua mạng xã hội nhờ sáng kiến “Thượng Hội đồng kỹ thuật số”.

Những tài liệu này đã được trao cho một nhóm chuyên gia, gồm giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân, từ khắp các châu lục với năng lực chuyên ngành rất đa dạng. Sau khi đọc các bản Tổng hợp, các chuyên gia này đã gặp nhau gần hai tuần cùng với nhóm soạn thảo, bao gồm vị Tổng Tường trình viên, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, các phụ tá Tổng Thư ký và một số viên chức khác của Văn phòng Tổng Thư ký, cùng với các thành viên của Ủy ban Điều phối. Cuối cùng còn có sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng Thường vụ của Thượng Hội đồng. Họ cùng nhau làm việc trong bầu khí cầu nguyện và phân định để chia sẻ thành quả từ việc đọc các bản Tổng hợp và chuẩn bị soạn thảo “Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu Lục” này (TLCL).

6. Các trích dẫn trong TLCL cố gắng giới thiệu ý tưởng về tính phong phú của các tài liệu nhận được, để làm vang lên tiếng nói của Dân Chúa từ mọi nơi trên thế giới. Không được hiểu các trích dẫn ấy là sự ủng hộ lập trường của bất kỳ khu vực cụ thể nào trên toàn cầu, cũng không chỉ là tiêu biểu cho sự đa dạng địa lý, mặc dù nhóm soạn thảo đã cẩn thận bảo đảm tính quân bình nhất định về các nguồn trích dẫn. Đúng hơn những trích dẫn này được chọn là vì chúng nói lên được tâm tình có trong nhiều bản Tổng kết, một cách đặc biệt mạnh mẽ, khéo léo hoặc chính xác. Tuy nhiên, rõ ràng là không một tài liệu nào có thể cô đọng được chiều sâu của đức tin, sức sống của đức cậy và sức mạnh của đức ái đầy tràn trong những đóng góp đã nhận được. Đằng sau những đóng góp ấy, người ta thoáng thấy sức mạnh và sự phong phú của kinh nghiệm mà các Hội thánh khác nhau có được nhờ biết lên đường và mở ra với nhiều tiếng nói đã cất lên. Việc tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ và đối thoại này là ý nghĩa của tiến trình Thượng Hội đồng, với mục đích cuối cùng không phải là tạo ra các tài liệu mà là mở ra những chân trời hy vọng cho việc thi hành sứ mạng của Hội thánh.

7. Chính trong cuộc hành trình này, vốn còn lâu mới kết thúc, mà TLCL này có chỗ đứng và ý nghĩa. Theo quan điểm của Giai đoạn châu Lục của tiến trình Thượng Hội đồng, Tài liệu này trình bày những hy vọng và mối quan tâm của Dân Chúa khắp nơi trên thế giới, xoay quanh một vài chủ điểm. Như thế, Tài liệu giúp cho các Hội thánh địa phương lắng nghe được tiếng nói của nhau theo quan điểm của các Đại hội tại châu lục vào năm 2023. Công việc của các Đại hội này là lập một danh sách các ưu tiên, để dựa vào đó Phiên họp đầu tiên của Đại hội thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, diễn ra từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023, sẽ phân định.

8. Việc làm rõ chức năng của TLCL cũng cho phép chúng ta xác định những gì không thuộc chức năng của nó: nó không phải là một tài liệu kết thúc, bởi vì tiến trình này còn lâu mới hoàn tất; nó không phải là một tài liệu của Huấn quyền Hội thánh, cũng không phải là bản tường trình một cuộc khảo sát xã hội học; nó không nhằm trình bày các chỉ dẫn, các mục tiêu, cũng không xây dựng trọn vẹn một viễn tượng thần học, ngay cả khi nó mang lấy kho tàng thần học chứa đựng trong kinh nghiệm của Dân Chúa khi lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, khiến phát sinh sensus fidei. Tuy nhiên nó vẫn là một tài liệu thần học theo nghĩa hướng đến việc phục vụ sứ mạng của Hội thánh: rao giảng Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu độ thế giới.

9. Để tránh mọi hiểu lầm khi đọc, cần phải ghi nhớ tính chất riêng biệt của TLCL, cũng như cấu trúc của nó. Chương mở đầu của Tài liệu không chỉ trình bày diễn tiến ‘những gì đã xảy ra’, mà còn là câu chuyện kể dưới ánh sáng đức tin về tính hiệp hành đã được trải nghiệm cho đến nay, với việc thỉnh ý Dân Chúa trong các Hội thánh địa phương và sự phân định của các mục tử trong các Hội đồng Giám mục: nó mô tả kinh nghiệm hiệp hành, trình bày những khó khăn gặp phải và những thành quả quan trọng nhất gặt hái được, bằng cách xác định các nền tảng của những gì tạo nên một kinh nghiệm chung đích thực về đức tin Kitô giáo. Theo cách này, nó không đưa ra một định nghĩa về tính hiệp hành theo nghĩa hẹp – về điều này, chúng ta có thể tham khảo TLCB hoặc các tài liệu trên trang mạng của Thượng Hội đồng Giám mục (www.synod.va) – nhưng trình bày ý nghĩa chung của kinh nghiệm sống hiệp hành của những người đã tham gia tiến trình Thượng Hội đồng. Điểm nổi bật là việc phục hồi sâu sắc phẩm giá chung của tất cả những người đã được rửa tội. Đây là trụ cột đích thực của một Hội thánh hiệp hành và là nền tảng thần học của một sự hiệp nhất có khả năng chống lại áp lực đồng nhất hóa. Điều này cho phép chúng ta tiếp tục trân trọng tính đa dạng của các ơn gọi và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần với sự phong phú khôn lường đã tuôn đổ trên các tín hữu.

10. Chương thứ hai trình bày một biểu tượng trong Kinh thánh, đó là hình ảnh của căn lều, được dùng để mở đầu cho chương 54 của sách Isaia. Hình ảnh và câu chuyện này là chìa khóa giải thích nội dung của TLCL dưới ánh sáng của Lời, đặt chúng vào khuôn khổ của lời Thiên Chúa hứa, trở thành ơn gọi cho Dân Người và Hội Thánh của Người: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở!”

11. Căn lều này là một không gian hiệp thông, một nơi để tham gia và là nền tảng cho sứ mạng. Chương thứ ba nêu rõ những từ khóa của tiến trình Thượng Hội đồng, gắn kết với thành quả của việc lắng nghe Dân Chúa. Việc này được thực hiện bằng cách thâu tập các câu chuyện xoay quanh năm căng thẳng phát sinh, vốn đan xen lẫn nhau:

1. Lắng nghe như một sự mở ra để đón nhận: điều này khởi đi từ mong muốn quy tụ triệt để – không ai bị loại trừ – hiểu theo một quan điểm hiệp thông với anh chị em và với Thiên Chúa, Vị Cha chung của chúng ta. Lắng nghe ở đây không phải là một hành vi thực dụng, mà là giả định thái độ cơ bản của một Thiên Chúa lắng nghe Dân mình, và sau đó của một Đức Chúa mà Tin Mừng không ngừng trình bày với chúng ta nơi hành động lắng nghe những người đến với Ngài trên những con đường của miền Thánh địa; theo nghĩa này, việc lắng nghe đã là sứ mạng và loan báo.

2. Động lực hướng tới sứ mạng. Đây là một sứ mạng mà người Công giáo nhìn nhận là cần phải được thực hiện cùng với anh chị em thuộc các tín phái khác và bằng cách đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác, biến hành động chăm lo con người thành những trải nghiệm tâm linh đích thực để tuyên xưng khuôn mặt của một Thiên Chúa quan tâm chăm sóc chúng ta đến độ trao ban sự sống của chính Người để chúng ta được sống dồi dào.

3. Thực thi sứ mạng đòi hỏi một cung cách dựa trên sự tham gia, điều này tương ứng với giả thiết phải có tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy để thi hành một sứ mạng duy nhất của Hội thánh, phát sinh từ phẩm giá chung do bí tích Thánh tẩy mang lại.

4. Thực thi sứ mạng đòi hỏi một cung cách dựa trên sự tham gia, điều này tương ứng với giả thiết phải có tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy để thi hành một sứ mạng duy nhất của Hội thánh, phát sinh từ phẩm giá chung do bí tích Thánh tẩy mang lại.

5. phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Thánh Thể, là suối nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô giáo, đưa cộng đoàn đến với nhau, làm cho tính hiệp thông trở nên hữu hình, giúp thực thi tính tham gia và nuôi dưỡng động lực hướng tới sứ mạng qua Lời và các Bí tích.

12. Cuối cùng, chương thứ tư cho chúng ta cái nhìn sơ lược về tương lai với hai ghi nhận, cả hai đều thiết yếu để tiếp tục tiến hành Thượng Hội đồng: về mặt tâm linh, hướng chúng ta đến chân trời hoán cải truyền giáo mang tính hiệp hành; và về mặt phương pháp luận, dõi theo các bước kế tiếp trong Giai đoạn Châu lục.

13. TLCL chỉ dễ hiểu và hữu ích nếu được đọc bằng đôi mắt của người môn đệ, là người nhận ra đây là chứng từ của con đường hoán cải hướng tới một Hội thánh hiệp hành. Điều này có nghĩa là Hội thánh học hỏi từ việc lắng nghe cách đổi mới sứ mạng loan báo Tin Mừng dưới ánh sáng của các dấu chỉ thời đại, để tiếp tục cống hiến cho nhân loại một cách hiện hữu và sống, trong đó tất cả mọi người đều có thể cảm thấy được thuộc về và là những nhân vật chính. Trên con đường này, ngọn đèn soi cho chúng ta bước là Lời Chúa, Lời chiếu soi ánh sáng để chúng ta đọc lại, giải thích và diễn tả kinh nghiệm đã sống.

14. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã quy tụ toàn dân Chúa trong Thượng Hội đồng.

Chúng con tạ ơn Chúa vì niềm vui được cảm nhận của những ai quyết tâm lên đường lắng nghe Chúa và lắng nghe anh chị em mình trong năm nay, với thái độ niềm nở, khiêm tốn, hiếu khách và huynh đệ.

Xin giúp chúng con bước vào các trang này như bước vào “thánh địa”.

Xin Chúa Thánh Thần hãy đến: xin hướng dẫn chúng con khi chúng con cùng nhau bước đi trong cuộc hành trình này!

1. KINH NGHIỆM TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG

15. Các bản Tổng hợp được các Hội thánh trên khắp thế giới gửi đến bày tỏ niềm vui, hy vọng, đau khổ và thương tích của các môn đệ Chúa Kitô. Trong đó, chúng ta nghe thấy vang lên những gì nằm ở trung tâm của toàn nhân loại. Nội dung các bản Tổng hợp nói lên mong ước về một Hội thánh bước đi với Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. “Kinh nghiệm ‘hiệp hành’ hiện tại của chúng tôi đã làm thức tỉnh nơi người giáo dân ý tưởng và mong muốn tham gia vào đời sống của Hội thánh, vào sự dấn thân của Hội thánh trong thế giới ngày nay, và vào hoạt động mục vụ của Hội thánh trên trần thế” (HĐGM Canada).

1.1 “Hoa trái, hạt giống và cỏ dại của hiệp hành”

16. Giai đoạn đầu của tiến trình Thượng Hội đồng đã đem lại những hoa trái dồi dào, những hạt giống mới hứa hẹn lớn mạnh, và nhất là một trải nghiệm về niềm vui trong những thời điểm thử thách này: “Phần lớn, những gì phát xuất từ hoa trái, hạt giống và cỏ dại của sự hiệp hành là những tiếng nói đầy yêu mến Hội thánh, những tiếng nói mơ ước về một Hội thánh có khả năng làm chứng một cách khả tín, một Hội thánh trở nên Gia Đình của Thiên Chúa mang tính quy tụ, cởi mở và niềm nở” (HĐGM Zimbabwe). Hội thánh Haiti nói thay cho nhiều người: “Mặc dù các trường hợp bắt cóc và bạo lực liên tục được ghi nhận, các bản Tổng hợp của các Giáo phận bày tỏ niềm vui vì được tham gia tích cực vào giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng” (HĐGM Haiti). Nhiều người muốn niềm vui này được kéo dài và chia sẻ với người khác. Giáo phận Ebibeyín (Guinea Xích đạo) lặp lại: “Kinh nghiệm về Thượng Hội đồng này là một trong những kinh nghiệm bổ ích nhất mà nhiều người có thể trải qua trong đời Kitô hữu của mình. Từ giây phút khởi đầu Thượng hội đồng đến bây giờ, Dân Chúa rất hăng hái”. Trong số những thành quả của kinh nghiệm Thượng Hội đồng, một số bản Tổng hợp nêu bật cảm thức mạnh mẽ thuộc về Hội thánh và trên bình diện thực tế nhận ra rằng Hội thánh không chỉ là linh mục và giám mục: “Khi chia sẻ câu hỏi cơ bản: ‘Hiện nay việc đồng hành cùng nhau đang diễn ra thế nào tại Hội thánh địa phương của bạn?’ người ta thấy rằng mọi người có thể nhận ra bản chất thực sự của Hội thánh và trong ánh sáng đó, họ đã có thể thấy được tình hình của Hội thánh cụ thể của họ” (HĐGM Bangladesh).

17. Phương pháp chia sẻ thiêng liêng được đa số đánh giá cao, vì nó giúp nhiều người có cái nhìn trung thực về đời sống thực tế của Hội thánh và gọi đúng tên những gì là ánh sáng và bóng tối. Sự lượng giá trung thực này đã tức khắc mang lại kết quả có tính truyền giáo. “Chúng tôi thấy rằng Dân Chúa được huy động mạnh mẽ, niềm vui được đến với nhau, được đi cùng nhau và trao đổi thoải mái. Một số Kitô hữu trước đây cảm thấy bị tổn thương và xa cách Hội thánh nay trở lại trong giai đoạn thỉnh ý này” (HĐGM Cộng hòa Trung Phi). Nhiều người nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên Hội thánh hỏi ý kiến họ và họ muốn tiếp tục lộ trình này: “Các cuộc gặp gỡ theo tinh thần của phương pháp hiệp hành, trong đó tất cả các thành viên của giáo xứ hoặc cộng đoàn có thể phát biểu ý kiến cách thẳng thắn cởi mở, cũng như các cuộc gặp gỡ các nhóm khác nhau ngoài Hội thánh, nên tiếp tục. Loại hợp tác này nên trở thành một trong những ‘luật bất thành văn’ của văn hóa Hội thánh, thúc đẩy các thành viên của Hội thánh và các nhóm trong xã hội gần lại với nhau, hầu giúp cho mọi người sẵn sàng đối thoại cách sâu sắc hơn” (HĐGM Latvia).

18. Tuy nhiên, các bản Tổng hợp cũng không giấu diếm các khó khăn. Có bản Tổng hợp nhắc đến sự trùng hợp của giai đoạn thỉnh ý với đại dịch; những bản khác cho thấy sự khác biệt trong việc hiểu hiệp hành là gì, việc cần thiết phải nỗ lực nhiều hơn để dịch và hội nhập văn hoá các tài liệu, sự thất bại trong việc tổ chức các cuộc họp Thượng Hội đồng trong một số bối cảnh địa phương hoặc việc chống đối các đề nghị cơ bản. Không thiếu những biểu hiện từ chối rất rõ ràng: “Tôi không tin tưởng vào Thượng Hội đồng. Tôi cho rằng Thượng Hội đồng được triệu tập để đưa ra những thay đổi giáo huấn của Chúa Kitô làm cho Hội thánh của Ngài thêm thương tích” (ý kiến cá nhân từ Vương Quốc Anh). Có rất nhiều lo lắng cho rằng việc nhấn mạnh tính hiệp hành có thể dẫn đến chỗ Hội thánh thông qua các cơ chế và thủ tục tập trung vào nguyên tắc đa số dân chủ. Trong số những khó khăn, cũng có nỗi hoài nghi về tính hiệu quả thực sự hoặc thậm chí ý hướng của tiến trình Thượng Hội đồng: “Một số người tỏ ra nghi ngờ về kết quả của tiến trình Thượng Hội đồng vì cho rằng Hội thánh là một thể chế cứng nhắc không sẵn sàng thay đổi và hiện đại hóa mình, hoặc nghi ngờ kết quả Thượng Hội đồng đã được dự định trước” (HĐGM Canada).

19. Nhiều bản Tổng hợp đề cập đến nỗi sợ hãi và sự phản kháng của các giáo sĩ, cả sự thụ động của giáo dân, nỗi sợ của họ khi thẳng thắn phát biểu ý kiến, và khó khăn trong việc nối kết vai trò của các mục tử với tính năng động của Thượng Hội đồng: “Trong tiến trình này còn có sự phản kháng, thiếu tham gia, các cộng đoàn không tham gia. Điều này một phần là do tính mới mẻ của thách đố, vì nhiều cộng đoàn không quen với cách sống này của Hội thánh. Đó cũng là do thực tế có những nhà lãnh đạo và mục tử đã không đảm nhận vai trò linh hoạt và lãnh đạo của mình. Một số bản Tổng hợp của giáo phận than phiền về sự vắng mặt hoặc sự tham gia thưa thớt của các linh mục” (HĐGM Chilê). Trong nhiều trường hợp, tiến trình Thượng Hội đồng và các tài liệu nhận được cho thấy rằng sự xa cách giữa các linh mục và phần còn lại của Dân Chúa là một cảm nhận phổ biến: “Các cuộc thỉnh ý tại các giáo phận và ở cấp quốc gia đã cho thấy rằng ở nhiều nơi mối tương quan giữa linh mục và tín hữu gặp khó khăn. Một mặt, có những chỉ trích về khoảng cách rõ rệt giữa giáo sĩ và giáo dân. Ở một số nơi, các linh mục thậm chí còn bị coi là trở ngại cho việc sinh hoa kết trái của cộng đoàn. Đồng thời, những thách đố đối với các linh mục cũng được chỉ ra: sự giảm sút số linh mục và tình nguyện viên dẫn đến tình trạng kiệt sức; ngoài ra, các linh mục không phải lúc nào cũng cảm thấy được lắng nghe, một số người thấy thừa tác vụ của họ bị đặt vấn đề. Điều gì làm nên một linh mục tốt? Làm thế nào để đời sống giáo xứ trở thành một trải nghiệm phong phú cho tất cả mọi người liên quan? Tại sao ngày càng có ít người theo đuổi ơn gọi? Những câu hỏi này cần được bàn thảo” (HĐGM Áo).

20. Một trở ngại có liên quan đặc biệt trên con đường cùng nhau bước đi là vụ bê bối lạm dụng của các giáo sĩ hoặc của những người nắm giữ các chức trách trong Hội thánh: trước hết là lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, rồi đến các lạm dụng khác nữa (về tinh thần, tình dục, kinh tế, quyền lực, lương tâm). Đây là một vết thương hở và vẫn còn gây đau đớn cho các nạn nhân và những người sống sót, cho gia đình và cộng đồng của họ: “Đã có những đề cập liên tục về tác động của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của các giáo sĩ và phản ứng của Hội thánh […]. Đối với nhiều người, hậu quả của việc này vẫn là một vấn đề gai góc và chưa có lời giải. Người ta cảm thấy cần hết sức cấp bách thừa nhận nỗi kinh hoàng và những tác hại, đồng thời gia tăng nỗ lực bảo vệ những người dễ bị tổn thương, sửa chữa thiệt hại về phía thẩm quyền luân lý của Hội thánh và xây dựng lại lòng tin. Một số Giáo phận nói rằng những người tham dự mong muốn Giáo phận công khai thừa nhận và đền bù những hành vi lạm dụng trong quá khứ” (HĐGM Australia). Một suy tư sâu sắc và đau đớn về những di hại của sự lạm dụng đã khiến nhiều nhóm Thượng Hội đồng kêu gọi thay đổi văn hóa trong Hội thánh để hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và đồng trách nhiệm cao hơn.

21. Cuối cùng, tại nhiều quốc gia, tiến trình Thượng Hội đồng đã diễn ra trong giai đoạn đẫm máu của các cuộc chiến, “khi để cho đủ các loại cuồng tín và các cuộc đàn áp, kể cả thảm sát, được tự do thống trị. Người ta ghi nhận có những kích động mang tính giáo phái và sắc tộc, suy biến thành các cuộc xung đột vũ trang và chính trị, thường là đẫm máu” (Hội thánh Maronite). Có những tình huống hết sức đau lòng khi các Kitô hữu, gồm cả người Công giáo, phải sống ở các quốc gia có chiến tranh với nhau. Cả trong những tình huống mong manh thế này, là tình huống khiến cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh càng thêm sâu sắc, các cộng đoàn Kitô giáo đã biết nắm bắt lời mời gọi xây dựng kinh nghiệm về tính hiệp hành, suy ngẫm về ý nghĩa của việc cùng đi với nhau và bày tỏ mong muốn tiếp tục làm như vậy: “Liên quan đến thảm kịch của cuộc diệt chủng chống lại người Tutsi vốn đã chia rẽ người dân Rwanda, chủ đề hiệp thông phải được đào sâu hơn để chữa lành ký ức tập thể cách thực sự. Thượng Hội đồng này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn: mục vụ hiệp nhất và hòa giải phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu” (HĐGM Rwanda).

1.2 Chung một phẩm giá do bí tích Thánh tẩy mang lại

22. Việc sống tính hiệp hành đã tạo nên “một thời điểm quan trọng và quý báu để nhận ra cách tất cả chúng ta chia sẻ phẩm giá chung và ơn gọi tham gia vào đời sống của Hội thánh, nhờ bí tích Thánh tẩy” (HĐGM Ethiopia). Việc quy chiếu nền tảng này đến bí tích Thánh tẩy – không như một khái niệm trừu tượng mà là một căn tính được thực sự cảm nhận – tức khắc làm nổi bật mối liên hệ giữa hình thức hiệp hành của Hội thánh và khả năng Hội thánh hoàn thành sứ mạng của mình: “càng ngày người ta càng hiểu rằng điều quan trọng đối với tất cả những ai đã lãnh nhận ân sủng của bí tích Thánh tẩy là phải đi cùng nhau, chia sẻ và phân định sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã kêu gọi họ. Người ta đã nhận thức sâu sắc rằng trong Hội thánh hiệp hành, bước đi cùng nhau là cách thức trở thành một Hội thánh truyền giáo” (HĐGM Nhật Bản).

Nhiều Hội thánh địa phương trong bối cảnh chứng kiến sự hiện diện của nhiều giáo phái Kitô giáo đã nhấn mạnh đặc biệt đến phẩm giá chung của tất cả các anh chị em Kitô hữu do bí tích Thánh tẩy mang lại, và sứ mạng chung là phục vụ Phúc âm. Một tiến trình Thượng Hội đồng sẽ không hoàn chỉnh nếu không gặp gỡ anh chị em thuộc các tín phái khác, chia sẻ và đối thoại với họ, tham gia vào các hoạt động chung. Các bản Tổng hợp bày tỏ mong muốn có những cuộc gặp gỡ đại kết sâu sắc hơn và nhu cầu đào tạo về mặt này.

23. Các bàn Tổng hợp trình bày tiến trình Thượng Hội đồng như một trải nghiệm về tính mới mẻ và nét tươi tắn: “Dân Chúa đã nhận thấy nét độc đáo của việc được tự do phát biểu và được lắng nghe trong các buổi họp tổ chức đặc biệt, không bị ràng buộc về chương trình nghị sự và đặc biệt quy về sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Họ nói rằng đây là lần đầu tiên sau nhiều chục năm đi nhà thờ, họ được mời lên tiếng” (HĐGM Pakistan). Một hình ảnh khác nói lên kinh nghiệm được giải phóng và sống đời sống mới: vỏ trứng vỡ ra để một cuộc sống mới dang rộng đôi cá

24. Tại những nơi khác, có những kiểu nói gợi lên ý tưởng về sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình và mong ước trở về, chấm dứt tình trạng vong thân tập thể, mất căn tính Hội thánh hiệp hành của mình. Dùng một hình ảnh trong Kinh thánh, người ta có thể nói rằng tiến trình Thượng Hội đồng đánh dấu những bước đầu tiên của sự trở về từ kinh nghiệm lưu đày tập thể mà hậu quả của nó ảnh hưởng đến toàn thể Dân Chúa: nếu Hội thánh không hiệp hành, không ai có thể thực sự cảm thấy đó là nhà mìn

2. LẮNG NGHE KINH THÁNH

25. Vị ngôn sứ đã ngỏ lời với chính dân tộc từng sống kinh nghiệm lưu đày; ngày nay những lời ấy giúp chúng ta tập trung vào điều Chúa đang kêu gọi chúng ta qua kinh nghiệm sống hiệp hành: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc” (Is 54,2).

26. Lời của vị ngôn sứ nhắc nhớ những người lưu đày về kinh nghiệm của cuộc xuất hành và băng qua sa mạc, khi họ sống trong lều, và loan báo lời hứa hồi hương, là dấu hiệu của niềm vui và hy vọng. Để chuẩn bị, cần phải nới rộng căn lều, tác động lên ba yếu tố cấu trúc của lều. Trước hết là vải lều che nắng, gió và mưa, phân định không gian sống và vui vầy. Vải lều cần được căng ra, để cũng có thể bảo vệ những ai còn ở bên ngoài và cảm thấy được kêu gọi bước vào bên trong. Yếu tố thứ hai là các sợi dây căng vải lều. Chúng phải có đủ độ căng để giữ cho lều không bị võng và đủ độ giãn để giảm bớt tác động của gió. Đó là lý do tại sao nếu nới rộng căn lều, cần phải kéo dài các sợi dây để duy trì độ căng giãn cho phù hợp. Cuối cùng, yếu tố thứ ba là cọc lều: chúng neo chặt lều xuống đất và bảo đảm lều được vững chắc, nhưng vẫn có khả năng chuyển dời khi cần dựng lều ở nơi khác.

27. Ngày nay khi nghe những lời này của Isaia, chúng ta được mời gọi hình dung Hội thánh như một căn lều, hay đúng hơn, như căn lều của gặp gỡ, căn lều đã đồng hành với dân trong cuộc hành trình vượt qua sa mạc: vì thế lều ấy được kêu gọi nới rộng ra và dời chuyển. Ở giữa lều là Nhà tạm, nghĩa là sự hiện diện của Chúa. Lều có được buộc chặt là nhờ sự vững chắc của các cọc lều, nghĩa là các nền tảng của đức tin, vốn không thay đổi nhưng có thể được chuyển dời và trồng xuống vùng đất mới, để lều có thể đồng hành cùng dân qua cuộc hành trình theo dòng lịch sử. Cuối cùng, để không bị võng, cấu trúc của lều phải giữ cân bằng giữa các lực đẩy và lực căng khác nhau tác động lên nó: đó là ẩn dụ cho thấy sự cần thiết của phân định. Đây là cách mà nhiều bản Tổng hợp hình dung về Hội thánh: một nơi ở rộng lớn nhưng không đồng nhất, có khả năng thu nhận mọi người nhưng cởi mở để mọi người có thể ra vào (x. Ga 10,9), và hướng tới việc ôm lấy Thiên Chúa Cha và tất cả các thành viên khác của nhân loại.

28. Việc nới rộng lều đòi hỏi phải đón nhận những người khác, dành chỗ cho sự đa dạng của họ. Vì thế, vì yêu thương chính mình phải sẵn sàng chết đi, để tìm lại được mình trong và qua mối tương quan với Chúa Kitô và người thân cận: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Sự phong phú của Hội thánh phụ thuộc vào việc chấp nhận cái chết này, tuy nhiên, đó không phải là sự hủy diệt, mà là kinh nghiệm của việc trở nên rỗng không để được lấp đầy bởi Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đây là một tiến trình nhờ đó chúng ta nhận được các mối tương quan phong phú hơn, mối liên kết sâu sắc hơn với Chúa và với nhau. Đây là kinh nghiệm về ân sủng và về sự biến hình. Vì lý do này, tông đồ Phaolô khuyên chúng ta: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,5-7). Chính trong điều kiện này, các thành viên của Hội thánh, từng người cũng như mọi người, mới có thể cộng tác với Chúa Thánh Thần để chu toàn sứ mạng được Chúa Giêsu Kitô uỷ thác cho Hội thánh: đó là một hành động phụng vụ, phụng vụ Thánh Thể.

3. HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH TRUYỀN GIÁO

29. Hình ảnh trong Kinh thánh về lều liên quan đến những hình ảnh khác xuất hiện trong nhiều bản Tổng hợp: hình ảnh gia đình và hình ảnh ngôi nhà, nơi mà mọi người muốn thuộc về và nơi mà họ muốn trở về. “Hội thánh-Nhà không có những cánh cửa đóng, mà là một khuôn viên luôn rộng mở” (HĐGM Ý). Tính năng động của ngôi nhà và sự lưu đày, của sự thuộc về và sự loại trừ, được cảm nhận như một sự căng thẳng trong các bản Tổng hợp: “Những người cảm thấy ở trong Hội thánh như ở nhà lấy làm tiếc về những người ở nhà mà không cảm thấy như vậy” (HĐGM Ireland). Qua những tiếng nói này, chúng ta cảm nhận giấc mơ thần thiêng về “một Hội thánh toàn cầu và hiệp hành sống hiệp nhất trong đa dạng. Thiên Chúa đang chuẩn bị một điều gì đó mới mẻ, và chúng ta phải cộng tác” (USG / UISG).

30. Các ý kiến đóng góp nhận được rất đáng khích lệ vì chúng tránh được hai trong số những cám dỗ chính mà Hội thánh phải đối mặt trong việc đáp ứng với sự đa dạng và những căng thẳng mà nó tạo ra. Cám dỗ thứ nhất là vướng vào xung đột: các chân trời thu hẹp lại, cảm giác toàn thể bị mất và bị phân mảnh thành các bản sắc phụ. Đó là kinh nghiệm của Babel chứ không phải của Lễ Ngũ Tuần, có thể nhận thấy rõ ràng trong nhiều khía cạnh của thế giới chúng ta. Cám dỗ thứ hai là tách rời về mặt thiêng liêng và không quan tâm đến những căng thẳng liên quan, cứ đi theo con đường riêng của mình mà không hoà mình với những người thân cùng đi với mình. Trái lại, “lời kêu gọi là sống sự căng thẳng của chân lý và lòng thương xót một cách tốt hơn, như Chúa Giêsu đã sống […]. Giấc mơ là về một Hội thánh sống nghịch lý Kitô giáo cách trọn vẹn hơn: mạnh dạn rao giảng giáo huấn đích thực của mình, đồng thời làm chứng về tính quy tụ và đón nhận triệt để bằng việc đồng hành mục vụ dựa trên phân định” (HĐGM Anh và xứ Wales).

31. Nhãn quan về một Hội thánh có khả năng quy tụ triệt để, mọi người cảm thấy thuộc về và có lòng hiếu khách thực sự theo giáo huấn của Chúa Giêsu, là trọng tâm của tiến trình Thượng Hội đồng: “Thay vì cư xử như những người canh gác cố gắng loại trừ người khác ra khỏi bàn, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm mọi người biết rằng ở đây ai cũng có thể tìm được một chỗ ở và một mái ấm” (nhận xét của một nhóm thuộc giáo xứ ở Hoa Kỳ). Chúng tôi được kêu gọi đi đến mọi nơi, nhất là ra khỏi những miền đất quen thuộc hơn, “ra khỏi vị trí thoải mái của những người tiếp đón, để cho mình được đón tiếp vào cuộc sống của những người là bạn đồng hành của chúng tôi trên hành trình của nhân loại” (HĐGM Đức).

3.1 Lắng nghe trở nên đón tiếp

32. Trong tiến trình Thượng Hội đồng, các Hội thánh đã nhận ra rằng con đường dẫn đến sự quy tụ lớn hơn – căn lều mở rộng – là một con đường tiệm tiến. Con đường ấy bắt đầu bằng việc lắng nghe và đòi hỏi hoán cải sâu rộng hơn về thái độ và cơ chế, cũng như các cách tiếp cận mới để đồng hành mục vụ. Con đường ấy đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng nhận ra rằng các vùng ngoại vi có thể là nơi vang lên lời kêu gọi hoán cải và là nơi áp dụng Tin Mừng một cách dứt khoát hơn. Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải nhận ra người khác là chủ thể của cuộc hành trình của chính họ. Khi chúng ta làm điều này, những người khác cảm thấy được đón nhận, không bị phán xét, tự do chia sẻ hành trình tâm linh của riêng họ. Điều này đã được trải nghiệm trong nhiều hoàn cảnh và, đối với một số người, đó là khía cạnh biến đổi nhất của toàn bộ tiến trình: kinh nghiệm của Thượng Hội đồng có thể được đọc như một lộ trình công nhận cho những ai cảm thấy không được công nhận đầy đủ trong Hội thánh. Điều này đặc biệt đúng đối với các giáo dân, các thầy phó tế, các tu sĩ nam nữ từng có cảm nhận rằng Hội thánh cơ chế chẳng quan tâm đến kinh nghiệm đức tin hoặc ý kiến của họ.

33. Các Bản Tổng hợp cũng phản ánh nỗi khó khăn của việc lắng nghe cách sâu sắc và chấp nhận để cho việc lắng nghe biến đổi mình. Đồng thời các Bản Tổng hợp nhấn mạnh việc thiếu các phương pháp giúp cộng đồng lắng nghe và phân định, và kêu gọi cần đào tạo thêm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các Bản Tổng hợp còn chỉ ra rằng các trở ngại về cơ cấu vẫn dai dẳng tồn tại, nhất là cơ cấu phẩm trật thúc đẩy xu hướng chuyên quyền; một nền văn hóa nặng tính giáo sĩ và cá nhân làm cho các cá nhân bị cô lập, mối tương quan giữa linh mục và giáo dân bị phân rẽ; sự chênh lệch văn hóa xã hội và kinh tế có lợi cho người giàu và người học thức; và sự thiếu vắng các môi trường “trung gian” tạo thuận lợi cho các thành viên của các nhóm tách biệt gặp gỡ nhau. Bản Tổng hợp của Ba Lan nêu rõ “Không lắng nghe dẫn đến hiểu lầm, loại trừ và gạt ra ngoài lề xã hội. Kết quả là, nó tạo ra sự khép kín, giản lược hóa, thiếu tin tưởng và nỗi sợ hãi hủy hoại cộng đồng. Khi các linh mục không muốn lắng nghe, tìm cớ thoái thác, chẳng hạn trong phần lớn các hoạt động, hoặc khi các câu hỏi vẫn chưa trả lời, trong tâm hồn các tín hữu một cảm giác buồn bã và ghẻ lạnh sẽ nảy sinh. Nếu không lắng nghe, lời giải đáp của các linh mục cho những khó khăn của các tín hữu sẽ chẳng ăn nhập gì với bối cảnh của họ và không giải quyết được vấn đề cốt lõi họ đang gặp phải, trở thành những lời đạo đức trống rỗng. Người giáo dân cảm nhận rằng việc linh mục không chân thành lắng nghe bắt nguồn từ nỗi sợ phải thi hành mục vụ. Một cảm nhận tương tự như vậy khi các giám mục không có thời giờ để nói chuyện và lắng nghe giáo dân”.

34. Đồng thời, các bản Tổng hợp cũng rất nhạy cảm với sự cô đơn và cô lập của nhiều giáo sĩ, họ không cảm thấy được lắng nghe, được nâng đỡ và trân trọng: có lẽ một trong những tiếng nói ít rõ ràng nhất trong các bàn Tổng hợp là của các linh mục và giám mục, khi nói về chính mình và về kinh nghiệm hiệp hành của mình. Nói chung, cần có sự chú tâm lắng nghe đặc biệt dành cho các thừa tác viên có chức thánh về nhiều khía cạnh trong đời sống tình cảm và tình dục của họ. Điều quan trọng nữa là phải dự kiến các hình thức đón nhận và bảo vệ các phụ nữ và con cái, nếu có, của các linh mục đã vi phạm lời hứa độc thân, những người liên quan này có nguy cơ phải gánh chịu những bất công và phân biệt đối xử nghiêm trọng.

Ưu tiên cho người trẻ, người khuyết tật và bảo vệ sự sống

35. Có một mối quan tâm chung là người trẻ ít góp tiếng nói trong tiến trình Thượng Hội đồng cũng như ngày càng ít tham gia vào đời sống của Hội thánh. Đổi mới việc lưu tâm đến người trẻ, việc đào tạo và đồng hành với họ là một nhu cầu cấp thiết, và cũng là cách để thực hiện các kết luận của Thượng hội đồng trước về “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi” (2018). Vào dịp ấy, chính những người trẻ đã nêu bật sự cần thiết về một Hội thánh hiệp hành hơn để thông truyền đức tin ngày nay. Sáng kiến “Thượng hội đồng kỹ thuật số” thể hiện một nỗ lực đáng kể trong việc lắng nghe những người trẻ và đưa ra những quan điểm mới cho việc loan báo Tin Mừng. Bản Tổng hợp của Antilles nêu rõ: “Vì những người trẻ của chúng ta trải nghiệm tình trạng bị tha hóa cao độ, chúng ta phải ưu tiên lựa chọn giới trẻ.”

36. Nhiều bản Tổng hợp nhấn mạnh đến việc thiếu các cơ chế và phương tiện thích hợp để đồng hành với người khuyết tật, và kêu gọi có những cách thức mới để đón nhận những đóng góp của họ và thúc đẩy họ tham gia: dù có giáo huấn của riêng mình, Hội thánh vẫn có nguy cơ bắt chước cách xã hội gạt bỏ họ. “Các hình thức phân biệt đối xử được kể ra – thiếu lắng nghe, vi phạm quyền lựa chọn ở đâu và sống với ai, từ chối ban bí tích, buộc tội phù thủy, ngược đãi– và những hình thức khác, cho thấy văn hóa loại bỏ người khuyết tật. Chúng không tình cờ phát sinh, nhưng có cùng một gốc rễ: đó là quan niệm cho rằng cuộc sống của người khuyết tật kém giá hơn những người khác” (Bản Tổng hợp của Cuộc Tham vấn Thượng Hội đồng đặc biệt về những người khuyết tật do Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống tổ chức).

37. Điều quan trọng không kém là sự dấn thân của Dân Chúa trong việc bảo vệ sự sống mong manh và bị đe dọa ở tất cả các giai đoạn. Chẳng hạn, đối với Hội thánh Công giáo Hy Lạp Ukraine, hiệp hành gồm cả việc “nghiên cứu hiện tượng di cư của phụ nữ và trợ giúp các phụ nữ thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau; lưu tâm đặc biệt đến những phụ nữ quyết định phá thai do sợ nghèo đói về vật chất và bị gia đình từ bỏ ở Ukraine; xúc tiến chương trình giáo dục dành cho các phụ nữ được kêu gọi phải lựa chọn một cách có trách nhiệm khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống, để giữ gìn và bảo vệ cuộc sống của thai nhi và ngăn ngừa phá thai; chăm sóc phụ nữ mắc hội chứng sau phá thai.”

Lắng nghe những người cảm thấy bị bỏ rơi và loại trừ

38. Các bản Tổng hợp cho thấy rõ ràng rằng nhiều cộng đoàn đã hiểu được tính hiệp hành là một lời mời gọi lắng nghe những người cảm thấy bị loại bỏ khỏi Hội thánh. Các nhóm người cảm thấy bị loại bỏ rất đa dạng, trước hết là nhiều phụ nữ và người trẻ không cảm thấy tư chất và tài năng của họ được nhìn nhận. Trong các nhóm này, vốn rất không đồng nhất, nhiều người cảm thấy bị gièm pha, khinh thường, hiểu lầm. Cảm nhận không thấy Hội thánh như nhà của mình cũng là đặc điểm của những người không cảm thấy thoải mái với những khai triển phụng vụ của Công đồng Vatican II. Tuy nhiên, đối với nhiều người, trải nghiệm được lắng nghe nghiêm túc đã mang lại sự biến đổi và được coi là bước đầu tiên cảm nhận mình được ở trong Hội thánh. Mặt khác, có điều đáng buồn là một số người thấy rằng sự tham gia của họ vào tiến trình Thượng Hội đồng không được đón nhận: cảm giác này đòi hỏi phải có hiểu biết và đối thoại.

39. Trong số những người muốn có một cuộc đối thoại có ý nghĩa hơn và một không gian niềm nở thân thiện hơn, chúng tôi cũng thấy có những người, vì nhiều lý do khác nhau, cảm thấy căng thẳng giữa việc thuộc về Hội thánh và kinh nghiệm của họ về các mối quan hệ tình cảm riêng, chẳng hạn như: người ly dị tái hôn, cha mẹ đơn thân, người đa thê, người LGBTQ, v.v. Các bản Tổng hợp cho thấy đòi hỏi được chào đón này thách đố nhiều Hội thánh địa phương: “Người ta yêu cầu Hội thánh phải là nơi ẩn náu cho những người bị tổn thương và tan vỡ, chứ không phải là một tổ chức dành cho những người hoàn hảo. Họ muốn Hội thánh gặp gỡ mọi người ở nơi họ đang sống, bước đi với họ thay vì phán xét họ, và xây đắp các mối tương quan thực sự qua sự chăm sóc và tính xác thực, chứ không phải với não trạng kẻ cả” (HĐGM Hoa Kỳ). Nhưng các bản Tổng hợp cũng cho thấy sự do dự trong cách đáp ứng và diễn tả đòi hỏi phải phân định từ phía Hội thánh hoàn vũ: “Có một hiện tượng mới trong Hội thánh và đó là điều hoàn toàn mới ở Lesotho: mối quan hệ đồng giới. […] Điều mới lạ này gây lo ngại cho người Công giáo và những người coi đó là một tội. Đáng ngạc nhiên là có một số người Công giáo ở Lesotho đã bắt đầu thực hành hành vi này và mong đợi Hội thánh chấp nhận họ và cách hành xử của họ. […] Đây là một thách đố khó giải quyết đối với Hội thánh vì những người này cảm thấy mình bị loại trừ” (HĐGM Lesotho). Cũng vậy, những người đã bỏ thừa tác vụ có chức thánh và kết hôn cũng mong muốn một Hội thánh niềm nở thân thiện và sẵn sàng đối thoại hơn.

40. Mặc dù có những khác biệt về văn hóa, vẫn có những điểm tương đồng đáng kể giữa các châu lục liên quan đến những người cảm nhận mình bị loại trừ, trong xã hội cũng như trong cộng đồng Kitô giáo. Trong nhiều trường hợp, tiến trình Thượng Hội đồng không có tiếng nói của họ, và nếu họ có xuất hiện trong các bản Tổng hợp chỉ vì người khác nói về họ, than phiền về việc họ bị loại trừ: “Là Hội thánh Bolivia, chúng tôi rất buồn vì đã không thể đến được với người nghèo ở ngoại vi và ở những nơi xa xôi nhất” (HĐGM Bolivia). Trong số các nhóm người bị loại trừ, được đề cập thường xuyên nhất là: những người cùng khổ, người già cô đơn, người bản địa, người di cư bơ vơ sống bấp bênh, trẻ em đường phố, người nghiện rượu và nghiện ma túy, những người rơi vào cạm bẫy tội phạm và những người mà cơ may duy nhất sống còn của họ là mại dâm, các nạn nhân của nạn buôn người, những người sống sót sau khi bị lạm dụng (trong Hội thánh và ngoài Hội thánh), các tù nhân, các nhóm bị phân biệt đối xử và bạo hành vì chủng tộc, sắc tộc, giới tính, văn hóa và khuynh hướng tính dục của họ. Trong các bản Tổng hợp, tất cả những người này đều xuất hiện với những khuôn mặt và tên gọi, kêu gọi liên đới, đối thoại, đồng hành và đón nhận.

3.2 Anh chị em cùng thi hành sứ mạng

41. Hội thánh là người mang lời tuyên ngôn về sự sống tròn đầy: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Các sách Phúc âm trình bày tính tròn đầy của sự sống và sự viên mãn của Vương quốc Thiên Chúa không phải là những thực tại hoặc cảnh giới riêng biệt, mà luôn là những năng động đan xen vào nhau. Sứ mạng của Hội Thánh là làm cho Đức Kitô hiện diện ở giữa Dân Ngài qua việc đọc Lời Chúa, cử hành các Bí tích và mọi hoạt động chăm sóc những người bị tổn thương và đau khổ. “Mọi thành viên của Hội thánh cần phải bước vào một tiến trình hoán cải để đáp ứng nhu cầu này, điều này ngụ ý xem kerygma là lời loan báo nền tảng và lắng nghe Đấng Kitô chịu đóng đinh và sống lại vì chúng ta. […] từ đó tầm quan trọng của việc trở về với bản chất của đời sống Kitô giáo và của tình yêu đầu tiên của chúng ta, và việc trở về cội nguồn của chúng ta như những cộng đoàn đầu tiên; nghĩa là, nơi mọi sự được để làm của chung” (HĐGM Costa Rica).

42. Khi thi hành sứ mạng, chúng ta tiến tới sự viên mãn của ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. ‘Hãy nới rộng lều’ là trọng tâm của hoạt động truyền giáo này. Do đó, một Hội thánh hiệp hành cung cấp một chứng từ Phúc âm mạnh mẽ cho thế giới: “Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đổi mới chiến lược, sự dấn thân, sự cống hiến và động lực để cùng nhau bước đi, đến với những người ở xa nhất: bằng cách loan báo Lời Chúa với niềm hăng say vui tươi, sử dụng năng khiếu, ơn huệ và tài năng của mình, đón nhận những thử thách mới và mang lại những thay đổi văn hoá dưới ánh sáng của đức tin và đời sống của Hội thánh” (HĐGM Venezuela). Các bản Tổng hợp nói lên giấc mơ về một Hội thánh có khả năng để cho những thách đố của thế giới tra vấn, và có khả năng đáp ứng những thách đố này bằng những biến đổi cụ thể: “Thế giới cần một ‘Hội thánh đi ra’, bác bỏ sự phân biệt giữa người tin và người không tin, hướng nhìn vào nhân loại và trao cho nó kinh nghiệm về sự cứu rỗi, còn hơn cả một học thuyết hoặc một chiến lược, đây là ‘món quà trên mọi món quà’, đáp trả tiếng kêu của nhân loại và thiên nhiên” (HĐGM Bồ Đào Nha).

Sứ mạng của Hội thánh trong thế giới ngày nay

43. Hiệp hành là lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta bước đi cùng với cả gia đình nhân loại. Ở nhiều nơi, các Kitô hữu sống giữa những người có tín ngưỡng khác hoặc không tin, hằng ngày trong cuộc sống chung tham gia vào các cuộc đối thoại và trao đổi: “Một bầu không khí xã hội đối thoại cũng được vun đắp với những người thực hành tôn giáo truyền thống châu Phi, và với mọi người hoặc cộng đồng khác, dù họ thuộc tôn giáo nào” (HĐGM Senegal, Mauritania, Cape Verde và Guinea Bissau). Tuy nhiên, các bản Tổng hợp chỉ ra rằng về mặt trao đổi và hợp tác xã hội, văn hóa, tinh thần và trí tuệ, con đường phải đi vẫn còn dài.

44. Những vết thương của Hội thánh có mối liên hệ chặt chẽ với những vết thương của thế giới. Các bản Tổng hợp nói về những thách đố của chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa bè phái, nạn phân biệt chủng tộc, sự nghèo đói và bất bình đẳng giới trong đời sống của Hội thánh cũng như thế giới. Uganda nhắc lại nhận định của nhiều quốc gia khác khi lưu ý rằng trong các cơ chế của Hội thánh, “những người giàu và có học thức được lắng nghe nhiều hơn những người khác”. Bản Tổng hợp của Philippines ghi nhận rằng “trong xã hội nhiều người thuộc tầng lớp thấp kém và bị gạt ra bên lề cảm thấy rằng cả trong Hội thánh họ cũng bị bỏ rơi”. Các bản Tổng hợp khác nhấn mạnh đến tác động đối với đời sống của các cộng đoàn Hội thánh bắt nguồn từ sự phân biệt sắc tộc và nền văn hóa dựa trên chủ nghĩa bộ lạc. Những thực tế này không chỉ làm nên bối cảnh cho sứ mạng của chúng ta mà còn xác định trọng tâm và mục đích của nó: sứ điệp Phúc âm mà Hội thánh có nhiệm vụ rao giảng cũng phải biến đổi các cơ cấu tội lỗi giam cầm nhân loại và tạo vật.

45. Dân Chúa bày tỏ ước muốn sâu xa được lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của trái đất. Đặc biệt, các bản Tổng hợp mời gọi chúng ta nhận ra sự nối kết các thách đố về mặt xã hội và môi trường với việc đáp ứng những thách đố này bằng cách hợp tác và liên minh với các tín phái Kitô khác, các tín đồ các tôn giáo khác và với tất cả những người có thiện chí. Lời kêu gọi canh tân công cuộc đại kết và dấn thân liên tôn đặc biệt tỏ ra mạnh mẽ tại các khu vực được ghi nhận là bị tổn thương nhiều hơn do những tác hại về môi trường-xã hội và có bất bình đẳng rõ rệt hơn. Chẳng hạn nhiều bản Tổng hợp của Châu Phi và Thái Bình Dương kêu gọi các Hội thánh trên khắp thế giới nhận ra rằng việc giải quyết các thách đố về môi trường xã hội không còn là vấn đề tùy chọn nữa: “Chúng tôi muốn bảo vệ phần thiên nhiên này của Thiên Chúa, vì theo nhiều cách, phúc lợi của các dân tộc chúng tôi phụ thuộc vào đại dương. Ở một số quốc gia của chúng tôi, mối đe dọa chính là đại dương vì những thay đổi về khí hậu dẫn đến những hậu quả bi thảm đối với sự sống còn thực sự của các quốc gia này” (HĐGM Pacific).

46. Một số bản Tổng hợp cũng ghi nhận vai trò quan trọng của Hội thánh trong lĩnh vực công, đặc biệt là liên quan đến các tiến trình xây dựng hoà bình và hòa giải. Trong các xã hội bị chia rẽ nặng nề, điều này thường được coi là phần cốt yếu trong sứ mạng của Hội thánh. Các bản Tổng hợp khác yêu cầu Hội thánh góp phần tích cực hơn vào cuộc tranh luận chung và hành động vì công lý. Có mong muốn được đào tạo nhiều hơn về giáo huấn xã hội của Hội thánh. “Hội thánh của chúng ta không được kêu gọi để đối đầu, nhưng để đối thoại và hợp tác ở mọi cấp độ […]. Cuộc đối thoại của chúng ta không thể là cuộc đối thoại hộ giáo với những lập luận vô ích, mà phải là cuộc đối thoại về cuộc sống và tình liên đới” (Hội thánh Công giáo Armenia).

47. Một chủ đề khác phổ biến trong nhiều bản Tổng hợp là sự yếu kém của việc dấn thân sâu xa trong lĩnh vực đại kết và mong muốn học biết cách thổi luồng sinh khí mới vào hành trình đại kết, bắt đầu bằng sự hợp tác cụ thể và hằng ngày liên quan đến các mối ưu tư chung về công bằng xã hội và môi trường. Cũng có mong muốn mãnh liệt về một chứng tá hiệp nhất hơn giữa các tín phái và các cộng đồng Kitô hữu.

Cùng bước đi với tất cả các Kitô hữu

48. Tuy nhiên, lời kêu gọi đại kết không chỉ nhằm vào việc cùng dấn thân vào xã hội. Nhiều bản Tổng hợp nhấn mạnh rằng không thể có hiệp hành trọn vẹn mà không có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Điều này bắt đầu với lời kêu gọi hiệp thông chặt chẽ hơn giữa các Hội thánh thuộc các nghi lễ khác nhau. Kể từ Công đồng Vatican II, đối thoại đại kết đã đạt được tiến bộ: “Trong cuộc sống thực tế ở Cộng hòa Trung Phi, việc ‘sống cùng nhau’ giữa các Kitô hữu của những tín phái khác nhau là điều hiển nhiên. Các khu xóm của chúng tôi, gia đình của chúng tôi, nơi chôn cất, nơi làm việc của chúng tôi thực sự là những nơi đại kết” (HĐGM Cộng hòa Trung Phi). Tuy nhiên, nhiều vấn đề đại kết liên quan đến các cơ chế Thượng Hội đồng và các thừa tác vụ trong Hội thánh vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Các bản Tổng hợp cũng lưu ý rằng có một loại ‘đại kết tử đạo’, ở đó sự bách hại tiếp tục duy trì sự hiệp nhất các Kitô hữu. Các bản Tổng hợp đòi hỏi chú ý hơn nữa đến những thực tế gây chia rẽ, chẳng hạn như vấn đề về việc chia sẻ Bí tích Thánh Thể.

49. Các bản Tổng hợp cũng nhấn mạnh hiện tượng tế nhị về sự gia tăng số các gia đình liên tín phái (dị tín, hỗn hợp) và liên tôn (khác đạo), có nhu cầu cụ thể cần được đồng hành. Việc phục hồi dấn thân cho sự hợp nhất các Kitô hữu như chứng từ trong một thế giới phân mảnh đòi hỏi một nền đào tạo có định hướng nhằm gia tăng sự tự tin, khả năng và động lực cho các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân trong cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. “Mặc dù Hội thánh Công giáo ở Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn, nhưng có cảm giác rằng sự dấn thân vào sứ mạng này vẫn còn rất ít. Những nỗ lực đối thoại chỉ thu hút một số ít người trong giới tinh hoa và chủ yếu vẫn là những bài luyện não giới hạn trong lĩnh vực ý tưởng và khái niệm hơn là trở thành phong trào quần chúng, và cuộc đối thoại về cuộc sống, tình yêu và hành động ở cấp cơ sở, bằng cách khiến những người thuộc nhiều tín ngưỡng và ý thức hệ khác nhau cùng nhau phân định, lập kế hoạch và làm việc vì những mục đích chung” (HĐGM Ấn Độ).

Bối cảnh văn hóa

50. Nhiều bản Tổng hợp nêu rõ cần phải thấy Hội thánh đang thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng trong bối cảnh văn hóa cụ thể, và chịu những tác động từ những thay đổi sâu xa và nhanh chóng đang diễn ra trong xã hội. Các yếu tố tác động thật đa dạng, nhưng, ở khắp nơi, đều tạo ra những thách đố đáng kể đối với việc tham gia và định hình cho thực tại trong sứ mạng của Hội thánh. Những di hại của đầu óc bè phái, chủ nghĩa bộ tộc, chủ nghĩa dân tộc và sắc tộc – được biểu lộ và cảm nghiệm một cách đa dạng tại nhiều nơi – nhưng đều có chung một mối đe dọa điển hình: hạn chế Hội thánh thể hiện đặc điểm công giáo của mình.

51. Nhiều Hội thánh địa phương bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng do các sự cố lạm dụng gây nên, làm giảm sút lòng tin và sự tín nhiệm. Những Hội thánh tại các nơi khác nêu lên chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ là những yếu tố chính đang tác động đến văn hóa: “Hằng ngày chúng ta đều có thể cảm nhận, ngay tại đất nước mình, tinh thần thế tục, chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ với các hình thức định chế của tôn giáo đang đặt ra những thách đố đối với việc loan báo Tin Mừng” (HĐGM Hungary). Bản Tổng hợp ý kiến của Malta, giống như nhiều bản Tổng hợp khác, nhấn mạnh những liên hệ phức tạp trong lịch sử giữa Hội thánh và thế lực chính trị tiếp tục tác động ra sao trên bối cảnh truyền giáo. Nhiều Hội thánh cảm thấy mình cùng một lúc phải đối mặt với tất cả những thách thức văn hóa này, nhưng vẫn ước muốn ngày càng vững tin hơn trong việc loan báo Tin Mừng nơi “một xã hội tiêu thụ vốn không bảo đảm sự ổn định, công bằng hoặc sự hài lòng trong cuộc sống” (HĐGM Ireland). Các Hội thánh khác cảm thấy ngay trong nội bộ đã có nhiều quan điểm khác nhau: “Nam Phi cũng chịu những tác động của các xu hướng thế tục hóa, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối. Các vấn đề như giáo huấn của Hội thánh về phá thai, ngừa thai, phong chức cho phụ nữ, phong chức cho người đã kết hôn, độc thân linh mục, ly hôn và tái hôn, việc rước lễ, đồng tính, LGBTQIA+ đã được nêu ra tại khắp các giáo phận, ở nông thôn cũng như thành phố. Tất nhiên, có những quan điểm khác nhau về những vấn đề này và không thể đưa ra lập trường chung dứt khoát về bất cứ vấn đề nào đã được đặt ra” (HĐGM Nam Phi). Nhiều bản Tổng hợp bày tỏ sự ưu tư và lo lắng đối với những áp lực đè nặng lên các gia đình, tác động đến mối tương quan giữa các thế hệ và việc thông truyền đức tin. Nhiều bản Tổng hợp của châu Á đề nghị cần phải tăng cường việc đồng hành và huấn luyện cho các gia đình hiện đang phải đương đầu với những thay đổi về văn hóa.

52. Tại nhiều nơi, có những trường hợp việc làm chứng cho đức tin đã đưa đến tử đạo. Có những quốc gia, các Kitô hữu, đặc biệt người trẻ, phải đối mặt với thách đố bị ép buộc một cách có hệ thống phải cải đạo. Có nhiều bản Tổng hợp nhấn mạnh các nhóm thiểu số Kitô giáo bị đàn áp, phải đối mặt tình trạng bạo lực, không còn được an toàn. Trong những trường hợp như vậy, để đồng hành với những người thuộc các tín ngưỡng khác, thay vì náu mình sau bức tường ngăn cách, đòi phải có lòng can đảm của ngôn sứ.

Văn hóa, tôn giáo và đối thoại

53. Chính yếu tố cốt lõi của Hội thánh hiệp hành, vốn còn cần được đào sâu và hiểu rõ hơn, là lời mời gọi phải có được một nhận thức sâu sắc về cách tiếp cận liên văn hóa. Cách tiếp cận này bắt đầu bằng cách đồng hành với người khác, tôn trọng sự khác biệt văn hóa, hiểu được những nét đặc thù, đó là những yếu tố giúp chúng ta phát triển: “Cuộc gặp gỡ giữa Hội thánh Công giáo tại Campuchia với các nhà sư Phật giáo và Phật tử Campuchia ‘tạo ra một nền văn hóa mới’. Mọi hoạt động của chúng ta đều tác động đến nhau và ảnh hưởng lên toàn thế giới. Chúng ta có thể khác nhau về tôn giáo, nhưng đều cùng mưu tìm lợi ích chung” (HĐGM Lào và Campuchia). Chính những Hội thánh vốn chỉ là thiểu số trong bối cảnh họ đang sống sẽ cảm nghiệm điều này thật sâu sắc: “Chẳng hạn, điều chúng ta gọi là ‘tình trạng xôi đỗ’ của Hội thánh, ở đó lằn ranh phân cách với xã hội dân sự, nghịch lý thay, lại không nổi bật cho bằng những nơi khác […]. Làm việc ‘trong’ hay ‘ngoài’ Hội thánh không phải là vấn đề. Theo định nghĩa, chúng ta là một Hội thánh đi ra, bởi vì chúng ta luôn ở ‘nhà của người khác’ và điều này dạy chúng ta phải lắng nghe, linh hoạt và sáng tạo về hình thức, ngôn ngữ và thực hành” (HĐGM Vùng Bắc Phi – CERNA).

54. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đón nhận hoặc thậm chí trân trọng người khác, cuộc hành trình vẫn chưa hoàn tất. Cách tiếp cận liên văn hóa của Hội thánh nhắm đến chân trời Đức Kitô mời gọi chúng ta: Nước Thiên Chúa. Đón nhận sự đa dạng phong phú, chúng ta thấy mình hiệp nhất sâu xa hơn và có cơ hội hợp tác với ơn Chúa: “Chúng ta cũng cần phải chú ý đến những suy nghĩ và ý tưởng về gia đình rộng mở và những người cùng đi trên cuộc hành trình này (những người không Công giáo, các nhà chính trị và những người chưa tin). Có những tiếng nói chung quanh chúng ta không cho phép chúng ta bỏ qua nếu chúng ta không muốn lỡ mất những gì qua họ Chúa đang thầm thì với chúng ta!” (HĐGM Zimbabwe). Điều này làm nên một chứng từ trong một thế giới đang phấn đấu để nhìn thấy sự đa dạng trong hiệp nhất như là một ơn gọi đích thực: “Cộng đoàn […] phải lưu tâm hơn đến sự đa dạng, những niềm khao khát, các nhu cầu và cách sống đức tin. Hội thánh hoàn vũ vẫn phải là nơi bảo đảm sự hiệp nhất, còn các giáo phận thì có thể đưa đức tin hội nhập văn hóa tại địa phương mình: sự phân quyền là cần thiết” (Tổng Giáo phận Luxembourg).

55. Rất nhiều bản Tổng hợp đưa ra lời mời gọi hãy nhìn nhận, tham gia, hội nhập và đáp ứng tốt hơn nữa đối với sự phong phú của các nền văn hóa địa phương, trong đó, nhiều nền văn hóa chứa đựng thế giới quan và phong cách hành động mang tính hiệp hành. Mọi người bày tỏ mong muốn quảng bá (và trong một số trường hợp, khôi phục và đào sâu) văn hóa địa phương, hòa nhập nó với đức tin, và đưa nó vào phụng vụ. “Trong bối cảnh này, các Kitô hữu được mời gọi hãy đóng góp phần mình, bắt đầu từ nhãn quan đức tin để đưa đức tin hội nhập vào những bối cảnh văn hóa mới […]. Các cách tiếp cận đa dạng này cần được coi là việc thực hiện một mô hình liên văn hóa, trong đó các đề xuất khác nhau sẽ bổ túc và làm phong phú cho nhau, vượt ra khỏi mô hình đa văn hóa, vốn chỉ đơn giản là đặt các nền văn hóa bên cạnh nhau, khép kín trong phạm vi của mình” (Góp ý của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa).

56. Trong nhiều trường hợp, các bản Tổng hợp kêu gọi đặc biệt chú ý đến tình trạng của người dân bản địa. Đời sống tâm linh, sự khôn ngoan và nền văn hóa của họ có nhiều điều khiến chúng ta phải học hỏi. Chúng ta cần đọc lại lịch sử cùng với những dân tộc này, để tìm những gợi ý từ những tình cảnh Hội thánh đã hành động nhằm phục vụ sự phát triển con người toàn diện, và xin họ tha thứ vì đã có thời, thay vì phục vụ lại đồng lõa áp bức họ. Đồng thời, một số bản Tổng hợp nêu lên sự cần thiết phải hòa giải những mâu thuẫn rõ ràng giữa việc thực hành văn hóa hoặc tín ngưỡng truyền thống với giáo lý của Hội thánh. Trên bình diện tổng quát, việc thực hiện hiệp hành – hiệp thông, tham gia và sứ mạng – cần phải hòa điệu với bối cảnh và văn hóa địa phương, với đòi hỏi phải không ngừng phân định và sáng tạo.

3.3 Hiệp thông, tham gia và đồng trách nhiệm

57. Sứ mạng của Hội thánh được thực hiện qua đời sống của tất cả những người đã được rửa tội. Các bản Tổng hợp bày tỏ mong muốn sâu sắc được công nhận và tái khẳng định phẩm giá chung này như là nền tảng cho việc canh tân đời sống và các thừa tác vụ trong Hội thánh. Chúng khẳng định giá trị của mọi ơn gọi trong Hội thánh, và trên hết, mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu, trở lại với phong cách và cách thức thực thi năng lực và uy quyền của Người như một phương thế để ban ơn chữa lành, hòa giải và giải thoát. “Điều quan trọng là xây dựng một mô hình thiết chế hiệp hành như một mô hình của Hội thánh có tính giải trừ cấu trúc quyền lực hình tháp vốn ưu ái cho sự quản lý mang tính độc quyền cá nhân. Quyền bính hợp pháp duy nhất trong Hội thánh phải là quyền yêu thương và phục vụ, theo gương của Chúa” (HĐGM Argentina).

Vượt khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị

58. Âm điệu của các bản Tổng hợp không chống lại giáo sĩ (chống lại các linh mục hoặc chức tư tế thừa tác). Nhiều bản Tổng hợp bày tỏ sự cảm kích và yêu mến sâu sắc đối với các linh mục trung thành và tận tụy với sứ mạng, cũng như nỗi lo lắng về nhiều đòi hỏi mà họ phải đối mặt. Các bản Tổng hợp cũng nói lên mong muốn có những linh mục được đào tạo tốt hơn, được đồng hành tốt hơn và ít bị cô lập hơn. Các bản Tổng hợp này cũng lưu ý tầm quan trọng của việc phải loại bỏ khỏi Hội thánh chủ nghĩa giáo sĩ trị để tất cả các thành viên của Hội thánh, bao gồm các linh mục và giáo dân, có thể hoàn thành một sứ mạng chung. Chủ nghĩa giáo sĩ được coi là một hình thức bần cùng hóa tinh thần, tước đoạt những điều tốt đẹp thực sự của thừa tác vụ chức thánh, và là một nền văn hóa cô lập hàng giáo sĩ và gây hại cho giáo dân. Nền văn hóa này ngăn cản chúng ta trải nghiệm sống động về Thiên Chúa và làm tổn hại mối tương quan huynh đệ của những người đã được rửa tội, tạo ra những nguyên tắc cứng nhắc, gắn bó với quyền lực pháp lý và hành xử quyền mang tính quyền bính hơn là phục vụ. Chủ nghĩa giáo sĩ có thể là cơn cám dỗ đối với giáo dân như các giáo sĩ, như bản Tổng hợp từ Cộng hòa Trung Phi nhấn mạnh: “một số cha xứ hành xử như ‘người ra lệnh’, áp đặt ý muốn của họ mà không nghe bất cứ ai. Các Kitô hữu giáo dân không cảm thấy mình là thành viên của Dân Chúa. Những sáng kiến quá nặng “tính giáo sĩ” nên bị phàn nàn. Một số thành viên ban mục vụ, giáo sĩ và giáo dân, đôi khi thích quy tụ những người cùng ý kiến với mình và tránh xa những người có quan điểm thù địch và bất đồng”.

59. Mặc dù thẳng thắn khi chẩn đoán vấn đề, các bản Tổng hợp vẫn không tỏ ra thất vọng. Các bản văn này bày tỏ mong muốn sâu sắc và mạnh mẽ đối với các hình thức lãnh đạo đổi mới – giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân – có tính tương giao và hợp tác, và các hình thức quyền bính có khả năng tạo ra sự liên đới và đồng trách nhiệm: “Các nhiệm vụ của người thi hành quyền bính bao gồm khuyến khích, qui tụ, hướng dẫn và tạo điều kiện để mọi người tham gia vào đời sống của Hội thánh […] đồng thời ủy thác một phần trách nhiệm” (HĐGM Slovakia). Giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ mong muốn Hội thánh sử dụng tài năng và khả năng của mình, và để được như vậy, họ đòi hỏi người thực thi quyền lãnh đạo phải cho họ được tự do. Các bản Tổng hợp bày tỏ lòng biết ơn đối với những nhà lãnh đạo đã thực hiện vai trò của họ theo những cách này.

Nghĩ nhiều hơn về sự tham gia của phụ nữ

60. Lời kêu gọi chuyển đổi nền văn hóa của Hội thánh, để cứu rỗi thế giới, được liên kết cụ thể với khả năng thiết lập một nền văn hóa mới, với những thực hành, cấu trúc và tập quán mới. Một lĩnh vực quan trọng và cấp bách trong vấn đề này liên quan đến vai trò của phụ nữ và ơn gọi của họ, bắt nguồn từ phẩm giá chung do bí tích Thánh tẩy mang lại, để tham gia trọn vẹn vào đời sống của Hội thánh. Trên toàn thế giới, càng ngày người ta càng nhận thức và nhạy cảm đối với vấn đề này.

61. Từ khắp các châu lục, vang lên lời kêu gọi phụ nữ Công giáo phải được coi trọng, trước hết như những thành viên Dân Chúa đã được rửa tội và bình đẳng. Hầu như mọi người đều nhất trí khẳng định rằng phụ nữ yêu mến Hội thánh cách sâu sắc, nhưng nhiều phụ nữ cảm thấy buồn vì trong cuộc sống họ thường không được thấu hiểu, trong khi những đóng góp và đặc sủng của họ không phải lúc nào cũng được coi trọng. Bản Tổng hợp của Thánh Địa ghi nhận: “Những người dấn thân nhiều nhất trong tiến trình Thượng Hội đồng là phụ nữ, những người dường như không chỉ hiểu rằng họ sẽ nhận được nhiều hơn, mà còn phải cống hiến nhiều hơn nữa vì vị trí ngoài lề của họ lại mang tính ngôn sứ, từ đó họ quan sát thấy những gì xảy ra trong đời sống của Hội thánh”. Và bản Tổng hợp viết tiếp: “Trong một Hội thánh nơi hầu hết tất cả những người ra quyết định đều là nam giới, có rất ít không gian cho phụ nữ có thể cất lên tiếng nói của họ. Thế mà họ lại là xương sống của các cộng đồng Hội thánh, vì họ vừa là thành phần đa số, vừa là những thành viên tích cực nhất trong Hội thánh”. Bản Tổng hợp của Hàn Quốc xác nhận: “Mặc dù có sự tham gia đông đảo của phụ nữ trong các hoạt động khác nhau của Hội thánh, nhưng họ thường bị loại khỏi các quá trình ra quyết định chính. Vì thế, Hội thánh phải nhận thức rõ hơn về các khía cạnh cơ chế trong hoạt động của mình.” (HĐGM Hàn Quốc). Hội thánh phải đối mặt với hai thách đố liên quan: phụ nữ vẫn chiếm đa số trong số những người tham dự phụng vụ và tham gia các hoạt động, nam giới là thiểu số; nhưng hầu hết các vai trò ra quyết định và quản trị đều do nam giới nắm giữ. Rõ ràng là Hội thánh phải tìm cách thu hút để nam giới gắn bó tích cực hơn với Hội thánh và để cho phụ nữ tham gia đầy đủ hơn vào mọi cấp độ của đời sống Hội thánh.

62. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, phụ nữ đòi hỏi Hội thánh đứng về phía họ. Điều này bao gồm việc phải giải quyết các thực tế xã hội về sự bần cùng, bạo lực và sự sỉ nhục mà phụ nữ trên toàn cầu phải đối mặt. Họ kêu gọi một Hội thánh ở bên cạnh họ, đồng thời thấu hiểu và trợ giúp nhiều hơn trong việc chống lại những thế lực hủy diệt và loại trừ này. Những người tham gia vào các tiến trình của Thượng Hội đồng mong muốn cả Hội thánh và xã hội là nơi phụ nữ có thể phát triển, tham gia tích cực và thuộc về một cách an toàn. Một số bản Tổng hợp ghi nhận rằng nền văn hóa tại quốc gia của họ đã đạt được tiến bộ về việc phụ nữ hòa nhập và tham gia, tiến bộ đó có thể được coi là hình mẫu cho Hội thánh. “Sự thiếu bình đẳng đối với phụ nữ trong Hội thánh được coi là một trở ngại cho Hội thánh trong thế giới hiện đại” (HĐGM New Zealand).

63. Vấn đề này nảy sinh cách này hay cách khác, trong mọi bối cảnh văn hóa, đồng thời liên quan đến việc tham gia của giáo dân nữ và nữ tu cũng như việc thừa nhận họ. Bản Tổng hợp của các Bề trên của các Hiệp hội Đời sống Thánh hiến ghi nhận: “Sự phân biệt giới tính trong việc ra quyết định và trong ngôn ngữ của Hội thánh là điều rất phổ biến… Kết quả là, phụ nữ bị loại khỏi các vai trò có ý nghĩa trong đời sống của Hội thánh, bị phân biệt đối xử khi không nhận được mức thù lao công bằng cho các phần việc và sự phục vụ của họ. Các nữ tu thường bị coi là lao động rẻ mạt. Một số Hội thánh có xu hướng loại trừ phụ nữ và giao công tác của mình cho các phó tế vĩnh viễn; thậm chí đánh giá thấp những người sống đời thánh hiến không có tu phục, không quan tâm đến sự bình đẳng và phẩm giá cơ bản của tất cả các Kitô hữu đã chịu Phép rửa, nam cũng như nữ” (USG / UISG).

64. Hầu hết các Bản Tổng hợp đều nêu vấn đề về sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ: “Việc ngày càng công nhận tầm quan trọng của phụ nữ trong đời sống của Hội thánh mở ra cho họ khả năng tham gia nhiều hơn, mặc dù còn hạn chế, vào các cơ cấu của Hội thánh và các lĩnh vực ra quyết định” (HĐGM Braxin). Tuy nhiên, các bản Tổng hợp không nhất trí với một lời giải đáp duy nhất hoặc toàn diện cho câu hỏi về ơn gọi, về sự hòa nhập và việc nâng cao giá trị của phụ nữ trong Hội thánh và xã hội. Sau khi chú ý lắng nghe, nhiều bản Tổng hợp yêu cầu Hội thánh tiếp tục phân định về một loạt các vấn đề cụ thể: vai trò tích cực của phụ nữ trong các cơ quan điều hành của Hội thánh, việc đào tạo thích đáng để phụ nữ có khả năng rao giảng trong môi trường giáo xứ, và vấn đề nữ phó tế. Nhiều ý kiến đa dạng hơn đã được nêu lên về vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ, đây là điều mà một số bản Tổng hợp tỏ ý ước mong, trong khi những bản Tổng hợp khác coi là vấn đề đã được khép lại.

65. Một trong những yếu tố căn bản của quá trình này đó là việc công nhận những cách thức mà phụ nữ, đặc biệt là các nữ tu, trở thành người tiên phong thực thi hiệp hành trong một số tình huống xã hội thách thức nhất mà Hội thánh phải đối mặt: “Có những hạt giống của tính hiệp hành, nơi tạo ra nền tảng mới của tình liên đới: bảo đảm một tương lai công bằng về chủng tộc và sắc tộc cũng như hòa bình cho anh chị em da đen, da nâu, châu Á và châu Mỹ bản địa (Hoa Kỳ); kết nối bền chặt với các anh chị em thổ dân và bản địa (Châu Mỹ); mở ra cho các nữ tu những cách thức hiện diện mới trong các phong trào khác nhau; liên minh với các nhóm cùng chí hướng để giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm (như biến đổi khí hậu, người tị nạn và người xin tị nạn, người vô gia cư) hoặc các vấn đề của các quốc gia cụ thể.” (Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền và Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, USG/UISG) Trong bối cảnh này, các phụ nữ tìm người cộng tác và có thể trở thành thầy dạy về tính hiệp hành trong các tiến trình rộng lớn hơn của Hội thánh.

Các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ

66. Trách nhiệm xây dựng lối sống hiệp hành của Hội thánh không thể được uỷ thác, mà phải được tất cả mọi người chia sẻ để đáp lại những ân huệ Chúa Thánh Thần đã ban cho các tín hữu. “Một nhóm tín hữu ở Giáo phận Lae nói về tính hiệp hành trong giáo xứ của họ: ‘Trong cuộc họp của hội đồng mục vụ giáo xứ, chúng tôi bảo đảm xem xét ý kiến của tất cả mọi người hiện diện, gồm cả phụ nữ, trước khi đưa ra quyết định, vì quyết định này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người trong giáo xứ’. Một giáo xứ khác cho biết: ‘Mỗi khi chúng tôi muốn làm điều gì đó trong giáo xứ, chúng tôi gặp nhau, lắng nghe ý kiến của mọi người trong cộng đoàn, cùng nhau quyết định và cùng nhau thực hiện các quyết định đó” (HĐGM Papua New Guinea và Quần đảo Solomon). Tuy nhiên, không thiếu những đề cập liên quan đến các khó khăn trong việc thực thi tinh thần đồng trách nhiệm: “Với tư cách giám mục, chúng tôi nhận thấy rằng ‘thần học về bí tích Rửa tội’ do Công đồng Vatican II quảng bá, là nền tảng của tính đồng trách nhiệm trong sứ mạng, đã không được khai triển đầy đủ, và do đó, phần lớn những người được rửa tội không cảm thấy hoàn toàn đồng nhất với Hội thánh và càng không có tinh thần đồng trách nhiệm trong việc truyền giáo. Hơn nữa, đường hướng của các cơ cấu mục vụ hiện nay, cũng như não trạng của nhiều linh mục, không thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm này. Tương tự như vậy, các tu sĩ nam nữ cũng như các phong trào tông đồ giáo dân, thường chỉ ẩn hiện bên lề các hoạt động tích cực của giáo phận. Do đó, rốt cuộc những người được gọi là ‘giáo dân dấn thân’ trong các giáo xứ (lại là thiểu số) phải gánh những trách nhiệm bên trong Hội thánh vượt quá sức, khiến họ làm không kịp thở” (HĐGM Mexico).

67. Mong muốn đồng trách nhiệm này trước hết trở thành nền tảng cho quan điểm phục vụ sứ mạng chung, nghĩa là, theo cách diễn tả về tính thừa tác vụ: “Kinh nghiệm có được […] đã giúp khám phá lại tinh thần đồng trách nhiệm vốn xuất phát từ phẩm giá do bí tích Thánh tẩy mang lại và nêu bật khả năng vượt khỏi quan điểm về Hội thánh được xây dựng chung quanh thừa tác vụ có chức thánh để tiến tới một Hội thánh ‘thừa tác phổ quát’, vốn là sự hiệp thông của các đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau” (HĐGM Ý). Việc thỉnh ý Dân Chúa đã nêu bật chủ đề thừa tác vụ, được xem là trọng tâm của đời sống Hội thánh và nhu cầu cần dung hoà sự hiệp nhất giữa sứ mạng với tính đa dạng của các thừa tác vụ. Việc nhận ra và thúc đẩy nhu cầu này “không phải là mục đích tự thân, mà là sự đề cao giá trị việc phục vụ của sứ mạng: các tác nhân nam nữ khác nhau, bình đẳng về phẩm giá, bổ sung cho nhau để trở thành dấu chỉ, để làm cho Hội thánh, là bí tích của Nước Trời, trở nên khả tín” (HĐGM Bỉ.

68. Nhiều bản Tổng hợp đề cập đến các thực hành nhằm công nhận và khuyến khích các thừa tác vụ, cho phép cộng đồng ủy thác một cách hiệu quả: “Việc khuyến khích các thừa tác vụ giáo dân và đảm nhận các trách vụ diễn ra qua việc bầu chọn hoặc bổ nhiệm các tín hữu được coi là có đủ các điều kiện cần thiết.” (HĐGM Mozambique). Với cách này, mỗi thừa tác vụ trở thành một yếu tố trong cơ chế và giúp xây dựng cơ chế của đời sống cộng đồng: “Việc đảm nhận trách nhiệm được bảo đảm bởi chức trách đã nhận và nguyên tắc phụ đới. Thừa tác vụ giáo lý viên được thiết lập và có một địa vị đặc biệt trong Gia đình Hội Thánh Chúa. […] Một số giáo lý viên được đặt làm người lãnh đạo cộng đoàn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi hiếm có sự hiện diện của các linh mục.” (HĐGM Congo). Không thiếu những câu hỏi về những lĩnh vực có thể thi hành thừa tác vụ giáo dân: “Nhiều nhóm mong muốn giáo dân được tham gia nhiều hơn, nhưng giới hạn cho việc điều động không rõ ràng: họ có thể thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào? Trách nhiệm của người tín hữu được xác định như thế nào trong tương quan với trách nhiệm của cha xứ?” (HĐGM Bỉ).

69. Trong một số bối cảnh, cần phải xem xét sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ xuất hiện dưới hình thức có tổ chức trong các hiệp hội, phong trào giáo dân và các cộng đoàn tu sĩ mới. Cần chú ý đến những đặc điểm cụ thể của các tổ chức này, nhưng cũng cần bảo vệ sự hòa hợp trong mỗi Hội thánh địa phương. Khi đi vào đời sống cụ thể của Hội thánh, vấn đề về thừa tác vụ chắc chắn sẽ vấp phải vấn đề về việc thể chế hóa thừa tác vụ và vì vậy, về những cơ cấu mà nhờ đó đời sống của cộng đồng Kitô hữu sẽ được triển nở.

70. Trong Hội thánh Công giáo, các đặc sủng do Chúa Thánh Thần tự do ban tặng, vốn giúp Hội thánh được ‘tươi trẻ’, không thể tách rời các ơn phẩm trật, vốn gắn liền với bí tích Truyền chức ở các cấp độ khác nhau. Trong thời kỳ đầu của Hội thánh, đã xuất hiện một thách đố lớn về tính hiệp hành, đó là thánh đố về tính hài hòa giữa các ân ban này dưới sự hướng dẫn của các mục tử, không để chúng đối chọi nhau, và do đó chiều kích đặc sủng không đối nghịch lại với chiều kích thể chế của Hội thánh.

3.4 Hiệp hành đang thành hình

71. Tiến trình Thượng Hội đồng đã làm nổi bật một số căng thẳng, như đã được làm sáng tỏ trong các đoạn trước. Đối với những căng thẳng này, chúng ta không nên sợ hãi, nhưng cần phải nhận thức rõ ràng qua tiến trình liên tục cùng nhau phân định, để khai thác chúng như khai thác một nguồn năng lượng mà không để chúng thành sức mạnh hủy diệt: chỉ như thế, chúng ta mới có thể tiếp tục cùng nhau bước đi, thay vì đường ai nấy đi. Đây là lý do tại sao Hội thánh cũng cần phải đề xuất một hình thức và phương cách thực hiện hiệp hành cho các tổ chức và cơ chế của chính mình, đặc biệt là với các tổ chức liên quan đến quản trị. Đồng hành với tiến trình đổi mới cơ cấu này là nhiệm vụ của giáo luật, với những thay đổi cần thiết các điều khoản hiện hành.

72. Tuy nhiên, để thực sự hoạt động theo phương thức hiệp hành, các cơ cấu cần những người được đào tạo bài bản, có tầm nhìn và năng lực: “Toàn bộ tiến trình hiệp hành đã là việc thực hành tham gia tích cực ở các cấp độ. Để tiến trình này tiếp tục, cần phải thay đổi tư duy và đổi mới cơ cấu hiện có” (HĐGM Ấn Độ). Quan điểm mới mẻ này sẽ cần được hậu thuẫn bởi một nền linh đạo làm nền tảng cho việc thực thi tính hiệp hành, tránh biến tiến trình này thành vấn đề kỹ thuật và tổ chức. Chúng ta chỉ có thể sống theo quan điểm này, được xem như một sứ mạng chung, khi gặp gỡ Chúa và lắng nghe Thánh Thần. Để có hiệp hành, phải có Thánh Thần, và không có Thánh Thần nếu không có cầu nguyện.

Các cơ chế và tổ chức

73. Liên quan đến sự căng thẳng địa phương-toàn cầu – mà theo ngôn ngữ Hội thánh, ám chỉ mối quan hệ giữa các Hội thánh địa phương với nhau và với Hội thánh hoàn vũ – chính sự năng động của tiến trình Thượng Hội đồng đặt chúng ta trước một điều mới lạ, làm nên Giai đoạn châu lục mà chúng ta đang trải qua. Ngoài một số khu vực được đặc trưng bởi tính năng động lịch sử cụ thể, cho đến nay Hội thánh vẫn chưa thiết lập được các thực hành hiệp hành ở cấp độ châu lục. Việc đưa ra một Giai đoạn cụ thể trong tiến trình Thượng Hội đồng không đơn thuần là cách biến báo về phương diện tổ chức, nhưng tương ứng với sự năng động nhập thể của Phúc âm, bắt rễ từ những khu vực được đặc trưng bởi sự gắn kết và đồng nhất văn hóa nhất định, tạo ra các cộng đồng Hội thánh có diện mạo riêng biệt, gắn với những nét đặc trưng của từng nền văn hóa. Trong bối cảnh của một thế giới vừa toàn cầu hóa vừa bị phân mảnh, mỗi châu lục, do nguồn gốc lịch sử chung, do khuynh hướng tương đồng về văn hóa xã hội và do có cùng những thách đố đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng, sẽ tạo nên một lãnh vực ưu tiên để khơi dậy tính năng động hiệp hành nhằm củng cố mối liên kết giữa các Hội thánh, khuyến khích việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các ân huệ, cũng như giúp hình dung các lựa chọn mục vụ mới.

74. Hơn nữa, sự năng động của tính hiệp hành còn chất vấn chính Giáo triều Rôma: “Cần nhắc lại sự cộng tác với các Bộ khác của Giáo triều Rôma, mà chúng tôi thường xuyên tham khảo ý kiến […]. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trong lĩnh vực này cần có nhiều phương tiện hơn giúp Giáo triều Rôma thực thi tinh thần hiệp hành và thực hành hiệp hành, như mong muốn của Đức Thánh Cha được biểu lộ qua Tông hiến Praedicate Evangelium” (Đóng góp của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh – Phân bộ Quan hệ với các Quốc gia và các Tổ chức Quốc tế).

75. Các Hội đồng Giám mục cũng tự vấn về ý nghĩa của tính hiệp hành đối với họ: “Các giám mục cũng đã cầu nguyện và bàn luận về câu hỏi: ‘Làm thế nào để một Hội đồng Giám mục trở nên hiệp hành hơn và sống một cách hiệp hành hơn?” (HĐGM Paraguay). Ví dụ, “Trong khi duy trì tính hiệp đoàn và quyền tự do ra quyết định của mình mà không chịu bất kỳ áp lực nào, Hội đồng Giám mục nên bao gồm các đại diện của hàng giáo sĩ và giáo dân của các giáo phận khác nhau trong các cuộc thảo luận và hội họp của mình, nhân danh tính hiệp hành.” (Đóng góp của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh – Phân bộ phụ trách Nhân viên Ngoại giao của Tòa Thánh).

76. Trong Giai đoạn Châu lục, các Hội đồng Giám mục sẽ có thể trải nghiệm một vai trò mới, không chỉ liên quan đến việc thúc đẩy sự hiệp thông trong chính họ, mà còn liên quan đến việc đối thoại giữa các Hội thánh được liên kết bởi sự gần gũi về địa lý và văn hóa. Ngoài ra, qua việc tổ chức các đại hội của Hội thánh và hội nghị giám mục, Giai đoạn Châu lục sẽ mang lại cơ hội cảm nhận cụ thể cách thức khai triển tính hiệp hành của Hội thánh và tính hiệp đoàn giám mục. Giai đoạn này cũng sẽ là dịp để suy tư về cách cải thiện sự hài hòa giữa lề lối thông thường trong việc thi hành thừa tác vụ giám mục và việc mang lấy cung cách hiệp hành hoàn hảo, theo một số bản Tổng hợp, đây là một điểm hết sức khó khăn. Đọc lại kinh nghiệm có được trong Giai đoạn Châu lục sẽ giúp phân định cách thức tiến hành tiếp theo sao cho suôn sẻ hơn.

77. So với Hội thánh Latinh, các Hội thánh Đông Phương cống hiến nhiều cơ chế hiệp hành hơn; và ngày nay các cơ chế này được kêu gọi đổi mới: “Các cơ chế hiệp hành cổ xưa và các tiến trình Hội thánh đang tồn tại trong Hội thánh Syro-Malabar (Prathinidhiyogam, Palliyogam và Desayogam) thể hiện bản chất hiệp hành của Hội thánh ở bình diện địa phương, khu vực và phổ quát. Các cơ chế và tiến trình này đều tỏ ra hữu ích cho việc huấn luyện tính hiệp hành cho chúng tôi. Chúng phục vụ các giáo xứ và các cộng đoàn, bằng cách giúp những nơi này khám phá ra cách thức hợp tác trong việc thi hành các thừa tác vụ mục vụ để thăng tiến nhờ lắng nghe Thánh Thần. Hơn nữa, có một số sáng kiến và nỗ lực mới nhằm củng cố các cơ chế hiệp hành của Hội thánh” (Hội thánh Công giáo Syro-Malabar).

78. Sự năng động của tính đồng trách nhiệm, hướng tới và phục vụ cho sứ mạng chung chứ không phải như một phương cách tổ chức để phân bổ vai trò và quyền hạn, thì bao trùm mọi cấp độ trong đời sống Hội thánh. Ở cấp địa phương, nó xét lại các cơ quan tham gia đã được dự kiến cho các cấp khác nhau và có các đặc điểm phù hợp với các nghi lễ khác nhau, cũng như những cơ quan xem ra nên thiết lập để mang lại một sự năng động hiệp hành mạnh mẽ: “chúng tôi đã bàn thảo về việc cần thiết phải có những cơ chế và tổ chức phản ánh tinh thần hiệp hành một cách chân thực” (HĐGM Hàn Quốc). Đây trước hết là các hội đồng mục vụ, được mời gọi ngày càng trở thành những cơ chế mang tính qui tụ, đối thoại, minh bạch, phân định, lượng giá và đồng trách nhiệm. Trong thời đại ngày nay, những hội đồng này là tối cần thiết. Rồi cũng phải có các hội đồng kinh tế, giáo phận và giáo xứ. Cũng phải lưu ý đến các uỷ ban giám mục và hội đồng linh mục bên cạnh giám mục. Nhiều bản Tổng hợp cho thấy cần có các cơ quan này không phải chỉ để tham vấn, nhưng còn để đưa ra những quyết định dựa trên tiến trình cùng phân định, hơn là dựa trên nguyên tắc đa số như vẫn được các cơ chế dân chủ áp dụng.

79. Ở những nơi khác nhau trên thế giới, tính minh bạch được coi là một thực hành thiết yếu để Hội thánh ngày càng tăng triển, thành một Hội thánh hiệp hành đích thực: “Hội thánh Công giáo cần phải trở nên cởi mở và minh bạch hơn: [vì] mọi thứ đều [đã] được thực hiện trong bí mật. Các chương trình và biên bản của Hội đồng Giáo xứ không bao giờ được công bố, các quyết định của ủy ban tài chính không bao giờ được bàn luận hoặc các bảng cân đối kế toán không bao giờ được chia sẻ” (một góp ý cá nhân ở Anh quốc). Tính minh bạch sẽ thúc đẩy trách nhiệm giải trình thực sự về mọi lộ trình ra quyết định, bao gồm cả các tiêu chí được sử dụng để phân định. Một phong cách lãnh đạo theo sát những thực hành mang tính hiệp hành sẽ tạo ra sự tin tưởng và tính khả tín: “Về một số vấn đề, việc thực thi quyền hành thực sự mang tính tập thể, thông qua việc tham khảo ý kiến các cơ quan thuộc các cơ chế điều hành, quản lý, và linh hoạt mục vụ khác nhau […]. Nhưng đôi khi thật đáng buồn mà ghi nhận rằng: trong Hội thánh Công giáo chúng ta có những giám mục, linh mục, giáo lý viên, người lãnh đạo cộng đoàn… rất độc đoán. […] Thay vì phục vụ cộng đoàn, một số lại phục vụ bản thân bằng những quyết định đơn phương, và điều này cản trở hành trình hiệp hành của chúng ta.” (HĐGM Chad). Ngoài ra, nhiều bản Tổng hợp ghi nhận nhu cầu phải có sự tham gia của những người có năng lực chuyên môn thích đáng trong việc quản lý kinh tế và quản trị.

80. Với tư cách là các cơ quan tham gia, mọi tổ chức của Hội thánh đều được kêu gọi chất vấn cách thức đưa lời kêu gọi hiệp hành vào cung cách thi hành chức năng và sứ mạng của mình, bằng cách đổi mới cơ cấu và thủ tục. Một trường hợp đặc biệt, tiêu biểu là các trường đại học và các học viện, những tổ chức này có thể dành nỗ lực nghiên cứu các vấn đề về tính hiệp hành, giúp đổi mới các chương trình giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, các khoa thần học sẽ có thể đào sâu những hiểu biết về Hội thánh học, Kitô học và Thánh Linh học mà các kinh nghiệm và thực hành hiệp hành mang lại.

81. Việc đón nhận một phong cách thực sự hiệp hành cũng thách thức đời sống thánh hiến, khởi đi từ chính những thực hành vốn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia vào đời sống cộng đoàn của tất cả các thành viên thuộc về: “Trong đời sống thánh hiến, tính hiệp hành liên quan đến tiến trình phân định và đưa ra quyết định. Mặc dù trong các học viện, chúng tôi đã thực hành việc cùng nhau phân định, nhưng vẫn có những điều cần được cải thiện. Đã là thành viên của một cộng đoàn thì hẳn là phải tham gia. […] Cả trong đời sống Hội thánh và đời sống thánh hiến, phong cách quản trị luân chuyển (có đặc tính tham gia), ít đặc tính phẩm trật theo hình tháp, là điều được mọi người ước muốn” (USG / UISG).

Công việc đào tạo

82. Phần lớn các bản Tổng hợp cho thấy cần phải đào tạo tính hiệp hành. Chỉ các cấu trúc thôi là chưa đủ: cần có công tác đào tạo liên tục, hỗ trợ nền văn hóa hiệp hành rộng rãi. Việc đào tạo này phải thích ứng với đặc điểm cụ thể của bối cảnh địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoán cải theo tinh thần hiệp hành trong cách thức tham gia, sử dụng quyền bính và lãnh đạo nhằm hoàn thành sứ mạng chung một cách hiệu quả hơn. Đó không chỉ đơn giản là vấn đề cung cấp các kỹ năng cụ thể về mặt kỹ thuật hoặc phương pháp luận. Việc đào tạo tính hiệp hành liên quan đến mọi chiều kích của đời sống Kitô hữu và chỉ có thể là “một sự đào tạo toàn vẹn bao gồm các chiều kích cá nhân, thiêng liêng, thần học, xã hội và thực hành. Vì vậy, nhất thiết phải có một cộng đồng để quy chiếu, bởi vì một trong những nguyên tắc ‘đi cùng nhau’ là việc đào tạo tâm hồn, vượt trên những tri thức cụ thể và bao trùm toàn bộ cuộc sống. Trong cuộc sống, người Kitô hữu cần phải được đào tạo liên tục và lâu dài để thực hành tính hiệp hành, để trưởng thành và lớn lên trong đức tin, để tham gia vào đời sống cộng đoàn, để gia tăng lòng yêu mến và sự thông dự của các tín hữu đối với Bí tích Thánh Thể, để đảm nhận các thừa tác vụ ổn định, để thực sự đồng trách nhiệm trong việc điều hành Hội thánh, để đối thoại với xã hội và với các Hội thánh khác nhằm đưa những người ở xa lại gần trong tinh thần huynh đệ” (HĐGM Tây Ban Nha). Việc đào tạo này phải hướng đến mọi thành phần Dân Chúa: “Để thực hiện các yếu tố này của tính hiệp hành, điều cấp bách trước mắt là phải có các chương trình giáo dục và đào tạo dành cho hàng giáo sĩ và giáo dân nhằm gia tăng sự hiểu biết chung về tính hiệp hành, vốn là điều rất quan trọng cho việc “cùng nhau bước đi” tại các Hội thánh địa phương.” (HĐGM Myanmar). Theo cách này, viễn cảnh về tính hiệp hành sẽ đồng quy với việc dạy giáo lý và chăm sóc mục vụ, giúp cho các hoạt động ấy được gắn liền với viễn tượng của sứ mạng loan báo Tin Mừng.

83. Tuy nhiên, cả nhu cầu đào tạo cách cụ thể hơn về việc lắng nghe và đối thoại cũng được nhấn mạnh, ví dụ như qua việc thiết lập các tác nhân và các nhóm hiệp hành. Đặc biệt, nhiều bản Tổng hợp nhấn mạnh đến nhu cầu thiết yếu là phải bảo đảm có được chương trình đào tạo về hiệp hành cho những người sẽ được kêu gọi đảm nhận vai trò lãnh đạo, đặc biệt là các linh mục: “Việc đào tạo ở chủng viện nhằm chuẩn bị cho hàng giáo sĩ sống đời linh mục, dù có lâu dài, nhưng lại không đào tạo cho họ biết phối hợp mục vụ. Việc đào tạo lý thuyết cũng như thực hành về cách làm việc chung, lắng nghe nhau và cùng nhau tham gia sứ mạng là điều cần thiết trong chương trình đào tạo linh mục” (HĐGM Sri Lanka).

Linh đạo

84. Nền văn hóa hiệp hành, vốn là điều cần thiết để linh hoạt các cơ chế và tổ chức, đòi hỏi phải được đào tạo thích đáng, nhưng trên hết, cần được nuôi dưỡng bằng việc sống mật thiết với Chúa và khả năng lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần: “Cần phải phân định thiêng liêng khi hoạch định chiến lược và ra quyết định, nhờ đó mọi dự án đều được Chúa Thánh Thần đón nhận và đồng hành” (Hội thánh Công giáo Melkite Hy Lạp). Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải triển nở trong nền linh đạo hiệp hành. Nền linh đạo ấy chỉ có thể đặt nền tảng trên sự quan tâm đến nội tâm và ý thức. “Trong đời sống tâm linh cá nhân và trong sứ điệp của Hội thánh, niềm vui Chúa Kitô phục sinh phải chiếm ưu thế chứ không phải nỗi sợ bị Thiên Chúa trừng phạt” (HĐGM Cộng hòa Séc).

85. Như đã được nhấn mạnh nhiều lần, trước hết, Hội thánh hiệp hành phải giải quyết nhiều căng thẳng nảy sinh do cuộc gặp gỡ giữa những khác biệt. Do đó, nền linh đạo hiệp hành chỉ có thể là nền linh đạo đón nhận những khác biệt và thúc đẩy sự hòa hợp, đồng thời có thể kín múc năng lượng từ những căng thẳng để tiếp tục tiến bước. Để đạt được điều này, phải chuyển từ việc nhấn mạnh chiều kích cá nhân sang chiều kích tập thể; đó là nền linh đạo của “cái chúng ta”, biết coi trọng những đóng góp của mỗi người.

86. Năm đầu tiên của tiến trình Thượng Hội đồng đã cho chúng ta những kinh nghiệm được thúc đẩy theo hướng này, qua việc đề nghị phương pháp chia sẻ tâm linh. Phương pháp này giúp Dân Chúa hưởng nếm hương vị của cuộc gặp gỡ giữa các cá nhân xung quanh Lời Chúa và những cộng hưởng đa dạng mà nó khơi dậy trong lòng mỗi người. Ngoài việc làm cho phương pháp này trở thành một thực hành bình thường trong đời sống của Hội thánh, như nhiều người yêu cầu, cần phải phát triển phương pháp này theo hướng phân định cộng đoàn, đặc biệt là trong các tổ chức có vai trò tham gia. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực để đưa chiều kích thiêng liêng vào hoạt động của các tổ chức và các cơ quan quản trị, bằng cách kết hợp giữa sự phân định với tiến trình đưa ra quyết định. Cầu nguyện và thinh lặng không thể ở ngoài tiến trình này, như thể đó chỉ là phần mở đầu hoặc phần phụ thêm.

87. Linh đạo Kitô giáo được bày tỏ ra theo nhiều cách thức, hoặc gắn với sự đa dạng của các truyền thống giữa Đông và Tây, hoặc gắn với sự đa dạng của các đặc sủng trong đời sống thánh hiến và các phong trào trong Hội thánh. Hội thánh hiệp hành được xây dựng trên sự đa dạng, và cuộc gặp gỡ giữa các truyền thống linh đạo khác nhau có thể được xem là một “phòng tập luyện” để đào tạo tính hiệp hành vì nó có khả năng thúc đẩy sự hiệp thông và hòa hợp, góp phần khắc phục những phân cực mà nhiều Hội thánh trải qua.

3.5 Đời sống hiệp hành và phụng vụ

88. Theo nhiều cách, các bản Tổng hợp nhấn mạnh mối liên hệ sâu xa giữa tính hiệp hành và phụng vụ: “Trong hành trình ‘cùng nhau bước đi’, những việc: cầu nguyện, tôn kính Đức Maria như người môn đệ truyền giáo lắng nghe Lời Chúa, lectio divina và cử hành phụng vụ, khơi dậy cảm thức thuộc về” (HĐGM Colombia).

Gốc rễ sâu xa

89. Bí tích Thánh Thể, tự bản chất, đã là ‘nguồn mạch và đỉnh cao’ của tính năng động hiệp hành trong Hội thánh. “Việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện được kinh nghiệm như một động lực hợp nhất và huy động năng lực của con người cũng như năng lực thiêng liêng. Có ý kiến phổ biến cho rằng cầu nguyện nuôi dưỡng niềm vui sống và tình cảm cộng đoàn, bởi vì nó được xem như một điểm qui chiếu, một nơi bổ sức và một ốc đảo an bình. […] những ý kiến đóng góp nhấn mạnh hai phương thức cần phát triển đối với tiến trình hiệp hành: sự hiệp nhất Kitô giáo và niềm vui sống. Hành trình này sẽ trải qua những tập hợp phụng vụ lớn (những cuộc hành hương…), để nuôi dưỡng lòng đạo đức bình dân, canh tân đức tin, dưỡng nuôi cảm thức thuộc về, và do đó đồng hành tốt hơn với các Kitô hữu để họ làm chứng cho Tin Mừng về lòng bác ái khi đối mặt với chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism) và ‘sự thoái hóa về căn tính’ (identity withdrawal) ngày càng lộ rõ và hung hãn hơn.” (HĐGM Burkina Faso và Niger).

90. Tại các quốc gia thuộc nhiều khu vực khác nhau trên thế giới “mối dây liên kết với Hội thánh của nhiều người đã được rửa tội trước hết là kinh qua lòng đạo bình dân. […] Nhiều người coi đó là dấu hiệu thuộc về Hội thánh; vì thế, chúng ta phải quảng bá và Phúc âm hoá lòng đạo ấy, với mục tiêu hướng tới sự tham gia mạnh mẽ hơn và gia nhập có ý thức vào đời sống Kitô hữu.” (HĐGM Panama).

Xử lý căng thẳng: đổi mới và hòa giải

91. Nhiều bản Tổng hợp mạnh mẽ khuyến khích cử hành phụng vụ theo cung cách hiệp hành, cho phép tất cả các tín hữu tham gia tích cực bằng việc đón nhận mọi khác biệt, trân trọng mọi thừa tác vụ và thừa nhận mọi đặc sủng. Việc lắng nghe theo cung cách hiệp hành của các Hội thánh ghi nhận nhiều vấn đề cần được giải quyết theo hướng này: từ việc xem xét lại một phụng vụ quá tập trung vào vị chủ tế, đến các phương thức tham gia tích cực của giáo dân, và việc phụ nữ đảm nhận các vai trò thừa tác viên. “Trong khi vẫn trung thành với truyền thống, với căn nguyên, tính cổ xưa và đồng nhất của phụng vụ, chúng ta hãy cố gắng làm cho việc cử hành phụng vụ trở nên sống động hơn và có sự tham gia của tất cả cộng đoàn tín hữu; các linh mục, giáo dân, người trẻ và thiếu nhi, vốn đọc các dấu chỉ thời đại với sự phân định vững vàng. Qua việc ca hát, người trẻ đang cố gắng tìm ra chỗ đứng của mình trong phụng vụ và đây là điều tích cực” (HĐGM Ethiopia).

92. Về vấn đề này, kinh nghiệm hiện nay của các Hội thánh cũng ghi lại những đỉnh điểm xung đột khác cần được giải quyết theo cách thức hiệp hành, như trường hợp phải phân định về các nghi thức tiền Công đồng: “Những chia rẽ về việc cử hành phụng vụ đã được phản ánh trong các cuộc thỉnh ý hiệp hành. ‘Đáng buồn thay, việc cử hành Bí tích Thánh Thể cũng được cảm nhận là một lý do gây chia rẽ trong Hội thánh. Trong lĩnh vực phụng vụ, vấn đề thường gặp nhất là việc cử hành Thánh lễ tiền Công đồng’. Nhiều người lấy làm tiếc về việc hạn chế sử dụng Sách Lễ năm 1962; nhiều người cảm thấy rằng sự khác biệt về cách cử hành phụng vụ ‘đôi khi đạt đến mức thù nghịch. Người của cả hai phía đều nói rằng họ cảm thấy bị chỉ trích bởi những người có quan điểm khác với họ’” (HĐGM Hoa Kỳ). Bí tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất trong tình yêu Chúa Kitô, không thể trở thành lý do cho sự đối đầu, ý thức hệ, rạn nứt hay chia rẽ. Hơn nữa, có những yếu tố gây căng thẳng. đặc biệt là trong lãnh vực đại kết, đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều Hội thánh, như sự hiệp thông Thánh Thể. Cuối cùng, có những vấn đề liên quan đến phương thức hội nhập văn hóa đức tin và phương cách đối thoại giữa các tôn giáo, cũng ảnh hưởng đến các hình thức cử hành và cầu nguyện.

93. Các bản Tổng hợp cũng không quên chỉ ra những hạn chế chính trong thực tế cử hành, làm lu mờ hiệu quả hiệp hành của cử hành phụng vụ. Đặc biệt, những điều sau đây được nhấn mạnh: vai trò lấn át của linh mục trong phụng vụ và tính thụ động của cộng đoàn phụng vụ; khoảng cách giữa nội dung bài giảng với vẻ đẹp của đức tin và thực tế của đời sống; sự tách biệt giữa đời sống phụng vụ của cộng đoàn với mối tương quan gia đình của cộng đoàn. Gần như các bản Tổng hợp đều thống nhất đặt vấn đề phẩm chất của các bài giảng, với yêu cầu “các bài giảng cần sâu sắc hơn, tập trung vào Phúc âm và các bài đọc trong ngày chứ không phải vào chính trị, dùng ngôn ngữ dễ hiểu và hấp dẫn, liên quan đến đời sống các tín hữu” (Hội thánh Maronite).

94. Một nguồn cơn đặc biệt gây đau khổ là những tình trạng không thể hay không được rước lễ và lãnh nhận các Bí tích khác vì nhiều nguyên nhân. Ví dụ, có thể kể ra: các cộng đồng tại các khu vực rất hẻo lánh, hoặc việc quy định biểu phí cho việc cử hành các nghi lễ, điều này khiến những người nghèo bị phân biệt đối xử. Nhiều bản Tổng hợp cũng nói đến nỗi đau khổ mà người ly dị tái hôn hoặc đa thê phải chịu vì không được lãnh nhận bí tích. Không có sự thống nhất ý kiến về cách xử trí các trường hợp này: “Những người ly dị tái hôn bị từ chối cho rước lễ. Họ cảm thấy tổn thương vì bị loại trừ. Một số người nghĩ rằng Hội thánh cần linh hoạt hơn, trong khi những người khác lại cho rằng nên duy trì thực hành này” (HĐGM Malaysia).

Cử hành theo cung cách hiệp hành

95. Đồng thời, tiến trình Thượng Hội đồng cũng được coi là cơ hội để có trải nghiệm mới mẻ về tính đa dạng của các hình thức cầu nguyện và cử hành, do đó gia tăng mong muốn làm cho các hình thức này được dễ tiếp cận hơn trong cuộc sống bình thường của các cộng đoàn. Bản Tổng hợp của Pháp nêu lên ba nguyện vọng: “thứ nhất […] liên quan đến việc đa dạng hóa phụng vụ để mang lại lợi ích cho việc cử hành Lời Chúa, nghĩa là những khoảng thời gian cầu nguyện dành vị trí trung tâm cho việc suy niệm Kinh thánh. Thứ hai, ít thường xuyên hơn, nhắc lại tầm quan trọng của các cuộc hành hương và lòng đạo đức bình dân. Thứ ba là canh tân việc đào tạo phụng vụ, để giải quyết vấn đề mà nhiều bản Tổng hợp nêu lên là ngôn ngữ khó hiểu đang được Hội thánh sử dụng” (HĐGM Pháp). Một vài miền đã đặt vấn đề cải tổ phụng vụ, ngay cả các Hội thánh Đông Phương Đông là những nơi gắn kết sâu xa với căn tính của Hội thánh: “Cần xét đến một cuộc cải tổ phụng vụ trong Hội thánh của chúng ta, để đọc lại dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần hành động và sự tham gia của Dân Chúa thời nay vào công trình của Thiên Chúa” (Hội thánh Hy Lạp-Melkite).

96. Nhiều Hội thánh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thường xuyên liên kết việc cử hành phụng vụ với các hình thức chia sẻ đối thoại và bữa ăn huynh đệ. “Các bữa ăn và tình huynh đệ luôn là một phần kinh nghiệm [của các cuộc họp hiệp hành]. Trong mọi cuộc họp, từ cuộc họp đầu tiên cho đến cuộc thỉnh ý tiếp theo trong các giáo xứ và cơ cấu mục vụ, đều có salu-salo (chia sẻ của ăn thức uống). Nhiều người đã chỉ ra rằng các cuộc họp [hiệp hành] đã ảnh hưởng tích cực đến việc cử hành các phụng vụ như thế nào” (HĐGM Philippines)

97. Sự đa dạng của các truyền thống nghi lễ trong kinh nguyện phụng vụ, cũng như của các hình thức biểu tượng được các nền văn hóa khác nhau thể hiện, đều được mọi người coi là một thứ tài sản. Tình yêu mới mẻ dành cho tâm linh và sự cam kết gìn giữ vẻ đẹp và phong cách hiệp hành của việc cử hành, tất cả đều góp phần tạo nên vẻ rạng ngời của một Hội thánh truyền giáo: “Tất cả những ý kiến đóng góp nhận được đều nói về việc cử hành như những không gian có thể mang lại nguồn cảm hứng và sự trợ giúp cho việc sống đức tin trong đời sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, trong khu phố và trong chính cộng đồng” (HĐGM Uruguay).

4. CÁC BƯỚC TIẾP THEO

98. Nhìn về tương lai của tiến trình thượng hội đồng, chúng ta cần xem xét hai viễn tượng thời gian rất khác nhau. Trước hết là viễn tượng lâu dài, trong đó hiệp hành mang hình thức là một lời kêu gọi hoán cải cá nhân và cải tổ Hội thánh lâu dài. Viễn tượng thứ hai, rõ ràng là để phục vụ viễn tượng thứ nhất, đó là tập trung sự chú ý của chúng ta vào các sự kiện của Giai đoạn Châu lục mà chúng ta đang trải qua.

4.1 Hành trình hoán cải và cải tổ

99. Trong các báo cáo, Dân Chúa bày tỏ mong muốn không còn là một Hội thánh duy trì và bảo tồn nữa mà trở thành một Hội thánh ra đi truyền giáo. Một mối liên hệ xuất hiện giữa một mặt là sự hiệp thông sâu sắc hơn nhờ tính hiệp hành và mặt khác là củng cố sứ mạng: hiệp hành dẫn đến đổi mới sứ mạng. Như báo cáo của Tây Ban Nha nói: “chúng tôi tin rằng sự hiệp thông phải đưa chúng tôi đến một trạng thái truyền giáo vĩnh viễn: gặp gỡ và lắng nghe lẫn nhau, đối thoại, suy tư, phân định cùng nhau là tất cả những hành động có tác động tích cực trong chính chúng, nhưng chúng không thể hiểu được nếu chúng không nhằm thúc đẩy chúng ta vượt ra ngoài bản thân và các cộng đồng tham chiếu của chúng ta để thực hiện sứ mạng được giao phó cho chúng ta với tư cách là Hội thánh.”

100. Dân Thiên Chúa đã tìm thấy niềm vui khi đi cùng nhau và bày tỏ mong muốn tiếp tục làm điều đó. Làm thế nào để thực hiện điều này với tư cách là một cộng đồng Công giáo toàn cầu thực sự là điều vẫn cần được khám phá đầy đủ hơn: “Bước đi theo cách hiệp hành, bằng cách lắng nghe lẫn nhau, tham gia vào sứ mạng và dấn thân vào đối thoại; việc đó mang chiều kích “đã và chưa”, tức là hiệp hành đã có đó rồi, nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn. Giáo dân có khả năng, tài năng và sẵn sàng đóng góp ngày càng nhiều hơn, miễn là họ có cơ hội. Các cuộc khảo sát và nghiên cứu sâu hơn ở cấp giáo xứ có thể mở ra nhiều con đường hơn, nơi mà sự đóng góp của giáo dân có thể rất lớn và kết quả sẽ là Hội thánh sôi động và hưng thịnh hơn, đó là mục tiêu của hiệp hành” (HĐGM Namibia). Chúng ta là một Hội thánh thụ huấn, và để hiện thực điều đó, chúng ta cần liên tục phân định, cùng nhau đọc hiểu Lời Chúa và các dấu chỉ của thời đại, để tiến về phía trước theo hướng mà Thánh Linh đang chỉ cho chúng ta.

101. Đồng thời, việc đồng hành với nhau với tư cách là Dân Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải nhận ra nhu cầu hoán cải liên tục, cá nhân và cộng đồng. Trên bình diện thể chế và mục vụ, hoán cải chính là cải tổ liên tục các cấu trúc và phong cách của Hội thánh. Đây chính là điều được nói đến trong khái niệm ‘aggiornamento’, di sản quý báu của Công đồng Vatican II mà chúng ta được kêu gọi nhìn lại, khi chúng ta kỷ niệm 60 năm Công Đồng.

102. Trong hành trình hoán cải và cải cách, chúng ta được nâng đỡ bởi những ân ban mà chúng ta đã nhận được trong năm đầu tiên của con đường hiệp hành, bắt đầu với những gì Chúa Giêsu cho chúng ta thấy trong các sách Tin Mừng. Việc quan tâm chú ý đến người khác cách tự do và vô vị lợi, vốn là nền tảng của việc lắng nghe, không phải là nguồn lực hạn chế cần được bảo vệ một cách ích kỷ, mà là một nguồn dồi dào không cạn kiệt, chúng ta càng kín múc thì nó càng tràn đầy hơn. Lắng nghe và đối thoại là cách để tiếp cận những ân ban mà Thần Khí ban cho chúng ta qua sự đa dạng của Hội thánh: đặc sủng, ơn gọi, tài năng, kỹ năng, ngôn ngữ và văn hóa, truyền thống thiêng liêng và thần học, những hình thức cử hành và tạ ơn khác nhau. Các báo cáo không đòi phải có sự đồng nhất, nhưng yêu cầu chúng ta học cách lớn lên trong sự hòa hợp chân thành, giúp những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội hoàn thành sứ mạng của họ trong thế giới bằng cách tạo ra những mối dây cần thiết để cùng nhau vui vẻ bước đi.

103. Thông điệp về đường lối hiệp hành của chúng ta rất đơn giản: chúng ta đang học cách bước đi cùng nhau, và ngồi cùng nhau để bẻ một chiếc bánh, theo cách mà mỗi người có thể tìm thấy vị trí của mình. Mọi người đều được mời gọi tham gia vào cuộc hành trình này, không ai bị loại trừ. Chúng ta cảm thấy được mời gọi hướng về sứ điệp này, để chúng ta có thể công bố Phúc Âm của Chúa Giêsu một cách đáng tin cậy cho tất cả mọi người. Đây là con đường mà chúng ta tìm cách tiếp tục dấn bước trong Giai đoạn Châu lục tiếp theo.

4.2 Phương pháp luận cho Giai đoạn Châu lục

104. Tài liệu cho Giai đoạn Châu lục (TLCL) này mời gọi chúng ta tiến thêm một bước nữa trong hành trình thiêng liêng này “vì một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và truyền giáo”. Tài liệu này cũng là điểm tham chiếu của hành trình: “Cũng như kinh nghiệm của các môn đồ tại Emmaus chỉ là bước khởi đầu cho sứ mạng mới của họ, tiến trình thượng hội đồng của chúng tôi chỉ là bước đầu tiên” (HĐGM Liên bang Nga). Cuộc phân định cấp độ Châu lục tạo ra một cơ hội để sống hiệp hành, điều mà chúng ta vẫn đang học cách nắm bắt và đang được mời gọi thực hành cụ thể.

105. TLCL tập hợp các điều mà Dân Chúa từ khắp nơi trên thế giới đã nói trong năm đầu tiên của Thượng Hội đồng và gởi các điều đó lại cho các Hội thánh địa phương. Tài liệu này nhằm hướng dẫn và giúp chúng ta đào sâu cuộc phân định của mình, trong khi chúng ta để ý đến câu hỏi căn bản của toàn bộ tiến trình: “Làm thế nào để ‘cuộc hành trình cùng nhau’, diễn ra ngày nay ở các cấp độ khác nhau (từ cấp địa phương đến phổ quát), cho phép Hội thánh loan báo Tin Mừng, vốn là sứ mạng được trao phó cho Hội thánh; và Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để lớn lên như một Hội thánh hiệp hành?” (PD, số 2).

106. Do đó, TLCL là công cụ thuận lợi trong Giai đoạn Châu lục, giúp các Hội thánh địa phương đối thoại với nhau và với Hội thánh hoàn vũ. Để theo đuổi quá trình lắng nghe, đối thoại và phân định này, chúng ta được mời gọi suy tư phản tỉnh về ba câu hỏi:

“Sau khi đọc và cầu nguyện với TLCL, trực giác nào cộng hưởng mạnh mẽ nhất với những kinh nghiệm sống và thực tại của Hội thánh ở Châu lục của bạn? Những trải nghiệm nào là mới mẻ hoặc soi sáng cho bạn?”

“Sau khi đọc và cầu nguyện với TLCL, căng thẳng hoặc sự khác biệt đáng kể nào nổi lên đặc biệt quan trọng, nhìn từ quan điểm của Châu lục của bạn? Do đó, những câu hỏi hoặc vấn đề nào cần được giải quyết và xem xét trong các bước tiếp theo của tiến trình Thượng hội đồng?”

“Nhìn vào những gì nổi lên từ hai câu hỏi trước, đâu là ưu tiên, chủ đề lặp lại và lời kêu gọi hành động có thể được chia sẻ với các Hội thánh địa phương khác trên thế giới và được thảo luận trong Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023?”

Các giai đoạn chính trong tiến trình cấp Châu lục

107. Mỗi Hội Đồng Châu Lục được mời gọi thực hiện tiến trình phân định, dựa trên TLCL, tuỳ theo bối cảnh địa phương, và soạn thảo Tài Liệu Chung Kết để trình bày kết quả của cuộc phân định đó. Các Tài Liệu Chung Kết của bảy Hội Đồng Châu Lục sẽ được sử dụng làm cơ sở để soạn thảo Tài Liệu Làm Việc, sẽ được hoàn thành vào tháng 6 năm 2023.

108. Đại đa số các Hội đồng Giám mục trả lời cuộc thỉnh ý của Văn Phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đều muốn đại diện của Toàn thể Dân Chúa tham gia vào Giai đoạn Châu lục. Do đó, tất cả các cuộc họp Hội đồng phải mang tính Hội thánh chứ không chỉ gồm các giám mục, bảo đảm rằng các thành phần tham dự đại diện đầy đủ cho sự đa dạng của Dân Chúa: giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân nam nữ. Đối với những đại biểu tham gia Hội đồng Châu lục, điều quan trọng là phải đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của phụ nữ và người trẻ (giáo dân nam và nữ, tu sĩ nam nữ đang được đào tạo, chủng sinh); những người sống trong điều kiện nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người có liên hệ trực tiếp với những nhóm và người này; đại biểu huynh đệ từ các giáo phái Kitô giáo khác; đại diện của các tôn giáo và truyền thống tín ngưỡng khác; và một số người không theo tôn giáo nào. Hơn nữa, các giám mục được mời gọi gặp nhau vào cuối Hội nghị Châu lục, để cùng nhau đọc lại trải nghiệm hiệp hành, từ lăng kính riêng vốn thuộc về đặc sủng và vai trò đặc thù của họ. Đặc biệt, họ được yêu cầu xác định những cách thức thích hợp để thực hiện nhiệm vụ xác nhận và phê duyệt Văn kiện cuối cùng, đảm bảo rằng nó là thành quả của một hành trình hiệp hành đích thực, tôn trọng tiến trình đã diễn ra và trung thành với những tiếng nói đa dạng của Dân Chúa ở mỗi Châu lục.

109. Tiến trình kể từ khi xuất bản TLCL này đến khi soạn thảo Tài Liệu Làm Việc sẽ được đánh dấu bằng các bước sau:

1) TLCL sẽ được gửi đến tất cả các Giám mục giáo phận; mỗi vị Giám mục cùng với Ban Hiệp Hành của giáo phận, vốn đã điều phối giai đoạn đầu tiên, sẽ sắp xếp một tiến trình phân định, dựa trên TLCL, bắt đầu với ba câu hỏi được nêu ra ở số 106 trên đây. Nhờ đó, mỗi Hội thánh địa phương sẽ có cơ hội lắng nghe tiếng nói của các Hội thánh khác, được tập hợp trong TLCL, và phản hồi lại tiếng nói đó từ kinh nghiệm của chính mình.

2) Với sự tham gia của Ban Hiệp Hành, mỗi Hội đồng Giám mục có nhiệm vụ thu thập và tổng hợp, dưới hình thức thích hợp nhất với bối cảnh riêng của mình, những suy tư về ba câu hỏi được gửi về từ các Giáo phận.

3) Sau đó, các suy tư và phân định của mỗi Hội đồng Giám mục sẽ được chia sẻ trong Hội đồng Châu lục, theo các phương thức được Nhóm Công tác Châu lục xác định.

4) Khi lập kế hoạch tiến hành từng Hội đồng Châu lục, có thể hữu ích khi suy ngẫm về việc làm sao sử dụng phương pháp “trò chuyện thiêng liêng”, vốn rất phổ biến và được đánh giá cao (xem Vademecum, Phụ lục B, số 8); phương pháp này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người tham gia vào việc phân định. Đặc biệt, ba giai đoạn cần được nhấn mạnh: mỗi tham dự viên đều nói, sau đó mọi người phản hồi tâm tình từ việc lắng nghe người khác, cuối cùng là cả nhóm phân định hoa trái từ cuộc “trò chuyện”. Như đã được nêu rõ trong Hướng dẫn Phương pháp, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng trong các Hội đồng Châu lục có sự tham gia của các giám mục, linh mục, phó tế, giáo dân nam và nữ, tu sĩ nam nữ, cũng như những người có khả năng nói lên quan điểm của những người bên lề xã hội.

5) Mỗi Hội đồng Châu lục sẽ soạn thảo Tài liệu Tổng kết của riêng mình, dài tối đa khoảng 20 trang, đáp ứng ba câu hỏi từ bối cảnh cụ thể của chính mình. Các Tài liệu Tổng kết sẽ được mỗi Nhóm Công tác Châu lục đệ trình lên Ban Thư ký Thượng hội đồng trước ngày 31 tháng 3 năm 2023. Dựa trên các Tài liệu Tổng kết của các Hội đồng Châu lục, Tài liệu Làm việc sẽ được soạn thảo vào tháng 6 năm 2023.

TIẾN TRÌNH THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC 2021 – 2024

TIẾN TRÌNH LẮNG NGHE, GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI, PHÂN ĐỊNH

Được xuất bản bởi Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng hội đồng

Via della Conciliazione, 34 – Thành phố Vatican

Tháng Mười 2022

www.synod.va

Nguồn: WHĐ

Facebook

Twitter

Email

Print