Chu kỳ Năm Phụng vụ mở ra với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Giáo hội nhắc lại cho con cái mình điều cốt yếu: Chúa là Ðấng vinh hiển quyền năng, là An-pha và Ô-mê-ga, là khởi nguyên và tận cùng, làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Vì thế, Giáo hội nhắc lại giây phút vũ trụ chấm dứt hay đạt đến cùng đích là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giê-su Ki-tô trở lại trong vinh quang.
Thật thích hợp trong viễn cảnh này Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giê-su Ki-tô là vua vũ trụ. Đấng đã nhập thể làm người trong lịch sử của một dân tộc, qua việc thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa được luôn phát triển và mở rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giê-su Ki-tô ngự đến đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha.
Chúa Giê-su Ki-tô là Vua không những vì Người đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đa-vít, mà hơn nữa vì Người là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Người mà được sống và hiện hữu. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giê-su Ki-tô không thiết lập vương quốc của Người như một vương quốc thế trần và bằng những phương tiện phàm nhân. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giê-su thiết lập một cách diệu kỳ bằng hy sinh trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giê-su Ki-tô là vua. Trong cuộc đời của Chúa Giê-su, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giê-su là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha trong vinh quang. “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 26,18). Đó là lời quả quyết của Chúa Ki-tô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.
Ngày nay, khi tại nhiều nơi trên thế giới, hòa bình vẫn còn vắng bóng; trật tự xã hội, chính trị và kinh tế luôn bị chao đảo; và dưới nhiều hình thức, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chối bỏ ánh sáng Tin Mừng. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay cần chứng tá của chúng ta về Vương quyền của Chúa Ki-tô trên mọi thụ tạo.
Trong Thông điệp Quas Primas, gợi cho chúng ta nhớ đến lời Đức Giê-su, trước khi về trời, đã tuyên phán với các môn đệ rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (x.Mt 26, 18). Lời tuyên phán này, có thể hiểu một cách gián tiếp rằng, “Đức Giê-su là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia”. Đức giáo hoàng Pi-ô XI, phân tích: Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Ki-tô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… mầm mống của sự bất hòa gieo rắc khắp nơi; những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình. Lòng tham vô độ thường được che giấu dưới lớp vỏ tinh thần đại chúng và lòng yêu nước, và gây ra biết bao mối bất hòa riêng rẽ; Sự ích kỷ mù quáng và thái quá, khiến con người không tìm kiếm điều gì khác ngoài sự thoải mái và lợi ích của bản thân, và đo lường mọi thứ bằng thước đo của sự ích kỷ; Thiếu sự hòa bình trong đất nước, bởi vì người dân lãng quên hoặc bỏ bê nhiệm vụ của mình; Sự hiệp nhất và bền vững của gia đình bị xói mòn; Tóm lại, xã hội, bị lung lay đến tận gốc rễ và đang trên đường hủy diệt. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng chắc chắn rằng Lễ Chúa Ki-tô Vua được cử hành hàng năm, có thể đẩy nhanh sự trở lại của xã hội với Đấng Cứu độ yêu thương của chúng ta. (số 24)
Nhưng “quyền lực” của Chúa Ki-tô Vua hệ tại ở điều gì? Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong buổi đọc Kinh Truyền tin vào ngày lễ Chúa Ki-tô Vua, 22 – 11 – 2009, đã giải thích:
Đó không phải là quyền lực của các vị vua chúa hoặc những người vĩ đại trên trần gian này; Đó là quyền lực thánh thiêng để ban sự sống đời đời, giải thoát khỏi sự dữ, đánh bại ách thống trị của sự chết. Đó là quyền lực của tình yêu có thể lôi kéo điều thiện từ điều ác, có thể làm tan chảy một trái tim chai đá, đem lại hòa bình giữa những xung đột gay gắt nhất và thắp lên hy vọng trong bóng tối dày đặc nhất.
Vương quốc Ân sủng này không bao giờ áp đặt nhưng luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Chúa Ki-tô đến “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37), như Người đã tuyên bố với Phi-la-tô: ai chấp nhận lời chứng của Người thì phục vụ dưới “ngọn cờ” của Người…. Do đó, mọi lương tâm đều phải đưa ra lựa chọn. Tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay sự giả dối? Việc chọn Chúa Ki-tô không đảm bảo thành công theo tiêu chí thế gian, nhưng đảm bảo sự bình an và niềm vui mà chỉ mình Người mới có thể ban cho chúng ta. Qua mọi thời đại, điều này được minh chứng bởi kinh nghiệm của nhiều người nam nữ, những người mà, nhân danh Chúa Ki-tô, nhân danh sự thật và công lý, đã có thể chống lại những cám dỗ của quyền lực trần thế bằng những chiếc mặt nạ phòng độc khác nhau, đến độ họ đã đóng ấn lòng trung thành của mình bằng sự tử đạo.
Mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, chúng ta được mời gọi để một lần nữa xác tín rằng: Dù sống giữa một thế giới hơn 8 tỷ người, với sự bấp bênh trước bao cảnh đau thương của chiến tranh, hận thù, nghèo đói, thiên tai, và thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta vẫn vững niềm trông cậy, vì chỉ có Chúa Giê-su là Vua. Một vị Vua không thiết lập triều đại bằng vũ khí, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá. Không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ. Một vị Vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim con người mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình, mang lại sự bình an, tự do, và hạnh phúc đích thực cho con người, dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt đến cuộc sống trên Vương quốc vĩnh cửu.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: