Tài Liệu Học Hỏi Giáo Lý 2023

TÀI LIỆU HỌC HỎI GIÁO LÝ NĂM 2023
TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU
TỪ CHƯƠNG 5 ĐẾN CHƯƠNG 10

Trọng kính quý cha,

Kính thưa quý ông bà anh chị em và các bạn trẻ thân mến!

Tiếp nối tinh thần của Công Nghị Tổng Giáo phận Hà Nội, trong Năm Mục vụ 2023, với chủ đề: “Canh tân đời sống đức tin cá nhân”, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội cùng học hiểu, suy niệm và thực hành Lời Chúa với Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. 

Dựa trên chương trình Giáo Lý Kinh Thánh: Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu của Tổng Giáo phận hàng tuần, Ban Giáo Lý chúng con xin được gửi tới quý ông bà, anh chị em, các bạn trẻ và các em thiếu nhi chương trình học hỏi giáo lý năm 2023, với hình thức hỏi thưa.

Nội dung học hỏi: từ chương 5 tới chương 10, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ.

Chương trình học hỏi này nhằm hưởng ứng lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục với toàn thể Dân Chúa trong Tổng Giáo phận cùng hiệp hành sống và học hỏi Tin Mừng. Vì thế, chương trình này không thay thế cho chương trình học giáo lý căn bản đối với các em Xưng tội, Rước lễ lần đầu hay các em chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm sức.

Được phép của Đức Tổng Giám mục chương trình giáo lý này sẽ được triển khai cho các giới học hỏi trong toàn Tổng Giáo phận và sẽ được thi vào dịp tháng 8-2023 theo như truyền thống của Tổng Giáo phận.

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2023

Ban Giáo Lý

PHẦN DẪN NHẬP

Câu 1. H: Để tiếp nối và sống tinh thần của Công Nghị Tổng Giáo phận (2022), chủ đề Năm Mục vụ 2023 của Tổng Giáo phận Hà Nội là gì?

T. Trong năm mục vụ 2023, Đức Tổng Giám mục mời gọi các thành phần dân Chúa sống với chủ đề: “Canh tân đời sống đức tin cá nhân”, cụ thể là toàn Tổng Giáo phận cùng học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa theo Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.

Câu 2. H: Tin Mừng là gì?

T. Theo nghĩa thông thường “Tin Mừng” là tin vui, tin tốt lành, tin hạnh phúc. Từ này được dùng trong Kitô giáo với ý nghĩa loan báo tin tốt lành hay loan báo ơn cứu độ (x. Is 40,9; 41,27; 52,7; 61,1). Đối với chúng ta, Tin Mừng chỉ bản văn kể lại cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giê-su. Trong Tân ước, chính Chúa Giê-su đến để loan báo Tin mừng về sự giải thoát, về ơn cứu độ. Đối với Thánh Phao-lô, euaggelion có nghĩa là tin mừng về ơn cứu độ nơi Chúa Giê-su Ki-tô (1Tx 1,5; 1Cr 15,). Chúa Giê-su chính là Tin Mừng cứu độ. Người kiện toàn Tin Mừng cứu độ trong cái chết và sự phục sinh của Người.

Câu 3. H: Mát-thêu là ai?

T. Chúng ta biết được tác giả qua chính tác phẩm. Mát-thêu là một người thu thuế (x. Mt 9,9) trong Nhóm Mười Hai. Mác-cô và Lu-ca gán cho người thu thuế này cái tên Lê-vi. Truyền thống Ki-tô giáo thế kỷ II đã dứt khoát quả quyết tông đồ Mát-thêu ấy chính là tác giả Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.

Câu 4. H: Tin Mừng Mát-thêu được viết khi nào?

T. Việc phân tích bản văn cũng như dữ kiện truyền thống cung cấp không giúp xác định rõ được thời gian ra đời của Tin Mừng Mát-thêu. Nhưng ý kiến chung là Tin Mừng Mát-thêu chính lục được soạn vào những năm từ 80 đến 90 tại Xy-ri-a Pa-lét-tin.

Câu 5. H: Tin Mừng Mát-thêu được viết cho ai?

T. Đối tượng mà tác giả Tin Mừng Mát-thêu nhắm tới phần lớn là những người tín hữu trong cộng đoàn gốc Do-thái, những người vẫn trung thành với truyền thống lẫn lối sống của cha ông.

Câu 6. H: Tin Mừng Mát-thêu được biên soạn với mục đích gì?

T. Tin Mừng Mát-thêu trước tiên là một Tin Mừng có nhiều tính thần học, hộ giáo hơn là lịch sử. Ðiều mà tác giả nhắm là trình bày con người Chúa Giê-su và sứ vụ của Người: Chúa Giê-su là Ðấng Mê-si-a đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trước trong Cựu Ước. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội. Hơn nữa, thánh Mát-thêu còn muốn cho thấy, qua sự nghiệp đó, Chúa Giê-su đã dần dần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa như thế nào. Ðiển hình là lời Người tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do-thái (26, 64) và, ở cuối Tin Mừng, lệnh Chúa sai môn đệ ra đi tiếp tục sứ mệnh của Người (28,18-20).

Câu 7. H: Tin Mừng Mát-thêu có bố cục như thế nào?

T. Bố cục của Tin Mừng Mát-thêu được xây dựng xoay quanh năm bài giảng của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, cao trào của Tin mừng nằm ở trình thuật về cuộc thương khó: cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su.

1. Giai đoạn một: Mở đầu sứ vụ: Con Người và Huyền nhiệm Giê-su (1,1-4,16).

2. Giai đoạn hai: Chúa Giê-su công bố Nước Trời (4,17-8,17).

3. Giai đoạn ba: Chúa Giê-su thi hành sứ vụ Nước Trời (8,18-12,21).

4. Giai đoạn bốn: Chất vấn về nguồn gốc của Chúa Giê-su (12,22-16,20).

5. Giai đoạn năm: Hành trình lên Giê-ru-sa-lem (16,21-20,34).

6. Giai đoạn sáu: Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem (21,1-25,46).

7. Giai đoạn bảy: Thương khó và Phục Sinh (26,1- 28,20).

Câu 8. H: Năm bài giảng của Chúa Giê-su là những bài giảng nào?

T. Năm bài giảng của Chúa Giêsu gồm có:

– Thứ nhất: Bài giảng trên núi (5,1-7,27);

– Thứ hai: Bài giảng về sứ vụ (10,5-42);

– Thứ ba: Bài giảng bằng các dụ ngôn (13,1-52);

– Thứ tư: Bài giảng về Giáo hội (18,1-35);

– Thứ năm: Bài giảng về ngày cánh chung (24,1-25,46).

Câu 9. H: Tin Mừng Mát-thêu trình bày Ki-tô học như thế nào?

T. Theo thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su Na-da-rét là Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en. Điều này được trình bày qua ba cách:

– Thứ nhất: Chúa Giê-su được trình bày hai lần như Đấng được sai đến và cũng là Đấng sai các môn đệ đến với nhà Ít-ra-en. (x.Mt 10,5-6; 15,24)

– Thứ hai: Qua những tham chiếu nhằm hoàn tất lời Cựu Ước “… để ứng nghiệm…”, người ta nhận ra Chúa Giê-su chính là Đấng được mong đợi và được loan báo.

– Thứ ba: Chúa Giê-su nhận những danh xưng được vay mượn trong Cựu Ước như: Con Vua Đa-vít, Đấng Mê-si-a, Con Người. Ngoài ra Chúa Giê-su còn liên kết cách đặc biệt với những “người bé mọn”. (x.Mt 10,42; 18,6.10; 25,31-46).

Câu 10. H: Tin Mừng Mát-thêu trình bày Giáo hội học như thế nào?

T. Tin Mừng Mát-thêu trình bày Giáo hội học với những khía cạnh sau:

– Thứ nhất: Khuôn mặt của nhóm mười hai mà Phê-rô là đầu (x.Mt 14,22-33; 16,13-23) là hình ảnh tiên trưng của cộng đoàn mới.

– Thứ hai: Môn đệ là người thi hành ý muốn của Thiên Chúa (x.Mt 12,46-50;24,19) và là người vâng theo lời giảng dạy của Thầy mình.

– Thứ ba: Người môn đệ theo Mát-thêu là “người bé mọn” (x.Mt 10,42;18,6.10.14) và có cùng một phẩm giá với người công chính và các tiên tri (x. Mt 10,40;13,16-17).

– Thứ bốn: Giáo hội của Chúa Giê-su theo Mát-thêu là một cộng đoàn lẫn lộn tốt-xấu; người anh em không hối cải bị xem như dân ngoại hay hạng thu thuế (x.Mt 18,17), nhưng luôn được tìm kiếm (x.Mt 18,10-14), được đồng bàn với Chúa Giê-su (x.Mt 9,9-10) và không ngừng được kêu gọi (x.Mt 9,13b).

CHƯƠNG 5

Câu 11. H: Đâu là những mối phúc Đức Giê-su dạy các môn đệ và dân chúng trên núi?

T. Đức Giê-su dạy rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3-10).

Câu 12. H. Vì sao các Mối Phúc quan trọng đối với người kitô hữu?

T.  Vì các Mối Phúc phác họa dung mạo của Chúa Giêsu, diễn tả ơn gọi của người ki-tô hữu, minh họa những hành động và thái độ của đời sống ki-tô hữu và chỉ cho người ki-tô hữu con đường đạt tới hạnh phúc đời đời. [360]

Câu 13. H. Các Mối Phúc liên hệ với khát vọng hạnh phúc của con người thế nào?

T.  Các Mối Phúc đáp lại khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng con người, để lôi kéo họ về với Chúa, vì chỉ một mình Ngài mới lấp đầy khát vọng ấy mà thôi. [361]

Câu 14 . H.  Hạnh phúc đời đời là gì?

T.  Hạnh phúc đời đời là được chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, được thông phần trọn vẹn bản tính của Ngài (x. 2 Pr 1,4), được tham dự vinh quang của Đức Ki-tô và được chung hưởng niềm vui của Ba Ngôi Thiên Chúa. [362]

Câu 15. H: Chúa Giê-su dạy thế nào về căn tính của người môn đệ?

T. Chúa Giê-su đòi hỏi người môn đệ phải là “muối cho đời” và là “ánh sáng cho trần gian” (x.Mt 5,13-14).

Câu 16. H: Người môn đệ là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là người môn đệ phải bảo tồn cho mình và cho trần gian niềm khát vọng đạt tới đức công chính đích thực; đồng thời phải chiếu sáng trần gian bằng những việc lành phúc đức, nhờ đó mọi người nhận ra sự hiện diện của Nước Trời và tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. (x.Mt 5,13-16).

Câu 17. H: Chúa Giê-su có thái độ nào đối với Luật Mô-sê?

T. Chúa Giê-su không đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ, nhưng Người đến để kiện toàn. (x.Mt 5,17).

Câu 18. H: Chúa Giê-su dạy gì về sự công chính của người môn đệ?

T. Chúa Giê-su dạy rằng: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Câu 19. H: Chúa Giê-su dạy thế nào về điều luật “Chớ giết người” của người xưa?

T. Trong khi Luật dạy người xưa rằng: “Chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra toà”. Còn Chúa Giê-su dạy rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (x.Mt 5,21-22).

Câu 20. H: Chúa Giê-su dạy người ta cách nào để hoà giải mối xung đột với người xung quanh?

T. Chúa Giê-su nêu ra ví dụ này: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Người còn nhấn mạnh tính cấp bách của việc hoà giải khi nói: “Hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục” (x.Mt 5, 23-25).

Câu 21. H: Luật xưa dạy người ta “Chớ ngoại tình”, còn Chúa Giê-su dạy làm sao?

T. Người dạy rằng: “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28).

Câu 22. H: Chúa Giê-su đã kiện toàn điều luật ly dị của người xưa như thế nào?

T. “Luật dạy người xưa rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,31-32).

Câu 23. H: Chúa Giê-su dạy như thế nào về việc thề?

T. Chúa Giê-su dạy rằng:

“Đừng thề chi cả.

Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.

Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người.

Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.

Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5,34-36).

Câu 24. H: Vì sao Chúa Giê-su truyền cho chúng ta đừng thề nguyền?

T. Vì những lẽ này:

– Một là chúng ta không phải là chủ của những điều chúng ta nhân danh thề;

– Hai là Chúa muốn chúng ta không nên tìm một sự bảo đảm nào khác ngoài tấm lòng thành thực. Vì chính Người đã dạy: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

Câu 25. H: Luật đền bù tương xứng: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38) nghĩa là gì?

T. Có hai nghĩa này:

– Một là phải đền bù tương xứng với thiệt hại do mình gây ra;

– Hai là giữ cho việc đền bù có chừng có mực.

Câu 26. H: Chúa Giê-su có đồng tình cho người ta trả thù không?

T. Không. Chúa Giê-su dạy chúng ta “đừng chống cự người ác” (Mt 5,39a), nghĩa là không được đáp lại sự dữ bằng sự dữ, nhưng còn phải đáp lại sự dữ bằng sự lành.

Câu 27. H: Chúa Giê-su đưa ra những ví dụ nào minh hoạ cho thái độ lấy sự lành đáp lại sự dữ?

T. Chúa Giê-su đưa ra năm ví dụ này (Mt 5,39b-42):

– Một là “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”;

– Hai là “nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài”;

– Ba là “nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”;

– Bốn là “ai xin, thì hãy cho”;

– Năm là “ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”.

Câu 28. H: Chúa Giê-su dạy chúng ta đối lại kẻ thù như thế nào?

T. Chúa Giê-su dạy chúng ta lấy tình yêu thứ tha mà đối lại kẻ thù. Người nói: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Câu 29. H: Vì sao Chúa Giê-su dạy chúng ta phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù?

T. Vì khi làm như vậy, chúng ta mới được trở nên con cái của Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời; và nhất là trở nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện (x.Mt 5,45.48).

CHƯƠNG 6

Câu 30. H: Đâu là những việc lành phúc đức theo truyền thống đạo đức Do-thái?

T. Theo truyền thống đạo đức Do-thái, có ba việc lành phúc đức được đặt lên hàng đầu. Thứ nhất là bố thí. Thứ hai là ăn chay. Thứ ba là cầu nguyện.

Câu 31. H: Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có thái độ nào khi làm “việc lành phúc đức”?

T. Chúa Giê-su dạy chúng ta không được phô trương cho người khác thấy, nếu không sẽ chẳng được Chúa Cha, Đấng ngự trên trời ban thưởng (x.Mt 6,1).

Câu 32. H: Khi bố thí, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải thực hiện với tâm tình và cách thế nào?

T. Người dạy rằng: “khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,2-4).

Câu 33. H: Khi ăn chay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải ăn chay thế nào cho nên?

T. Chúa Giê-su dạy rằng: “khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng đang ăn chay…Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,16-18).

Câu 34. H: Chúa Giê-su dạy chúng ta phải cầu nguyện theo cách thế nào?

T. Chúa Giê-su dạy rằng: “khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy… Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,5-6).

Câu 35. H: Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào?

T. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày;

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,9-13).

Câu 36. H. Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha khi nào?

T. Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha khi một môn đệ thấy Ngài cầu nguyện và thưa rằng: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Mt 6,9-13; Lc 11,1).

Câu 37. H. Vì sao kinh Lạy Cha có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống Kitô giáo?

T. Vì kinh Lạy Cha là kinh nguyện tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là kinh nguyện của Chúa và của Hội Thánh.

Câu 38. H. Vì sao kinh Lạy Cha là kinh nguyện tóm lược toàn bộ Tin Mừng?

T. Vì kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.

Câu 39. H. Vì sao kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Chúa?

T. Vì kinh Lạy Cha là kinh nguyện do chính Chúa Giêsu đã dạy.

Câu 40. H. Vì sao kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Hội Thánh?

T. Vì kinh Lạy Cha là thành phần không thể thiếu trong các Giờ kinh Phụng vụ và trong các bí tích khai tâm Kitô giáo.

Câu 41. H. Vì sao chúng ta dám đến gần và kêu cầu Thiên Chúa là Cha?

T. Vì Chúa Giêsu đã mạc khải và hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, đồng thời Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết và làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.

Câu 42. H. Chúng ta phải đọc kinh Lạy Cha với những tâm tình nào?

T. Chúng ta phải đọc kinh Lạy Cha với những tâm tình này:

– Một là ước ao và quyết chí nên giống Thiên Chúa là Cha, vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài;

– Hai là phải có lòng khiêm nhường và tin tưởng nơi Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được hoán cải và trở nên như trẻ thơ.

Câu 43. H. Chúng ta phải hiểu và sống thế nào khi kêu cầu Thiên Chúa là “Cha chúng con”?

T. Chúng ta phải hiểu Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và mọi người là anh em với nhau, vì thế chúng ta phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Câu 44. H. Vì sao lời kêu cầu Thiên Chúa là “Cha chúng con” mang tính hiệp thông và truyền giáo?

T. Vì đó là lời cầu nguyện cho các ki-tô hữu được hợp nhất với nhau và cho mọi người được nhận biết Thiên Chúa là Cha.

Câu 45. H. Chúng ta phải hiểu thế nào khi kêu cầu Thiên Chúa là Cha “ở trên trời”?

T. Chúng ta phải hiểu Thiên Chúa cao cả và vượt trên tất cả mọi sự, Ngài là Đấng thánh thiện và hiện diện trong tâm hồn những người công chính.

Câu 46. H. Kinh Lạy Cha được cấu tạo thế nào?

T. Kinh Lạy Cha bao gồm bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời cầu xin đầu hướng chúng ta đến Thiên Chúa, bốn lời cầu xin cuối trình bày những nhu cầu của con người.

Câu 47. H: Vì lẽ nào Chúa Giê-su dạy chúng ta phải tha lỗi cho nhau?

T. Vì khi tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ được Chúa Cha, Đấng ngự trên trời tha thứ; bằng không, Người sẽ không tha thứ cho chúng ta (x.Mt 6,14-15).

Câu 48. H: Giữa “của cải trên trời” và “của cải dưới đất”, Chúa Giê-su dạy chúng ta chọn điều nào?

T. Chúa Giê-sudạy chúng ta “đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát và bị kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19-20).

Câu 49. H: Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì khi nói “đèn của thân thể là con mắt”?

T. Đức Giê-su dạy ta: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào” (Mt 6,22-23).

Câu 50. H: Người ta có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của không?

T. Không. Chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Câu 51. H: Chúa Giê-su dạy ta thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa?

T. Đức Giê-su dạy rằng: “đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. (Mt 6,25-32).

Câu 52. H. Đâu là ý nghĩa giáo lý Chúa dạy về sự quan phòng qua Đoạn Tin Mừng này?

T. Đoạn Tin Mừng này không phải là một lời mời gọi đừng lo xa và càng không phải là một lời khuyến khích đừng làm việc. Đây là một lời kêu gọi tin tưởng vào Cha trên trời: Ngài không thể bỏ rơi con người khi mà họ có giá trị hơn các tạo vật khác.  Hơn nữa, Thiên Chúa  là một Người Cha yêu thương hằng biết rõ các nhu cầu chính đáng của chúng ta.

Câu 53. H. Chúa dạy người môn đệ trước hết phải tìm kiếm điều gì?

T. Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34).

CHƯƠNG 7

Câu 54. H: Chúa Giê-su có cho phép chúng ta xét đoán người anh chị em mình không?

T. Không. Vì chính Chúa Giê-su đã dạy thế này: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7,1-2).

Câu 55. H: Qua hai hình ảnh “cái rác” và “cái xà” nơi con mắt, Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta điều gì?

T. Chúa Giê-su muốn chúng ta không chỉ dừng lại ở việc không xét đoán nhau, nhưng còn muốn chúng ta khi thấy những điều xấu nơi người khác, phải biết tự xét lại bản thân mình trước tiên: “Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,5).

Câu 56. H: Chúa Giê-su dạy chúng ta phải tin tưởng và cậy trông khi cầu nguyện qua lời dạy và minh hoạ nào?

T. Chúa Giê-suđã phán dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,7-11).

Câu 57. H: “Khuôn vàng thước ngọc” mà Chúa Giê-su dạy chúng ta là gì?

T. Đó là: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

Câu 58. H: Để vào được Nước Trời, Chúa Giê-su dạy ta phải chọn con đường nào?

T. Chúa Giê-sudạy “hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).

Câu 59. H: Chúa Giê-su dạy chúng ta cách nào nhằm phân biệt hai loại ngôn sứ giả và ngôn sứ thật?

T. Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy quan sát những việc họ làm mà suy ra hệ quả: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,15-20).

Câu 60. H: Có phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời không?

T. Không. Vì chính Chúa Giê-su tuyên bố rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Câu 61. H: Chúa Giê-su dùng hình ảnh nào để so sánh những người nghe và thực hành Lời Chúa, với những người nghe Lời Chúa nhưng không đem ra thực hành?

T. Chúa Giê-su ví rằng: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7,24-27).

Câu 62. H: Kết thúc Bài Giảng Trên Núi, dân chúng phản ứng thế nào về lời giảng dạy của Chúa Giê-su?

T. “Khi Chúa Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29).

Câu 63. H: Thánh Mát-thêu muốn trình bày điều gì khi ghi lại phản ứng của dân chúng khi nghe Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-su?

 T. Thánh Mát-thêu muốn chứng tỏ Chúa Giê-su là Mô-sê mới. Trên núi Si-nai, ông Mô-sê đã ban bố Lề luật nền móng cho các mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en. Trên núi, Chúa Giê-su cũng đã công bố các định hướng cơ bản về Nước Trời, và cắt nghĩa lại những Luật Mô-sê quan trọng.

CHƯƠNG 8

Câu 64. H: Ngoài việc giảng dạy, Chúa Giê-su còn thc thi những công việc gì?

T. Chúa Giê-su còn chữa lành bệnh tật và giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

Câu 65. H: Thánh Mát-thêu tường thuật việc Chúa Giê-su chữa một người mắc bệnh phong như thế nào?

T. “Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi’. Lập tức, anh được sạch bệnh phong. Rồi Đức Giê-su bảo anh: ‘Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” (Mt 8,1-4).

Câu 66. H: Theo Luật xưa, người ta có thái độ nào đối với bệnh phong và những người mắc bệnh phong?

T. Theo Luật xưa, những người bệnh phong phải phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!”. Bao lâu còn mắc bệnh, họ phải sống biệt cư bên ngoài trại (Lv 13,45-46). Bệnh phong được coi như điển hình nhất cho sức tác hại của tội lỗi ngay trong thân xác người ta; nguyên đụng tới người bệnh cũng bị mắc uế rồi.

Câu 67. H: Chúa Giê-su có thái độ thế nào đối với người bệnh phong?

T. Trong câu chuyện, khi người bệnh phong đón gặp Chúa Giê-su, thì Người còn ở bên ngoài thành (x.Mt 8,5). Dầu sao Chúa Giê-su cũng tỏ ra độc lập đối với Luật cũ ở đây khi Người tiếp xúc với bệnh nhân và đụng đến anh. Bằng cử chỉ thân ái đó và một lời nói đơn giản, Người đã làm cho anh được sạch mà chính mình không ra ô uế, chứng tỏ Người có quyền giải thoát người ta khỏi tội lỗi.

Câu 68. H: Vì sao Chúa Giê-su truyền cho người được chữa khỏi bệnh phong không được nói cho ai biết?

T. Vì quần chúng bấy giờ hiểu sai về sứ mệnh Thiên sai của Người và hơn nữa, chính Người cũng ý thức mình là người Tôi Tớ Thiên Chúa, chỉ qua cái chết mới hoàn thành sứ mệnh, nên Chúa Giê-su luôn luôn dè dặt, đòi bệnh nhân phải im lặng.

Câu 69. H: Phép lạ “chữa bệnh từ xa” đầu tiên của Chúa Giê-su được Thánh Mát-thêu ghi lại là phép lạ nào?

T. Đó là phép lạ Chúa Giê-su chữa lành tên đầy tớ của viên đại đội trưởng (x. Mt 8,5-13).

Câu 70. H: Phép lạ “chữa bệnh từ xa” diễn ra như thế nào?

T. Là “khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: ‘Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm’. Người nói: ‘Chính tôi sẽ đến chữa nó’. Viên đại đội trưởng đáp: ‘Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm. Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: ‘Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’. Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: ‘Ông cứ về đi ! Ông tin thế nào thì được như vậy!’. Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh” (Mt 8,5-13).

Câu 71. H. Việc chữa lành người đầy tớ viên đại đội trưởng dạy chúng ta bài học nào về đời sống đức tin?

T. Việc Chúa chữa lành cho người đầy tớ này nói lên sức mạnh của niềm tin vào Chúa Giê-su. Bất cứ ai có lòng tin tưởng chạy đến cầu xin cùng Chúa thì sẽ được Chúa nhận lời.  Đoạn Tin Mừng này biểu lộ sự tín thác hoàn toàn của viên đại đội trưởng vào Chúa Giê-su và đưa tới việc Chúa ca ngợi độc đáo đức tin của người ngoại đạo này: : ‘Ông cứ về đi ! Ông tin thế nào thì được như vậy!’.

Câu 72. H: Khi thấy bà mẹ vợ ông Phê-rô đang nằm liệt và lên cơn sốt, Chúa Giê-su có chữa lành cho bà không?

T. Khi “Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà trỗi vậy phục vụ Người” (Mt 8,14-15).

Câu 73. H: Việc Chúa Giê-su chữa lành kẻ ốm đau và bị quỷ ám (Mt 8,16) nói lên điều gì?

T. Việc Chúa Giê-su làm “đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17).

Câu 74. H: Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải từ bỏ mọi sự trong hoàn cảnh nào?

T. Khi có “một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo’. Đức Giê-su trả lời: ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu’. Một môn đệ khác thưa với Người: ‘Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã’. Đức Giê-su bảo: ‘Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ’” (Mt 8,19-22).

Câu 75. H: Tại sao Chúa Giê-su đòi hỏi những điều kiện nghiêm ngặt như thế?

T. Vì Chúa Giê-su là Chúa của muôn loài muôn vật, Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ và con người. Nên Ngài muốn những ai đi theo Ngài phải chọn lựa và ưu tiên Ngài: trên hết mọi sự; trên cả những mối liên hệ ruột thịt như cha mẹ và anh chị em.

Câu 76. H: Câu chuyện Chúa Giê-su dẹp yên biển động được thánh Mát-thêu ghi lại như thế nào?

T. Sau khi dạy các môn đệ phải từ bỏ mọi sự, “Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: ‘Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!’ Đức Giê-su nói: ‘Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!’ Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: ‘Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”’ (Mt 8,23-27).

Câu 77. H: Đâu là ý nghĩa của việc Chúa Giê-su dẹp yên biển động?

T. Chúa Giêsu dẹp yên biển động làm cho các môn đệ từ chỗ kém lòng tin đến chỗ khâm phục quyền năng Thiên Chúa nơi Người. Hình ảnh con thuyền làm cho chúng ta liên tưởng đến Giáo hội cũng có lúc gặp phong ba bão tố, nhưng Chúa Giêsu Phục sinh luôn đồng hành và bảo vệ Giáo hội  bằng sức mạnh và quyền năng của Người trên mọi sự dữ. Mỗi tín hữu cũng phải ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, để chúng ta tin tưởng, an tâm và biết kêu cầu Chúa mỗi lúc gặp gian nan, khốn khó.

CHƯƠNG 9

Câu 78. H: Chúa Giê-su chữa người bại liệt như thế nào?

T. “Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!’ Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: ‘Ông này nói phạm thượng.’ Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: ‘Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Đứng dậy, vác giường đi về nhà!’ Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế” (Mt 9,1-8).

Câu 79. H: Qua việc tha tội và chữa bệnh cho người bại liệt, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy điều gì?

T. Đối với người Do Thái bệnh là do tội. Tội nặng mới bị Thiên Chúa phạt ra bên ngoài bằng bệnh tật như thế. Chúa Giêsu không đồng ý quan niệm này, vì có người có bệnh mà không có tội và ngược lại. Do dó, khi Chúa nói “ Này con, tội con được tha rồi “, Chúa chỉ có ý minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Ngài có quyền tha tội, vì đối với người Do Thái: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu đã thực cả hai: vừa tha tội, vừa chữa bệnh. Đây là hành động của Thiên Chúa toàn năng, đầy thương xót cả hồn lẫn xác.

Câu 80. H: Chúa Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu như thế nào?

T. “Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi!’ Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9).

Câu 81. H: Thánh Mát-thêu trình bày thái độ của Chúa Giê-su với những người tội lỗi như thế nào?

T. Khi Chúa Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông Mát-thêu, “có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: ‘Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?’ Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: ‘Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’” (Mt 9,10-13).

Câu 82. H: Chúa Giê-su trả lời nhóm Pha-ri-sêu về việc ăn chay như thế nào?

T. Chúa Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai” (Mt 9,14-17).

Câu 83. H: Chúa Giê-su chữa người đàn bà bị băng huyết và cho con gái một vị thủ lãnh sống lại như thế nào?

T. Khi Chúa Giê-su đang giảng dạy, thì “bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: ‘Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.’ Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

Bỗng một người đàn bà bị rong huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!’ Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: ‘Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.’ Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: ‘Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!’ Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng” (Mt 9,18-26).

Câu 84. H: Chúa Giê-su chữa hai người mù như thế nào?

T. “Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: ‘Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: ‘Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?’ Họ đáp: ‘Thưa Ngài, chúng tôi tin.’ Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: ‘Các anh tin thế nào thì được như vậy.’ Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: ‘Coi chừng, đừng cho ai biết!’ Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng”’ (Mt 9,27-31).

Câu 85. H: Khi chứng kiến Chúa Giê-su chữa người câm bị quỷ ám, người ta có nhận định gì?

T. “Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: ‘Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!’ Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: ‘Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ’” (Mt 9,32-34).

Câu 86. H: Chúa Giê-su thương dân chúng lầm than như thế nào?

T. “Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Mt 9,35-38).

CHƯƠNG 10

Câu 87. H: Mười hai Tông Đồ là những ai?

T. “Đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (Mt 10,2-4).

Câu 88. H: Chúa Giê-su sai mười hai Tông Đồ đi và chỉ thị điều gì?

T. Chúa Giê-su sai mười hai Tông Đồ đi rao giảng và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri.Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó. Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,5-16).

Câu 89. H. Chúa Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai với mục đích và sứ vụ nào?

T. Chúa Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai với hai mục tiêu: họ phải ở với Người và phải được Người sai đi loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỉ. Kể từ khi được Người chỉ định, Nhóm Mười Hai ở với Người, đồng hành với Người, chứng kiến tất cả hoạt động giảng dạy và tất cả các hành vi quyền lực của Người. Như thế, các ông chu toàn mục tiêu đầu tiên mà Đức Giêsu nhắm cho các ông, khi các ông cùng đi với Người trong khi Người chu toàn sứ mạng của Người.

Câu 90. H. Nhiệm vụ của người Kitô hữu hôm nay cũng không khác nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai?

T. Nhiệm vụ của người Kitô hữu hôm nay cũng không khác nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai xưa kia: loan báo Tin Mừng và giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ. Nhưng sức riêng không giúp họ chu toàn được sứ mạng này; họ cần phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu (“ở với Người”; x. 3,14).

Câu 91. H: Khi bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, Chúa Giê-su khuyên môn đệ như thế nào?

T. Chúa Giê-su khuyên rằng: “Khi anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,18-20).

Câu 92. H: Người môn đệ được gì khi tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa Giê-su trước mặt thiên hạ?

T. Giê-su đã minh định: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

Câu 93. H: Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải có những điều kiện nào để đi theo Người?

T. Chúa Giê-su đã mời gọi: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,37-39).

Câu 94. H: Ý nghĩa của đoạn Lời Chúa: Mt 10, 37-39, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì?

T. Ý nghĩa đoạn Lời Chúa:

Thứ nhất chúng ta không được hiểu và thực hành theo nghĩa văn tự là trở thành người bất hiếu hay thành người hủy hoại mạng sống mình.

Chúa Giêsu dạy phải đặt liên hệ và hiệp thông với Ngài vào ưu tiên trên cả gia đình và bản thân. Chúa còn cho chúng ta biết: con người có sự sống thể lý và sự sống vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu mới là giá trị hơn hết. Nên ai chọn lựa Chúa thì có được sự sống vĩnh cửu.

Câu 95. H: Có phải ai đón tiếp môn đệ của Chúa Giê-su là đón tiếp chính Người không?

T. Đúng vậy. Vì Chúa Giê-su đã khẳng định: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

*********

TÀI LIỆU THAM KHẢO

KINH THÁNH, CGKPV, 2011.

KINH THÁNH, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI: TÂN ƯỚC, TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2023.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn Giáo 2013.

Gm. GIUSE ĐỖ QUANG KHANG, “Bài giảng Tin mừng theo thánh Mát-thêu”, Thường huấn Linh mục đoàn Tổng Giáo phận Hà Nội, 2023.

F.X. VŨ PHAN LONG, OFM, Các bài Tin Mừng Mát-thêu dùng trong Phụng vụ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.

TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI, Học hỏi Tin Mừng Theo thánh Mát-thêu, https://www.tonggiaophanhanoi.org/loi-gioi-thieu-chuong-trinh-giao-ly-kinh-thanh/

Post Views: 16.728

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org