Công trình “Đường hầm huynh đệ” đã được hoàn thành và sẽ được chính thức khánh thành vào mùa thu năm nay. Đây là lối đi ngầm nối liền nhà thờ Công giáo Jakarta với nhà thờ Hồi giáo Istiqlal.
Ở trung tâm thủ đô Indonesia, hai công trình tôn giáo đồ sộ đứng đối diện nhau ở khoảng cách rất gần. Cách quy hoạch phản ánh ý nghĩa và tầm nhìn về sự chung sống ở Indonesia. Đường hầm này ban đầu là một hầm giao thông đơn giản. Công trình này được xây sửa dựa trên ý tưởng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Ngôi nhà thờ theo phong cách kiến trúc Gothic được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 19. Năm 1829, nhà thờ được đặt tước hiệu “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”. Do một số vấn đề về kết cấu, nhà thờ được xây lại vào từ năm 1891 đến năm 1901. Sau khi hoàn thành đợt trùng tu năm 2002, nhà thờ toát lên vẻ đẹp thiêng liêng và là điểm đến của nhiều người hành hương từ khắp Indonesia. Bên trong nhà thờ hiện có một “bộ đếm” đặc biệt, một thiết bị điện tử đếm ngược số ngày còn lại Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đến Indonesia.
Cũng đông đúc không kém, ở phía đối diện, Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal là một công trình hiện đại và nguy nga. Đây là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á. Công trình này được xây dựng để kỷ niệm ngày độc lập của Indonesia. Tên gọi “Istiqlal” có nghĩa là “độc lập” hoặc “tự do” trong ngôn ngữ Ả Rập. Theo truyền thống, những người Hồi giáo sẽ cởi giày và bước vào phòng cầu nguyện rộng lớn, cúi đầu cầu nguyện trên tấm thảm đỏ, giữa những cây cột ánh bạc uy nghi và mái vòm bao phủ toàn bộ không gian.
Sau khi nhận thông tin rằng Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm đền thờ của mình cho dù không chính thức, vị lãnh tụ Hồi giáo K.H. Nasaruddin Umar – người đầu tiên thông báo với giới truyền thông đã không giấu nổi niềm vui. Điều này khiến Hội đồng Giám mục Indonesia và Chính phủ cũng bất ngờ. Tại ngôi đền này, Đức Giáo hoàng sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau.
“Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cũng là sứ mệnh của nhà thờ Hồi giáo Istiqlal, nơi truyền tải tính nhân văn, tâm linh và nền văn minh, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ”, vị lãnh tụ Hồi giáo cho biết.
Kiến trúc sư người Indonesia Sunaryo và nhà điêu khắc Aditya Novali tạo ra các phù điêu trang trí trên các bức tường của đường hầm ốp bằng đá cẩm thạch. Hai bàn tay chạm vào nhau thể hiện “ý tưởng về sự khiêm nhường được tạo ra bởi nội tâm, để mỗi người cảm nhận được sự kết nối và thống nhất”. Và khi du khách tiến dọc theo con đường nơi các vòng tròn đồng tâm được khắc nổi bằng đá granit, là “một biểu tượng của hy vọng mang lại ánh sáng mới cho con đường này”.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ không đi qua đường hầm này, vì lý do an ninh. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến niềm vui của hai cộng đồng tôn giáo.
Theo Argenzia Fides
Biên dịch: Khánh Ly – WTGP HN
TIN LIÊN QUAN: