Đức Thánh Cha đã tiếp đón phái đoàn đến từ Liên đoàn bóng rổ Ý trong buổi tiếp kiến chung. Sau khi nhớ lại trận đấu đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phê-rô vào năm 1955, trước mặt Đức Thánh Cha Pio XII, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhắc lại rằng thể thao giúp cho trở nên đoàn kết và có được một mục tiêu, là “liều thuốc cho giới chủ nghĩa cá nhân của xã hội chúng ta”.
Andrea De Angelis – Thành Vatican
Lời mời gọi tạo ra đội tuyển đi kèm với kỉ luật. Sau đó là một nhiệm vụ: biết dạy cho những người trẻ hướng tầm nhìn lên cao, đặc biệt là những người hay đưa mắt nhìn xuống thấp. Vì ai chơi bóng rổ thì đều hướng mắt nhìn lên bầu trời. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã phát biểu với phái đoàn của Liên đoàn bóng rổ Ý tiếp kiến hôm nay tại Vatican nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày thành lập. Tại Sala Clementina có khoảng 70 người đã có mặt do chủ tịch Liên đoàn dẫn đầu là ông Gianni Petrucci.
Trận đấu đó đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phê-rô
Sau khi cảm ơn ông Petrucci về những lời chào chúc, Đức Thánh Cha đã nhắc lại trận đấu bóng rổ sôi nổi diễn ra tại quảng trường Thánh Phê-rô vào năm 1955 trước sự chứng kiến của Đức Pio XII. Đó là ngày 10-10-1955 và hai đội Serie A cùng thi đấu: Stella Azzurra và Vis Benelli Pesaro. “Trong kí ức lịch sử của các bạn thì vẫn luôn sống động một kỉ niệm về một trận đấu vào năm 1955 tại quảng trường Thánh Phê-rô trước mặt Đức Pio XII và cũng là cả trong những năm tiếp theo – Đức Thánh Cha đã phát biểu – mối quan hệ giữa Giáo Hội và thế giới thể thao luôn được vun trồng trong việc nhận thức rằng cả hai đều nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của con người theo những cách khác nhau và đều cống hiến sự đóng góp quý báu cho xã hội của chúng ta”.
Xây dựng đội chơi
Vì vậy, Đức Phan-xi-cô đã muốn nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng của các hoạt động thể thao. “Điều đầu tiên là thiết lập đội chơi. Có một vài môn thể thao được gọi là chơi cá nhân; tuy nhiên – ngài khẳng định – thể thao luôn giúp cho mọi người tương tác với nhau, tạo ra mối quan hệ ngay cả giữa những người khác nhau, thường thì chưa biết nhau, thậm chí là đến từ những bối cảnh khác biệt nhưng họ đoàn kết lại và tranh đấu vì cùng một mục tiêu chung.” Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như sau: có hai điều quan trọng là trở nên đoàn kết và có cùng một mục tiêu. Hiểu như vậy, thể thao là một liều thuốc cho giới chủ nghĩa cá nhân của xã hội chúng ta”. Ngài nói tiếp: “Qua vai trò thể thao, các bạn nhớ cho rằng giá trị của tình huynh đệ thì cũng chính là hướng tới trọng tâm của Tin Mừng”.
Kỉ luật
Vì vậy, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tập trung vào hai khía cạnh: “Thái độ của người thể thao là kỉ luật. Nhiều bạn trẻ và người lớn đam mê thể thao, họ theo dõi và cổ vũ cho các bạn, đôi khi họ không thể tưởng tượng được hậu trường một trận đấu thì tốn biết bao nhiêu là công sức và biết bao nhiêu lần cho sự tập luyện phải có. Và điều này đòi hỏi rất nhiều kỉ luật không chỉ về thể chất nhưng còn cả về nội tâm: rèn luyện thể hình, độ bền, việc để tâm cho một đời sống có trật tự trong lịch trình giờ giấc, chế độ dinh dưỡng, việc nghỉ ngơi sau những lần tập luyện khó khăn.” Đức Thánh Cha đã định nghĩa kỉ luật là “một ngôi trường về đào tạo và giáo dục, đặc biệt đối với các trẻ và thanh thiếu niên. Kỉ luật giúp chúng ta hiểu là nó quan trọng biết bao – và xin lỗi các bạn là nếu tôi trích dẫn lời Thánh I-nha-xi-ô thành Loyola rằng: hãy học cho biết cách sắp đặt cách trật tự trong đời mình. Kỉ luật này không nhằm mục đích biến chúng ta thành những người cứng nhắc, nhưng làm cho chúng ta trở thành những người có trách nhiệm: đối với bản thân mình, đối với những gì đã được trao phó cho ta, đối với người khác, đối với đời sống nói chung.” Kỉ luật nội tâm cần thiết ngay cả trong đời sống thiêng liêng, vì “thiếu vắng sự rèn luyện nội tâm thường xuyên nên đức tin có nguy cơ bị tàn lụi”.
Luôn có một cú ném ở tư thế sẵn sàng
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi muốn nói điều cuối cùng chỉ về suy nghĩ đối với môn bóng rổ. Môn thể thao của các bạn là loại hình thể thao đưa người ta lên cao hướng tới trời, bởi vì – như một cựu cầu thủ nổi tiếng đã từng nói rằng – nó là một môn thể thao nhìn lên cao, hướng tới rổ, và vì vậy, đó chính là một thách đố thực sự và đúng nghĩa đối với tất cả những ai đã quen lối sống luôn đưa đôi mắt nhìn xuống đất. Tôi hy vọng rằng thách đố này có thể là đối với các bạn và cũng là một nhiệm vụ cao cả: hãy khuyến khích việc vui chơi lành mạnh giữa các trẻ em và thanh thiếu niên, hãy giúp những người trẻ biết nhìn lên cao, để không bao giờ bỏ cuộc, biết khám phá ra rằng cuộc sống là một hành trình được tạo nên từ những thất bại và chiến thắng, nhưng điều quan trọng là không đánh mất đi ước muốn được chơi trận đấu”. Vì vậy, Đức Thánh Cha đã nói về “một cú ném” luôn ở một tư thế sẵn sàng”: “Khi trong đời mình mà chưa đưa bóng vào rổ thì chưa hẳn bạn là kẻ thua cuộc. Bạn có thể luôn tiếp tục lại từ đầu xuống sân chơi, bạn vẫn có thể tham gia đội chơi với những người khác và bạn luôn tìm thử cho mình một cú ném đưa vào rổ”.
Sự thất bại
Cho nên, bạn cần thử một cú ném khác và phải biết chấp nhận sự thất bại. Đức Thánh Cha đã kết luận như sau: “Người ta kể cho tôi nghe rằng một trong những ngày này, tôi không biết ở đâu, nhưng đã từng xảy ra với một người chiến thắng và một người được cho là về nhì – người không có khả năng thực hiện được chiến thắng. Và người về nhì này đã hôn chiếc huy chương kia”. Đó là một cử chỉ nói lên rất nhiều điều. Đức Thánh Cha khẳng định: “Người về nhì này dạy cho chúng ta rằng ngay cả khi thất bại thì người ta có thể có được một lần nào đó sự chiến thắng. Chấp nhận sự thất bại qua sự trưởng thành, vì điều này làm cho bạn lớn lên, làm cho bạn hiểu ra rằng đời sống không phải tất cả đều là ngọt ngào, không phải tất cả luôn luôn là sự chiến thắng. Đôi lần thất bại chính là kinh nghiệm cho ta. Và khi một vận động viên nam, một vận động viên nữ biết thắng vượt sự thất bại ấy, với chính phẩm giá, bằng tình người, với con tim rộng mở – ngài kết rằng – thì điều này mới thực sự là một vinh dự, mới thực sự là vinh quang nhân loại”.
Thế kỉ của lịch sử
Liên đoàn bóng rổ Ý là cơ quan quản lý môn thể thao này tại Ý. Khai sinh ngày 02-9-1921, do đó, Liên đoàn đang chuẩn bị mừng kỉ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình. Đầu tiên, tên của Liên đoàn từng là Liên đoàn Basket-Ball. FIB có trụ sở ở Roma và được liên kết với Coni (Ủy ban Olympic quốc gia Ý), hơn nữa, cũng là thành viên của FIBA (Liên đoàn bóng rổ quốc tế) ở cấp độ quốc tế nơi đó được đại diện bởi các đội tuyển quốc gia nam và nữ. Từ năm 2013, chủ tịch là ông Gianni Petrucci, người đã giữ vai trò này từ năm 1992 đến năm 1999. Trong những năm đó, chính xác là vào năm 1994, các cầu thủ bóng rổ của Serie A lần đầu tiên từng được công nhận là các cầu thủ chuyên nghiệp.
Chuyển ngữ: Văn Cao
Nguồn: Vatican News
TIN LIÊN QUAN: