Nhìn ngắm trái tim rực lửa tình yêu – Lễ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su – Năm A

NHÌN NGẮM TRÁI TIM RỰC LỬA TÌNH YÊU
SUY NIỆM LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU – NĂM A
(Mt 11, 25 – 30)

Tiếp liền sau lễ của Chúa, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giê-su, thứ Sáu sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 19 ngày, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho Thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giê-su rất hay thương “dịu hiền và khiêm nhường” trong lòng. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. 

Hơn một năm qua, chiến tranh với danh nghĩa là (đặc biệt) do Nga khai mào tại Ucraina khiến cả thế giới ngày càng mệt mỏi khi cố gắng tìm giải pháp hòa bình. Khủng khiếp hơn là những cuộc xung đột về sắc tộc, tôn giáo, chính trị ở các cấp độ quốc gia và trên thế giới, nhiều người phải bỏ nhà cửa, quê hương, mong thoát khỏi cảnh áp bức với hy vọng tìm đến một nơi đáng sống hơn. Những cảnh nghịch lại với Tin Mừng đang gia tăng tại một số nơi. Người ta không ngừng tục hóa Giáo hội dưới nhiều hình thức. Thay vì nhắm đến sự canh tân theo Tin Mừng, qua việc huấn giáo, truyền giáo, chăm sóc mục vụ, giải thích mầu nhiệm các bí tích, người ta nhắm đến các đề tài khác, với hy vọng nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng làm cho Giáo Hội đắng cay cực lòng. Đối mặt với tất cả những điều đó, chúng ta nhớ lại Lời Chúa Giê-su gọi mời: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, tôi sẽ cho nghỉ ngơi…” (Mt 11, 28-29). Trong lúc khó khăn này, chúng ta, những người đã chịu Phép Rửa tội và Thêm sức, phải mạnh dạn đem yêu thương vào nơi oán thù theo gương Chúa Ki-tô tình yêu, chú tâm vào biểu tượng của tình yêu từ bi của Chúa Ki-tô là Thánh Tâm Chúa Giê-su để chia sẻ tình yêu với đồng loại.

Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu: “Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa”  (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giê-su (x. Ep  3,8-12.14-19). Trái Tim ấy yêu con người bằng một tình yêu bền vững, đáng tin cậy, thủy chung trọn đời.

Trái Tim của Thiên Chúa luôn rung động vì thương loài người và đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người.

Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.” (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi: Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.

Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gio-an đã quả quyết: “Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra” (x. Ga 19,34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn đã được trao cho Hiền Thê; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa.

Trái tim Chúa Giê-su được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mão gai.

Trái Tim Chúa Giê-su có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Ki-tô giáo, cắm ở phía trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giê-su đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giê-su, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Trái Tim Chúa Giê-su có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.  

Ngón tay Chúa Giê-su chỉ vào Trái Tin Chúa, có ý mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29).

Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái Tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái Tim Chúa Giê-su quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su.

Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org