Ngày 2/10/2024, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô chủ sự Thánh lễ khai mạc phiên họp thứ II của Đại đồng thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục tại Quảng trường Thánh Phê-rô. Phiên họp này sẽ kéo dài từ ngày 2/10 đến ngày 27/10 với chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.
Thánh lễ diễn ra long trọng với sự hiện diện của hàng trăm tham dự viên là các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Được biết, Đại hội có tổng cộng 368 tham dự viên có quyền bỏ phiếu, trong đó có 272 Đức Giám mục, 96 người không phải là Giám mục.
Trong Thánh lễ, ĐTC Phan-xi-cô cho biết ngài sẽ đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ngày 6/10 để cầu nguyện xin hòa bình với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và đọc Kinh Mân Côi.
ĐTC cũng mời gọi mọi thành phần dân Chúa dành ngày 7/10 là ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình thế giới và cầu nguyện cho bạo lực sớm chấm dứt.
Ngài nói: “Chúng ta hãy tiếp tục hành trình của Giáo hội với ánh mắt hướng về thế giới. Bởi vì cộng đồng Ki-tô giáo luôn phục vụ nhân loại, để loan báo niềm vui của Tin Mừng cho tất cả mọi người. Điều này là cần thiết, đặc biệt là trong giờ phút bi thảm này của lịch sử, khi những cơn gió chiến tranh và ngọn lửa bạo lực tiếp tục khuấy động toàn bộ các dân tộc và quốc gia”.
Được biết, sau Thánh lễ khai mạc, phiên họp khoáng đại đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ bắt đầu vào lúc 4h00 chiều theo giờ Roma. Trong những ngày kế tiếp, Thượng Hội đồng Giám mục sẽ tiếp tục có những phiên khoáng đạt, thảo luận theo nhóm nhỏ, các buổi thảo luận bàn tròn chia theo ngôn ngữ.
Một đặc điểm mới nữa là bốn diễn đàn thần học-mục vụ sẽ mở cửa cho tất cả mọi người vào ngày 9/10 và ngày 16/10. Mỗi diễn đàn sẽ đề cập đến chủ đề được chọn từ quan điểm giáo hội học, trong tương quan với nội dung của Tài liệu làm việc.
Vào ngày 21/10, Thượng Hội đồng Giám mục sẽ bước vào ngày tĩnh tâm nhằm phân định bản dự thảo tài liệu cuối cùng. Kết luận của hai phiên họp toàn cầu năm 2023 và 2024 sẽ được Đức Giáo Hoàng phê duyệt, sau đó dự kiến sẽ được thực hiện tại tất cả các Giáo hội địa phương. Mục đích cuối cùng là để tạo ra một Giáo hội Công giáo biết lắng nghe và tham gia nhiều hơn trên toàn thế giới.
Khánh Ly tổng hợp sự kiện
TIN LIÊN QUAN: