Chiều 2/8/2023, trong bài giảng trong giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích họ khuyến khích họ vượt qua chủ nghĩa bi quan và thả lưới một lần nữa với niềm hy vọng.
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, Phó tế,
Tu sĩ, Chủng sinh và Nhân viên Mục vụ
Lisbon, 2 tháng 8 năm 2023
Thưa các anh em Giám mục thân mến,
Thưa các linh mục và phó tế, các tu sĩ và chủng sinh, các nhân viên mục vụ thân mến,
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi vui mừng được ở bên anh chị em để trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới cùng với nhiều người trẻ, nhưng cũng để chia sẻ hành trình Giáo hội của anh chị em, những thách đố và hy vọng của anh chị em. Tôi cảm ơn Đức cha José Ornelas Carvalho về những lời ngài nói với tôi. Chiều nay tôi mong muốn cầu nguyện với anh chị em để, như Đức cha đã nói, cùng với những người trẻ, chúng ta có thể mạnh dạn đón nhận “giấc mơ của Thiên Chúa và tìm ra những cách thức để tham gia một cách vui tươi, quảng đại và mang lại sự biến đổi, cho Giáo hội và cho nhân loại.”
Tôi đắm mình trong vẻ đẹp của đất nước của anh chị em, một vùng đất giao thoa giữa quá khứ và tương lai, nơi có những truyền thống cổ xưa và những thay đổi lớn lao, được tôn tạo bởi những thung lũng xanh tươi và những bãi biển vàng nhìn ra vẻ đẹp vô tận của đại dương giáp với Bồ Đào Nha. Điều này khiến tôi nghĩ về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên: những người mà Chúa Giêsu đã gọi bên bờ biển Galilê. Tôi muốn suy tư về lời kêu gọi này; nó nhắc chúng ta về điều chúng ta vừa nghe trong bài đọc ngắn của Kinh Chiều: Chúa đã cứu chúng ta và gọi chúng ta, không phải vì công việc chúng ta đã làm, nhưng do ân sủng của Người (x. 2Tim 1,9). Điều này đã xảy ra trong cuộc sống của các môn đệ đầu tiên khi Chúa Giêsu, lúc Người đi ngang qua, và “thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới” (Lc 5,2). Sau đó, Chúa Giêsu lên thuyền của Simon và sau khi dạy dỗ đám đông, Người đã thay đổi cuộc đời của những ngư dân đó bằng cách mời họ đi ra chỗ nước sâu và thả lưới. Chúng ta nhận thấy ngay một sự tương phản: một bên là các ngư dân ra khỏi thuyền để giặt lưới, nghĩa là giặt sạch, sửa chữa chúng, rồi trở về nhà; đàng khác, Chúa Giêsu lên thuyền và mời họ thả lưới đánh cá. Chúng ta thấy sự khác biệt: các môn đệ ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu lên thuyền; họ muốn cất lưới của mình, Chúa muốn rằng họ lại ném chúng xuống biển lần nữa để chài cá.
Đầu tiên, các ngư dân ra khỏi thuyền để giặt lưới của họ. Chúa Giêsu thấy cảnh này và Người dừng lại. Trước đó không lâu, Người đã bắt đầu rao giảng trong hội đường Nazareth, nhưng những người dân làng của Người đã đuổi Người ra khỏi thành và thậm chí còn tìm cách giết Người (x. Lc 4,28-30). Sau đó, Người rời nơi thánh và bắt đầu rao giảng Lời Chúa giữa dân chúng, trên các đường phố nơi những người cùng thời với Người sống và làm việc mỗi ngày. Chúa Kitô muốn mang sự gần gũi của Thiên Chúa đến chính những nơi và hoàn cảnh mà con người đang sống, làm việc và hy vọng, đôi khi gắn với những thất bại và thiếu sót của họ, giống như những người đánh cá đã làm việc suốt đêm và không bắt được gì. Chúa Giêsu nhìn Simon và các bạn đồng hành một cách thông cảm, những người mệt mỏi và thất vọng, đang giặt lưới như thường lệ, cam chịu việc họ sẽ trở về nhà tay không.
Đôi khi trong hành trình của Giáo hội chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy một sự mệt mỏi tương tự, khi chúng ta dường như chỉ có những mẻ lưới trống rỗng. Đó là một tâm tình khá phổ biến ở các quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, trải qua nhiều thay đổi xã hội và văn hóa và ngày càng được đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục, bởi sự thờ ơ đối với Thiên Chúa, bởi việc ngày càng rời bỏ thực hành đức tin. Và điều này thường được nhấn mạnh bởi sự thất vọng và tức giận của một số người đối với Giáo hội, đôi khi do chứng tá tồi tệ của chúng ta và những vụ bê bối đã làm biến dạng khuôn mặt của Giáo hội, và kêu gọi chúng ta thực hiện một sự thanh tẩy khiêm tốn và liên tục, luôn bắt đầu từ tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân, những người luôn phải được đón nhận và lắng nghe. Nhưng khi chúng ta cảm thấy bị tấn công thì chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ rời bỏ thuyền, bị mắc vào mạng lưới cam chịu và bi quan. Ngược lại, chúng ta cần dâng lên Chúa những nỗ lực và nước mắt của mình, để rồi cùng nhau đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thiêng liêng, với tâm hồn rộng mở và tìm ra những con đường mới để theo Người, tin tưởng rằng Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ Hôn Thê yêu dấu của Người.
Thật vậy, ngay khi các tông đồ rời thuyền để giặt lưới, Chúa Giêsu lên thuyền rồi mời họ thả lưới lần nữa. Cũng thế, Người đến tìm chúng ta trong sự cô đơn và khủng hoảng của chúng ta để giúp chúng ta bắt đầu lại. Ngay cả hôm nay Người vẫn đứng trên bờ cuộc sống của chúng ta để đánh thức lại niềm hy vọng của chúng ta và cũng để nói với chúng ta, như đã nói với Simon và những người khác: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Anh chị em thân mến, chắc chắn chúng ta đang sống trong những thời điểm khó khăn, nhưng hôm nay Chúa đang hỏi Giáo hội này: “Có phải con muốn rời thuyền và chìm trong thất vọng, hay con sẽ để Ta lên thuyền và để sự mới lạ của Lời Ta một lần nữa cầm tay lái? Có phải con chỉ muốn giữ lại quá khứ đang ở đàng sau con, hay một lần nữa hăng hái quăng lưới đánh cá?”. Đây là điều Chúa đang yêu cầu chúng ta: làm sống lại lòng nhiệt thành không ngơi nghỉ đối với việc truyền bá Tin Mừng. Và chúng ta có thể nói rằng đây là sự khắc khoải “tốt lành” mà sự bao la của đại dương mang đến cho anh chị em, các bạn Bồ Đào Nha: háo hức vượt qua khỏi bờ biển, không phải để chinh phục thế giới, mà để làm nó vui lên bằng niềm vui an ủi của Tin Mừng. Từ quan điểm này, chúng ta có thể nghĩ về những lời của một trong những nhà truyền giáo vĩ đại của anh chị em, Cha António Vieira, người mà anh chị em gọi là “Paiaçu”, “người cha vĩ đại”. Cha đã nói rằng Chúa đã ban cho bạn một mảnh đất nhỏ để chào đời nhưng khi khiến anh chị em nhìn ra đại dương, Người ban cho anh chị em cả thế giới để chết: “Chào đời, một mảnh đất nhỏ; qua đời, cả thế giới: chào đời ở Bồ Đào Nha; qua đời, cả thế giới” (A. VIEIRA, Các Bài giảng, Tập III, Tập VII, Porto 1959, trang 69). Thả lưới lần nữa và ôm lấy toàn thế giới với niềm hy vọng của Tin Mừng: đây là điều chúng ta được mời gọi! Đây không phải là lúc dừng lại và bỏ cuộc, để kéo thuyền vào bờ hay quay nhìn lại đàng sau. Chúng ta không được chạy trốn hiện tại hay ẩn náu trong những hình thức và thực hành của quá khứ. Bây giờ là thời điểm ân sủng Chúa ban để mạnh dạn dong buồm ra biển khơi của việc rao giảng Tin Mừng và sứ vụ.
Tuy nhiên, để làm điều này, chúng ta cũng cần đưa ra những lựa chọn. Tôi muốn chỉ ra ba lựa chọn, được truyền cảm hứng bởi Tin Mừng.
Trước hết là chèo thuyền ra chỗ nước sâu. Để quăng lưới xuống biển lần nữa, chúng ta cần rời bỏ bến bờ của những thất vọng và ù lì, tránh xa nỗi u sầu mờ nhạt và sự hoài nghi và mỉa mai có thể bủa vây chúng ta khi đối mặt với khó khăn. Cần phải chuyển từ chủ nghĩa thất bại sang đức tin, như ông Simon, dù đã vất vả suốt đêm vô ích, vẫn nói: “Theo lời Thầy con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Nhưng, để tin cậy Chúa và Lời của Người mỗi ngày, lời nói thôi chưa đủ, cần phải cầu nguyện nhiều nữa. Chỉ trong sự thờ lạy, chỉ trước mặt Chúa, chúng ta mới thực sự lại tìm thấy sự yêu thích và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể vượt qua cám dỗ thực hiện một “hoạt động mục vụ mang tính hoài niệm và tiếc nuối” và có can đảm ra chỗ nước sâu, không mang theo các ý thức hệ hay các hình thức thế tục, được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất: đó là Tin Mừng được rao giảng cho mọi người. Anh chị em có nhiều tấm gương trên hành trình này. Bởi vì chúng ta được bao bọc bởi rất nhiều người trẻ, tôi muốn nhắc về một người trẻ của Lisbon, Thánh João de Brito, người cách đây hàng thế kỷ, giữa muôn vàn khó khăn, đã đi thuyền đến Ấn Độ và bắt đầu diễn thuyết và ăn mặc theo cách của người bản xứ để nói với họ về Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi thả lưới vào thời đại chúng ta đang sống, đối thoại với mọi người, làm cho Tin Mừng trở nên dễ hiểu, ngay cả khi làm như vậy chúng ta có thể gặp phải những cơn bão tố. Giống như những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến đây để thách thức những con sóng khổng lồ của Nazaré, chúng ta cũng ra khơi mà không sợ hãi, bởi vì – như tôi đã có dịp nhắc lại – “người Công giáo không được sợ biển rộng, không được tìm trú ẩn ở những bến cảng an toàn […]. Ra khơi chúng ta gặp bão và có thể gặp gió ngược. Tuy nhiên, cuộc hành trình thánh thiện luôn được thực hiện với sự đồng hành của Chúa Giêsu, Đấng nói với các môn đệ của Người: ‘Hãy can đảm lên, có Thầy đây, đừng sợ!’ (Mt 14,27)” (Diễn văn trước cộng đoàn “La Civiltà Cattolica”, 09/02/2017).
Lựa chọn thứ hai: cùng nhau tiến hành chăm sóc mục vụ. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ chèo thuyền ra chỗ nước sâu, nhưng sau đó lại nói ở số nhiều, nói với những người khác: “Các con hãy thả lưới” (Lc 5,4). Phêrô lái thuyền, nhưng những người khác ở trên thuyền và tất cả mọi người được kêu gọi thả lưới. Và khi họ bắt được nhiều cá, họ không nghĩ rằng có thể tự mình làm được, họ không coi món quà là của cải và tài sản riêng, nhưng, Tin Mừng nói, “họ đã ra hiệu cho những người bạn đồng hành của mình ở thuyền khác đến giúp họ” (Lc 5,7). Vì vậy, họ chất đầy hai thuyền chứ không phải một. Một có nghĩa là cô độc, khép kín, cho rằng chỉ tự mình là đủ, trong khi hai có nghĩa là tương quan. Giáo hội là hiệp hành, đó là sự hiệp thông, hỗ trợ lẫn nhau, một hành trình chung. Trên thuyền phải có chỗ cho tất cả mọi người: tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi lên thuyền và thả lưới, trực tiếp dấn thân loan báo Tin Mừng. Đó là một thách đố lớn, nhất là trong những bối cảnh mà các linh mục và những người tận hiến đang mệt mỏi bởi vì trong khi nhu cầu mục vụ gia tăng thì họ ngày càng ít đi. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem tình huống này như một cơ hội để giáo dân tham gia với lòng nhiệt thành huynh đệ và sự sáng tạo mục vụ lành mạnh. Do đó, các tấm lưới của các môn đệ đầu tiên trở thành hình ảnh của Giáo hội, vốn là một “mạng lưới các tương quan” nhân bản, thiêng liêng và mục vụ. Nếu không có đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia, Giáo hội sẽ già đi. Tôi muốn nói như thế này: không bao giờ có một Giám mục mà không có linh mục đoàn và Dân Chúa; không bao giờ có một linh mục mà không có các anh em linh mục và giáo dân; và tất cả cùng nhau, với tư cách là một Giáo hội, không bao giờ không có những người khác, không có thế giới. Không được có chủ nghĩa thế tục, nhưng không thể không có thế giới. Trong Giáo hội, chúng ta giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và chúng ta cũng được mời gọi lan tỏa bầu khí huynh đệ xây dựng ra bên ngoài. Mặt khác, Thánh Phêrô viết rằng chúng ta là những viên đá sống động được dùng để xây dựng một tòa nhà thiêng liêng (x. 1Pr 2,5). Tôi muốn nói thêm: các anh chị em tín hữu Bồ Đào Nha cũng là một “calçada”, anh chị em là những viên đá quý giá của nền nhà chào đón và tỏa sáng mà trên đó Tin Mừng cần bước đi: không được thiếu một viên đá nào, nếu không người ta sẽ nhận thấy sự thiếu sót này ngay. Đây là Giáo hội mà, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi xây dựng!
Cuối cùng, lựa chọn thứ ba: trở thành những người đánh cá người. Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ sứ vụ dấn thân vào biển thế giới. Trong Kinh Thánh, biển thường được liên kết với nơi chốn của ma quỷ và các thế lực bất lợi mà con người không thể chế ngự được. Vì vậy, đánh cá người và kéo họ lên khỏi mặt nước có nghĩa là giúp họ đi lên khỏi nơi họ đã chìm đắm, cứu họ khỏi sự ác có nguy cơ nhấn chìm họ, hồi sinh họ khỏi mọi hình thức chết chóc. Thật vậy, Tin Mừng là một lời loan báo về sự sống trong biển của sự chết, về sự tự do trong những vòng xoáy nô lệ, về ánh sáng trong vực thẳm bóng tối. Như Thánh Ambrôsiô khẳng định, “các công cụ đánh cá của các tông đồ giống như những chiếc lưới: thực ra những chiếc lưới không giết chết những người bị mắc vào lưới, nhưng giữ cho họ sống, kéo họ từ vực thẳm ra ánh sáng” (Ex. Luc. IV, 68- 79). Có rất nhiều bóng tối trong xã hội ngày nay, ngay cả ở Bồ Đào Nha. Chúng ta dường như đánh mất ý nghĩa của lòng nhiệt huyết, dũng khí dám ước mơ, nghị lực đương đầu với thử thách, thiếu niềm tin vào tương lai; và vì thế chúng ta chèo đi trong sự bấp bênh, bấp bênh về kinh tế, trong sự nghèo nàn tình bạn xã hội, thiếu hy vọng. Là Giáo hội, chúng ta được ủy thác sứ vụ chèo thuyền vào dòng nước của đại dương này và thả tấm lưới Tin Mừng, không chỉ tay, nhưng mang đến cho con người thời đại chúng ta một đề xuất về một cuộc sống mới, đó là cuộc sống của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi đem sự cởi mở của Tin Mừng đến một xã hội đa văn hóa; đem sự gần gũi của Chúa Cha đến với những hoàn cảnh bấp bênh và nghèo đói đang gia tăng, nhất là nơi giới trẻ; mang tình yêu của Chúa Kitô đến nơi gia đình mong manh và những mối quan hệ bị tổn thương; trao truyền niềm vui của Chúa Thánh Thần vào nơi bị thống trị bởi sự thất vọng và thuyết định mệnh. Một trong những nhà văn của anh chị em đã viết: “Đi đến vô tận, và tôi tin rằng để chúng ta có thể đến đó, chúng ta cần một bến cảng an toàn, chỉ một bến cảng thôi, và từ đó chúng ta có thể đi về phía Đấng Vô tận” (F. PESSOA, Livro di Desassossego. Composto por Bernardo Soares, Ajudante de Guarda-Livros na Cidade de Lisboa, Lisboa 1998, 247). Chúng ta mơ về Giáo hội Bồ Đào Nha như một “bến cảng an toàn” cho bất cứ ai đối mặt với những cuộc vượt biển, những vụ đắm tàuvà những giông bão của cuộc đời!
Tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em vì đã lắng nghe, vì những gì anh chị em làm, vì tấm gương và sự kiên định của anh chị em. Và tôi phó thác anh chị em cho Đức Mẹ Fatima, cho sự canh giữ của Thiên thần của Bồ Đào Nha và cho sự bảo vệ của các vị thánh vĩ đại của anh chị em. Ở Lisbon đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Thánh Antôn, vị tông đồ không mệt mỏi, nhà giảng thuyết đầy cảm hứng, môn đệ trung thành của Tin Mừng, người chú ý đến những tệ nạn của xã hội và đầy lòng trắc ẩn đối với người nghèo: xin ngài chuyển cầu cho anh chị em và ban cho anh chị em niềm vui về một “mẻ cá mới kỳ diệu”. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Nguồn: Vatican News
TIN LIÊN QUAN: