Hãng tin CNA đã liên hệ với 3 linh mục, những vị đang phục vụ không mệt mỏi để tiếp cận đến những cộng đồng ở hai bên biên giới này. Các ngài mang đến cho họ sự an ủi, niềm hy vọng và trợ giúp về vật chất cũng như tinh thần.
Vào ngày 07/10/2023, khi các chiến binh Hamas tấn công Israel, mối thù địch giữa Hezbollah và Israel lại tiếp diễn. Điều đó khiến các tín hữu Ki-tô giáo ở cả hai bên biên giới Lebanon-Israel rơi vào khó khăn.
Thị trấn Kiryat Shmona và Safad ở Israel cũng như thị trấn Deir Mimas và Naqura ở Lebanon là một số địa điểm thường xuyên diễn ra bạo lực. Nhưng đây cũng là nơi sinh sống của các cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ.
Hãng tin CNA đã liên hệ với 3 linh mục, những vị đang phục vụ không mệt mỏi để tiếp cận đến những cộng đồng ở hai bên biên giới này. Các ngài mang đến cho họ sự an ủi, niềm hy vọng và trợ giúp về vật chất cũng như tinh thần.
Cha Rody Noura, 37 tuổi, là một linh mục của Giáo hội Maronite. Hàng ngày, cha lái xe từ Acre để thăm khoảng 4.000 giáo dân tại các thị trấn ở miền bắc Israel. Họ đều là người Lebanon đến đây từ tháng 5/2000, sau khi quân đội Israel rút khỏi Lebanon. Mỗi ngày ra khỏi nhà, cha Noura đều cầu nguyện cùng Chúa gìn giữ an toàn.
Cha Sandy Habib, 45 tuổi, cũng là một linh mục của Giáo hội Maronite. Giáo xứ Jish của ngài có khoảng 3.000 người với 60-65% trong số họ là Ki-tô hữu. Ngôi làng nằm dưới chân núi Meron, cách biên giới Lebanon vài km. Cha Habib cho biết niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô mang lại cho ngài sức mạnh để tiếp tục làm những gì ngài đang làm bất chấp những khó khăn. “Chúng ta cần hòa bình, công lý và tình yêu, và điều đó chỉ có được nhờ Đức Giê-su Ki-tô”, cha nói.
Ở phía biên giới Lebanon, Cha Toufic Bou Mehri, 55 tuổi, là bề trên tu viện dòng Phanxicô ở Tyre. Ngài phục vụ các tín hữu theo Nghi lễ Latinh sống rải rác ở các làng phía nam Lebanon. Cha cho biết ngài và các tín hữu chưa bao giờ bỏ lỡ việc cử hành Thánh lễ Chúa nhật.
Vị linh mục truyền lửa đức tin từ câu chuyện của chính mình
Theo Cha Noura, tình hình ở miền bắc Israel “rõ ràng là bình thường”. Mọi người đi làm, trẻ em đi học. Nhưng không phải mọi thứ đều như trước đây. Nhiều người có người thân, bạn bè ở bên kia biên giới.
Cha Noura đến thăm những người bệnh, những gia đình gặp khó khăn và những người đi sơ tán hiện đang sống trong các nhà nghỉ (khoảng 800 người). Bên cạnh đó, cha dạy giáo lý cho trẻ em. Ngài nói: “Chỉ với Chúa Ki-tô, ngay cả giữa chiến tranh mới có hy vọng, giữa cái chết có sự sống lại”.
Ngài mang đến cho các tín hữu của mình thông điệp về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cũng chính tình yêu đã thay đổi cuộc đời ngài khi còn là một thiếu niên. Năm 13 tuổi, ngày ngày cậu Noura cùng hàng nghìn người khác phải chạy trốn khỏi Lebanon và đến Israel. Tất cả đều bị coi là những người phản bội vì họ thuộc lực lượng dân quân thân Israel hoặc có quan hệ và tiếp xúc với người Israel.
Sau đó, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và một cộng đồng Công giáo đã mang đến hy vọng cho Noura. Vì lý do này, cha Noura nói: “Khi đối mặt với cuộc chiến này, chúng ta muốn chọn điều tốt lành, đó là Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su đã nói: ‘Hãy yêu kẻ thù của mình’. Chọn Đức Ki-tô là chọn tình yêu, yêu thương mọi người”.
Vị linh mục gieo hạt mầm đức tin nơi người trẻ
Cha Habib, linh mục giáo xứ Jish, cũng đồng tình: “Từ khóa trong Ki-tô giáo là tình yêu: Yêu Chúa, yêu người và yêu kẻ thù”.
Phóng viên CNA đã gặp cha Habib ở Jerusalem cùng với một nhóm 30 bạn trẻ thuộc Phong trào Tông đồ. Nhóm này thành lập cách đây 25 năm với mục đích “đưa chúng ta đến gần Chúa Giê-su hơn”. Nhóm đang tổ chức trại hè cho trẻ em và thanh thiếu niên dự kiến vào nửa đầu tháng 8. Năm ngoái, có khoảng 300 người tham gia và dự kiến số người tham dự năm nay cũng sẽ tương tự.
Cha kể lại những tháng đầu của cuộc chiến, mọi hoạt động bên trong nhà thờ đều phải tạm dừng, đặc biệt là các hoạt động với thiếu nhi. Thỉnh thoảng, họ nghe thấy tiếng pháo và còi báo động rất lớn. Điều này gây ra một số hoảng loạn. Từ giữa tháng 2, cộng đoàn đã trở lại nhà thờ và bắt đầu lại các hoạt động trong giáo xứ.
Cha Habib cố gắng dạy những em nhỏ “tầm quan trọng của việc giữ vững đức tin, tin tưởng vào Chúa Giê-su, Đấng duy nhất có thể mang lại sự bình an thực sự trong tim”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta cầu nguyện cho mọi người vì mỗi con người đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”.
Vị linh mục không chùn bước dưới mưa bom bão đạn
Trong khi đó, cha Mehri chia sẻ rằng ngài luôn phải cố gắng đi càng nhanh càng tốt đến thị trấn Deir Mimas. Máy bay không người lái của Israel có thể nhầm ngài với quân Hezbollah và tấn công ngài. Vì thế, ngài không bao giờ ở lại quá 3h chiều.
Trong số 40 gia đình từng sinh sống trong giáo xứ, giờ chỉ còn lại 18 gia đình. Một số quay trở lại sau vài tháng đầu tiên vì họ không đủ khả năng chi trả chi phí sinh hoạt. Mỗi Chúa nhật, Cha Mehri mang theo các gói thực phẩm và rau tươi nhờ sự hỗ trợ của Đại diện Tông tòa Beirut, các hội dòng và tổ chức.
Chờ đợi Cha Mehri vào mỗi Chúa nhật hàng tuần là một giáo dân tên Lena, người luôn trông coi nhà thờ. Hàng ngày bà thắp một ngọn nến trước tượng Đức Mẹ và cầu nguyện cho hòa bình.
Vào tháng 3, “bốn tên lửa rơi xuống cánh đồng ngay bên ngoài ngôi làng”, Cha Mehri kể lại. Một chiếc thậm chí còn rơi trúng nghĩa trang. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản cha.
“Người ta gọi tôi là ‘cha’. Để sống như một linh mục quản xứ, tôi không thể đánh mất mối liên kết này. Tôi không thể để họ thiếu Thánh lễ và các bí tích”, cha chia sẻ.
Theo CNA
Biên dịch: Khánh Ly – WTGP HN
TIN LIÊN QUAN: