ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary

Trong bài phát biểu đầu tiên của tại Budapest, trong cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự Hungary, Đức Thánh Cha cảnh báo về “con đường bất chính của thực dân ý thức hệ” và về tiếng gầm của chủ nghĩa dân tộc quên đi cuộc sống của các dân tộc. Ngài cũng cảnh báo chống lại “ý thức hệ về giới tính” và “quyền phá thai” và mời gọi chào đón những người chạy trốn chiến tranh và biến đổi khí hậu.

Lúc 12 giờ 45 phút trưa ngày 28/4/2023, sau khi thăm xã giao Tổng thống và Thủ tướng của Hungary, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở của lãnh đạo chính quyền Hungary, ở nơi trước đây là Đan viện của dòng Cát Minh. Đan viện này được xây dựng vào năm 1736 và được thánh hiến vào năm 1763. Nhưng vào năm 1784, hoàng đế Joseph II đã giải tán dòng và biến đan viện thành nhà hát để các quan chức chính phủ giải trí. Sau thế chiến thứ hai, đan viện bị hư hại nặng nề. Năm 1978, sau khi được trùng tu, đan viện mở cửa lại cho dân chúng thăm quan. Sau đó, vào năm 2001, đan viện trở thành tài sản của Nhà hát vũ kịch quốc gia, và ngày nay, sau khi được cải tạo thêm, từ năm 2019, có văn phòng của Thủ tướng.

Tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại Sảnh của đan viện cũ có khoảng 200 người thuộc giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và văn hoá.

Sau lời chào mừng của bà Tổng thống Hungary, trong bài diễn văn, Đức Thánh chia sẻ một số ý tưởng, được gợi ý từ hình ảnh thủ đô Budapest, thành phố lịch sử, của những cây cầu và của các vị thánh.

Budapest, thành phố của lịch sử

Trước hết, Budapest, thành phố của lịch sử. Đức Thánh Cha nhắc lại những giai đoạn lịch sử của Budapest, sinh ra trong thời bình, nhưng cũng đã trải nghiệm những xung đột tàn khốc, đặc biệt là các hành động bạo lực và áp bức do chế độ độc tài Quốc xã và Cộng sản gây ra.

Hoà bình đến từ các chính sách quan tâm đến sự phát triển của mọi người

Nhắc đến kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Budapest, thông qua sự hợp nhất của ba thành phố Buda và Óbuda ở phía tây sông Danube và Pest ở bờ đối diện, Đức Thánh Cha mời gọi suy nghĩ về tiến trình thống nhất do Châu Âu thực hiện, trong đó Hungary đóng một vai trò quan trọng. “Trong thời kỳ hậu chiến, Châu Âu, cùng với Liên Hiệp Quốc, thể hiện niềm hy vọng cao quý rằng, bằng cách cùng nhau hợp tác vì sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, có thể tránh được những xung đột hơn nữa. Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, việc theo đuổi hết mình một chính trị cộng đồng và củng cố các mối quan hệ đa phương dường như là một ký ức đáng tiếc từ một quá khứ xa xôi. Chúng ta dường như đang chứng kiến buổi hoàng hôn đáng tiếc của giấc mơ hòa bình chung đó, khi những kẻ đơn độc trong chiến tranh giờ đây nắm quyền. Càng ngày, lòng nhiệt tình xây dựng một cộng đồng hòa bình và ổn định của các quốc gia dường như càng nguội lạnh, khi các vùng ảnh hưởng được vạch ra, sự khác biệt ngày càng rõ rệt, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và các phán quyết và ngôn ngữ ngày càng khắc nghiệt hơn được sử dụng để đối đầu với các quốc gia khác.” Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Hòa bình sẽ không bao giờ đến được từ việc theo đuổi các lợi ích chiến lược cá nhân, nhưng chỉ đến từ các chính sách có khả năng nhìn ra bức tranh rộng lớn hơn, đến sự phát triển của mọi người: các chính sách quan tâm đến cá nhân, người nghèo và tương lai, chứ không phải chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi nhuận và triển vọng hiện tại.”

Khám phá lại “tinh thần của châu Âu”

Theo Đức Thánh Cha, vào thời điểm lịch sử này, châu Âu được kêu gọi đảm nhận vai trò thích hợp của mình, “đó là hiệp nhất những người xa cách nhau, chào đón các dân tộc khác và từ chối coi bất kỳ ai là kẻ thù vĩnh viễn.” Do đó, “điều quan trọng là phải phục hồi tinh thần châu Âu: sự phấn khích và tầm nhìn của những người sáng lập, những người là các chính khách có thể nhìn xa hơn thời đại của họ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và nhu cầu trước mắt, và tạo ra các hình thức ngoại giao có khả năng theo đuổi sự thống nhất, chứ không phải làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.” Nghĩ đến Ucraina đang bị chiến tranh tàn phá, Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình đang ở đâu?

Budapest, thành phố của những cây cầu

Thống nhất nhưng không đồng nhất

Suy tư thứ hai của Đức Thánh Cha: Budapest là thành phố của những cây cầu. Những cây cầu của Budapest nối liền nhiều khu vực của thành phố. Từ những nhịp cầu nối kết những thực tại đa dạng đó, Đức Thánh Cha nghĩ đến tầm quan trọng của một sự thống nhất không phải là đồng nhất. “Ở Budapest, điều này được thể hiện qua sự đa dạng đáng chú ý của hơn 20 quận tạo nên thành phố. Cũng vậy, Châu Âu của 27 nước được xây dựng để tạo cầu nối giữa các quốc gia, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả, đồng thời không làm giảm đi tính độc đáo của mỗi quốc gia.”

“Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của một trong những người sáng lập Châu Âu: “Châu Âu sẽ tồn tại, nhưng sẽ không có gì trong những điều đã tạo nên vinh quang và hạnh phúc của mỗi quốc gia bị mất đi. Vì trong một xã hội lớn hơn, và một sự hòa hợp lớn hơn, các cá nhân sẽ có thể phát triển” (Tham luận, đã trích dẫn). Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Đó chính là sự thống nhất mà chúng ta cần: sự hài hòa của một tổng thể mà các bộ phận không bị đồng nhất một cách nhạt nhẽo nhưng được tích hợp hoàn toàn.” Như Hiến pháp Hungary đã tuyên bố một cách đúng đắn: “Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”, và thêm nữa, “Chúng ta tin rằng văn hóa quốc gia của chúng ta là một đóng góp phong phú cho sự đa dạng của sự thống nhất châu Âu.”

Đó là một châu Âu, mà Đức Thánh Cha mong muốn, không trở thành con mồi của các hình thức chủ nghĩa dân túy tự quy chiếu cũng như không viện đến một thứ “chủ nghĩa siêu quốc gia” lỏng lẻo, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo, đang đánh mất tầm nhìn về cuộc sống của các dân tộc. Ngài nói rằng đây là con đường tai hại của những hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” vốn sẽ hủy bỏ sự khác biệt, như trong trường hợp của cái gọi là ý thức hệ về giới tính, hoặc sẽ đặt trước thực tế cuộc sống những khái niệm giản lược về tự do, chẳng hạn bằng cách khoe khoang là tiến bộ một “quyền phá thai” vô nghĩa, điều vốn luôn là một thất bại bi thảm.

Một Châu Âu lấy con người và các dân tộc làm trung tâm

Theo Đức Thánh Cha, “Sẽ tốt hơn biết bao nếu xây dựng một châu Âu lấy con người và các dân tộc làm trung tâm, với các chính sách hiệu quả đối với việc sinh sản và gia đình – những chính sách được quốc gia này theo đuổi một cách quan tâm –, một châu Âu mà các quốc gia khác nhau sẽ tạo thành một gia đình duy nhất bảo vệ sự phát triển và tính độc đáo của mỗi thành viên.” Ngài dùng hình ảnh cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest, cây cầu xích, để giúp hình dung ra kiểu châu Âu đó, vì nó bao gồm nhiều liên kết lớn và đa dạng tạo nên sự vững chắc và sức mạnh của chúng khi liên kết với nhau. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói tiếp, “đức tin Kitô giáo có thể là một nguồn lực, và Hungary có thể đóng vai trò là ‘người xây cầu’ bằng cách dựa trên đặc tính đại kết cụ thể của mình. Ở đây, các tôn giáo khác nhau chung sống với nhau mà không xích mích, hợp tác một cách tôn trọng và xây dựng.”

Budapest, thành phố của các vị thánh

Và khía cạnh cuối cùng Đức Thánh Cha đề cập đến là Budapest như một thành phố của các vị thánh. Bắt đầu từ Thánh Stêphanô, vị vua đầu tiên của Hungary. Đức Thánh Cha nhận xét rằng lịch sử Hungary được đánh dấu bằng sự thánh thiện ngay từ đầu, không chỉ là sự thánh thiện của Nhà vua mà còn của cả gia đình ngài.

Thực hành yêu thương

Những lời khuyên của Thánh Stêphanô với con trai là Thánh Emeric trở thành một loại di chúc tinh thần cho dân tộc Magyar: “Cha khuyên con không những tỏ lòng ưu ái với bà con họ hàng, người quyền thế và giàu có, láng giềng và đồng hương của mình, mà còn với người nước ngoài và tất cả những ai đến với con.” Thánh Stêphanô thể hiện tinh thần Kitô giáo đích thực khi tuyên bố rằng, “thực hành yêu thương dẫn đến hạnh phúc tột đỉnh”. Ngài nói thêm: “Hãy dịu dàng, để bạn không bao giờ chống lại công lý” (Những lời khuyên, X). Bằng cách này, ngài kết hợp sự thật và sự dịu dàng một cách không thể tách rời. Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là một giáo huấn đức tin tuyệt vời: Các giá trị Kitô giáo không thể được đề xuất bằng sự cứng nhắc và khép kín, bởi vì chân lý của Chúa Kitô đòi hỏi sự hiền lành và dịu dàng, theo tinh thần của các Mối phúc.”

Tinh thần cởi mở

Tinh thần cởi mở đối với người khác, như được Hiến pháp Hungary ghi nhận: “Chúng tôi tôn trọng tự do và văn hóa của các dân tộc khác, và sẽ cố gắng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới,” theo Đức Thánh Cha, thực sự mang tính Phúc Âm, và tương phản với một số khuynh hướng, đôi khi được đề xuất nhân danh các truyền thống bản địa và thậm chí là đức tin, để co cụm vào chính mình.

Bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Hiến pháp Hungary cũng khẳng định: “Chúng ta có nghĩa vụ chung là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo.” Và Đức Thánh Cha nói đến chứng tá thánh thiện của Thánh Elizabeth, công chúa Hungary, “đã qua đời ở tuổi hai mươi bốn sau khi từ bỏ tất cả tài sản của mình và phân phát mọi thứ cho người nghèo. Cuối cùng, thánh nhân đã cống hiến hết mình và phục vụ những người bệnh trong nhà tế bần mà ngài đã xây dựng. Ngài vẫn là một chứng nhân nổi bật của Tin Mừng.”

Lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu

Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha cảm ơn các nhà chức trách đã thúc đẩy các công việc bác ái và giáo dục được truyền cảm hứng từ những giá trị Kitô giáo, và sự hỗ trợ cụ thể của họ đối với nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đang gặp khó khăn và nghịch cảnh. Ngài khen ngợi sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội, luôn tôn trọng sự phân biệt cẩn thận giữa các lĩnh vực riêng của nhau. Và ngài nhắc các Kitô hữu phải ghi nhớ điều này, “lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu, tự do đón nhận những giáo huấn giải phóng của Chúa Giêsu mà không nhượng bộ một loại “chủ nghĩa hợp tác’ với một nền chính trị quyền lực”. Ngài phân biệt giữa “tính thế tục” và “chủ nghĩa tục hoá”, là thứ phổ biến vốn dị ứng với bất kỳ khía cạnh nào của sự thánh thiêng, nhưng lại sẵn sàng hy sinh bản thân trước bàn thờ của lợi nhuận.

Con cái Chúa và anh chị em của nhau

Đức Thánh Cha nói: “Những người tự xưng là Kitô hữu, cùng với các chứng nhân đức tin, được kêu gọi làm chứng và hợp lực với mọi người để vun trồng một chủ nghĩa nhân văn được gợi hứng bởi Phúc Âm và đi theo hai con đường cơ bản: nhìn nhận mình là con cái yêu dấu của Thiên Chúa Cha và yêu thương nhau như anh chị em một nhà.” Và Thánh Stêphanô là mẫu gương của tình huynh đệ khi khuyên con hãy chào đón những người lạ với lòng nhân từ và tôn trọng họ, để họ thích ở với con hơn là ở nơi khác (Các lời khuyên, VI).

Tiếp nhận người di dân: thách đố đòi các Kitô hữu trả lời

Nhận định rằng vấn đề tiếp nhận và chào đón người di dân là một vấn đề nóng bỏng trong thời đại của chúng ta, và chắc chắn là phức tạp, tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, “đối với những người là Kitô hữu, thái độ cơ bản của chúng ta không thể khác với thái độ mà thánh Stêphanô đã khuyên con trai của ngài, sau khi học được điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với khách lạ cần được tiếp đón (x. Mt 25,35). Khi chúng ta nghĩ về Chúa Kitô hiện diện trong rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đang chạy trốn cách tuyệt vọng khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, chúng ta cảm thấy buộc phải đương đầu với vấn đề mà không được bào chữa và trì hoãn.” Và ngài nhắc nhở Châu Âu, với tư cách là một cộng đồng, phải hành động để tạo ra các hành lang pháp lý và an toàn cũng như các quy trình đã được thiết lập để đáp ứng một thách thức mang tính thời đại, nhằm chuẩn bị cho một tương lai mà nếu không được chia sẻ thì sẽ không tồn tại. “Thách thức này đặc biệt đòi hỏi sự đáp lời từ phía những người là môn đệ của Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân của Tin Mừng.”

Từ giã Tổng thống Hungary, Đức Thánh Cha lên xe về Toà Sứ Thần cách đó hơn 3 km để ăn trưa và nghỉ ngơi.

Nguồn: Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print