Thế giới trong ngày 16-6-2021

Nghi thức tang lễ trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19 ở Kerala, Ấn Độ. Ảnh: Nation Catholic Register

Thêm một Giám mục Ấn Độ qua đời vì Covid-19

Đức Giám mục 65 tuổi ở bang Jharkhand, phía đông Ấn Độ đã mất vì Covid-19, nâng số Giám mục tử vong do dịch bệnh lên 4 Đức cha tính từ tháng 4, trong làn sóng Covid-19 thứ hai càn quét quốc gia này.

Đức Giám mục Paul Alois Lakra của Tổng Giáo phận Gumla qua đời ngày 15/6, một tháng sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 và được đưa đến điều trị tại bệnh viện Constant Lievens ở thủ phủ bang Ranchi.

Tại Ấn Độ, hơn 520 linh mục và nữ tu tử vong do virus Sars-CoV-2. Cha Suresh Mathew, người theo dõi sát tình hình dịch bệnh cho biết: “Trong tháng 6, các ca dương tính với Covid-19 đã giảm mạnh. Tuy nhiên, các ca tử vong vẫn còn ở mức cao. Số linh mục và tu sĩ qua đời sẽ tăng thêm nếu chúng tôi tính cả những ca tử vong vì các biến chứng sau Covid-19”.

Nhiều linh mục và nữ tu đã qua đời sau khi xác nhận âm tính với Covid-19 và đây là một vấn đề đáng lo ngại. Việc tham dự lễ tang cũng không an toàn. “Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều gia đình, và chúng ta chỉ có thể cầu xin với lòng thương xót Chúa để Người gìn giữ chúng ta được bình an”, cha Mathew nói. (Theo UCAnews)

Xung đột tái bùng phát giữa Israel – Dải Gaza, các tổ chức Công giáo nhấn mạnh đến nhân đạo ở đôi bên

Các tòa nhà bị không kích tại Dải Gaza. Ảnh: UNRWA/ CNA

Truyền thông quốc tế đưa tin, rạng sáng ngày 16/6 theo giờ địa phương, Israel đã không kích nhiều mục tiêu tại Dải Gaza. Đây là lần nảy sinh căng thẳng lớn đầu tiên sau xung đột kéo dài 11 ngày hồi tháng 5.

Sau cuộc xung đột kéo dài, một quan chức của cơ quan cứu trợ Công giáo nhấn mạnh người Công giáo cần lưu tâm đến vấn đề nhân đạo của cả hai bên Israel và Dải Gaza. Ông lưu ý rằng trẻ em ở Israel lẫn Dải Gaza đều phải chứng kiến những cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc không kích.

Khi nhắc đến cuộc xung đột kéo dài 11 ngày, ông bày tỏ: “Với tư cách là người Công giáo, điều này là không thể chấp nhận được. Vai trò của chúng ta là thúc đẩy hòa bình với đảm bảo là cả hai bên cùng phát triển, giống như những gì chúng ta muốn khi đặt mình vào vị trí đó”.

Cuộc xung đột 11 ngày bắt đầu từ 10/5, Hamas – cùng với nhóm đồng minh Hồi giáo Jihad – đã bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel. Trong khi đó, quân đội Israel tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu ở Gaza, bao gồm cả các tòa nhà dân cư và một tòa nhà cao tầng có văn phòng của hãng tin AP.

Hàng trăm người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, cùng hàng nghìn người bị thương trong các cuộc xung đột. Ngày 16/5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã báo động về “vòng xoáy của cái chết và sự hủy diệt” trong khu vực. Ngài gọi bạo lực giữa các quốc gia láng giềng là “một tổn thương nghiêm trọng đối với tình huynh đệ” và sẽ khó chữa lành nếu không nhanh chóng mở ra các cuộc đối thoại. (Theo CNA)

Lực lượng bảo an Myanmar thả 6 linh mục

Ảnh: Agenzia Fides

Theo nguồn tin địa phương cho biết, lực lượng an ninh Myanmar đã đột kích vào một nhà thờ và bắt giữ 6 linh mục vì nghi ngờ liên quan đến nhóm phản kháng. Sau khi thẩm vấn, các cha đã được thả.

Rạng sáng ngày 13/6, những người đàn ông trang bị vũ trang đã đột kích vào nhà thờ Assumption ở làng Chanthar, thuộc Tổng Giáo phận Mandalay và bắt 6 linh mục trẻ.

Các cha là những cha khách đến tham dự lễ Thánh Tâm Chúa ngày 11/6 ở thị trấn Ye-Oo gần đó. Các cha bị giam giữ và thẩm vấn trong 15 giờ đồng hồ. Cha Anthony Zaw Win nói rằng các cha đến đồn cảnh sát vào khoảng 5 giờ sáng ngày 13/6 và được đối xử tử tế.

Cảnh sát đã ghi lại chi tiết lịch trình và công việc mục vụ trong giáo xứ của các cha trước đây và cả hiện tại. “Khi họ tin rằng chúng tôi là linh mục Công giáo, một sĩ quan đã ra hiệu thả chúng tôi. Họ chỉ đặt câu hỏi và không làm gì chúng tôi khi bị tạm giam trong thời gian ngắn”, cha Zaw Win chia sẻ thêm.

Tin tức về vụ bắt giữ các linh mục đã lan truyền đến các giáo xứ khác và các tín hữu được mời gọi cầu nguyện để các cha sớm được thả.

Việc bắt giữ các linh mục ở Tổng giáo phận Mandalay diễn ra sau khi quân đội nhắm mục tiêu vào các cuộc tấn công vào các nhà thờ ở Giáo phận Loikaw, bang Kayah và Giáo phận Pekhon ở miền nam bang Shan, Myanmar. (Theo UCAnews)

Anh và xứ Wales ghi nhận số ca nạo phá thai kỷ lục

Ảnh: Catholic for life

Theo số liệu thống kê mới, số ca phá thai đã diễn ra kỷ lục ở Anh và xứ Wales vào năm 2020.

Các số liệu công bố ngày 10/6 cho thấy, có 210,860 ca nạo phá thai trong năm ngoái, con số cao nhất kể từ khi Đạo luật Phá thai năm 1967 được ban hành.

Nhóm bảo vệ sự sống cho biết, con số tăng 1,341 ca so với mức đỉnh điểm năm 2019 đánh dấu một sự gia tăng đáng nghiêm trọng sau khi chính phủ cho phép phụ nữ Anh phá thai trong 10 tuần đầu tại nhà vì đại dịch.

Theo số liệu thống kê do Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội công bố, có 3,083 ca phá thai vì lý do khuyết tật, 693 ca do phát hiện hội chứng Down. Ngoài ra còn có 35 ca phá thai do chẩn đoán sứt môi, hở hàm ếch, tình trạng mà hoàn toàn có thể phẫu thuật chỉnh hình.

Người phát ngôn của tổ chức Quyền Sống – Right to Life – Vương quốc Anh Catherine Robinson cho biết: “Con số này cho thấy sự thất bại của xã hội trong việc bảo vệ các thai nhi và không hỗ trợ đầy đủ cho những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn”.

Đức Giám mục John Sherrington, Giám mục phụ trách vấn đề đời sống của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales đã kêu gọi hủy bỏ các chính sách phá thai tại nhà: “Chúng tôi tiếp tục phản đối bất kỳ đề xuất ban hành vĩnh viễn luật phá thai này, thứ vốn đã được minh chứng là nguy hiểm cho thai phụ và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn thai nhi”. (Theo CNA)

Nữ tu được bầu làm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Eritrea, Châu Phi

Ảnh: Agenzia Fides

Sơ Tsegereda Yonanne của Dòng Nữ tu Truyền giáo Comboni sau khi được bầu làm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Eritrea chia sẻ: “Khi Solomon trở thành vua, ông không xin Chúa sự giàu có và quyền lực, mà xin ơn khôn ngoan và sáng suốt để dẫn dắt dân Chúa”.

Sơ cho biết mình luôn bị ấn tượng bởi sự khôn ngoan của vua Salomon, vì thế sơ cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để giúp Ban Thư ký Công giáo của Eritrea có thể cùng nhau làm tốt công việc.

Tu sĩ đầu tiên được bầu làm người đứng đầu Ban Thư ký nhấn mạnh rằng ưu tiên của sơ là thực hiện các công việc mục vụ, nhân đạo và các hoạt động xã hội thay mặt cho Giáo hội Công giáo phục vụ người dân Eritrea bất kể tuổi tác, dân tộc, tôn giáo.

Khi nhắc đến vấn đề khủng hoảng nghiêm trọng ở vùng Tigray, nữ tu bày tỏ: “Cuộc xung đột giữa Eritrea và Ethiopia là một vấn đề không hồi kết. Các Đức Giám mục Eritrea đã lên án cuộc chiến và kêu gọi lãnh đạo hai quốc gia giải quyết vấn đề trong hòa bình”.

Cha Tesfaghiorghis Kiflom, Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm là người đã phục vụ trong Ban Thư ký hơn 8 năm, đã chúc mừng Sơ Tsegereda. Cha cũng nhắn nhủ sơ tiếp tục duy trì quan hệ hòa bình với chính quyền và tuân thủ nguyên tắc đối ngoại với các đối tác của Ban Thư ký vì điều này sẽ giúp cho quá trình nâng cao nhận thức. (Theo Agenzia Fides)

Khánh Ly