Thế giới trong ngày 06-7-2021: Vùng Tigray của Ethiopia đối mặt với nạn đói kinh hoàng

Các công nhân khuân vác người Ethiopia dỡ hàng viện trợ lương thực cho các nạn nhân của xung đột ở một trạm kiểm soát dẫn đến Tigray ở thị trấn Mai Tsebri. Ảnh: Vatican News

Vùng Tigray của Ethiopia đối mặt với nạn đói kinh hoàng; Kỷ niệm 40 năm phong trào “Những cặp vợ chồng sống cho Chúa Ki-tô” ở Philippines; Đức Tổng Giám mục Nyaisonga tái đắc cử chủ tịch HĐGM Tanzania; và Châu Âu cần cậy trông vào Thiên Chúa khi đấu tranh với “mùa đông dân số” là những thông tin chính đáng chú ý.

Vùng Tigray của Ethiopia đối mặt với nạn đói kinh hoàng

Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo rằng hơn 400.000 người vùng Tigray của Ethiopia hiện đang phải đối mặt với nạn đói và hơn 1,8 triệu người đứng trên bờ vực chết đói sau nhiều tháng xung đột.

LHQ đã bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Tigray và hàng nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.

Bất chấp tuyên bố ngừng bắn đơn phương của chính phủ Ethiopia, những cuộc đụng độ tiếp tục xảy ra. Các cuộc giao tranh đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải tị nạn.

Theo Vatican News, ước tính có khoảng 5,2 triệu người cần viện trợ lương thực. LHQ hiện đang có kế hoạch cử các đoàn xe đến các khu vực khó tiếp cận. Tuy nhiên, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ chỉ đủ cho khoảng 1 triệu người trong một tháng ở khu vực Mekelle.

LHQ kêu gọi tất cả các tổ chức an ninh và vũ trang ở Tigray đảm bảo việc di chuyển an toàn cho đoàn tiếp tế.

Kỷ niệm 40 năm phong trào “Những cặp vợ chồng sống cho Chúa Ki-tô” ở Philippines

Ảnh: Agenzia Fides

Phong trào “Những cặp vợ chồng sống cho Chúa Ki-tô” (CFC) nhằm canh tân đức tin trong đời sống gia đình đã kỷ niệm 40 năm thành lập. Các thành viên của CFC đã chia sẻ những thông điệp hy vọng trên mạng xã hội (Facebook, Viber, v.v.).

Trong những năm qua, CFC đã truyền cảm hứng cho các cặp vợ chồng, người độc thân và những người trẻ tuổi cống hiến cuộc đời của họ cho sứ mệnh “canh tân bộ mặt của trần thế bằng đức tin”.

Một thành viên CFC có trụ sở tại Manila cho biết: “Khi kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức, chúng tôi lặp lại cam kết truyền giáo, canh tân gia đình và chăm sóc người nghèo”.

Phong trào CFC bắt đầu từ năm 1981 với 16 cặp vợ chồng người Philippines. Theo hãng Fides, CFC hiện có mặt tại 122 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã bắt đầu các lĩnh vực “Mục vụ gia đình” mới như: “Trẻ em sống cho Chúa Ki-tô”, “Giới trẻ sống cho Chúa Ki-tô”, “Người độc thân sống cho Chúa Ki-tô”, “Những nữ tỳ của Chúa”, và “Các tôi tớ của Chúa”.

CFC cũng đã đưa ra nhiều chương trình phát triển xã hội khác nhau để tiếp cận những gia đình nghèo và khó khăn trong xã hội.

Đức Tổng Giám mục Nyaisonga tái đắc cử chủ tịch Hội đồng Giám mục Tanzania

Đức Tổng Giám mục Gervas Nyaisonga của Tổng Giáo phận Mbeya ở Tanzania.
Ảnh: Vatican News

Hội đồng Giám mục (HĐGM) Tanzania đã tổ chức cuộc bầu cử để chọn một vị điều hành hoạt động của các Giám mục trong ba năm tới (2021-2024).

Cuối tuần qua, văn phòng Tổng thư ký HĐGM Tanzania (TEC) đưa ra thông báo rằng tại phiên họp toàn thể lần thứ 77 của HĐGM gần đây tổ chức tại Ban Thư ký Công giáo, ở Kurasini, vùng Dar es Salaam của Tazania, các Đức Giám mục Tanzania đã tổ chức các cuộc bầu cử để tìm ra chủ tịch mới.

Các Đức Giám mục đã bầu lại Đức Tổng Giám mục Gervas Nyaisonga của Tổng Giáo phận Mbeya làm Chủ tịch HĐGM Tanzania nhiệm kỳ lần hai kéo dài ba năm. Các Đức cha cũng bầu lại Giám mục Flavian Kassala thuộc Giáo phận Geita, làm Phó Chủ tịch.

Theo Vatican News dẫn nguồn tin từ Amecea News, Cha Tiến sĩ Charles Kitima cũng được tái bổ nhiệm làm Tổng Thư ký của TEC thêm ba năm. Cha Chesco Msaga dòng Thừa sai Máu Châu Báu Chúa Ki-tô (C.PP.S.), cũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký mới với nhiệm kỳ tượng tự. Cha Chesco là trưởng Ban Giám đốc Truyền thông của HĐGM Tanzania.

ĐHY Parolin: Châu Âu cần cậy trông vào Thiên Chúa khi đấu tranh với “mùa đông dân số”

Hình ảnh ĐHY Pietro Parolin.
Ảnh: catholicnews.org.uk.

Đức Hồng Y (ĐHY) Parolin hôm Chúa nhật ngày 4/7 đã nói rằng Châu Âu cần cậy trông vào Thiên Chúa khi các nước này phải vật lộn với “mùa đông dân số”.

Trong Thánh lễ cử hành ở nhà thờ chính tòa Strasbourg ở Pháp vào ngày 4/7, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi châu lục này khám phá lại cội nguồn Ki-tô giáo.

Ngài nói rằng Châu Âu cần sự hy vọng nếu muốn chấm dứt mùa đông dân số. Vấn đề này không phải chủ yếu là do kết quả của cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc xã hội, nhưng còn là sự yếu kém về đức cậy và ý nghĩa đích thực của sự sống và tồn vong.

Theo CNA, ĐHY đã đưa ra nhận xét trên sau một bài phát biểu của Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 5 nêu bật tỷ lệ sinh thấp của nhiều nước Châu Âu.

ĐHY Parolin nói, nếu không có sự tôn trọng đối với phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, thì xã hội sẽ không bao giờ tốt đẹp hơn.

ĐHY khẳng định: “Bất cứ ai muốn tạo ra một nhân loại công bằng, bình đẳng, tương trợ và huynh đệ phải đặt con người và phẩm giá của họ ở trung tâm”.

Khánh Ly