Ngôi mộ trống – Suy niệm lễ Phục sinh

Buổi sáng ngày Phục sinh, tức là ngày thứ nhất trong tuần, mà ngày nay được gọi là ngày Chúa nhật, chúng ta giống như những người phụ nữ và hai môn đệ trong Tin Mừng, hối hả chạy đến mồ Chúa Giêsu. Bài Tin mừng Thánh Gioan được đọc trong Thánh lễ chính ngày diễn tả hai môn đệ chạy đến mộ để kiểm chứng những gì họ đã nghe mấy người phụ nữ kể lại. Các bà này đã nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Các bà bàng hoàng và lo sợ vì mất Chúa, và các bà cảm thấy đau xót về điều đó. Hai môn đệ là Phêrô và Gioan đã vội vàng chạy đến xem và họ thấy ngôi mộ trống. Khác với mấy người phụ nữ, hai ông không lo sợ bàng hoàng, mà tin vào sự phục sinh của Chúa, vì Người đã tiên báo với các ông điều này.

Cần lưu ý, trong xã hội Do Thái thời cổ xưa, mỗi ngôi mộ được thiết kế như một hang động, nhất là đối với những người khá giả. Thánh sử Gioan nói với chúng ta, ngôi mộ an táng Chúa Giêsu là ngôi mộ của một người nhà giàu còn mới, nên các môn đệ an táng Chúa tại ngôi mộ đó. Chính vì vậy mà hai ông Phêrô và Gioan cũng như những người phụ nữ có thể bước vào bên trong ngôi mộ này. Các bà đến viếng mộ với ý định hoàn tất nghi thức tẩm liệm mà trước đó chưa làm xong vì lý do ngày lễ nghỉ.

Hãy trở lại với ngôi mộ trống: nếu như thân xác Chúa Giêsu còn nằm trong ngôi mộ. Nếu như nấm huyệt vẫn được đậy kín, thì Chúa Giêsu cũng chỉ như một vĩ nhân, khi còn sống thì rao giảng những điều uyên bác cao siêu, nhưng khi chết thì cũng giống như bao người khác. Không, ngôi mộ trống khẳng định với chúng ta: Chúa Giêsu không còn ở đây. Người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Người không bị giam cầm bởi sự chết cũng như bởi nấm mộ. Nói cách khác, Người đã sống lại. Sự phục sinh của Chúa đã được Người báo trước. Tuy vậy những người phụ nữ và một số môn đệ khác vẫn thấy hoang mang và bất ngờ trước sự việc này. Thay vì vui mừng, các bà sợ hãi, run rẩy, hết hồn hết vía. Các bà không dám nói với ai vì sợ hãi.

Ngôi mộ trống là khởi điểm cho Đức tin Kitô hữu. Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng. Người có quyền trên sự sống và sự chết. Người đã tự ý trao ban sự sống của Người và Người có quyền lấy lại, như chính Người đã tuyên bố. Vì vậy, sự chết không còn làm chủ được Người. Ngôi mộ là bằng chứng hùng hồn về quyền năng của Chúa Giêsu, là Thiên Chúa tối cao.

Ngôi mộ nói với chúng ta về chiến thắng của Chúa Giêsu. Chúa chiến thắng cái gì? Thưa, Chúa chiến thắng bạo lực. Thập giá là bạo lực của con người dành cho Con Thiên Chúa. Một số biệt phái và luật sĩ, có sự chống lưng của các tư tế và nhất là vị tư tế thượng phẩm, đã lên án tử cho Chúa và quyết định giết Người bằng một hình thức vừa gây đau đớn, vừa gây nhục nhã. Khi giết được Chúa và khi thấy các môn đệ đã an táng Thầy mình trong huyệt mộ, những kẻ giết Chúa nghĩ mình đã diệt được một kẻ thù. Họ đã nhầm. Chúa Giêsu đã bước ra khỏi mộ, vinh quang sáng láng. Thiên Chúa đã chiến thắng mưu mô của con người. Tình thương đã thắng thù hận. Ánh sáng đã thắng tối tăm. Chúa Giêsu không sống lại để trả thù những người đã hành hạ và đã giết Chúa. Người sống lại để khẳng định rằng: mưu mô gian trá chỉ là nhất thời, tình yêu bao dung sẽ tồn tại mãi mãi. Đấng Phục sinh không chỉ chiến thắng sự chết, mà Người còn giải phóng con người khỏi sự chết. Người cũng giải phóng con người khỏi sự giam cầm của quyền lực tối tăm, tức là ma quỷ và tội lỗi xấu xa.

Ngôi mộ nói với chúng ta về niềm hy vọng Kitô giáo. Con người được tạo dựng không để nằm yên trong huyệt mộ, sau khi đã trải qua một cuộc sống đan xen hoà quyện giữa hạnh phúc và đau khổ, nhưng được tạo dựng để hưởng hạnh phúc vinh quang đời đời với Chúa. Chúa phục sinh bước ra khỏi mộ khơi nguồn hy vọng cho con người nói chung, người Kitô hữu nói riêng. Bởi lẽ từ nay, họ xác tín rằng, thân phận con người không chỉ là “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”, nhưng trong con người có mầm sống siêu nhiên, thúc đẩy con người sống lương thiện. Mầm sống ấy không chết khi con người nhắm mắt xuôi tay, nhưng sẽ bừng lên cho một cuộc sống mới, như hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để nảy mầm sinh bông kết trái. Niềm hy vọng của người tín hữu giúp họ vượt lên những khó khăn của cuộc đời, với niềm xác tín Đấng Phục sinh đang hiện diện với họ, để dẫn họ đi trên mọi nẻo đường.

Kitô hữu là người tin vào Chúa. Tin là chấp nhận một điều gì đó mặc dù không nhìn thấy hoặc không thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm. Một cách nào đó, người tín hữu đang đứng trước sự vắng bóng của Thiên Chúa, được coi như đứng trước một ngôi mộ trống. Quả vậy, chúng ta tin vào Chúa mà đâu có nhìn thấy Ngài. Chúng ta cầu nguyện với Chúa nhưng đâu có được gặp gỡ Ngài trực tiếp. Ngôi mộ trống chỉ là nơi đã an táng Chúa Giêsu. Những gì chúng ta cảm nhận suy tư về Thiên Chúa thực ra chỉ là dấu vết của Ngài. Chính vì vậy, lễ Phục sinh mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện quyền năng và đầy yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Chúa đang ở đây, với chúng ta, mặc dù con mắt thể xác không nhìn thấy Ngài.

Lễ Phục sinh không phải một sự kiện giải trí. Câu chuyện Đấng sống lại không phải là một huyền thoại. Người tín hữu mừng lễ Phục sinh, phải canh tân đổi mới cuộc đời để sống lại với Chúa. Trong thư gửi giáo dân Côlôxê được đọc trong Bài đọc II của Thánh lễ, thánh Phaolô nói đến sự sống mới của người Kitô hữu. Bởi lẽ, nhờ những hy sinh hãm mình và khổ chế, chúng ta cùng chết với Chúa Giêsu, và nay chúng ta sống lại với Người. Thánh nhân đặt những giá trị thuộc thượng giới, đối nghịch với những giá trị thuộc hạ giới. Giá trị hạ giới chỉ đem lại cho con người niềm vui nhất thời; giá trị thượng giới giúp con người đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Quả vậy, hành trình đi theo Đức Kitô là hành trình biến đổi. Đây vừa là hành trình của sự sống, cũng là hành trình của sự chết. Bởi lẽ chúng ta phải chết đi mỗi ngày để sống lại với Chúa. Nói cách khác, chúng ta phải loại bỏ những gì là tham lam, bần tiện, hận thù, ích kỷ, để nhường chỗ cho lòng đạo đức, nhân hậu bao dung. Tiến trình hoán cải là tiến trình liên lỉ, lâu dài, đòi hỏi mỗi người phải cố gắng hy sinh và chấp nhận thương đau, như sự chết vậy.

Chúng ta hãy trở lại với hai môn đệ chạy vội đến mộ Chúa vào lúc tảng sáng. Khi trực tiếp quan sát ngôi mộ trống, hai ông tin. Các ông đã theo Chúa khoảng ba năm, được Chúa hướng dẫn và dạy dỗ. tuy vậy, niềm tin nơi các ông vào Đấng Thiên Sai còn nhiều mờ khuất và lệch lạc. Chính biến cố phục sinh đã giúp các ông xác tín vào Thày mình với một quan niệm và tầm nhìn xa rộng hơn. Không chỉ xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu, các ông còn mạnh mẽ lên đường rao giảng Đấng Phục sinh, mặc dầu phải chấp nhận hy sinh gian khổ và phải chết. Mỗi chúng ta, khi mừng lễ Phục sinh, hãy trở nên nhân chứng của Đấng phục sinh giữa đời, để khẳng định với mọi người xung quanh: Đức Giêsu đã sống lại và đang hiện diện giữa chúng ta. Những ai tin vào Người sẽ được hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phục sinh từ cõi chết. Chúa đã chiến thắng tử thần để sống lại vinh quang. Chúng con nhiều khi bị giam cầm trong huyệt mộ của sự ghen ghét, lười biếng và ích kỷ. Xin Chúa kéo chúng con ra khỏi mồ tối, để nhờ ánh sáng phục sinh chiếu soi, chúng coi can đảm vươn tới ánh sáng và trở nên ánh sáng giữa đời. Amen.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org