Niềm vui có Chúa – Chúa nhật XXIII Thường niên – Năm B

“Niềm vui có Chúa”. Hỏi: Niềm vui có Chúa đến từ nơi nao? Thưa: Chúa là nguồn vui, có Chúa sẽ có niềm vui ngập tràn. Theo Thánh Phao-lô, niềm vui này “xuất phát từ mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Ki-tô, từ sức mạnh phục sinh của Người“. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thì nói: “Niềm vui Ki-tô giáo đến từ chính Thiên Chúa“. Đức Cố Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI khẳng định: Niềm vui đến từ đức tin: “Tôi được yêu mến. Tôi có một vai trò trong lịch sử. Tôi được đón nhận, được yêu thương“.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta niềm vui của dân Ít-ra-en, niềm vui của kẻ điếc người câm, nay cả hai kẻ nghe được, người nói được. Vui quá!

Niềm vui cho dân Ít-ra-en

Thấy cảnh cùng cực của dân Chúa thời Cựu Ước khi phải đi đầy, lâm vào cảnh nước mất nhà tan, quê hương bị ngoại bang chiếm đóng, phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược, thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận. Bỗng ngôn sứ I-sai-a loan báo về triều đại của Thiên Chúa ngự trị. Mọi người sẽ sống hạnh phúc trong vương quốc của Người; nơi đó người câm nói được, kẻ điếc nghe được, người què nhảy nhót… mọi người rạo rực niềm vui.

Đến thời Chúa Giê-su, vùng Tia tới Si-on, bao kẻ mù què, câm điếc được chữa lành, họ tràn nghiệp niềm vui.

Tóm lại: có Chúa sẽ có niềm vui, Chúa là niềm vui cho dân Chúa.

Niềm vui cho dân Ít-ra-en

Trong lúc dân Ít-ra-en thời I-sai-a đang ở trong tình trạng bi đát. Quê hương bị ngoại bang chiếm đóng. Phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược. Thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận.

Đang lúc lối tận, đường cùng, quẫn bách như thế, những lời lẽ dịu dàng của Thiên Chúa phán qua miệng I-sai-a mang đến cho Dân Chúa đang bị xao xuyến trong cảnh lưu đày lòng tràn ngập niềm vui: “Can đảm lên, đừng sợ ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người” (Is 35, 4). Chúa sai ông đến với những kẻ lòng đang “hốt hoảng” và bảo họ: hãy phấn khởi lên, đừng sợ; này Chúa đang đến trả oán (kẻ cường bạo); nhưng với dân của Ít-ra-en thì đó là thời gian cứu độ. Mắt kẻ mù sẽ mở, tai kẻ điếc sẽ thông, lưỡi người câm sẽ nói; và nước sẽ phun trong sa mạc.

Thật ủi an biết bao, bởi dân Chúa cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, mình là đối tượng của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy nay thể hiện cụ thể nơi lời nói cũng như việc làm của Chúa Giê-su Con Thiên Chúa làm người.

Niềm vui cho con người thời Chúa Giê-su

Ép-pha-tha – Hãy mở ra“(Mc 7, 34). Chúa Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa Cha tình yêu, đến để hoàn tất lời hứa, mang lại niềm vui cho con người. Lời Chúa Giê-su hô to sau hơi thở dài trước mặt người câm điếc, với bàn tay đưa ra đụng vào tai và lưỡi anh ấy, “tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng“(Mc 7, 37). Ta đặt mình vào địa vị của những người được Chúa Giê-su chưa mới thấy được họ vui biết chừng nào.

Từ việc chữa lành người câm điếc “mở ra” cho cho thế giới chúng ta một sự khởi đầu với các quan năng nghe Lời Chúa và cất lời ca tụng những điều kỳ diệu của Chúa. Chúa đã làm người để con người bị câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng nghe tiếng Chúa, tiếng của tình yêu nói với con tim, và dạy con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền cho nhau những công trình tốt đẹp Chúa đã làm trong niềm vui ơn cứu độ.

Thế giới đang cần niềm vui của Chúa

Ngày nay nhiều người mất khả năng nghe lời Chúa và tiếng nói của đồng loại. Có người mất khả năng nói ngôn ngữ của tình yêu, hòa bình và xây dựng với chính mình cũng như tha nhân. Có người mù không nhìn thấy những điều kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo mà ca tụng Chúa, cũng như không thấy được sự tốt đẹp nơi tha nhân. Đời chẳng mấy vui.

I-sai-a loan báo, sẽ đến ngày Thiên Chúa đến đem lại niềm vui khi mở mắt người mù, mở tai người điếc, cho người què đi được và người câm nói được. Tin Mừng cho thấy, Chúa Giê-su đã thực hiện lời I-sai-a tiên báo năm xưa là chữa lành cho người câm điếc để anh nghe và nói được. Hành động Chúa kéo anh ta ra khỏi đám đông hỗn độn gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái để anh thuộc về Chúa chứ không còn thuộc về loài người nữa. Chúa Giê-su đặt tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh chứng tỏ Chúa không chỉ đụng chạm đến tai, đến miệng của anh, mà Chúa còn chạm đến trọn con người, gồm trái tim và tâm hồn anh nữa. Chúa Giê-su không chỉ chữa anh khỏi câm, ngọng, Chúa còn mở tai, mở mắt tâm hồn để anh có thể nhận ra Người là Thiên Chúa quyền năng và lắng nghe Lời của Chúa.

Ngày nay, có quá nhiều tiếng ồn bên ngoài và cả bên trong ta, như âm thanh của tiền bạc, danh vọng và các thú vui, làm giảm khả năng nghe, nhìn và nói về Thiên Chúa, lời Chúa không thấm vào tâm hồn chúng ta được khiến chúng ta mất vui. Nhiều người mất khả năng lắng nghe nhau bởi họ không muốn nghe người khác hay họ nói nhiều hơn nghe. Nguy hiểm hơn là tình trạng câm điếc trong tâm hồn đang xảy ra nơi chúng ta, khiến ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, không nhìn thấy những việc tốt đẹp Chúa làm trong đời ta. Có người điếc vì làm ngơ trước lời kêu cứu của anh chị em đang gặp khổ đau. Có người câm vì sợ hãi không dám nói lên sự thật và không dám bênh vực sự thật. Có nhiều người vì quyền lợi, địa vị hoặc vì một thứ bổng lộc nào đó của xã hội, mà chấp nhận biến mình thành kẻ câm, điếc hoặc mù lòa. Thế giới thiếu vắng niềm vui.

Lạy Chúa, xin đến chạm vào tai, môi miệng và mắt con, để con nghe được tiếng Chúa, thấy được tha nhân và ca tụng Chúa đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org