Ánh sáng Giêsu xuất hiện – Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III – Năm A

ÁNH SÁNG GIÊSU XUẤT HIỆN

 SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III – NĂM A

(Mt 12, 12-23 )

Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại” (Is 9, 1-4 ). Ánh sáng vĩ đại ấy là ai nếu không phải là Chúa Giêsu. Thật thế, Chúa Giêsu xuất hiện giữa dân chúng, như ánh bình minh rạng ngời buổi sáng, xua tan bóng tối đêm đen. Dân chúng thấy Ngài như thấy ánh sáng huy hoàng… xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết (x.Mt 12, 16), ánh sáng ấy nay tỏ rạng công khai khi rao giảng: “Hãy hối cải, vì nước Trời đã gần đến” (Mt 12, 17). Sứ mạng của Ðấng Cứu Thế trước tiên nhằm đổi mới nội tâm con người, để chính họ sẽ cải tạo vạn vật.

Isaia loan báo

Tiên tri Isaia loan báo cho chúng ta biết: thời Ðấng Cứu Thế sẽ đổi mới hẳn mặt đất này; trước sự suy đồi, mọi nơi sẽ trở nên rạng vinh. Ông không nói đến những thay đổi vật chất. Ông trực tiếp đi vào cơ sở của hạnh phúc con người: Dân đi trong tối tăm sẽ nhìn thấy một ánh sáng lớn. Thiên hạ sẽ hân hoan như trong mùa gặt hái, như trong buổi thắng trận. Vì mọi ách nô lệ, mọi sức đàn áp sẽ bị đập tan (x. Is 9, 1-14).

Thánh Matthêô đã hiểu bài Isaia như vậy nên đã đưa lời tiên tri đó vào phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay để giới thiệu công việc của Chúa Giêsu Kitô, khi Người xuất hiện ra đi hoạt động. Chúng ta cùng xem hoạt động của Chúa Giêsu.

Ánh sáng Chúa Giêsu

Matthêu giải thích, Chúa Giêsu “rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali“. Với địa danh chính xác như thế, nhưng mục đích của tác giả không phải là cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn du lịch. Ý tưởng thần học của Matthêu được giải thích ngay: “Để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia” (Bài đọc I).

Ứng nghiệm điều gì? Giabulon và Nepthali là hai vùng thuộc miền Bắc lúc ấy đang bị sát nhập vào vương quốc Asyri. Thật là hổ người khi nhớ lại quá khứ thất bại và bị đuổi ra ngoài. Tuy nhiên, vị tiên tri với niềm tin vững mạnh đã tuyên bố: “Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng“. Nói cách khác, Isaia muốn khơi lên niềm hy vọng nơi những người tin cậy Chúa, Đấng giải thoát họ, nên ông không ngần ngại nói về ơn cứu rỗi. Đó là sức mạnh của Lời Chúa, Lời thực hiện những gì đã tuyên bố, Isaia gợi lên niềm vui đến từ đức tin: “Dân chúng vui mừng trước nhan Chúa như nhà nông vui mừng trong mùa gặt“. Thánh Vịnh một lần nữa vang lời động viên: “Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa“. Niềm tin này khiến chúng ta vui mừng vì lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện: “Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi “. Sự sáng ấy nay cụ thể hóa nơi con người Đức Giêsu Kitô, thánh Matthêu xác định: Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết“.

Bước theo Chúa Giêsu cần phải hối cải

Ánh bình minh đã ló rạng, từ trên cao chiếu soi dân ngồi trong bóng tối là chính Chúa Giêsu Kitô. Ai bước vào trong ánh sáng ấy cần phải: “Hối cải” nghĩa là đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ tội lỗi sang đời sống là con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng. Và Chúa muốn ánh sáng ấy chiếu soi mọi người; nên Chúa đã chọn các môn đệ như những người phụ tá.

Khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình “Hối cải“. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng, dù thuộc về Phaolô, Phêrô hay Apôlô cũng chỉ có một Đức Kitô. Mọi con mắt phải hướng về Ngài, chính Ngài cứu chuộc chúng ta. Vì thế, khi gọi các môn đệ, là để các ông trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, nên thánh Phaolô có thể nói: “Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Đức Kitô ra hư không“. Phaolô được chọn, để loan báo một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh cho thế gian.

Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Ngài. Chúng ta hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu nguyện xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng.

Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org