Cha Bề trên Tổng quyền Tomaz Mavric chia sẻ năm 2025 sẽ diễn ra sự kiện kép: tổ chức kỷ niệm 400 năm thành lập Đại gia đình Vinh-sơn Phao-lô, đan xen là Năm Thánh do Đức Thánh Cha công bố.
Hơn hai triệu người trên thế giới thuộc Đại gia đình Vinh-sơn, họ là những người được truyền cảm hứng từ đặc sủng của Thánh Vinh-sơn Phao-lô (1581-1660) “Vị tông đồ bác ái” cùng hơn hai trăm hiệp hội tu sĩ và giáo dân trên khắp các châu lục đang ráo riết chuẩn bị trải nghiệm một cuộc gặp gỡ kép vào năm 2025: Năm Thánh thường niên do Đức Thánh Cha công bố và Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Thánh Bộ Truyền giáo mà Thánh Vinh-sơn thành lập vào ngày 17 tháng 4 năm 1625 để thực hiện sứ mệnh phụng sự giữa những người nghèo.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ với các tín hữu rằng năm 2024 là năm cầu nguyện, một “bản giao hưởng” vĩ đại của cầu nguyện chuyển thành tình liên đới và chia sẻ lương thực hàng ngày, qua đó làm cho Kinh Lạy Cha trở thành chương trình của cuộc sống chúng ta. Các nhà truyền giáo Vinh-sơn đang chuẩn bị kỷ niệm 400 năm thành lập với lời cầu nguyện và cam kết với sứ mạng để làm sống lại ba chiều kích của linh đạo Vinh-sơn, bề trên tổng quyền Cha Tomaz Mavric đã chỉ ra: “Chiều kích tiên tri từ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng “ở giữa chúng ta” đến việc lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và sẵn sàng phục vụ họ; chiều kích thượng hội đồng nhìn thấy tinh thần vượt qua chủ nghĩa cá nhân cho hành trình và hành động vì cộng đồng; chiều kích truyền giáo tính xác thực của nó đến từ một linh đạo sâu sắc, từ sự hiệp thông mãnh liệt, từ sự gần gũi và tình bạn với Đức Giê-su”.
Hướng tới cuộc gặp gỡ Năm Thánh kép, văn phòng truyền thông của Bộ Truyền giáo, do Cha Salvatore Farì hướng dẫn, đưa ra một con đường suy tư mà bề trên tổng quyền mong muốn. Giai đoạn đầu tiên liên tưởng tới một bức tranh vải “Bàn tay cho bánh mì”của nghệ sĩ người Bosnia, Safet Zec, người đã chạy trốn khỏi cuộc bao vây tại Sarajevo trong cuộc chiến tranh Balkan những năm 90. Safet Zec đã mô tả cánh tay và bàn tay tuyệt vọng duỗi ra, đến mức co thắt hướng về phía bánh mì để cầu xin sự giúp đỡ, công lý, tự do và lòng thương xót. Cha Farì nhấn mạnh: “Xoay quanh chính hình ảnh bánh mì mà chúng ta tái khám phá chính mình như anh chị em, nhân loại đang sống, đấu tranh, hy vọng, vui mừng. Trong đôi tay đó, chúng ta chiêm ngắm những người nghèo đang khao khát lương thực.” Nếu chúng ta đọc sứ điệp năm thánh 2025 “Bull of Indiction”, “Spes non confundit” (Hy vọng không làm chúng ta thất vọng), chúng ta hiểu rằng từ sự đan xen giữa hy vọng và kiên nhẫn, rõ ràng đời sống Ki-tô hữu là một hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là một yếu tố cơ bản của mọi biến cố Năm Thánh. Đức Thánh Cha kêu cầu tất cả các Ki-tô hữu trở thành những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những người sống trong những hoàn cảnh khó khăn: những tù nhân bị tước đoạt tự do, mỗi ngày trải qua sự khắc nghiệt của tù đày, sự trống rỗng về cảm xúc, tù túng và không được tôn trọng; Những bệnh nhân, đang ở nhà hoặc trong bệnh viện; những người trẻ tuổi thường thấy giấc mơ của họ sụp đổ; người di cư, những người từ bỏ nhà cửa của họ để di cư tìm tới một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ; những người tha hương, di tản và tị nạn, những người buộc phải chạy trốn tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt đối xử; người già, những người thường trải qua sự cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi; hàng tỷ người nghèo, những người thường thiếu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Thánh Vinh Sơn Phao-lô đã bị thuyết phục về điều này khi ngài viết cho các Nữ Tử Bác Ái: “Hy vọng sinh ra niềm tin … Chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta tất cả những ân sủng cần thiết để cứu chúng ta. Do đó, bất cứ ai không tin rằng Thiên Chúa quan tâm cứu rỗi chúng ta bằng những cách này hay cách khác phù hợp với chúng ta mà Chúa Quan Phòng biết chúng ta cần, thì xúc phạm đến điều đó. Không vững vàng trong hy vọng và thiếu niềm tin rằng Thiên Chúa quan tâm đến sự cứu rỗi đời đời cho chúng ta là một sự ngờ vực làm mất lòng Ngài. Do đó, niềm hy vọng bao gồm việc mong đợi từ sự tốt lành của Thiên Chúa việc thực hiện những lời hứa mà Người đã thực hiện với chúng ta. Do đó, có sự tin tưởng vào Đấng Quan Phòng. Tin tưởng và hy vọng luôn song hành cùng nhau. Tin tưởng vào Đấng Quan Phòng có nghĩa là hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ chăm sóc những người phục vụ Ngài như người chồng chăm sóc vợ hoặc như người cha chăm sóc con mình. Cũng vậy, Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta, thực sự nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ”. Bốn trăm năm thành lập Thánh bộ Truyền giáo, không chỉ đối với các nhà truyền giáo Vinh-sơn mà còn cho toàn thể Giáo hội, và toàn thể các tín hữu, là một cơ hội để làm sống lại ý thức trở thành một dấu chỉ hy vọng cho người nghèo. Cha Farì nhận xét: “Tất cả chúng ta đều là dấu chỉ hy vọng cho người nghèo, tất cả chúng ta đều là cánh tay mở rộng của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều được mời gọi thực hiện ‘các hành động bác ái”.
Nguồn: Un Giubileo per riscoprire san Vincenzo de’ Paoli (avvenire.it)
Lược dịch: Ma-ri-a Nhung
TIN LIÊN QUAN: