Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Ma-ri-a rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình (Is 9, 5) sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Hòa Bình đích thực của chúng ta! Chúng ta mượn lời sách Dân Số mà cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (x. Ds 6,26). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta.
Nhớ lại câu cuối của đoạn Tin Mừng được công bố trong Đêm Giáng Sinh. Lời các Thiên Thần và một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa, từ 21 thế kỷ qua, Giáo hội vẫn không ngừng hát lên trong các Thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng. “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiên tâm” (Lc 2,14).
Thế giới hiện nay
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an, bất ổn. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa Tháp Đôi ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở nước Mỹ làm 2.977 người đã thiệt mạng (không bao gồm 19 tên không tặc) và hơn 6.000 người khác bị thương, khiến nhân loại bị ám ảnh về hiểm họa khủng bố ở khắp mọi nơi, làm cho con người cảm thấy lo sợ, bất an nhiều hơn. Tiếp theo đó là cuộc chiến gọi là “chống khủng bố” nổ ra và những hệ lụy của nó càng đưa thế giới vào tình trạng bất an, bất ổn hơn bao giờ hết. Đại dịch Covid 19 xảy đến chỉ cho con người biết mình thật sự mong manh và nhận ra sự giới hạn của chính mình. Những tin tức hằng ngày về bạo hành, xung đột, dịch bệnh, thiên tai, nhân họa, ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet, nhất là chiến do Nga châm ngòi tại Ucraina, Israel trả đũa Hamas, lũ lụt một số nước năm 2024, khiến nhiều người lo âu tự hỏi không biết thế giới chúng ta đang sống sẽ đi về đâu.
Về phương diện nội tâm, lòng người vốn bất an nên sinh ra bất hòa, bất mãn, bất bình, bất nhân, bất nghĩa, bất cần đời….bao nhiêu là chữ “bất”, dẫn đến vô cảm, không dấn thân và khép kín. Hòa bình bị đe dọa bởi sự thờ ơ trên mọi bình diện của cuộc sống.
Thế giới đang khao khát Vua Hòa Bình
Vì muốn mang đến cho nhân loại hòa bình. Thiên Chúa tự trở nên Hài Nhi bé bỏng, giống một em bé sơ sinh. Chính trong sự nhỏ bé, thơ ngây, khiêm nhường và tha thứ ấy, Thiên Chúa đã biểu lộ sức mạnh vô biên. Đó là sức mạnh của Thiên Chúa Tình Yêu, Vua Hòa Bình.
Con Thiên Chúa sinh ra được bọc trong khăn vải, đặt nằm trong máng cỏ, với ánh mắt ngây thơ, tâm hồn trong trắng, đang giang rộng vòng tay, ở giữa các mục đồng và đoàn súc vật, một khung cảnh hòa bình. Cho thấy con người sống hài hòa với Thiên Chúa, với thiên nhiên vạn vật và với nhau. Mang đến cho nhân loại một kỷ nguyên hòa bình. Tình Yêu là phương thuốc chữa lành vết thương. Là nhịp cầu xây dựng tình người. Là phương án cho thế giới mới bạo lực, chiến tranh và khủng bố. Tình Yêu nhập thể mang lại cho thế giới sự bình an bất tận.
Quả thật, sẽ không có hòa bình nếu không có công lý, và sẽ không có hòa bình nếu không có sự tha thứ. Để xây dựng một thế giới hòa bình, chúng ta phải đánh bại sự thờ ơ: đó là vun trồng nền văn hóa liên đới tình thương, đối thoại, hòa giải và canh tân.
Sứ điệp Hòa Bình 2025
Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình thứ 58, được công bố ngày 12/12/2024, có tựa đề “Xin tha nợ cho chúng con, xin ban bình an của Ngài cho chúng con”, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đồng quốc tế xóa nợ cho các nước nghèo, tôn trọng sự sống bằng hành động cụ thể là xóa bỏ án tử hình, và dùng một phần số tiền đầu tư cho vũ khí để thành lập quỹ thế giới xóa đói, phát triển giáo dục và chống biến đổi khí hậu.
“Giải trừ vũ khí” theo nghĩa vật chất, cũng là giải trừ vũ khí trong tâm hồn, để nhìn vào thực tại bằng cách đặt tương lai trong bàn tay của Thiên Chúa. Khi đó, tương lai sẽ không còn là một “mối đe dọa” nữa và mọi Ki-tô hữu sẽ có thể “mỉm cười” với anh chị em mình, nhận ra nơi họ sự hiện diện của Đấng “mỉm cười với chúng ta trước”.
Trong bối cảnh Năm Thánh, Đức Thánh Cha viết: giữa vô số bất công và sự dữ đang khủng bố thế giới, “thật tốt khi chúng ta được nhắc lại ơn cứu độ Chúa Ki-tô mang đến”, niềm vui của ơn cứu độ được thể hiện bằng chính “tiếng reo mừng Năm Thánh” vượt trên nhiều thế kỷ, vượt trên dòng lịch sử. Sứ điệp nhấn mạnh đến nhu cầu hoán cải liên tục, một hành trình “truyền cảm hứng, biến đổi, định hướng và tiếp thêm sinh lực” cho mỗi Ki-tô hữu. Nó cho thấy “công lý giải phóng của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta” bằng cách lắng nghe “tiếng kêu của người nghèo và của Trái đất”. Đức Thánh Cha gửi đến mọi người “niềm hy vọng và bình an, bởi vì đây là Năm Ân Sủng nảy sinh từ Trái Tim của Đấng Cứu Chuộc!”.
Kết thúc Sứ điệp Đức Thánh Cha cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con, như chúng con tha thứ cho những kẻ mắc nợ chúng con, và trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con bình an của Ngài, bình an mà chỉ Ngài mới có thể ban cho những người để tâm hồn của họ được cởi bỏ vũ khí, cho những ai có hy vọng muốn tha nợ cho anh chị em mình, cho những người không sợ hãi thú nhận rằng họ mắc nợ Ngài, những người không bịt tai trước tiếng kêu của những người nghèo nhất. (CSR_5442_2024)
Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: