
“Trí tuệ nhân tạo – Cánh cửa mở ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng”. Với thao thức cho công cuộc truyền giáo trong thời đại mới, Học viện Thần học Thánh Phê-rô Lê Tuỳ kết hợp với Công ty Tập đoàn Hyperlution tổ chức chương trình hội thảo Loan báo Tin Mừng trong kỷ nguyên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chương trình diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Hà Nội vào sáng thứ Bảy, ngày 24/5/2025.
Với đà phát triển vượt bậc của thời đại công nghệ số, Giáo hội đang từng ngày đối diện với những thách thức mới – khi khoa học và Tin Mừng gặp nhau ở một ngã rẽ đặc biệt là không gian mạng. Chính vì vậy, chương trình hội thảo hôm nay được tổ chức với mục đích cung cấp những phương cách tiếp cận khôn ngoan và sử dụng công nghệ một cách sáng suốt, hữu hiệu trong sứ vụ truyền giáo. Đặc biệt, trong buổi hội thảo, vị đại diện Tập đoàn Hyperlution đã giới thiệu một dự án nền tảng AI hỗ trợ công cuộc truyền giáo cách hữu hiệu mang tên “Missio.AI”.
Chương trình hội thảo thu hút sự tham dự của rất đông anh chị em đang hoạt động trong lãnh vực giảng dạy đức tin và truyền thông tại các giáo xứ. Với hai diễn giả chính là Cha An-tôn Trần Văn Phú – Đặc trách Học viện Thần học Thánh Phê-rô Lê Tùy, Thạc sĩ Thần học Kinh Thánh; và Tiến sĩ Đỗ Tiến Đăng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hyperlution, đã giúp các tham dự viên phần nào hiểu hơn về những tiềm năng và thách thức do trí tuệ nhân tạo mang lại.

Sau phút khai mạc đầu giờ vào lúc 8h30, Cha An-tôn Trần Văn Phú có bài thuyết trình về sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội trong kỷ nguyên AI. Dựa trên nền tảng Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, Cha An-tôn nhấn mạnh nội dung chính yếu của việc loan báo Tin Mừng là giới thiệu về chính Đức Giê-su. Nội dung này không thay đổi theo dòng thời gian, nhưng được diễn tả theo những cách thế khác nhau, để người đương thời có thể hiểu được nhưng chân lý cao sâu, nhiệm mầu. Để làm được điều đó, Giáo hội mời gọi các tín hữu luôn trung thành và gắn kết với Kinh Thánh; hiểu được giá trị và phẩm giá con người, đồng thời khôn ngoan và thận trọng trong việc áp dụng công nghệ số vào sứ vụ cao trọng này.


Sau những chia sẻ về góc nhìn thần học và mục vụ, tiến sĩ Đỗ Tiến Đăng lần lượt thuyết trình hai chủ đề liên quan đến sự hình thành, phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo; và Những thuận lợi và khó khăn trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để loan báo Tin Mừng.
Những cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo
Trước hết, tiến sĩ Tiến Đăng khẳng định: Trí tuệ nhân tạo là cánh cửa mới mẻ và đầy hứa hẹn cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Thực vậy, chỉ với một thiết bị di động được kết nối internet, Lời Chúa có thể được truyền tải đến khắp mọi nơi, tăng cường hiệu quả mục vụ truyền thông. Hơn thế nữa, AI có thể giúp mỗi người tìm thấy những nội dung đức tin thích hợp với từng nhu cầu và trình độ trong bất cứ thời gian và không gian nào. Mặc dù công nghệ không thể thay thế Thiên Chúa, nhưng là cánh cửa để Lời Chúa chạm đến muôn tâm hồn.


Tuy AI mở ra nhiều cơ hội, nhưng thách thức đi kèm cũng không ít. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong lãnh vực này, tiến sĩ Tiến Đăng tiếp tục trình bày những thách thức và rủi ro khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trước hết, việc sử dụng AI nếu không được giám sát và hướng dẫn đúng đắn sẽ làm cho nội dung sứ điệp Lời Chúa bị sai lệch; sự tiện lợi của công nghệ có thể làm giảm những giá trị đạo đức, thiếu chiều sâu nội tâm; hạn chế việc gặp gỡ, đồng hành giữa con người với nhau; và nhiều khi quá phụ thuộc vào công nghệ.


Giới thiệu nền tảng: AI Loan báo Tin Mừng“Missio.AI”
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang dần định hình cách thức truyền giáo mới, tiến sĩ Đỗ Tiến Đăng đã giới thiệu dự án một nền tảng mang tên “Missio.AI”. Đây là một công cụ được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ công cuộc loan báo Tin Mừng.
“Mission.AI” được xây dựng với 5 chức năng chính: Thứ nhất, cung cấp kiến thức đức tin một cách chính xác, ngắn gọn, có kiểm chứng bởi đội ngũ mục vụ. Thứ hai, giúp soạn thảo nội dung mục vụ theo văn phong Công giáo. Thứ ba, tư vấn mục vụ cá nhân qua việc gợi ý đoạn Kinh Thánh, các bài suy niệm, cầu nguyện phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của từng người. Thứ tư, hỗ trợ mục vụ truyền thông tại các giáo xứ như tạo nội dung mạng xã hội, video Tin Mừng, thư mời…Thứ năm, giao diện thân thiện, đa ngôn ngữ và sẵn sàng đồng hành trong mọi hoàn cảnh và thời gian.


Sau hai phần chia sẻ hữu ích từ Cha An-tôn Trần Văn Phú và tiến sĩ Đỗ Tiến Đăng, chương trình được tiếp nối với phần giao lưu hỏi và đáp cùng các diễn giả. Đây là điểm nhấn của chương trình hội thảo, nhằm tạo không gian chia sẻ, đặt câu hỏi và cùng nhau đào sâu hơn về những thao thức xoay quanh chủ đề loan báo Tin Mừng trong thế giới công nghệ số.

“Đẹp thay! Ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Đẹp thay! Ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường”. Lời bài thánh ca của linh mục Mi Trầm được ca vang vào cuối buổi hội thảo, một lần nữa nhấn mạnh đến sứ vụ hàng đầu của Giáo hội là truyền giáo. Hy vọng với những kiến thức được lĩnh hội hôm nay sẽ giúp các tham dự viên biết ứng dụng AI như nhịp cầu hữu hiệu đưa con người tới gần Thiên Chúa.
Truyền thông TGP Hà Nội
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: