“Thánh Antôn Đích và Thánh Micae Mỹ là niềm tự hào của dân làng Vĩnh Trị chúng ta, là niềm tự hào của Tổng Giáo Phận. Chúng ta tri ân các ngài với tâm tình hiếu thảo uống nước nhớ nguồn”. Niềm tự hào ấy được Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên nêu gương trong Thánh lễ trọng thể mừng kính hai thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích và Micae Nguyễn Huy Mỹ 184 năm sinh nhật trên thiên quốc, vào thứ Sáu ngày 12/8/2022, tại giáo xứ Vĩnh Trị.
Kỷ niệm sinh nhật Nước Trời thánh Antôn Đích và Micae Mỹ
Cứ vào những ngày đầu tháng Tám hàng năm, giáo xứ Vĩnh Trị lại hân hoan mừng kính hai Thánh Tử đạo quê hương Antôn Nguyễn Tiến Đích (1769-1838) và Micae Nguyễn Huy Mỹ (1804-1838). Chương trình mừng kính hai thánh Tử đạo năm nay được Giáo xứ chuẩn bị chu đáo và tổ chức rất long trọng. Cụ thể, vào lúc 18h00, thứ Năm, ngày 11/8/2022, giáo xứ đã cử hành Thánh lễ mừng kính các ngài do các bạn giới trẻ đảm nhận.
Ngay sau đó, vào lúc 19h00, như xưa dân làng đã dùng những ngọn đuốc để thắp sáng mà rước thi hài hai Thánh nhân về yên nghỉ tại quê hương. Hôm nay, dân làng Vĩnh Trị với những ngọn đuốc trên tay cũng long trọng cung nghinh xương thánh hai vị Tử đạo xung quanh làng Vĩnh Trị.
Kết thúc cuộc cung nghinh, niềm vui ngày mừng kính hai vị Thánh còn được nối dài qua đêm hoan ca và diễn nguyện vào lúc 21h00, với sự tham gia của các bạn trẻ trong Giáo xứ và một số giáo xứ thuộc Giáo hạt Nam Định.
Tình yêu vượt lên trên mọi trở ngại
Dẫu cho cơn mưa to đêm qua đã làm ngập úng cả khuôn viên nhà thờ, đến nỗi Giáo xứ phải dùng đến 3 máy bơm để hút nước. Thế nhưng, với lòng yêu mến Chúa và tỏ lòng hiếu thảo với hai vị thánh Tử đạo quê hương, bà con trong Giáo xứ cũng như từ khắp các Giáo xứ, Giáo họ lân cận đã trở về đông đảo để tham dự Thánh lễ.
Thánh lễ mừng kính hai vị Thánh Tử đạo
Đúng 9h30 ngày 12/8, Thánh lễ mừng kính hai Thánh Tử đạo được cử hành cách long trọng. Hiện diện trong Thánh lễ cùng Đức TGM Giuse còn có Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, người con của Giáo xứ và cũng là con cháu huyết tộc của thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích, cùng quý Cha, quý khách, đông đảo bà con giáo dân trong Giáo xứ và các Giáo xứ, giáo họ lân cận. Đặc biệt ngày lễ còn có sự hiện diện của HĐMV và Ban Nam Nhạc giáo xứ Phạm Pháo thuộc giáo phận Bùi Chu, Ban nhạc đã nhận Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích làm quan thầy, đã về tham dự và phục vụ trong Thánh lễ sốt sắng.
Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn cùng hiệp dâng Thánh lễ trong ngày kính hai vị Thánh Tử đạo để cầu xin các Đấng cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người được noi gương anh hùng của các ngài để trung thành trong đời sống Đức tin giữa một bối cảnh xã hội đầy gian nan thử thách và biết bao cám dỗ.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, mượn hình ảnh cây thập giá để làm nổi bật biểu tượng của Kitô giáo, Đức TGM Giuse đã khẳng định: Chính Chúa Giêsu cũng đã vác cây thập giá trên vai và ngài mời gọi mỗi người hãy vác thập giá mà theo Người. Các thánh Tử đạo là những người vác thập giá Chúa Giêsu. Vào thời bách hại đạo ngặt nghèo, các ngài bị ép phải bước qua thập giá để chối bỏ đạo, nếu không bước qua sẽ bị kết án với những hình khổ ghê rợn. Thế nhưng hai thánh Tử đạo Antôn Đích và Micae Mỹ đã dứt khoát không chấp nhận điều ấy.
Đặc biệt, Đức TGM Giuse mời gọi mọi người hãy noi gương hai vị Thánh Tử đạo 2 bài học về đời sống gia đình và tham gia vào công việc của giáo xứ, giáo hội và xã hội.
Tri ân và sống chứng nhân
Trước khi kết thúc Thánh lễ, một vị đại diện cho Giáo xứ bày tỏ tâm tình tri ân tới Đức TGM Giuse, Đức cha bản hương, quý Cha, quý Thầy, quý Sơ và toàn thể cộng đoàn đã về hiệp dâng Thánh lễ mừng kính hai Thánh Tử đạo của quê hương.
Hai thánh Tử Đạo đã về Trời nhưng gương sáng về chứng nhân kiên trung, quyết giữ vững Đức tin, làm sáng Danh Chúa qua chính cái chết của mình như một bản hùng ca mãi vang ngân trong cuộc đời mỗi tín hữu. Đồng thời là lời mời gọi mỗi người là con cháu nơi quê hương của hai vị Thánh, biết noi gương ngài mà sống xứng đáng là con cái Chúa giữa một thế giới đầy biến động hôm nay.
Tiểu sử hai thánh tử đạo Antôn Nguyễn Tiến Đích và Micae Nguyễn Huy Mỹ
1. Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích
Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích, tên khai sinh là Antôn Nguyễn Tiến Khiêm, sinh năm 1769 tại làng Chi Long, huyện Nam Xang, tỉnh Nam Định (nay là thôn Chi Long, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông được thừa hưởng sự đạo đức thánh thiện của cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Ông thường hay theo mẹ đi lễ ở nhà thờ Nam Xang, nay là xứ Công Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, khi được biết Kẻ Vĩnh là thủ phủ của Địa phận Tây Đàng Ngoài, nơi có nhiều linh mục, thuận lợi cho việc đi lễ, đi nhà thờ, nên bố mẹ ông Đích đã đưa con xuống định cư ở đây từ khi còn nhỏ. Lớn lên, ông Đích đã lập gia đình với người Kẻ Vĩnh và sinh được 10 người con: 5 trai và 5 gái. Hai người con gái đã mất khi chưa lập gia đình nên không có tên trong gia phả, chỉ còn tên của 8 người con: 5 trai và 3 gái.
Người ta quen gọi ông là cụ trùm Đích, nhưng thực chất ông không làm ông trùm. Họ gọi như vậy là do ông siêng năng đi lễ, kinh nguyện tối sớm, thúc giục con cái cũng như cả người làm công trong nhà đi thờ đi lễ, siêng năng công việc nhà Chúa. Ông đặc biệt yêu quý hàng Giáo sĩ, Chủng sinh và hăng say quảng đại giúp đỡ họ về vật chất.
Thời gian Chủng viện Kẻ Vĩnh bị nạn dịch thổ tả năm 1849, Địa phận Tây Đàng Ngoài chết 20 cụ, 6 thầy già Lý đoán, 25 học trò La tinh, 18 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 92.025 bổn đạo. Mặc dù bệnh dịch thổ tả nguy hiểm, nhưng ông vẫn đón nhận một số Thầy Chủng sinh về chăm sóc và chữa bệnh, cho đến khi hoàn toàn bình phục mà không kể lao nhọc tốn phí.
Vì yêu mến Chúa và Giáo hội, nên dù vào thời cấm đạo ngặt nghèo, ông trùm Đích vẫn tình nguyện đón tiếp, cho trú ẩn trong nhà một lớp Chủng sinh Chủng viện Vĩnh Trị suốt hơn hai năm. Đức cha Joseph Havard (Du) cũng thường lưu lại trong nhà cụ trùm.
Vẫn trong thời kỳ cấm đạo ngặt nghèo bởi lệnh vua Minh Mạng, cụ trùm Đích đã giữ cha Giacôbê Đỗ Mai Năm trong nhà. Trong nhà ông Đích có người tên Xuân người làng Tức Mạc, đang làm công ăn lương, được Tổng đốc Trịnh Quang Khanh cài cắm để báo cáo. Người này đã báo cho Tổng đốc biết có Đạo trưởng trong nhà cụ Đích, nên Tổng đốc đã đưa quân về vây làng Vĩnh Trị, bắt được cha Năm. Cụ trùm Đích là chủ nhà chứa chấp cũng bị bắt. Con rể là Lý Mỹ cũng bị bắt vì khẳng định không có Đạo trưởng trong làng, nhưng một lúc sau họ dẫn cha Năm tới. Tất cả bị đưa về pháp trường Bảy Mẫu Nam Định ngày 11/05/1838.
Khi quan Tổng đốc hạ lệnh truyền đánh đòn cụ trùm Đích, thì con rể dõng dạc đứng lên thưa: “Cha tôi đã già nua tuổi tác, xin quan lớn tha cho, tôi xin chịu đòn thay”. Thấy người con rể có lòng hiếu kính, quan chấp nhận lời xin ấy.
Quan Tổng đốc dụ dỗ ông trùm Đích bước qua Thánh giá để về vui hưởng tuổi già với con cháu, nhưng ông vẫn một mực cự tuyệt. Khi nhận được thực phẩm tiếp tế từ gia đình, ông mang chia cho các bạn tù, không phân biệt lương giáo.
Sau 3 tháng 1 ngày bị giam giữ, tra khảo và đánh đập, bình minh ngày 12/08/1838, chứng nhân đức tin Antôn Nguyễn Tiến Đích và Micae Nguyễn Huy Mỹ lãnh án xử trảm do vua Minh Mạng châu phê, tại pháp trường Bảy Mẫu. Linh hài hai Đấng được long trọng rước về làng Vĩnh Trị ngay trong đêm, giữa rừng đèn đuốc sáng rực cả góc trời.
2. Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ
Micae Nguyễn Huy Mỹ chào đời năm 1804 ở trại Đại Đăng, giáp tỉnh Vân Sàng, bây giờ gọi là Ninh Bình. Ông Lý Mỹ còn gọi là Nguyễn Huy Diệu, là con trai cả. Ông Mỹ mồ côi cha lúc 10 tuổi, mồ côi mẹ lúc 12 tuổi. Ông và các em phải ở với người dì. Ông được dì cho học chữ Nho và nghề thuốc.
Ông đã chuyển đến Vĩnh Trị lập nghiệp, và khi đến tuổi kết hôn, ông lấy chị Nguyễn Thị Miễn, người con gái thứ 8 của ông trùm Đích làm vợ. Ông sinh được 8 người con khi ở tuổi 34.
Khi còn bé, ông có tiếng nết na nghiêm trang, có lòng đạo tốt. Khi là thanh niên, ông Mỹ đã có tiếng là người sắc sảo, giỏi giang, ăn nói trôi chảy. Đến khi làng khuyết cai tổng, người làng bầu ông Mỹ làm cai tổng, nhưng ông không nhận. Về sau, Đức cha Du bảo ông Mỹ ra gánh việc Lý trưởng để bênh đỡ Nhà chung và giúp dân trong thời buổi cấm đạo. Ông vâng lời Đức cha ra làm Lý trưởng. Từ đó, người ta gọi ông là Lý Mỹ.
Khi đã có gia đình, ông Lý Mỹ càng sống tốt đạo hơn nữa. Ông chẳng uống rượu, không đánh bạc bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, chăm sóc gia đình và giữ đạo mà thôi. Ông Lý Mỹ thương kẻ khó khăn và hay bố thí cho họ. Đức cha Liêu, Giám mục Tây Đàng Ngoài làm chứng rằng, Nhà chung và dân Kẻ Vĩnh được nhờ ông Lý Mỹ nhiều lắm. Khi đã giúp ai việc gì ông Lý Mỹ không bao giờ lấy của tạ ơn của họ. Ông ấy chẳng ăn bớt của dân một đồng nào, xử kiện phân minh, đánh đòn sửa phạt kẻ có lỗi, chẳng vị nể ai. Hàng tổng khen làng Kẻ Vĩnh yên bình hơn các làng khác.
Thời ông Mỹ làm Lý trưởng cũng là lúc vua cấm đạo rất ngặt. Ông Mỹ tỏ ra vững vàng, lại năng khuyên bảo người ta phải giữ đạo vững vàng trong thời buổi ngặt nghèo ấy. Khi quan tuần phủ Nam Định là Trịnh Quang Khanh, bắt các người lính có đạo trong hạt Nam Định phải bước qua thập giá, ông Lý Mỹ, lúc ấy ở xa, liền gửi thư cho các người lính Vĩnh Trị rằng: “Xin anh em chịu khó đừng bước qua thập giá, chẳng mấy ngày nữa tôi về nhà thì tôi sẽ ra với anh em”.
Sáng ngày 11/05/1838, khi lính quan tuần phủ Nam Định đến vây làng Vĩnh Trị, ông Lý Mỹ đến nhà ông trùm Đích, đưa tin ấy cho cha vợ rằng: “Cha con đồng sinh đồng tử với nhau. Việc Đức Chúa Trời định đã đến rồi”. Lúc ấy, quan Trịnh Quang Khanh ở dưới thuyền lên ngồi tại đình, truyền đòi mọi người trong làng từ mười tám tuổi trở lên đến điểm mục, cùng bảo kỳ mục rằng: “Bao nhiêu Đạo trưởng ở trong làng này thì phải đem nộp, bằng không thì mất đầu”. Ông Lý Mỹ thưa rằng: “Bẩm lạy quan lớn muôn tuổi, ông lớn khám mà bắt được Trưởng đạo Tây, Trưởng đạo Nam hay là đồ đạo quốc cấm thì tôi xin nộp đầu”.
Lý trưởng vừa cam kết xong thì thấy lính điệu cha Năm và ông trùm Đích nộp cho quan. Quan truyền nọc ông Lý Mỹ ra đánh đòn và đóng gông đem xuống thuyền, giải ra tỉnh làm một cùng cha Năm và ông trùm Đích. Quan lớn truyền tra tấn ông Lý Mỹ để ông ấy ngã lòng mà bước qua thập giá. Nhưng mà ông Mỹ chẳng những không bị lay chuyển, mà lại càng vững vàng.
Ngày 12/08/1838, khi được tin vua Minh Mạng châu phê án tử, cả ba vị đã chuẩn bị tâm hồn đón nhận Bí tích Giải tội và rước Mình Thánh Chúa sốt sắng. Cha Năm, ông trùm Đích và ông Lý Mỹ bị chém đầu cùng ngày tại pháp trường Bảy Mẫu.
Cùng với cha Năm, ông Lý Mỹ, ông Trùm Đích được Đức Thánh Cha Lêô XIII phong chân phước ngày 17/05/1900. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Hiển thánh ngày 19/06/1988.
BBT
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: