BỐ THÍ – CẦU NGUYỆN – ĂN CHAY
(Mt 6, 1- 6. 1 6- 18)
Bố Thí
Bác ái, danh từ làm ta khó chịu khi vừa nghe thấy. Giới thợ thuyền trong một vài trường hợp chấp nhận bác ái, nhưng luôn luôn đề cao quyền lợi, công bình trước. Thái độ đó được hoàn toàn thông cảm. Lần nào cũng thế, Tin Mừng không đề cập đến một vấn đề khác. Chúa Kitô chỉ muốn nói rằng khi thực hành bố thí, hãy thực hành theo tinh thần thích hợp. Đó là một bổn phận bất biến, vì luôn luôn có những kẻ giàu sang, đồng thời cũng có những người nghèo đói. Những ai có nhiều hơn, may mắn hơn, phải tự giúp kẻ ít may mắn. Những lời nói của Chúa Kitô được giải thích theo hai ý nghĩa. Trước hết, theo nghĩa tiêu cực: Chúa Kitô kết án việc thực thi bác ái sai lạc:
“Đừng thổi kèn trước mặt người đời”. Có những việc thiện chỉ là tự kiêu tôn giáo trá hình dưới lớp vỏ đức ái. Chỉ biết dùng hành vi thực hiện thiện hảo như một nhãn hiệu. Có những cử chỉ nhân đức do lòng ích kỷ, chỉ vì mục tiêu tuyên truyền hơn là lòng săn sóc trung thực. Người thực thi bác ái không được rao trên mái nhà, đòi hỏi phải được ghi công, tuyên dương trên báo chí hay tri ân công cộng, nghĩa là nêu lên cho mọi người thấy Sự giúp đỡ càng bí mật lại càng hữu hiệu, Chúa Kitô đã dùng một hình ảnh thỏa đáng: tay trái đừng biết việc tay phải làm. Cũng thế, ngay giữa chi tộc mình, cử chỉ cũng vẫn được giữ kín. Đôi khi, giúp đỡ để cứu trợ một thiệt hại vật chất vẫn chưa đủ, còn cần đến lời an ủi và thái độ thông cảm khi hành động. Trong các công việc, không được chỉ xử trí theo thủ tục, mà còn phải trực tiếp gặp gỡ cá nhân. Thật là trái ngược với Kitô giáo, nếu chỉ muốn khai thác sự khốn nạn của kẻ đồng loại để khoe khoang sự đại lượng cá nhân. Phải thực thi bác ái với sự hạ mình thông cảm, không được thi hành với sự tự mãn kiêu kỳ, hay lên mặt dạy luân lý, hoặc làm ra vẻ thánh nhân giữa các tội nhân. Mọi cách biệt sẽ bị xóa đi, nếu ta quan niệm rằng chỉ có một Cha chung trên trời.
Mặt khác, Thầy chí thánh đã tỏ lộ ý nghĩa thứ hai trong giáo huấn của Người khi tuyên bố. “Chúa Cha nhìn thấy trong bí mật”. Không phải nỗi khốn khổ của đồng loại là căn do nảy sinh lòng bác ái, nhưng chính Thiên Chúa mới là căn do làm phát sinh lòng bác ái của ta. Con người sẽ bị tình cảm chi phối nhiều, và người ta sẽ ưa tiên giúp đỡ những ai khéo léo trình bày sự khốn khổ của mình cách đáng thương và cảm động, mặc dầu họ đã phóng đại. Như thế, có lẽ người ta sẽ giúp đỡ những kẻ nghèo giả tạo, mà quên đi sự khốn khổ thầm kín lớn hơn. Trái lại, nếu người ta hành động cho Thiên Chúa, người ta sẽ tự vấn trước mặt Chúa về những người phải giúp đỡ, và về thời gian thuận tiện. Đức bác ái phải được thực thi cách ý thức, theo thời giờ và cách thức thuận tiện, đối với những kẻ xứng đáng.
Trong tất cả mọi lãnh vực, con người tinh thần được phú ban một loại sáng suốt, với cái nhìn luôn lượng về Chúa, họ học biết cách phục vụ Chúa với sự thận trọng. Những kẻ nào có tâm hồn giống nhóm Biệt phái, sẽ lạm dụng tôn giáo để làm bộ thánh thiện, làm cho Kitô giáo ra một hình ảnh sai lạc và thô kệch. Hãy cẩn thận, đừng thực thi bác ái trước mặt kẻ khác. Vào thời đại chúng ta, lời cảnh cáo của Chúa Kitô không dư thừa chút nào.
Có nhiều người lấy làm ngạc nhiên rằng Chúa Kitô đã nêu lên một động lực vụ lợi rõ rệt: “Chúa Cha thấy trong bí mật, Ngài sẽ thưởng cho”. Phải chăng luân lý Công giáo là luân lý vì phần thưởng? Hiển nhiên, Chúa Kitô đã tiên báo và chấp nhận không hàm hồ rằng phải thực thi thiện hảo trước mặt Thiên Chúa trước hết. Tuy nhiên, trong một viễn tượng thiêng hứng, họ có thể trở về với bản ngã riêng bằng cách ước mong không đánh mất Thiên Chúa, nhưng luôn luôn tiến gần về Ngài. Phần thưởng của người Công giáo chính là Thiên Chúa, nên trong khi tìm kiếm phần thưởng, tức là họ tìm kiếm Thiên Chúa, như thế, họ đã hành động theo lệnh của Ngài. Đó không phải là lợi ích nhất thời, Chúa Cha sẽ trả lời bằng cách ban chính tình yêu của Ngài. Tìm kiếm Thiên Chúa để thấy hạnh phúc trong ngài đó là một thái độ Công giáo đích thực, được Chúa Kitô chấp nhận và khuyến khích.
Cầu Nguyện
Làm dơ bẩn bác ái bằng cách thực thi theo những mục đích ích kỷ, là làm ngược lại thần linh. Bóp méo kinh nguyện để khoe lòng đạo đức là một phạm thượng. Làm như vậy không còn là một thờ kính thánh thiện nữa, nhưng là bắt Thiên Chúa phục vụ những mục đích trục lợi của ta. Mầu nhiệm bí mật nhất của tâm hồn và tính chất cá biệt thâm sâu nhất bị tục hóa, và hạ xuống như một lối giả hình lấy thái độ bên ngoài cầu nguyện để làm việc ngược lại, đó là trình bày một sự thánh thiện sai lạc, không còn gì thảm hại hơn. Những người sốt sắng nửa mùa thường thích đóng kịch. Còn người cầu nguyện thực sự xa tránh mọi người, không đa ngôn, không gây động đạc ồn ào, để đi vào im lặng và thanh vắng, ở đó, họ sẽ tìm gặp được Thiên Chúa. Kinh nguyện là gì, nếu không phải là nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Kẻ giả hình cũng làm vẻ bề ngoài như thế, nhưng thực ra, tâm hồn họ thì hướng về trần giới. Tín hữu cầu nguyện mở tâm hồn ra trước Thiên Chúa, còn kẻ giả hình thì luôn khép kín trước Thiên Chúa. “Khi con muốn cầu nguyện, hãy vào phòng riêng”. Bị cuộc sống bên ngoài luôn thu hút, đôi khi con người cần phải nghỉ ngơi và hồi tâm, giống như một tế bào, họ lui về phòng mình, giữ cho lòng mình khỏi bị lôi kéo vào làn sóng ồn ào huyên náo. Nếu không, họ sẽ chết trong ồn ào Người Công giáo phải tìm nơi kinh nguyện một nguồn mạch không cạn, và một sự tươi trẻ vĩnh viễn cho tâm hồn. Nhưng rất cần phải lui vào thinh lặng, để nghe được tiếng Đấng Tối cao, và trong sự thanh vắng, họ đi sâu vào cuộc đối thoại với Chúa. Những màu sắc sặc sỡ của những tờ bích chương chói sáng chỉ gây những ảo giác. Tiếng động của hàng ngàn loa phóng thanh chỉ làm chúng ta điếc tai: Trong ồn ào, chúng ta không còn nhận biết được giọng nói của Thiên Chúa. Chỉ khi nào ta trở về với im lặng, ta mới sử dụng cách chính đáng những khả năng của ta. Hãy vào phòng riêng cầu nguyện, không phải là một công việc hao phí thời giờ, trái lại, đó là sự tập trung năng lực để hoạt động kết quả. Cầu nguyện để biến thành bình thiên liệu cho cuộc sống. Trong khi cầu nguyện, những bình chứa tinh thần được đổ đầy tràn. Nếu chúng trống rỗng, các động cơ hoạt động sẽ dừng lại, không hoạt động được nữa.
Hình như chúng ta không lấy làm lạ, khi thấy Chúa Kitô đã cầu nguyện trong nơi mình ở, mà không cầu nguyện trong đền thờ hay trong giảng đường. Giữa thời đại tự do hiện nay, trong lúc con người chống lại chủ nghĩa cá nhân quá khích, thì ngược lại, trong lãnh vực tôn giáo, phải cố gắng tự tạo cho mình một đời sống độc lập. Con người ngã về khuynh hướng khinh thường bầu khí thinh lặng, đề cao ồn ào huyên náo, và hạ thấp kinh nguyện cá nhân cũng như những giờ chiêm niệm. Lời Chúa dạy không phải chỉ là lời bênh vực cho kinh nguyện tư riêng cá nhân, nhưng còn là một đòi hỏi phải sử dụng lối cầu nguyện này nữa. Ngoài kinh nguyện cá nhân, con người còn phải sử dụng lối kinh nguyện cộng đồng nữa, vì con người là một con vật có trí khôn và có xã hội tính. Do đó, sự tham gia vào kinh nguyện và hy tế cũng phải có tính cách cộng đồng. Chỉ có lòng đạo đức nào có hai phương diện này mới bảo đảm cho tín hữu sự viên mãn và sung túc tinh thần. Sự thờ kính cộng đồng nếu không sống động nhờ lòng đạo đức cá nhân, sẽ bị lu mờ dần, và biến các nghi thức thành những dấu hiệu bên ngoài trống rỗng. Kinh nguyện chiêm niệm mà không hướng về cộng đồng, sẽ thiếu căn bản và đưa đến cô lập tinh thần. Vậy phải thi hành cả hai tác động, vừa lui mình về phòng nựng, vừa phải đến đền thờ để cầu nguyện. Hai hình thức cầu nguyện này có tính cách bất khả phân ly và bó buộc.
Ăn Chay
Ăn chay đối với người Công giáo hình như là việc tự nhiên. Nhưng khó khăn là khi nói đến tinh thần phải có khi ăn chay.
Khổ hạnh thuyết mà người ta thường khoe khoang đều lố bịch và mâu thuẫn, vì nó biến lòng thống hối thành tội lỗi: con người giả bộ khổ hạnh ngoài mặt, còn thực sự lại khác hẳn. Họ làm bộ để người ta tin rằng họ ăn chay. Thực ra họ giả bộ ăn chay, họ đã tục hóa phương thế thánh hóa siêu nhiên.
Vẻ thống hối bên ngoài đầy nguy hiểm, vì nó trở nên quá lộ liễu che đậy dục vọng mình cách ích kỷ, dưới chiêu bài luân lý và tôn giáo. Đặc tính của mặt nạ là giả, không gì xấu xa hơn mặt nạ về lòng sốt sắng, vì nó làm cho người khác chê cười và hơn nữa, nó còn làm cho họ chế nhạo cả tôn giáo nữa.
Tuy nhiên, cũng không được rơi vào một thái cực khác, đó là chối bỏ tất cả mọi hành động thống hối bên ngoài. Không thể vì thấy một vài lạm dụng mà kết án hành động thống hối. Người ta vẫn ăn chay, nhưng với một ý hướng trong sạch. Người ta sẽ ăn chay để làm vinh danh Chúa, không phải để tôn vinh con người. Kẻ khắc khổ giả tạo không phải là một người từ bỏ, nhưng là một người tham vọng. Tuy họ từ bỏ, nhưng chỉ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất, thỏa mãn tính kiêu căng của mình. Họ muốn phô trương sự thánh thiện của mình, họ muốn tô điểm mình bằng tấm áo khiêm tốn giả hiệu, họ để cho lớp vỏ hy sinh giả tạo bao bọc tính nhu nhược yếu đuối. Nguyên động lực của thái độ ấy không phải là Thiên Chúa, nhưng là nhân loại. Người ta chối bỏ Thiên Chúa vì quá yêu mình, trong khi đúng ra, phải chối bỏ mình và chấp nhận tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta không thể chinh phục tha nhân được bằng sự nghiêm khắc quá đáng. Phải có nhiều tinh thần trong hành động thống hối, mới lôi cuốn được kẻ khác. Những săn sóc và nếp sống vệ sinh hằng ngày, y phục gọn ghẽ, tác phong đáng yêu thì thường nói lên tinh thần thống hối nghiêm nghị, hơn là sự bừa bãi dưới chiêu bài khinh thường của thế gian. “Hãy xức dầu thơm trên đầu “.
Lòng tự kiêu khoe khoang không thể là lòng thống hối được. Lòng thống hối trung thực là một điều cần thiết và nghiêm trọng, và không được phép giả bộ. Những bộ mặt khô khẳng không thể chứng tỏ một tinh thần tôn giáo, cũng như một thân xác gầy còm cũng không chứng tỏ một tinh thần tiến bộ.
Hướng nhìn về Chúa và thánh ý Ngài sẽ nói lên thái độ phải có. Chúa đã an bài những ngày lễ và mùa thống hối. Mọi người đều hướng về ngài nếu họ chỉ tin vào Ngài. “Cha ngươi sẽ nhìn thấy nơi bí mật”. Người ta có thể đánh lừa con người. Còn Thiên Chúa biết cả những nơi thâm sâu nhất trong tâm hồn; ngài không thể bị đánh lừa. Những người khổ hạnh giả bộ, thích nghe những lời ca ngợi khen lao, đó là những phần thưởng nhân loại. nhưng cuối cùng, họ dấn thân phục vụ kẻ gian dối. Vì vậy Tin Mừng dạy: “Hãy ăn chay, nhưng trong tinh thần chân thành” và “khi con ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu”.
(Richard Gutzwiller, Suy niệm Tin Mừng Matthêu. Niềm Tin. Tr. 119- 126 và 157- 160).
Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: