Mọi sự là của Chúa, hãy trả Thiên Chúa – Chúa nhật XXIX Thường niên – Năm A

MỌI SỰ LÀ CỦA CHÚA, HÃY TRẢ THIÊN CHÚA
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
 (Mt 22, 15-22)

Dịp lễ Đức Mẹ La Vang, tháng 8 năm 2017, khi đề cập đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Girelli nhận định rằng, tại một số tỉnh, nhà cầm quyền lo lắng và phàn nàn về người Công giáo và các hành động của họ. Nhưng ngài khuyên nhà cầm quyền Việt Nam nên nhận thức rằng, Giáo hội Công giáo nên được xem như một điều tích cực, thay vì một điều có vấn đề đối với đất nước.

Trích câu nói thời danh của Chúa Giê-su rằng: “Trả cho Caesar những gì của Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Đức Tổng Giám mục Leopoldo nói tự do tôn giáo không phải cái gì thuộc về các quan chức chính quyền, mà phải nằm trong tay của người dân. Ngài kêu gọi “các Caesar Việt Nam hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

Đoạn Tin Mừng hôm nay mang đầy tính thời sự vì chúng ta đang sống trong một thế giới con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, hoặc nhận tất cả về mình, không còn kể đến Thiên Chúa nữa. Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay đã trở thành lời bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử, trong tương quan phân chia, sở hữu thường ngày. 

Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa

Chúng ta khẳng định, Chúa Giê-su là Lời sống động của Thiên Chúa, thế mà con người lại cố tìm để bắt lỗi Lời của Ngài! Con người nói: “Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa“, nhưng vẫn cứ hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?” (Mt 22,17). Hỏi để mà hỏi, không phải để biết cho bằng gài bẫy. Thực tế nhóm Pha-ri-siêu lại tự bẫy và trói chặt mình trong câu hỏi lưỡng nan ấy. Bằng cách từ chối đơn giản hóa vấn đề của đối phương, Chúa Giê-su đặt ra vấn đề căn bản mới và thiết yếu là: ai đứng vào vị trí Thiên Chúa?

Chính vì họ hỏi con đường của Thiên Chúa, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy … dạy bảo đường lối Thiên Chúa” (Mt 22,16), nên Người dẫn họ đi theo hướng đó, đây là tất cả giáo lý của Chúa. Thấu hiểu tâm tư của họ, Chúa bảo họ đưa cho xem đồng tiền, xem xong, thấy có khắc hình của một hoàng đế trên đồng tiền, họ khẳng định đó là hình của Caesar, Chúa nói: “Cái gì của Caesar thì hãy trả cho Caesar” ( Mt 22, 21). 

Thực tế, người Do thái không nhận biểu tượng hình ảnh này, dù Caesar được biết đến là một hoàng đế tự cọi mình là thần đi chăng nữa, ông cũng chỉ là một con người. Theo Lời Chúa trong sách Sáng Thế, chỉ có Thiên Chúa làm ra con người giống hình ảnh Chúa cách sống động: “Chúng ta làm ra con người giống hình ảnh chúng ta và giống chúng ta” (St 1, 26). Hãy trả đồng tiền này cho chủ nhân của nó và hãy trả cho Thiên Chúa linh hồn chúng ta.

Linh hồn chúng ta thuộc về Chúa

Đồng tiền mang hình ảnh của Caesar, nhưng linh hồn chúng ta là chính hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thể theo Thánh Vịnh: ”Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Người trên chúng tôi”. (Tv 4, 7) … Ánh tôn nhan Thiên Chúa là ánh của ân sủng ghi dấu trên chúng ta hình ảnh Ngài, làm cho chúng ta giống Ngài, ánh tôn nhan Chúa còn là ấn tích được ghi trong trí chúng ta, chúng ta nhận biết ai đó nhờ khuôn mặt của người ấy, thì Thiên Chúa cũng nhận biết chúng ta nhờ tấm gương của lý trí. Nhưng lý trí này đã bị biến dạng do tội lỗi con người, vì tội lỗi khiến con người chống lại Thiên Chúa. Ân sủng Đức Ki-tô sửa chữa lại lý trí chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô rằng: ”Hãy đổi mới tinh thần” (Ep 4,23). Ánh sáng ở đây còn là ân sủng, nhằm phục hồi hình ảnh Thiên Chúa ghi khắc trong chúng ta.

Thiên Chúa Ba Ngôi đã khắc ghi vào con người hình ảnh giống Ngài. Con người giống Chúa Cha ở điểm trí nhớ, giống Chúa Con ở trí hiểu, giống Chúa Thánh Thần ở chỗ biết yêu mến… khi tạo dựng, con người được dựng lên ”giống hình ảnh Chúa” (St 1,26). Hình ảnh trong sự nhận biết chân lý, tương tự trong nhân đức yêu thương. Ánh tôn nhan Thiên Chúa chính là ân sủng công chính hóa chúng ta và một lần nữa cho thấy hình ảnh được tạo ra. Ánh sáng này là tất cả những điều tốt đẹp nơi con người, được ghi dấu, như hình ảnh của nhà vua trên đồng tiền. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Cái gì của Caesar thì hãy trả cho Caesar” (Mt 22,21). Điều này ý nói: phải trả cho Caesar hình ảnh của Caesar, trả cho Thiên Chúa linh hồn anh em, đã được điểm tô và ghi dấu ánh sáng tôn nhan Thiên Chúa. Chúng ta không thể trao cho Caesar linh hồn của chúng ta, nó luôn thuộc về Chúa. 

Mọi sự là của Chúa

Lời Chúa Giê-su nói: “Cái gì của Caesar thì hãy trả cho Caesar, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa“( Mt 22,21) xác lập một sự khác biệt sâu xa giữa thiêng liêng với thế trần, làm nền tảng cho sự tìm kiếm của các Ki-tô hữu trên mặt đất này. Con người là trung tâm và tột đỉnh của sự sáng tạo, phẩm giá con người hiện nay được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó, chúng ta phải phân biệt hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa trên thế giới. Caesar và Chúa không ở cùng một cấp độ, Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa tể trời đất, Caesar là hoàng đế, những ông cũng chỉ là một thụ tạo, một con người, ông phải phụ thuộc vào Chúa và cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa, đây không phải là Thiên Chúa hoặc Caesar mà là Thiên Chúa và Caesar, mỗi vị trong cấp độ xứng hợp riêng của mình.

Vậy “Trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar” nghĩa là trả cho Caesar những gì chính Chúa muốn trao cho Caesar. Chúa thống trị trên tất cả, kể cả Caesar, nên Thiên Chúa làm chủ quyền thiêng liêng. Nước Chúa được thực thi trong Chúa Ki-tô qua Giáo hội của Người. Đương nhiên, Ngài làm chủ cả thế tục và thể chế chính trị mà Chúa thực hiện gián tiếp qua các quyền bính thế gian. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã từng nói rõ với Phi-la-tô khi ông nói với Chúa: “Ông không biết rằng ta có quyền tha ông, mà cũng có quyền đóng đinh ông hay sao?” (Ga 19,10)  Chúa Giê-su đáp: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho” (Ga 19,11). Thánh Phao-lô là người đầu tiên nhìn thấy hiệu quả của giáo huấn này nên viết: “Mọi người hãy phục tùng chính quyền bởi vì không có quyền bính nào mà không đến từ Chúa. Ai chống lại quyền bính thì chống lại trật tự Thiên Chúa đã đặt ra… đó là lý do tại sao anh em phải nộp thuế bởi vì chính quyền chịu trách nhiệm như những người phục vụ Chúa” (Rm13,1).

Trước khi vâng lời con người, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa và lương tâm chúng ta. Đó cũng là nghĩa vụ của chúng ta phải nói với Caesar, cụ thể với quyền bính thế gian rằng: “hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa“. 

Lạy Chúa là Đấng tạo thành trời đất và là chủ muôn loài, tất cả thuộc về Chúa, xin cho chúng con biết luôn hướng lòng về Chúa và tôn thờ Chúa là Chúa chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org