Hãy mở rộng trái tim và học cách lắng nghe! – Chúa nhật XXIII Thường niên – Năm B

Cử chỉ chữa lành người câm điếc

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với một người bệnh ở vùng đất ngoại giáo: Người rời vùng Ti-rê, đi qua Si-đon và đến Biển hồ Ga-li-lê trong toàn bộ lãnh thổ của Decapolis. Ở đây, Thánh sử ghi lại, “họ mang đến cho Ngài một người câm điếc và cầu xin Ngài đặt tay trên mình”. Người này là một người ngoại giáo, bị điếc trước sự mặc khải của Thiên Chúa của Ít-ra-en và do đó không có khả năng đáp lại Ngài; nhưng đối với Chúa cũng như đối với mỗi con người, có một lời hứa cứu rỗi từ Thiên Chúa: “Can đảm lên, đừng sợ!… Thiên Chúa của ngươi đang đến để cứu lấy ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở, tai người điếc sẽ được nghe” (Bài đọc I). Lời hứa này được ứng nghiệm trọn vẹn nơi hành động trị liệu của Chúa Giê-su, Đấng như thường lệ, luôn làm việc ẩn danh, trong bí mật, tránh xa mọi cuộc tìm kiếm thành công của loài người. Thánh Mác-cô viết rằng Chúa Giê-su đi ra một nơi, tách khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai và bôi nước miếng vào bệnh nhân. 

Sau khi thực hiện xong những cử chỉ này, Chúa Giê-su “ngước mắt lên trời”. Việc nhìn lên trời này có nghĩa là Người Con hướng về Chúa Cha và tuyên xưng rằng mọi quyền năng đều đến từ Cha, và nếu không hiệp thông với Chúa Cha thì Người không thể làm gì được (x. Ga 5,19). Rồi Chúa Giê-su “thổi hơi”. Từ “thổi hơi” khi chạm vào tai người điếc cho chúng ta biết rằng Chúa đồng cảm với nỗi đau khổ của người dân, Chúa đã đi sâu vào nỗi bất hạnh của họ, Người như đang nhận trách nhiệm về điều đó. Do đó, Chúa Giê-su thể hiện một phản ứng rất con người!

Cất tiếng nói và được lắng nghe

Tại thời điểm này đây là từ có thẩm quyền: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: “Hãy mở ra!”. Tại sao các nhà truyền giáo xưa kia tường thuật những lời của Chúa Giê-su bằng ngôn ngữ gốc? Ép-pha-tha là một từ tiếng Aramaic, ngôn ngữ được Chúa Giê-su sử dụng, thực ra gần như là phương ngữ của Ngài khi sống trên đất Do-thái xưa. Đó là một trong những từ (cùng với Abbà, Amen) mà các sử gia gọi là “ipsissima vox”, tức là giọng nói, ngôn ngữ rõ ràng là của Chúa Giê-su.

Lý do khiến từ này trở nên quan trọng là vì Giáo hội sơ khai đã hiểu rằng nó không chỉ ám chỉ bệnh điếc thể xác mà còn ám chỉ bệnh điếc tâm hồn. Vì lý do này, lời này đã sớm đi vào nghi thức rửa tội và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngay sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và sau khi trao áo trắng và ngọn nến thắp sáng cho tân tòng, trước kia, vị chủ sự chạm vào tai và môi người này và nói: “Xin Chúa Giê-su, Đấng đã làm cho người câm điếc được nói, ban cho anh em mau chóng lắng nghe và theo lời Người, để tuyên xưng đức tin của mình, để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa là Cha”. Cử chỉ này và những lời này có nghĩa là người Ki-tô hữu mới cần phải cởi mở tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, đón nhận đức tin, cất lời ca ngợi và thực hành cuộc sống của người tin.

Tuy nhiên, như đã xảy ra trong những lần chữa lành trước đó (x. Mc 1,43-44; 5,43), Chúa Giê-su yêu cầu sự im lặng về vấn đề này và ra lệnh cho người được chữa lành cũng như những người đi cùng Người không được tiết lộ sự thật. Nhưng, tác giả Tin Mừng lưu ý: Ngài càng cấm thì họ càng công bố và đầy kinh ngạc nói rằng: Ngài đã làm mọi sự thật tốt đẹp: Ngài làm cho kẻ điếc được nghe và kẻ câm nói được! Giờ đây, những người dân ngoại không còn bị loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng có thể lắng nghe chính Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giê-su đã chữa lành họ khỏi bệnh điếc và giờ đây có thể nói cho mọi người biết về những kỳ công do Thiên Chúa của dân Israel thực hiện (x. Mt 15,31).

Trở về với đoạn Tin Mừng trước hết là được gửi đến mỗi người chúng ta. Ép-pha-tha – Hãy mở ra! Do đó, là một lời mời gọi đừng khép kín, đừng ở lì trong vỏ bọc của chính mình, đừng vô cảm trước những nhu cầu của người khác; nhưng luôn sẵn sàng và cởi mở đối với những người đối điện với chúng ta và những người cần một lời nói từ chúng ta để cảm thấy một đời sống đức tin sống động. Ép-pha-tha cũng là mở ra để lắng nghe Lời Chúa, được Giáo hội truyền lại cho chúng ta và để qua đó Chúa đi vào cuộc đời của mỗi người. Âm vang mạnh mẽ của Ép-pha-tha là tiếng kêu mà Thánh Gio-an Phao-lô II đã cất lên vào ngày bắt đầu sứ vụ của ngài với tư cách là mục tử hoàn vũ của Hội thánh trần thế: “Quả thực,(chúng ta) hãy mở rộng mọi cánh cửa cho Chúa Ki-tô!”.

Mở rộng tâm hồn mình với Chúa và tha nhân

Về phần Thánh Phao-lô Tông đồ thì ngài nói rằng “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô” (x. Rm 10,17). Khởi đầu, không thể có đức tin nếu không có sự lắng nghe sâu sắc của con tim. Nhưng chúng ta có bao giờ thực sự cho Chúa cơ hội để trò chuyện với chúng ta không? Có bao giờ chúng ta nói như Sa-mu-en: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe” (x. 1 Sam 3,10).

Chúng ta hãy mở lòng mình ra với Chúa Giê-su và đừng học cách làm ngơ đối với người khác như những người nói xấu Chúa Ki-tô, nói xấu anh em chúng ta, bằng những lời chỉ trích và nói hành nhưng hãy câm điếc trong những việc xấu đó. Thánh tử đạo I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã khuyến cáo các tín hữu của mình: “Hãy điếc khi ai đó nói xấu Chúa Ki-tô (ki-tô hữu)”. Chúng ta học cách “làm ngơ” trước những người xúc phạm hoặc nói xấu chúng ta, để những lời nói đó rơi vào khoảng trống, thay vì đáp trả từng đòn một như kiểu trả đũa. Hành động này sẽ giúp chúng ta tránh được biết bao nhiêu tệ nạn, thói xấu khác, nếu lời nói của ta được thốt ra dù đúng đến đâu đi chăng nữa trong lúc nóng giận thì cũng sẽ bị bỏ ngoài tai mà thôi.

Và để tóm lại, Thánh Gia-cô-bê đã nhắc nhở chúng ta, với tính thẳng thắn thường thấy của mình, ngài nhắc rằng các Ki-tô hữu phải tránh thiên vị cá nhân. Thật không may, trong chúng ta đôi khi đã phân biệt đối xử bao nhiêu lần với nhau! Chúng ta thường tạo ra sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, giữa những người quyền lực và quan trọng cũng như sang trọng với người thấp hèn, với những người khiêm tốn và giản dị.

Xin Chúa cho các cộng đoàn Ki-tô hữu biết tránh bất kỳ sự thiên vị nào, bất kỳ sự kỳ thị nào, bất kỳ sự kiêu căng nào. Về phẩm giá là như nhau đối với tất cả con cái Thiên Chúa, sự khác biệt chỉ là nơi việc phục vụ, và qua lời kêu gọi yêu thương nếu nhiều hơn thì phục vụ nhiều hơn.

Lm. Phê-rô Nguyễn Văn Cao

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org