Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo của Nam Sudan dừng đổ máu, đừng biến nước này thành nghĩa trang nhưng hãy giúp nó trở lại là ngôi vườn xinh đẹp.
Sau khi viếng thăm xã giao Tổng thống và các Phó Tổng thống của Cộng hoà Nam Sudan, Đức Thánh Cha đã đến hoa viên của Dinh Tổng thống để gặp gỡ các cấp chính quyền, xã hội dân sự của Nam Sudan và ngoại giao đoàn tại nước này.
Khoảng 250 người gồm các lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các nhân vật ngoại giao và các đại diện xã hội dân sự đã hiện diện để chào đón Đức Thánh Cha.
Cùng Đức Thánh Cha đến thăm Nam Sudan có Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby của Canterbury và vị Điều hành Đại Hội đồng Giáo hội Scotland.
Sau bài nói chuyện của Tổng thống Nam Sudan, trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha kêu gọi các vị lãnh đạo của Nam Sudan hãy là những nguồn nước mát tưới cho đất nước khô cằn vì bạo lực và xung đột. Ngài kêu gọi đừng đổ máu, dừng bạo lực, thôi phá huỷ và nhất là chống nạn tham nhũng.
Cuộc hành hương vì hòa giải và hoà bình
Đức Thánh Cha khẳng định ngay từ đầu rằng ngài đến Nam Sudan “như một người hành hương hòa giải, với ước mơ được đồng hành với quý vị trên con đường dẫn đến hòa bình, một con đường cong queo nhưng không thể trì hoãn được nữa. Và ngài nói rằng ngài bắt đầu cuộc hành hương đại kết vì hòa bình này sau khi nghe thấy “tiếng kêu của cả một dân tộc đang than khóc vì bạo lực mà họ phải gánh chịu, vì tình trạng thiếu an ninh kéo dài, vì sự nghèo đói tấn công họ và những thảm họa thiên nhiên hoành hành.”
Từ hình ảnh sông Nile, con sông dài nhất thế giới, cũng chảy qua Nam Sudan, với những nguồn mạch của nó, Đức Thánh Cha suy tư về những nguồn suối tươi mới và đầy sức sống để tưới mát lại cho đất nước Nam Sudan bị khô cằn vì xung đột và chiến tranh.
Lời kêu gọi các nhà lãnh đạo
Trước hết, theo Đức Thánh Cha, các nhà lãnh đạo chính là những nguồn suối này, “những nguồn suối tưới mát sự chung sống, những người cha, người mẹ của đất nước non trẻ này.” Ngài nói: “Quý vị được kêu gọi tái tạo đời sống xã hội, như những nguồn thịnh vượng và hòa bình trong lành, bởi vì người dân Nam Sudan cần điều này: cần những người cha chứ không cần những ông chủ; cần những bước phát triển ổn định chứ không cần sự sa sút không ngừng.”
Đừng đổ máu nữa!
Để Nam Sudan không bị biến thành một nghĩa trang, mà trở lại là một khu vườn tươi tốt, Đức Thánh Cha cầu xin các vị lãnh đạo chấp nhận một lời đơn giản, của Chúa Kitô. Đó là “đừng đổ máu nữa, đừng xung đột nữa, bạo lực và buộc tội lẫn nhau chống lại những người phạm tội đã đủ rồi, đừng để người dân phải đói khát hòa bình nữa. Phá hủy đã đủ rồi, đã đến lúc xây dựng! Hãy bỏ lại đàng sau thời gian chiến tranh và để thời gian hòa bình bừng lên!”
Quyền hành là để phục vụ cộng đồng
Tiếp đến, nói về tên gọi Cộng hoà của Nam Sudan, nghĩa là thừa nhận quốc gia là một thực tại chung, của mọi người và mọi người đều có trách nhiệm chủ trì và điều hành, vì công ích. Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Mục đích của quyền hành là để phục vụ cộng đồng.” Ngài cảnh giác về cám dỗ dùng quyền lực để mưu ích riêng và nói rằng cần thực sự mang tính cộng hoà, “bắt đầu từ những thiện ích chính yếu: nguồn tài nguyên dồi dào mà Chúa đã ban cho miền đất này không để dành riêng cho một số ít người, mà là gia sản của tất cả mọi người, và các kế hoạch phục hồi kinh tế phải tương ứng với các dự án để phân phối của cải một cách công bằng.”
Cổ võ dân chủ
Sự phát triển của một nền dân chủ lành mạnh là nền tảng cho sự tồn tại của một nền Cộng hòa. Đức Thánh Cha giải thích rằng dân chủ bảo về sự phân biệt đúng đắn về các quyền lực; nó cũng bao gồm việc tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình.
Cùng nhau
Đức Thánh Cha nói rằng đã đến lúc biến lời nói thành hành động, đến lúc dấn thân thực hiện một sự biến đổi khẩn cấp và cần thiết. Ngài nói: “Chúng ta hãy hiểu nhau và thực hiện Thỏa thuận hòa bình, cũng như Lộ trình! Trong một thế giới đầy chia rẽ và xung đột, đất nước này tổ chức một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, một điều hiếm có; nó là một sự thay đổi đường hướng, một cơ hội để Nam Sudan bắt đầu chèo thuyền trở lại trong vùng nước lặng, nối lại đối thoại, không có sự giả hình và chủ nghĩa cơ hội. Ước gì đây là cơ hội để mọi người làm sống lại niềm hy vọng: ước gì mỗi người dân hiểu rằng không còn thời gian để mình bị cuốn theo dòng nước không lành mạnh của hận thù, của chủ nghĩa bộ tộc, chủ nghĩa vùng miền và khác biệt sắc tộc; đã đến lúc cùng nhau chèo thuyền hướng tới tương lai!”
Gặp gỡ
Sông Nile Trắng, với dòng nước thật trong, được tạo thành bởi sự hợp lưu của sông Nile với một dòng sông khác ở Hồ No. Nói cách khác, nó phát sinh từ một cuộc gặp gỡ. Từ đó, Đức Thánh Cha nhận định rằng “nếu đằng sau mọi bạo lực là sự tức giận và oán giận, và đằng sau mọi tức giận và oán giận là ký ức chưa lành về những vết thương, sự sỉ nhục và sai trái, thì cách duy nhất để thoát khỏi điều này là gặp gỡ: đón nhận người khác như anh em và dành chỗ cho họ, ngay cả khi nó có nghĩa là lùi lại phía sau. Thái độ này, cần thiết cho các tiến trình hòa bình, cũng không thể thiếu cho sự phát triển gắn kết của xã hội.”
Vai trò của người trẻ và phụ nữ
Đức Thánh Cha kêu gọi dành không gian cho người trẻ để họ hành động cho tương lai. Ngài cũng kêu gọi cho phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các tiến trình chính trị và ra quyết định. “Các phụ nữ cần được tôn trọng, vì ai bạo hành phụ nữ là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy thân thể từ một người phụ nữ.”
Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha kêu gọi quốc gia trẻ trung Nam Sudan khám phá lại mầu nhiệm của sự gặp gỡ, ân sủng của tập thể. “Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, đã dạy chúng ta rằng chúng ta càng trở nên bé nhỏ, dành chỗ cho người khác và đón nhận mọi người lân cận như anh chị em, thì chúng ta càng trở nên vĩ đại hơn trước mắt Chúa.” “Chúng ta cần nhìn vượt trên các nhóm và sự khác biệt để bước đi như một dân tộc duy nhất, trong đó, như đã xảy ra với sông Nile, các nhánh khác nhau mang lại sự phong phú.” Đặc biệt Đức Thánh Cha kêu gọi đảm bảo sự an ninh cần thiết cho các nhà hoạt động cứu trợ nhân đạo và để công việc của họ được hỗ trợ cần thiết.
Bảo vệ thiên nhiên
Nói về những thảm kịch thiên nhiên, Đức Thánh Cha nói về thiên nhiên bị thương tích và tàn phá, và từ chỗ là nguồn sống có thể trở thành mối đe doạ chết chóc, như gây nên lũ lụt. Ngài mời gọi phải quan tâm đến thiên nhiên và nghĩ đến tương lai và các thế hệ mai sau. Đặc biệt ngài nói rằng cần chống lại nạn phá rừng do lòng tham lợi nhuận gây ra.
Chống tham nhũng
Một lần nữa, dùng hình ảnh làm sạch lòng sông để tránh lũ lụt, Đức Thánh Cha nói rằng đời sống xã hội Nam Sudan cũng cần được tẩy rửa bằng cuộc chiến chống tham nhũng. Ngài nói: “Sự phân phối các nguồn quỹ không công bằng, những kế hoạch bí mật để làm giàu, những thỏa thuận bảo trợ, sự thiếu minh bạch: tất cả những điều này làm ô nhiễm lòng sông của xã hội loài người, khiến cho những nơi cần nhất lại thiếu các nguồn lực. Trước hết, cần phải chống lại sự nghèo đói, là mảnh đất màu mỡ mà hận thù, chia rẽ và bạo lực bén rễ trong đó. Nhu cầu cấp bách của một quốc gia văn minh là quan tâm đến công dân của mình, đặc biệt là những người yếu đuối và thiệt thòi nhất.”
Kiểm soát vũ khí
Một hình ảnh tượng trưng khác là những bờ kè ngăn lũ lụt do sông gây nên, Đức Thánh Cha nói rằng trong đời sống con người cũng cần những bờ kè. “Trước hết, cần phải kiểm soát dòng vũ khí mà bất chấp lệnh cấm, vẫn tiếp tục đến nhiều quốc gia trong khu vực và cả ở Nam Sudan: ở đây cần nhiều thứ, nhưng chắc chắn không phải là cần thêm những công cụ giết người khác.” Còn có các bờ kè khác cần thiết như việc phát triển các chính sách y tế đầy đủ, nhu cầu về cơ sở hạ tầng quan trọng và đặc biệt là mục tiêu quan trọng của việc xóa mù chữ và giáo dục.
Hợp tác quốc tế
Như “sông Nile Trắng rời Nam Sudan, đi qua các quốc gia khác, hợp với sông Nile Xanh rồi đổ ra biển. Những dòng sông không có biên giới; chúng kết nối các lãnh thổ khác nhau,” Đức Thánh Cha nói rằng để đạt được sự phát triển phù hợp, hơn bao giờ hết, điều cần thiết là phải thúc đẩy các mối quan hệ tích cực với các quốc gia khác, bắt đầu từ những quốc gia trong khu vực. Ngài cảm ơn sự đóng góp quý báu của cộng đồng quốc tế đối với đất nước này, và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa giải và phát triển. Nhưng kêu gọi một cách tiếp cận trực tiếp và đặc biệt là không áp đặc các mô hình có sẵn nhưng không phù hợp với thực tế địa phương.
Đức Thánh Cha cũng chân thành chia sẻ rằng một số điều ngài đã nói có vẻ thẳng thừng và trực tiếp. Ngài xin họ hiểu rằng nó xuất phát từ tình cảm và sự quan tâm mà ngài dành cho cuộc sống của Nam Sudan, nơi ngài cùng với những người anh em đến viếng thăm như một người hành hương của hòa bình.
Cầu nguyện cho Nam Sudan
Và kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói: “Chúng tôi muốn gửi đến quý vị những lời cầu nguyện chân thành và sự hỗ trợ của chúng tôi để Nam Sudan có thể trải nghiệm sự hòa giải và thay đổi đường hướng. Cầu mong con đường sống còn của nó không còn bị lũ lụt bạo lực lấn át, không còn bị sa lầy trong đầm lầy tham nhũng và bị ngăn chặn bởi sự tràn ngập của nghèo đói. Xin Chúa Trời, Đấng yêu thương mảnh đất này, ban cho nước này một mùa bình an và thịnh vượng mới. Xin Chúa phù hộ cho Cộng hòa Nam Sudan!”
Kết thúc cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ thần cách đó 2 km dùng bữa tối và nghỉ ngơi.
Hồng Thủy – Vatican News
TIN LIÊN QUAN: