Giáo xứ làm gì để giúp thực hành con đường nên thánh?

Đức ông Andre Celli nói rằng “Nếu trong giáo xứ chúng ta sống sự kiên nhẫn của tình yêu, sự dịu dàng của Thiên Chúa được tạo nên từ sự hiểu biết và lòng thương xót, chúng ta thực hành nghệ thuật lắng nghe và đối thoại, chúng ta vun trồng các mối quan hệ trong đức tin cầu nguyện và thực hành, và chúng ta thực thi bác ái, thì sự liên minh với Thiên Chúa được trọn vẹn và giáo xứ trở thành nơi thể hiện vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trong hành trình nên thánh của cá nhân và cộng đoàn”.

Từ ngày 13-16/11/2023, tại Roma diễn ra Hội nghị “Chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện”, do Bộ Phong Thánh tổ chức. Đức Hồng y Marcello Semeraro nói rằng việc nên thánh không chỉ là kết quả của sự dấn thân cá nhân, mà là sự cởi mở đón nhận một hồng ân và sau đó là thành quả của cả một cộng đoàn đón nhận Thiên Chúa và trở thành gương mặt cụ thể của tình yêu của Người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Trong bài thuyết trình vào chiều ngày 14/11/2023, Đức ông Andrea Celli, Cha sở Giáo xứ Thánh Pio X của giáo phận Roma đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của một cha sở về vai trò của giáo xứ trong việc thực hiện con đường nên thánh có thể cho mọi tín hữu.

“Sự thánh thiện là gì?”

Khi được mời chia sẻ kinh nghiệm của ngài về sự thánh thiện xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn, Đức ông Andrea Celli đã hỏi một số đại diện của Giáo xứ thuộc các lứa tuổi khác nhau câu hỏi “Sự thánh thiện là gì?”

Serena, một thiếu nữ 17 tuổi đã trả lời: “sự thánh thiện ở trong mỗi chúng ta: nó lớn dần theo thời gian nhờ những nỗ lực và hy sinh mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống hằng ngày để trở thành chứng tá chân thực và cụ thể cho tình yêu của Chúa hiện diện trong mỗi chúng ta. Sự thánh thiện là trở thành người lân cận với người lân cận của chúng ta, đó là phương tiện chính mà chúng ta có trên con đường sẽ dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu“.

Anh Gianclaudio 29 tuổi thì trả lời: “sự thánh thiện là sử dụng những điều không vui đã xảy ra với bạn, để bạn sẽ không trở thành điều không vui cho người khác. Ví dụ, nếu ở thời thơ ấu và tuổi thiếu niên, họ đã đánh bạn và cười nhạo bạn trong nhiều trường hợp, thì ngày nay bạn có thể trở thành một người luôn trìu mến đối với những người bạn gặp trên con đường cuộc sống của mình. Một người có tâm hồn nhân hậu và tràn đầy tình yêu thương, bởi vì chính bạn đã trải nghiệm điều ngược lại có nghĩa là gì“.

Ông Mario 69 tuổi chia sẻ: “Tôi coi sự thánh thiện mình mong muốn là một con đường đau khổ rải rác những thập giá mà nhiều người bịt mắt bước đi để không nhìn thấy chúng, nhưng là nơi có ai đó, không phải vì can đảm mà vì tình yêu, tự mình bước đi, đón nhận các thập giá và nhận thức được sự nhẹ nhàng của chúng, được Thiên Chúa yêu cầu trở thành người Xirenê vác đỡ thập giá cho người khác“.

Bà Anna 87 tuổi thì lại khẳng định rằng đó là “việc thực hiện Kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời tôi”.

Còn đối với Đức ông Andrea Celli, “sự thánh thiện là được dẫn dắt thông qua các chứng nhân, từng bước một, để đón nhận trải nghiệm về cuộc hành trình của Chúa Giêsu, về cuộc sống với Người và do đó với Thiên Chúa, cảm nghiệm lời mời gọi ‘hãy đến và theo Ta’, một lời mời gọi làm thay đổi cuộc sống và làm cho các thụ tạo (con người) trở nên mới mẻ”. Theo Đức ông , giáo xứ có thể là cái nôi sinh hoa trái của tất cả những điều này.

Tái đề xuất sự thánh thiện trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay

Giống như mọi cộng đoàn Giáo hội, giáo xứ sống trong thời gian và không gian (hoạt động trên thế giới), và do đó không thoát khỏi điều kiện văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế của thời đại mình”. Cụ thể, nếu phân tích hoàn cảnh hiện tại chúng ta đang sống, chúng ta thấy: đức tin được coi như một sự kiện riêng tư; thành kiến ​​văn hóa cho rằng mọi thứ đều quan trọng hơn đời sống bí tích, giáo lý, trung tâm sinh hoạt giáo xứ và nói chung các hoạt động mục vụ được đề xuất; gia đình không còn có vai trò “Giáo hội nhỏ tại gia”; dường như người Kitô hữu ngày nay không thể có một cuộc đối thoại có tính phê phán và mang tính xây dựng với thế giới; hành động để hủy diệt sự hiện hữu.

Giáo xứ là nơi hiện thực giấc mơ của Thiên Chúa: mỗi người trở nên thánh

Đức ông Celli khẳng định: Chắc chắn Giáo xứ là một nơi phong phú và hiệu quả để làm chứng và trải nghiệm chiều kích thánh thiện của cộng đoàn. Giáo xứ là một công cụ thuộc về Giáo hội được dành đặc quyền cho các hành trình đức tin khác nhau của cá nhân và cộng đoàn, trong đó sự đa dạng của các đặc sủng và hoạt động mục vụ không phải là dấu hiệu của sự chia rẽ, mà là sự hiệp thông trong sự hiệp nhất của Thánh Thần hoạt động trong tất cả: “ut unum sint” (Xin cho họ nên một), điều mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta trong lời cầu nguyện trong Tin Mừng Gioan chương 17.

Công đồng Vatican II, trong Tông hiến Gaudium et Spes 120 khẳng định rằng trong thân thể Giáo hội, mọi thành viên phải phục vụ lẫn nhau, tùy theo những ơn khác nhau được ban cho họ. Sự liên đới này phải luôn được gia tăng cho đến ngày nó được viên mãn như một gia đình được Thiên Chúa và Chúa Kitô yêu thương.

Trong chiều kích cộng đoàn và đích thực của mình Giáo xứ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi này với Thiên Chúa cách nội tại và cánh chung, và do đó cảm nghiệm được trong chính Giáo xứ việc hiện thực hóa giấc mơ của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta: sự thánh thiện!

Giáo xứ là nơi thể hiện vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa

Đức ông Celli nói: Nếu trong giáo xứ, chúng ta sống sự kiên nhẫn của tình yêu, sự dịu dàng của Thiên Chúa được tạo nên từ sự hiểu biết và lòng thương xót, chúng ta thực hành nghệ thuật lắng nghe và đối thoại, chúng ta vun trồng các mối quan hệ trong đức tin cầu nguyện và thực hành, và chúng ta thực thi bác ái, thì sự liên minh với Thiên Chúa được trọn vẹn và Giáo xứ trở thành nơi thể hiện vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trong hành trình nên thánh của cá nhân và cộng đoàn. Trong Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô Gaudete et exsultate, chúng ta hiểu cộng đoàn là nơi để trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa một cách đặc biệt và sống sự thánh thiện chung của tình yêu trong từng chi tiết nhỏ (các số 140-146).

Cụ thể hơn, chúng ta có thể trải nghiệm hàng ngày kinh nghiệm về sự thánh thiện có thể có trong cộng đoàn giáo xứ nơi khuôn mặt người già, giữa những nếp nhăn trên làn da, dạy chúng ta sự khôn ngoan của trái tim, như là sự chuyển giao cuối cùng sự tổng hợp của cuộc sống của họ; nơi đứa trẻ được đưa đến giếng rửa tội để đón nhận sự sống của Thiên Chúa vốn đã được chứng tỏ bằng sự thanh khiết và vẻ đẹp của nó; ở thanh thiếu niên tham gia vào nhóm giới trẻ với nhiều câu hỏi chưa được giải quyết để tìm kiếm câu trả lời, hoặc ở nhóm thanh thiếu niên gặp khó khăn hơn chơi đùa trong các trung tâm sinh hoạt của giáo xứ hoặc ngồi trên lan can của sân nhà thờ và kích động bằng những lời nói và cử chỉ xúc phạm, đôi khi thậm chí thô tục, trong việc tìm kiếm một mối quan hệ có ý nghĩa; ở lứa tuổi sinh viên đại học hoặc sau đại học bối rối và lo sợ về tương lai không chắc chắn; nơi người trưởng thành bị chia cắt bởi một xã hội áp đặt những nhịp điệu và ưu tiên phi nhân tính hóa; nơi người nghèo đến gõ cửa nhà bạn hoặc sống trên đường phố và liên tục hỏi bạn về khả năng cho đi mọi thứ, “mọi thứ bạn có”, giống như bà góa trong Tin Mừng với hai đồng xu được dâng vào kho của đền thờ; ở một bệnh nhân gắn bó với cuộc sống và đau khổ vì tình trạng của mình.

Làm thế nào để đạt được sự thánh thiện trong sự hiệp thông?

Đức ông Celli trả lời: Trước hết chúng ta cần phải cởi mở và cởi mở. Giáo xứ là nhà của mọi người, là một cửa sổ, hay có lẽ được định nghĩa rõ hơn, là một cánh cửa dẫn vào thế giới. Chúng ta cần phá bỏ các bức tường, hàng rào, cổng, theo mọi ý nghĩa vật chất, xã hội và văn hóa. Điều này dẫn đến một cuộc đối thoại hướng tới mọi người, đến sự lắng nghe và sự chào đón theo tinh thần Phúc Âm. Khi đó, việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và đời sống bí tích là cần thiết, không phải như một nghĩa vụ phải tuân theo những giới luật áp đặt, nhưng với sự chú ý đặc biệt đến từng chi tiết cho thấy cho một hình thức đáng yêu quý của đời sống cộng đoàn, để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của giáo dân, và nói chung hơn của những người sống trong khu vực.

Khi đó, việc bác ái được hiểu là sự giúp đỡ và hỗ trợ chính cho nhu cầu vật chất của những người đến xin giúp đỡ, nhưng cũng là nền bác ái văn hóa được thể hiện bằng sự phát triển về chủ đề thăng tiến con người và xây dựng nền văn minh tình yêu, trong đối thoại thời đại của chúng ta.

Đằng sau những dấu hiệu đơn giản này là những khuôn mặt, thể xác, tâm trí, tâm hồn của những người thực hiện chúng, những người hy sinh và sử dụng thời gian cũng như nguồn lực của cá nhân và gia đình; đằng sau và bên trong những người này – nhỏ hay lớn, khỏe mạnh hay bệnh tật, tín hữu hay ít tín hữu – ẩn chứa một chứng từ phong phú và sinh động về đời sống Phúc âm và sự thánh thiện.

Giáo xứ có thể giúp thực hiện con đường nên thánh, bằng cách:

– tái lập các lý do để tin tưởng và ở bên nhau, nghĩa là để hiệp thông, với đời sống Kitô giáo đan xen với các mối quan hệ cá nhân có Chúa Kitô là trung tâm;

– chịu trách nhiệm về con đường nên thánh của mọi người trong việc chia sẻ đầy đủ các kinh nghiệm về cuộc sống và đức tin, trong một loại “ngôi nhà chung”, nơi chia sẻ những biến cố trong cuộc sống đời thường, để giải thích văn hóa đương đại với sự khôn ngoan của đức tin, để nắm bắt các nhu cầu, những mối quan tâm và niềm vui của người khác, xây dựng những nhịp cầu hòa bình, tình yêu và tình liên đới.

Những câu hỏi

Làm thế nào tôi có thể phục vụ những trẻ em, người trẻ, người già, người bệnh, v.v.?

Làm thế nào tôi có thể giúp đỡ vật chất cho những người nghèo này?

Làm thế nào tôi có thể sẵn sàng trong tình huống cụ thể này?

Làm thế nào để ở gần nỗi đau khổ này?

Câu trả lời cho những câu hỏi này xác định mục tiêu, ưu tiên, công cụ, cách sử dụng nguồn lực, sự hợp tác và sự dấn thân của cuộc sống. Đó là vấn đề hiện thực hóa sự thánh thiện khả thi, với một phong cách vui tươi hiệp thông.

Nguồn: Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print