Chọn bạn trăm năm

Ông bà ta ngày xưa rất quan tâm tới những tiêu chí trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái. Nào là “Tam tòng, tứ đức”, là “Môn đăng hộ đối”, là “Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống”, là “Mua heo lựa nái, mua gái lựa dòng”, hay là “Mua thịt thì chọn miếng mông, lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi” vv. Việc cưới gả xem ra đã định sẵn như thế nên các bạn trẻ ít có chọn lựa nào khác. Vì thế cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó!

Ngày nay, việc chọn lựa bạn đời xem ra khác xưa nhiều. Các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố liên quan đến tâm sinh lý, tính cách, hoàn cảnh kinh tế, sự nghiệp, địa vị xã hội, ngoại hình, truyền thống gia đình, tôn giáo vv. Nói gì thì nói, việc tìm hiểu để có quyết định chọn lựa đúng đắn người bạn đời là điều rất quan trọng cho đời sống hôn nhân sau này. Bởi “Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu trước khi lấy nhau hai người không biết rõ tính tình, thói quen và tính cách của nhau” (H. de Balzac).

Vậy theo thiển ý, để chọn được người bạn đời xứng hợp cho mình sau này, mong có được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lâu dài, xin gợi ý một số tiêu chuẩn sau đây:

1. Có nhận thức đúng đắn về mục đích của hôn nhân.

Giáo lý Công giáo dạy rằng: “Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, (đến) việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích” (x. GLHTCG số 1660, TTGM Sg 1997). Trên thực tế, nhiều bạn trẻ, vì quá nóng vội, muốn cưới liền tay, nên đã không kịp suy nghĩ thấu đáo về mục đích chính yếu của hôn nhân. Có người nghĩ hôn nhân là để có con nối dõi tông đường hay đơn giản là để có một bé yêu cho vui cửa vui nhà. Cũng có người chỉ nghĩ đến thỏa mãn đam mê xác thịt, giải quyết hợp pháp những đòi hỏi về sinh lý nam nữ…

Thực ra không phải vậy. Một cuộc hôn nhân nghiêm túc đòi hỏi trước khi kết hôn bạn phải có một nhận thức đúng đắn về mục đích của hôn nhân gia đình qua đó bạn sẽ tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đảm nhận những trọng trách, vai trò trong đời sống gia đình mình sau này. Thư mục vụ của HĐGMVN năm 2002 đã nhắc nhở như sau: “Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa…” (x. tài liệu đd số 7).

Một khi hiểu đúng bản chất, ý nghĩa, mục đích của hôn nhân theo tinh thần Ki-tô giáo, chúng ta sẽ thực hiện trọn vẹn những nhiệm vụ cao cả của mầu nhiệm và bí tích hôn phối mà hai bạn sẽ long trọng cử hành trong ngày hôn lễ.

2. Có tự do chọn lựa.

 

Chúng ta đều biết rằng tình yêu không tự do là tình yêu giả dối và không bền vững. Chính vì lý do này mà trong nghi thức hôn phối, đôi bạn phải tuyên thệ trước cộng đoàn và đại diện Hội thánh Chúa là họ hoàn toàn có tự do yêu thương và đến với nhau. Sự tự do này phải bắt đầu từ khi tình yêu nẩy nở trong hai người và sẽ mãi mãi tồn tại. Thực tế là nhiều trường hợp sau kết hôn một thời gian, khi phải nói lời chia tay, đôi bạn thường vịn vào lý do bị ép buộc một cách nào đó để từ chối tiếp tục sống chung trong đời vợ chồng. Có thể điều đó là sự thật, nhưng cũng có thể là lý do được ngụy tạo để dễ dàng đường ai nấy đi…

Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sống với nhau chỉ vài ba năm là quyết định ly hôn. Tại sao vậy? Bởi có những bạn trẻ khi yêu nhau họ không thoát khỏi những ảo tưởng và sai lầm về hôn nhân, về người bạn đời mà họ sắp kết hôn. Có người vì ham mê chút ngoại hình mà chấp nhận ăn đời ở kiếp với người mà họ nghĩ rằng sẽ là bạn đời đích thực của mình. Như có câu: “Đừng tham da trắng tóc dài, / đến khi nhỡ bữa chẳng mài mà ăn” hay “Biết bao đàn ông chỉ yêu một má lúm đồng tiền mà dại dột cưới nguyên cả một cô gái” (S. Leacock). Tình yêu chính đáng phải xuất phát từ con tim và trở về con tim. Và tình yêu đẹp nhất, bền vững nhất là tình yêu của những trái tim tự do.

Hãy sáng suốt chọn lựa một nửa của mình bằng một tình yêu trong sáng, tự do.

3. Sẵn sàng chấp nhận người kia là bạn đời duy nhất của mình.

Trong hôn nhân không có việc đứng núi này trông núi kia hay bắt cá nhiều tay được. Tình yêu trong hôn nhân là duy nhất giữa một người nam và một người nữ. Qua bí tích hôn phối, hai bạn nên một trong tình yêu tự do, chung thủy và bền vững. Chúa đã nói: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6). Đức thánh GH Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở: “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được…” (x. Tông huấn về những bổn phận  của gia đình Kitô hữu, số 13).

Do đó trước khi quyết định kết hôn, hai bạn cần xác tín rằng người bạn tình mà họ chọn lựa sẽ là người bạn đời duy nhất và đáng được tôn trọng như một người bạn đường không thể thiếu trong cuộc sống sau này. Những ai thiếu sự kiên định trong cuộc sống sẽ dễ dàng bị chao đảo bởi những xung đột tất yếu trong đời sống vợ chồng. Và chính họ cuối cùng sẽ phản bội lại lời thề hứa chung thủy mà họ đã chính thức tuyên xưng trong ngày hôn lễ.

4. Có phẩm chất đạo đức tốt.

Hoàng đế Napoléon có nói: “Một người đàn bà đẹp làm thỏa mắt. Đó là một trang sức. Một người đàn bà tốt làm đẹp lòng. Đó là cả một kho tàng”. Phẩm chất đạo đức trong hôn nhân là viên ngọc quý không gì sánh ví được. Thực tế cho thấy đàn ông giỏi giang thông thái mà không đạo đức thì là kẻ nham hiểm. Đàn bà xinh đẹp lộng lẫy mà không đạo đức thì là người lừa dối. Hôn nhân không đạo đức là ngục tù chôn vùi tình yêu. Gia đình không đạo đức gây nên thảm kịch cho nhiều người…

Thánh Phao-lô đã có lời khuyên thiết thực sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (x. Cl 3,12-14).

Nhìn vào các gia đình sống chung quanh ta, nếu cặp vợ chồng nào sống đạo đức, luôn chu toàn luật Chúa và Hội thánh, biết thực thi bác ái thì bảo đảm họ được Chúa chúc phúc và được hạnh phúc mãi mãi bên nhau. 

5. Có nhân đức khôn ngoan và óc phán đoán tốt.

Sách Châm ngôn (Cựu Ước) có câu: “Phụ nữ khôn ngoan xây dựng cửa nhà, phụ nữ dại dột tự tay phá đổ” (Cn 14,1). Sự khôn ngoan vẫn được coi là một trong bốn nhân đức cột trụ cần thiết cho đời sống vợ chồng (Khôn ngoan, Công chính, Can đảm và Tiết độ). Người khôn ngoan biết cách ứng xử sao cho hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng việc. Người khôn ngoan biết phân định đâu là lẽ phải, đâu là điều sai quấy.

Nhiều cặp vợ chồng vì phán đoán sai lạc nên đã gây tổn thương không ít mối quan hệ phu thê. Chuyện bé thì xé ra to. Chuyện nghiêm túc thì lại coi thường, xem nhẹ. Trong đời sống chung, mỗi người đều phải ứng xử sao cho thật khôn ngoan, thông minh, nhạy bén nhờ đó mối quan hệ được luôn bền chặt và thoải mái. Bên cạnh đó, óc phán đoán quân bình sẽ giúp họ tránh được những va chạm đáng lẽ ra không nên có trong cuộc sống vợ chồng. Ca dao VN có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, / cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.

Ai cũng biết rằng hôn nhân là một biến cố hệ trọng nhất đời, vì thế việc chọn lựa một người bạn đời đòi hỏi mỗi người phải cân nhắc, suy nghĩ, bàn hỏi và cầu nguyện thật nhiều. Ước mong sự chọn lựa của chúng ta phải thật tự do, sáng suốt và trách nhiệm cao./.

Aug. Trần Cao Khải