Chiều thứ Tư, 02/02, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, cũng là Ngày Đời sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ngài mời gọi các tu sĩ hăng say canh tân đời sống; tự hỏi điều gì thúc đẩy con tim và hành động; đâu là cái nhìn đổi mới mà mỗi người được mời gọi; và trên hết hãy ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay và kiên nhẫn chờ đợi lòng trung thành của Chúa, không để ai lấy đi niềm vui gặp Chúa mỗi ngày.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ các dòng tu João Braz de Aviz, hơn 20 Hồng y và Giám mục, cùng gần 400 linh mục, với sự hiện diện của nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Thánh lễ được bắt đầu với nghi thức làm phép nến do Đức Thánh Cha chủ sự. Sau đó, ngài cùng với đoàn đồng tế và một số bề trên nam nữ, đại diện cho các hình thức đời sống Thánh hiến khác nhau, tiến đến Bàn thờ chính.
Trong bài giảng Thánh lễ, đi từ trình thuật của Tin Mừng (Lc 2,22-40) nói về việc Đức Mẹ và Thánh Giuse lên Giêrusalem tiến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa, Đức Thánh Cha tập trung vào ba hành động của ông Simêon: được Thần Khí thúc bách, nhìn thấy ơn cứu độ nơi Hài Nhi, và sau cùng ẵm lấy Hài Nhi trên tay.
Chúng ta được điều gì thôi thúc?
Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: “Điều gì thôi thúc chúng ta?”. Ngài giải thích rằng, ông Simêon lên Đền thờ Giêrusalem vì được Thần Khí thôi thúc. Như vậy, trong trường hợp này, Thánh Thần là nhân vật chính. Chính Thánh Thần khơi lên trong tâm hồn ông Simêon lòng khao khát Thiên Chúa. Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta được lay động bởi Thánh Thần hay tinh thần thế gian?”. Bởi vì, đôi khi người thánh hiến có nguy cơ tìm kiếm những kết quả, mục tiêu, thành công, vị trí. Trái lại, Thánh Thần thì luôn mời gọi lòng trung thành. Trung thành như ông Simêon và bà Anna ngày ngày lên Đền thờ cầu nguyện và chờ đợi không nản lòng hay than phiền.
Mắt chúng ta nhìn thấy gì?
Câu hỏi tiếp theo được Đức Thánh Cha đưa ra là: “Mắt chúng ta nhìn thấy gì?”. Ngài nói: “Ông Simêon thấy ơn cứu độ. Đây là phép lạ vĩ đại của Đức tin: làm mở mắt và biến đổi cái nhìn”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng mắt cụ già Simêon mờ đi nhưng đã nhận ra Chúa. Vậy trong đời sống thánh hiến, chúng ta nhìn thấy điều gì? Thế gian thì cho rằng đời sống thánh hiến là một sự “lãng phí”, nhưng chúng ta thấy gì? Chúng ta có khả năng nhìn xa trông rộng của đức tin không? Đức Thánh Cha nói ngài vui khi thấy những người thánh hiến lớn tuổi nhưng vẫn tiếp tục mỉm cười với đôi mắt sáng ngời, mang lại hy vọng cho những người trẻ, mở ra tương lai.
Chúng ta nắm giữ gì trong tay?
Đức Thánh Cha đi đến câu hỏi sau cùng: “Chúng ta nắm giữ gì trong tay?”. Và ngài khẳng định rằng trong Tin Mừng hình ảnh ông Simêon ẵm Hài Nhi trong tay là một hành động đầy ý nghĩa và dịu dàng. Thiên Chúa đã đặt vào đôi tay của ông Con của Người, bởi vì đón nhận Chúa Giêsu là điều chủ yếu, trung tâm của đức tin.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Ông Simêon cất lên lời chúc tụng Thiên Chúa. Nếu đời sống thánh hiến thiếu lời chúc tụng và thiếu niềm vui, nếu đời sống huynh đệ chỉ là sự mệt mỏi, thì đó không phải vì chúng ta là nạn nhân của một ai đó, mà bởi vì đôi tay chúng ta không ôm lấy Chúa Giêsu nữa”. Ngài khẳng định: “Nếu chúng ta đón Chúa với vòng tay mở rộng thì chúng ta cũng đón tiếp người khác với sự tin tưởng và khiêm nhường. Khi đó xung đột trong đời sống không trở nên trầm trọng”.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ hăng say canh tân đời sống; tự hỏi điều gì thúc đẩy con tim và hành động; đâu là cái nhìn đổi mới mà mỗi người được mời gọi; và trên hết hãy ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay; và nếu cảm thấy khó khăn và mệt mỏi thì, như ông Simeon và bà Anna, hãy kiên nhẫn chờ đợi lòng trung tín của Chúa, và không để ai lấy đi niềm vui gặp Chúa mỗi ngày.
Ngọc Yến – Vatican News
TIN LIÊN QUAN: