
Trong nhiều thế kỷ, các Hồng y đã bị khóa chặt bên trong một không gian an toàn – theo truyền thống là Nhà nguyện Sistine – cho đến khi có quyết định.
Khi các Hồng y trên thế giới họp lại để bầu ra một vị Giáo hoàng mới, sự kiện này được gọi là Mật nghị – một từ gây tò mò, ngay cả trong số những người Công giáo lâu năm. Có nguồn gốc từ tiếng Latin cum clave, có nghĩa là “với một chìa khóa,” thuật ngữ này theo nghĩa đen là bị khóa từ bên trong. Và đó không phải là ẩn dụ. Trong nhiều thế kỷ, các Hồng y đã bị khóa chặt từ bên trong một không gian an toàn – theo truyền thống là Nhà nguyện Sistine – cho đến khi có quyết định. Ý định là gì? Để ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài và áp lực chính trị, đảm bảo cuộc bầu cử được định hình bằng lời cầu nguyện chứ không phải bằng sự thuyết phục.
Quy trình đầy kịch tính này bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng thực sự. Sau khi Đức Giáo Hoàng Clêmentê IV qua đời vào năm 1268, các Hồng y không thể thống nhất về người kế nhiệm. Sự bế tắc kéo dài gần ba năm ở thị trấn Viterbo, Ý. Bực tức vì sự chậm trễ, người dân thị trấn đã tự mình giải quyết vấn đề: họ đã nhốt các hồng y trong cung điện giáo hoàng, cắt đứt những bữa ăn xa hoa của các ngài và thậm chí tháo dỡ phần mái của tòa nhà để các ngài phải chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Chiến thuật này đã có hiệu quả. Vào năm 1271, cuối cùng các Hồng y đã bầu Teobaldo Visconti, người trở thành Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X.
Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi trải nghiệm hỗn loạn này, vị Tân Giáo hoàng đã nhanh chóng nghi thức hóa tiến trình bầu cử.
Năm 1274, trong Công đồng Lyon II, ngài đã ban hành Sắc lệnh Ubi periculum (“Nơi có rủi ro”), thành lập Mật nghị giáo hoàng chính thức đầu tiên. Sắc lệnh này đặt ra những quy tắc rõ ràng: các Hồng y sẽ bị cô lập, giao tiếp với thế giới bên ngoài bị cấm và điều kiện sống sẽ dần bị giảm sút nếu không đưa ra quyết định nhanh chóng.
Kể từ đó, mật nghị không chỉ trở thành một quy tắc mà còn là một nghi lễ – một nghi lễ nhấn mạnh đến sự thinh lặng, suy niệm và sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Ngày nay, mặc dù các Hồng y không còn phải chịu cảnh mất phần mái nhà hay khẩu phần ăn ít ỏi, nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn còn đó. Các ngài từ bỏ điện thoại, quyền truy cập phương tiện truyền thông và phương tiện liên lạc bên ngoài. Chỉ còn lại cầu nguyện, đối thoại và bỏ phiếu.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giáo hoàng là “nguồn gốc và nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của sự hiệp nhất giữa các giám mục và toàn thể cộng đoàn tín hữu.” (số 882) Do đó, nhiệm vụ của Mật nghị không chỉ là lựa chọn ra một nhà lãnh đạo. Vấn đề là lựa chọn một người có khả năng duy trì sự hiệp nhất và sứ mệnh của Giáo Hội trong một thế giới chia rẽ.
Đối với nhiều người bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, sự kín đáo của mật nghị có vẻ lỗi thời. Nhưng trong thời đại ồn ào với các cuộc thăm dò ý kiến liên tục, Mật nghị lại đưa ra một minh chứng đi ngược văn hóa: Đôi khi những quyết định quan trọng nhất được đưa ra trong sự thinh lặng.
Xem quá trình chuẩn bị Nhà nguyện Sistine:
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net
TIN LIÊN QUAN: